Cộng đồng Việt phản ứng sau khi chứng kiến lá cờ VNCH tại bạo động
Điện Capitol
Người dịch: Que D.
19/01/2021
Translated from Sun Herald’s article “Vietnamese community reacts after South Vietnam flag flies at
violent Capitol riot”
Lớn lên ở Biloxi, Sean
Nguyen được biết rằng lá cờ vàng và ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tượng
trưng cho đất nước mà gia đình anh đã phải rời khỏi và hơn thế nữa.
Isabelle Taft,
ngày 15 tháng 1, 2021
Một
đoàn xe đi xuyên quốc gia của những người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump đã dừng lại ở
Biloxi để biểu tình muốn tổng thống tái đắc cử. Nhóm đang đi khắp đất nước trước
khi dừng chân ở Washington D.C. cho một cuộc biểu tình trước Nhà Trắng. ALYSSA
NEWTON
***
Lớn lên ở Biloxi, Sean
Nguyen được biết rằng lá cờ vàng và ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)
tượng trưng cho đất nước mà gia đình anh đã phải rời khỏi và hơn thế nữa.
Anh nói: “Những gì tôi
đã được dạy là, lá cờ đó đại diện cho tất cả những gì chúng ta đã tranh đấu, và
theo một nghĩa nào đó, [là cờ cũng tượng trưng] cho việc đến Mỹ để sống trong một
nền dân chủ."
Tuần trước, anh Nguyen đã
thấy lá cờ này giữa các biểu ngữ về Trump, cờ Gadsden, cờ Hoa Kỳ và cờ trận của
miền Nam nước Mỹ (Confederate) thời Nội chiến trong đám đông tại Điện Capitol
Hoa Kỳ. (Ngoài ra còn có một số quốc kỳ khác, bao gồm cả Israel, Cuba, Hàn Quốc và
Canada.) Anh thực sự không ngạc nhiên và chia sẻ: nhiều người Mỹ gốc Việt, đặc
biệt là những người lớn tuổi, rất ủng hộ tổng thống Trump.
Anh Nguyen, tốt nghiệp
trường Trung học D’Iberville và hiện đang theo học tại Đại học Loyola ở New
Orleans, đã chứng kiến tình cảnh đó diễn ra trong chính gia đình anh trong kỳ bầu
cử này. Anh thì cấp tiến hơn, trong khi cha mẹ anh tin rằng ông Trump đang giúp
Việt Nam và đương đầu với Trung Quốc.
Nhưng cảnh tượng lá cờ
VNCH ở Điện Capitol vào tuần trước vẫn khiến anh cảm thấy “thất vọng”.
“Tôi và bạn bè đã bàn về
việc này,” anh nói. "Việc xảy ra đã khiến chúng ta trông giống như một trò
hề."
Trong khi đó, một số người
Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump theo dõi trên khắp nước đã rất hào hứng về việc này.
“Lá cờ Việt Nam sẽ cho mọi
người biết rằng người dân Việt Nam... ủng hộ Donald Trump làm tổng thống thêm bốn
năm nữa,” cô Terry Huynh (49 tuổi) sống ở Houston, chia sẻ.
Cô không đến Washington
vào tuần trước, nhưng đã tham dự một cuộc vận động của Tổng thống Trump tại đây
vào tháng 10. Cô ấy đã tham gia đoàn đi xuyên quốc gia cùng những người gốc Việt
ủng hộ Trump, có dừng lại ở Biloxi để tham dự một cuộc vận động.
Tại đó, nhiều người tham
dự đã cho biết rằng trải nghiệm tị nạn khỏi Việt Nam sau khi đất nước được thống
nhất dưới chế độ Cộng sản vào năm 1975 đã khiến họ vô cùng sợ hãi chủ nghĩa cộng
sản và hoài nghi Đảng Dân chủ ngày nay.
VẬN ĐỘNG CHO TRUMP
Tuần trước, ông Nhat
Nguyen ở Houston đã lái xe từ Texas đến Georgia để tham dự cuộc vận động
cho các đảng viên Cộng hòa Kelly Loeffler và David Perdue. Sau đó, ông trở lại
xe và lên đường đến Falls Church, Virginia. Ông ở trong một khách sạn gần Trung tâm Eden, một trung tâm thương mại Việt Nam với tiếng
tăm có lượng cửa hàng và nhà hàng Việt Nam lớn nhất ở miền Đông Hoa Kỳ. Trung
tâm thương mại treo cờ của VNCH bên cạnh cờ Mỹ, và bãi đậu xe của nó có các biển
hiệu đường phố tôn vinh các anh hùng quân sự của VNCH.
