Friday, 15 January 2021

NỮ DANH CA LỆ THU QUA ĐỜI, HƯỞNG THỌ 78 TUỔI (Saigon Nhỏ / Người Việt)

 


Lệ Thu, không còn hát cho người…

Lê An  -  Saigon Nhỏ News

Jan 15, 2021

https://saigonnhonews.com/le-thu-khong-con-hat-cho-nguoi/

 

Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, sau một thời gian bị nhiễm COVID-19

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/01/ca-si-le-thu-giong-ca-vang-lan-dan-voi-3-lan-do-vo-hon-nhan-600x430.jpg

Nữ danh ca Lệ Thu 

 

Danh ca Lệ Thu là một trong những ca sĩ xuất sắc nhất làng tân nhạc miền Nam trước 1975. Bà sinh năm 1943 tại Hải Phòng, tên thật là Bùi Thị Oanh. Con đường đến với âm nhạc của bà rất tình cờ. Trong khi đang học bậc trung học Pháp tại Trường Les Lauriers, vào năm 1959 trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Dang dở. Ngay sau đó, ông chủ phòng trà đã mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Giai đoạn từ năm 1968 đến năm 1971, tiếng hát Lệ Thu cuốn hút khán giả đến các vũ trường trung tâm Sài Gòn. Theo báo chí đương thời, ngoài Thái Thanh và Khánh Ly, bà thuộc top ba giọng ca ăn khách nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Nổi tiếng với giọng ca khàn ấm, âm vực rộng, Lệ Thu được nhiều nhạc sĩ viết tặng riêng các ca khúc: Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Thu, hát cho người (Vũ Đức Sao Biển)…

 

Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát. Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do. Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc. Sau năm 1975, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư.

 

Theo bài viết của tác giả Hoàng Linh Lan (ghi lại lời kể của Lệ Thu) đăng trên nhacxua.vn (ngày 29-12-2019), danh ca Lệ Thu đã kể về mình như sau:

 

Cuộc đời tôi như một tờ giấy trắng, được tạo hóa vẽ lên đó những đường nét rõ ràng và tôi chưa một lần đi ngược lại quy luật tự nhiên. Tôi tin mọi thứ đều do trời định cả. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ. Ngay cả khi bén duyên ca hát rồi, tôi cũng chẳng mơ được gọi hai tiếng “danh ca”. Bước lên sân khấu, tôi cứ thế hát bằng tất cả xúc cảm, bằng tâm hồn mình. Có lẽ vậy mà tiếng hát tôi còn được thính giả yêu quý tới giờ. Vì giọng hát theo thời gian sẽ khác đi nhưng tâm hồn trong tiếng hát thì bất biến.

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả. Bên nội, bên ngoại đều khá giả. Mẹ tôi trải qua tám lần sinh nở nhưng các anh chị tôi không được hưởng phúc phận, cứ lên ba là mất. Chỉ có tôi là đứa con duy nhất nhận được toàn bộ tình thương, chăm sóc của cả gia đình. Mẹ lúc nào cũng âu yếm gọi tôi “em ơi”, “cô ơi”. Tôi có một cuộc sống đầy đủ trong căn nhà đúng kiểu làng quê miền Bắc ngày đó. Một căn nhà ba gian, có ao thả cá, có vườn cây hoa trái rộng bát ngát.

 

Tuổi thơ tôi bình yên trôi. Tôi hầu như không biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, đi học ở đình làng gần nhà, sau đó chuyển từ Hà Đông lên Hà Nội. Thấy tôi mê nhạc, gia đình cho tôi đi học đàn. Nhưng nghĩ, con gái mà học guitar sợ “ngổ ngáo” quá nên bố mẹ gởi tôi vào trường dòng từ lúc lên năm cho tôi học piano. Đam mê được thỏa nguyện tạo nên trong tôi tình yêu vô cùng trong âm nhạc. Mặc nhiên đến mức tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể khác đi. Ca hát, với tôi là duyên số, là phước phần trời định. Gia đình tôi, các chú, các cậu đều hát rất hay. Tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc không ai có cái nghiệp như tôi.