Vào ngày 6 tháng 1, ông
Nguyen, 58 tuổi, đã lên một trong 10 xe bus chở người Mỹ gốc Việt từ
Trung tâm Eden đến khu Trung Tâm Quốc Gia (National Mall) để tham dự cuộc vận động
ủng hộ Trump. Ông ước tính đã có 500 người trong nhóm của mình, cộng với hàng
trăm người khác trong các nhóm từ nơi xa như California.
Ông Nguyen, 13 tuổi khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt năm 1975, cho biết rằng
ông cảm thấy mình phải chiến đấu cho “đất nước tự do” nơi ông tái định cư.
“Chúng tôi đã từng mất nước
vì một số lời nói dối,” ông chia sẻ.
Ông Nguyen nói rằng ông
lo sợ nếu không có sự lãnh đạo của Trump, quyền lực của Trung Quốc sẽ không được
kiểm soát. (Sự lo lắng này có nguồn gốc sâu xa. Sau một thiên niên kỷ bị Trung Quốc đô hộ, Việt Nam đã giành được
độc lập vào năm 939 Công Nguyên. Ngày nay, Việt Nam vẫn phải đối đầu với nước láng giềng phương Bắc rộng lớn hơn hẳn
này giành lãnh thổ ở Biển Đông.)
Ông Nguyen đã ở trong
khuôn viên của Trung Tâm Quốc Gia trong lúc những người ủng hộ Trump khác xông
vào điện Capitol, dẫn đến bốn người tử vong. Ông nói mình không nghĩ rằng hầu hết
những người vào Điện Capitol biết họ đã vi phạm pháp luật, vì họ đã có thể đi
vào rất dễ dàng sau khi Cảnh sát Điện Capitol ngừng bảo vệ tòa nhà.
VIDEO :
PHÓNG SỰ CỘNG ĐỒNG : Người biểu tiinhf tràn vào Quốc
Hội Hoa Kỳ trong ngày xác nhận kết quả bầu tổng thống . SBTN
Ông vẫn lạc quan rằng
Trump sẽ có nhiệm kỳ thứ hai, mặc dù ông sẽ chấp nhận kết quả nếu Biden nhậm chức
và cũng sẽ ngừng lên tiếng ủng hộ Trump. Nếu điều đó xảy ra, ông sẽ quay lại
suy nghĩ về một trận thua khác xa xưa hơn.
“Trước đây, tôi đấu tranh
cho tự do ở Việt Nam và tôi đã thua,” ông nói. "Lần này, nếu Biden nhậm chức,
thành thật mà nói, tôi rất buồn."
‘NGƯỜI VIỆT CHÚNG
TA LÀ AI’
Lá cờ vàng đó đại diện
cho Việt Nam Cộng Hòa trong suốt thời kỳ tồn tại, từ năm 1955 đến năm 1975. Sau
sự sụp đổ của Sài Gòn, lá cờ đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào và bản sắc
dân tộc của người Việt hải ngoại chạy trốn chế độ Cộng sản. Ngày nay, lá cờ này
không chỉ phổ biến trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, mà còn ở Canada, Úc, Pháp
và miền Tây nước Đức.
Khi anh Sean Nguyen được
học ở trường rằng lá cờ của Việt Nam là cờ đỏ sao vàng, anh đã rất bối rối.
“Khi còn nhỏ, bất cứ khi
nào hỏi bố mẹ cách vẽ cờ Việt Nam, họ luôn bảo tôi vẽ theo cách đó,” với màu
vàng và các sọc đỏ, anh chia sẻ.
Hanh Hua, một nhân viên địa ốc ở Mobile, đã đến Alabama cùng gia đình vào đầu thập
niên 1990 sau một thời gian ở trại tị nạn tại Philippines. Khi còn nhỏ, cô đã học
cách đọc lời tuyên thệ với lá cờ VNCH. Cha cô từng học tại Học viện Hải quân,
và gia đình cô tôn kính lá cờ không chỉ gắn liền với lòng yêu nước, mà còn với
trải nghiệm của rất nhiều người tị nạn VNCH sau chiến tranh.
Ước tính có khoảng
200,000 người Việt đã mất mạng trên biển khi chạy trốn khỏi Việt Nam.
Cô nói: “Ý nghĩa biểu tượng
của lá cờ này là cuộc đấu tranh của người Việt Nam chúng ta. Đừng nghĩ đến một
nền cộng hòa cụ thể nào cả. Nó tượng trưng cho khoảng thời gian đó. Rất nhiều
người đã ra đi, bất chấp tất cả, để họ có thể có một cuộc sống tốt hơn. "
Đó là lý do tại sao khi
nhìn thấy lá cờ tại Điện Capitol vào tuần trước như một phần trong nỗ lực lật
ngược kết quả bầu cử đã khiến nhiều người đau lòng.
“Nhìn thấy lá cờ bị gắn với
sự căm thù, nạn phân biệt chủng tộc, thói [da trắng] thượng đẳng... thì rất, rất,
rất buồn,” cô nói.