 

Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền mẹ cả, phải chịu đựng đủ điều. Đủ thứ việc trong nhà, cụ phải giang tay cáng đáng, chẳng bao giờ được nghỉ tay. Năm tôi 10 tuổi, mẹ con tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Nhà tôi hồi đó nằm trên đường Phan Đình Phùng, cạnh nhà có một ông thầy dạy nhạc. Tôi thường nghe tiếng nhạc phát ra từ nhà ông rồi cứ thế véo von hát theo. Bạn bè, bà con lối xóm cứ thế kéo sang đứng chật trước cửa nhà, trầm trồ: “Ôi, con bé này hát hay quá!”. Tôi nghe thì biết vậy chứ có hiểu thế nào là hát hay hoặc chưa hay đâu. Có người kêu tôi, đi thi hát đi. Tôi tò mò hỏi thế thi hát là thi như thế nào? Họ bảo lên đài phát thanh ghi tên, rồi đứng trong phòng kính có đặt một tấm gương cho mình nhìn vào và hát. Trí óc non nớt của một đứa con gái 13, 14 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chưa từng đến phòng thu, làm sao có thể hát trước một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình trong một căn phòng kín như thế? Tôi sợ nên không dám đi thi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/01/danh-ca-le-thu-voi-3-cuoc-hon-nhan-nhieu-bi-kich-1.jpg

Lệ Thu

 

Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một nhỏ bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Toàn bạn bè chơi với nhau, có gì đâu mà ngại. Tôi liền đứng lên hát bài Tà Áo Xanh (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong vô thức tự nhiên tôi hát bài đó thôi chớ không nghĩ chuyện kiêng kỵ gì hết. Tự dưng đâu, giọng hát tôi “lọt tai” ông chủ phòng trà. Ổng bèn ngỏ lời mời tôi đi hát. Gia đình tôi gia giáo, biết chắc là mẹ không thể nào chấp nhận chuyện này nên tôi thẳng thừng từ chối. Ông thuyết phục tôi rằng: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn thảo luận bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy.

 

Thế là tối tối, tôi giấu mẹ đi hát. Nhiều khi tôi mặc cả đồng phục ở trường đi hát luôn. Khi ông chủ phòng trà hỏi, tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết, chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt, và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại được bật lên một cách tự nhiên như thế.

 

Xế nhà tôi có anh hàng xóm thích tôi lắm. Mỗi lần ăn cơm xong, có tráng miệng lúc trái na, lúc trái cam, anh không ăn mà để dành cho tôi. Thấy tôi đi qua, ảnh không dám đưa tận tay, chỉ quẳng cho tôi và tôi cũng hồn nhiên nhận. Ảnh và tôi học khác trường. Bốn năm trời ảnh cứ đạp xe đứng ngóng tôi trong những giờ ra chơi vậy đó. Tối nào tôi cũng đi hát khiến ảnh tò mò. Độ đâu vài tháng, anh biết được và đem mách mẹ tôi. Cụ nghe chuyện, nổi trận lôi đình. Cụ sợ tôi khổ do vướng phận “xướng ca vô loài”, rồi vướng chuyện trai gái này nọ. Tôi đứng im re nghe cụ rầy, không dám giải thích tiếng nào hết.

 

Bẵng đi ba bốn hôm, không thấy tôi đến, nghĩ là có chuyện, ông chủ phòng trà tìm đến tận nhà. Mẹ tôi cấm ngặt. Ông thuyết phục mẹ tôi rằng, tôi có giọng hát rất hay và lạ, mong mẹ đừng để lỡ cơ hội và tài năng của tôi. Thấy mẹ còn lo lắng, ông mời mẹ lên phòng trà mục sở thị. Mẹ tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày liền mới quyết định đi thử. Bữa đó, gia đình tôi đông người đi xem lắm. Bác tôi cứ liên tục đay nghiến mẹ: “Tại sao cô lại để cho nó đi hát chứ?”. Coi tôi bước lên bục hát vài bài rồi xuống, mẹ tôi còn tưởng là lừa cụ do đâu nghĩ mọi chuyện dễ dàng vậy mà được trả thù lao cao thế. Đi vài đêm, nghe thính giả vỗ tay rần rần, cụ bắt đầu lay chuyển và đồng ý, với điều kiện phải cho cụ theo. Suốt hai năm như vậy, cụ mới cảm thấy yên tâm để tôi đi một mình.

 

Ngày ấy, con gái đến tuổi cập kê mà chưa cưới hỏi thì các cụ lo sốt vó. Tôi lại vướng nghiệp cầm ca nên mẹ tôi càng rầu. Thành ra, anh chàng kia mới quen tôi đâu được một tháng thì đem sính lễ tới nhà hỏi cưới tôi, cụ gật đầu gả liền. Thời đi học, cũng lãng mạn, làm thơ này nọ nhưng tôi chưa bao giờ biết yêu ai. Đùng một cái đi lấy chồng, mọi thứ kéo từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Tôi hơn hai mươi tuổi đầu mà chuyện bếp núc, chuyện làm dâu, chuyện vợ chồng cứ lóng nga lóng ngóng. Năm này qua tháng khác, riết người ta làm sao chịu nổi. Thành ra, tụi tôi mỗi người mỗi hướng. Tôi không thấy buồn gì hết. Tại hồi đó, tôi có biết yêu là thế nào đâu. Nhiều người cho rằng, cái tên và những bài tôi hát đồng cảm với cuộc đời tôi. Tôi cũng không hiểu vì sao nó lại vận vào mình. Để đến khi gặp người mình yêu thương thật lòng thì chuyện lại dở dở dang dang. Âu lỗi cũng ở mình và ở người. Tự ái và cái tôi lớn hơn sự cảm thông thì đành lỗi duyên giai ngẫu…

 

Ở tuổi này rồi, sự trải nghiệm khiến tôi thấm lẽ đời. Tạo hóa vốn dĩ rất công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng thì phải lấy lại một cái gì đó. Và người lấy của tôi hạnh phúc trong cuộc sống riêng. Hôn nhân là chuyện nợ, chuyện duyên. Nếu có duyên nợ với nhau, sẽ cùng nhau đi hết một đoạn đường dài. Duyên nợ của tôi có lẽ chỉ đến đó, và chúng tôi đã trả cho nhau xong rồi. Định mệnh mà, có được làm lại cũng sẽ không thể thay đổi. Dẫu gì cũng đã cùng nhau qua một đoạn đường trần.

 

Tôi được nghe ở đâu đó rằng, hạnh phúc trong tầm tay mình và hiện hữu ở hiện tại. Quá khứ là gia sản của mỗi người, những gì có được ở hiện tại, dù là không may mắn nhưng tôi luôn bằng lòng với nó. Người Mỹ hay dùng thành ngữ “Born to be that way” để nói về vận mệnh. Có những người sinh ra để hưởng phú quý, có người số phận khổ sở,… còn tôi sinh ra để làm một nghệ sĩ. Chuyện trở thành một ca sĩ là điều tất yếu và nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn làm như vậy. Điều khiến tôi hối tiếc nhất là tôi đã sống chưa đủ đầy bổn phận với mẹ, với các con. Chưa đủ đầy ở đây là không trực tiếp chăm sóc, nhìn các con trưởng thành từng ngày. Có lẽ, tôi hơi ích kỷ… Không! Đúng ra là tôi ích kỷ. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thổ lộ điều này. Tôi chỉ nghĩ cho mình, tự thương mình nhiều quá mà quên mất những điều người thân trông chờ và cần ở mình. Nếu được sống lại, có lẽ, tôi sẽ sống khác đi. Sẽ biết cách cân bằng hơn giữa công việc và gia đình thay vì lúc nào cũng chỉ miệt mài dồn sức cho công việc.