Cô Hua là một thành viên
hội đồng PIVOT:
Tổ chức (cấp quốc gia) Người Mỹ gốc Việt Cấp tiến (Progressive Vietnamese
American Organization). Họ vận động cho các ứng cử viên cấp tiến và tiếp cận với
các cử tri người Mỹ gốc Việt. Trong kỳ bầu cử này, họ thành lập một trang web
có tên là VietFactCheck (Kiểm chứng thông tin tiếng Việt) để cung cấp thông tin
bằng tiếng Việt và tiếng Anh về những thông tin sai lệch phổ biến đang thu hút sự chú ý trong
cộng đồng người Việt. (Rất ít, hầu như không có, nguồn tin tức chính thống Mỹ dịch
các bài báo của họ sang tiếng Việt.)
Sau ngày 6 tháng 1,
VietFactCheck đã đăng một bài viết mới: "Antifa có phải chịu trách
nhiệm cho cuộc bạo động tại Điện Capitol Hoa Kỳ không?" (Kiểm tra sự thật
cho biết: Sai.)
Tổ chức này cũng đăng một
thông điệp lên án việc vẫy cờ Việt Nam Cộng Hòa tại Điện Capitol.
“Những người mang lá cờ
này trước Điện Capitol không những không đại diện cho chúng tôi mà còn phản bội
những giá trị cơ bản nhất của chúng tôi,” thông điệp ghi chú. "Họ đã mạo
phạm lá cờ của chúng tôi vì cuộc nổi dậy sai lầm, thù hận, nguy hiểm và thất bại
của họ."
‘THẬT LÀ THẤT VỌNG’
Cô Gina Nguyen, sinh viên năm nhất Đại học Nam California từ D’Iberville, cho biết cô
thấy nhiều nét giống nhau giữa các thành viên gia đình của cô nhập cư vào Mỹ và
những người nhập cư gốc Mỹ Latin và Hồi giáo mà Trump đã phỉ báng.
“Mình có lý do khi đến
đây, họ cũng có lý do của họ, họ cũng đang tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn,” cô
nói, mô tả lại một cuộc tranh luận với những người ủng hộ Trump người Mỹ gốc Việt.
“Tất cả bọn họ đều tuyệt vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại sao chúng
ta không thể thông cảm hơn với điều đó? Họ đại loại chỉ nhắc lời hùng biện của
Trump và hùa theo. Đó là lý do tại sao tôi thực sự thất vọng khi chứng kiến sự
thể này."
Vào thứ Năm, tác giả người
Mỹ gốc Việt cấp tiến và người đoạt giải Pulitzer, Viet Thanh Nguyen, đã
đăng một bài trên tờ Washington Post so sánh những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và những
người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam Cộng Hòa. Ông lập luận rằng cả hai đều
thể hiện “hoài niệm muốn đào dậy một quê hương không còn và một lý tưởng vô vọng.”
Tuy nhiên, nhiều phản ứng
khác, bao gồm cả từ một số người ủng hộ Trump, thì thầm lặng hơn.
Skylar Nguyen, một học sinh năm cuối trung học ở Gautier, đã nói chuyện với tờ Sun Herald về những chia rẽ chính trị
của gia đình cô vào tháng 10. Sau cuộc bầu cử mà cô đã bỏ phiếu cho Phó Tổng thống
Joe Biden và cha đã cô bỏ phiếu cho Trump, họ đã không nói nhiều về chính trị.
Cô cho biết cha mẹ cô cảm
thấy những gì xảy ra tại Điện Capitol là sai, nhưng họ không ngạc nhiên khi người
Mỹ gốc Việt có mặt trong đám đông do sự nổi tiếng của Trump. Và mặc dù ông nội
của cô là một sĩ quan trong quân đội VNCH, nhưng việc nhìn thấy lá cờ không gây
cảm xúc mạnh với ông.
“Cha mẹ tôi cho rằng mỗi
người một ý thôi,” cô nói.
Lá cờ của Việt Nam Cộng
Hòa cũng là hình ảnh thường thấy trong các cuộc vận động cho ông Biden do người Mỹ gốc Việt tổ chức
trong chiến dịch năm 2020. Cô Nguyen cho biết cô cũng không nghĩ mình sẽ muốn vẫy
lá cờ ở đó.
Cô chia sẻ, “Có thể đây
chỉ là cá nhân tôi, nhưng có cảm giác như chúng ta đang tô vẽ một cộng đồng hoặc
một quốc gia thành tuyền một màu.”
Khi Tổng thống Donald Trump phát biểu trong cuộc vận
động vào thứ Tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021, tại Washington, có thể thấy lá cờ Việt
Nam Cộng Hòa và vài người đứng xem trên cây. EVAN VUCCI AP
--------------
Người dịch: Que D.
Biên tập: K.Tran
No comments:
Post a Comment