 

Cũng vì lẽ ấy nên tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ xa con cháu… Tôi yêu thương và muốn bù đắp cho chúng. Các con trưởng thành và xây dựng cuộc sống riêng ở đâu thì đó là nơi chúng phải gắn bó dài lâu. Với tôi, nơi nào được gần những người mình yêu thương, nơi đó chính là nhà. Ở tuổi này rồi, thi thoảng tôi nghĩ đến chuyện trở về thế giới bên kia. Ai rồi cũng phải về thôi mà, phải không? Không phải vì tôi buồn, vì thiếu thốn, hiu quạnh hay bất cứ lý do nào khác. Danh vọng, tiền tài, gia đình, tôi may mắn được ơn phước cho đủ đầy rồi. Còn mong gì hơn? Chỉ là, cái đẹp biến mất khi dấu ấn vẫn còn, hẳn sẽ trọn vẹn hơn.

 

----------------------------------------------------

 

Danh ca Lệ Thu qua đời, hưởng thọ 78 tuổi   

Người Việt

Jan 15, 2021

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/danh-ca-le-thu-qua-doi-huong-tho-78-tuoi/

 

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, sau một thời gian bị nhiễm COVID-19, ái nữ của bà xác nhận với nhật báo Người Việt.

 

Vì lý do riêng tư, ái nữ của danh ca không muốn nêu tên.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/DP-Danh-ca-Le-Thu-qua-doi-1536x1024.jpg

Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)

 

Trước đó, hôm 29 Tháng Mười Hai, 2020, ái nữ của nữ danh ca Lệ Thu kể: “Mẹ tôi nhiễm COVID-19 và được đưa vào bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, khoảng ba tuần nay. Hiện nay, tình trạng sức khỏe mẹ tôi khả quan hơn, đang ăn uống để hồi sức.”

 

Cô kể tiếp: “Có lẽ mẹ tôi ăn đồ ngọt hơi nhiều, rồi nằm một chỗ, y tá cho biết lượng đường lên đến 400, phải điều trị, hơi phức tạp. Vì mệt quá, nên y tá không tập được, khó thở, nên bắt buộc phải thở bằng máy.”

 

Khi được hỏi mong mỏi điều gì nhất lúc này, ái nữ của nữ danh ca nói: “Tôi mong những người hâm mộ mẹ, nếu có nghĩ đến bà, xin cầu nguyện cho bà chóng qua khỏi. Nếu phải ra đi thì đi trong nhẹ nhàng. Cầu mong có một phép lạ nào đó cho bà chóng bình phục.”

 

Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… như “Nước Mắt Mùa Thu,” “Mùa Thu Chết,” “Hạ Trắng,” “Thu Hát Cho Người”…

 

Theo Wikepedia, nữ danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 Tháng Bảy, 1943, tại Hải Phòng, trong gia đình có tám người con, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.

 

Năm 1953, nữ danh ca cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

 

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959, trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Dang Dở.”

 

Ngay sau đó, ông chủ phòng trà mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó bà lấy nghệ danh Lệ Thu.

 

Trong một lần phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu.”

 

Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát.

 

Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bản như “La Vie En Rose,” “A Certain Smile,” “La Mer,” “Love Is A Many Splendored Thing”…

 

Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz.

 

Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee.

Ngoài việc đi hát hàng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.

 

Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do.

 

Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc.

 

Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới năm 1975.

 

Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn và hát.

 

Tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu vượt biển đến Pulau Bidong, Malaysia, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980.

 

Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do nhạc sĩ Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills.

 

Sau đó bà cộng tác với nhiều vũ trường, và thực hiện băng nhạc đầu tiên ở hải ngoại, mang tên “Hát Trên Đường Tử Sinh,” và tiếp tục thu âm những bản nhạc từng làm bà nổi tiếng.

 

Sau này, bà có về Việt Nam hát một thời gian. (Đ.D.)

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats