Wednesday, 13 January 2021

NIỀM LẠC QUAN CHO NĂM MỚI (Jeffrey D. Sachs - Project Sybdicate)

 


Niềm lạc quan cho năm mới

Jeffrey D. Sachs  -  Project-Syndicate

Dịch giả: Đỗ kim Thêm

13/01/2021

https://baotiengdan.com/2021/01/13/niem-lac-quan-cho-nam-moi/

 

Có ít nhất năm lý do để lạc quan cho năm 2021. Trong năm tới, chúng ta có thể đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới về phát triển bền vững, hòa bình và hợp tác, mặc dù chúng ta cũng phải cảnh giác để ngăn chặn các thế lực tham lam, thiếu hiểu biết và thù hận từ việc chiếm đoạt các công nghệ mới cho các mục đích thầm kín của họ.

 

Năm 2020 là một năm đáng kinh ngạc, với đại dịch COVID-19, sự đảo ngược kinh tế trên toàn thế giới, các thảm họa liên quan đến khí hậu trên diện rộng, tình trạng bất ổn xã hội lan tràn khắp nơi và thậm chí cả những lời tuyên bố giả mạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về gian lận bầu cử quy mô và kêu gọi những người ủng hộ Trump cho tình tình trạng thiết quân luật. Tuy nhiên, bất chấp những tin tức tồi tệ, năm mới cũng mang lại một số lý do mạnh mẽ cho sự lạc quan. Trong năm tới, chúng ta có thể đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới về sự phát triển bền vững, hòa bình và hợp tác.

 

Lý do đầu tiên cho sự lạc quan là sự thành công của nhiều quốc gia trong việc ngăn chặn COVID-19. Các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đa dạng về văn hóa và chính trị như Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, New Zealand và Việt Nam, đã triển khai các chiến lược y tế công cộng hiệu quả để ngăn chặn đại dịch. Một số quốc gia ở các khu vực khác cũng vậy, bao gồm cả Nam Sahara ở châu Phi.

 

Trong khi các thông tin hàng đầu bị chi phối bởi những thiếu sót tai hại trong cách ứng phó với đại dịch ở Hoa Kỳ và Châu Âu, những thành công ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và những nơi khác chỉ cho chúng ta thấy, sự kết hợp giữa quản trị tốt, công dân có trách nhiệm và các chính sách dựa trên bằng chứng có thể giải quyết các thách thức nghiêm trọng và cấp bách.

 

Lý do lạc quan thứ hai là sự xuất hiện của vắc-xin mới, không chỉ là nguồn hy vọng lớn lao để cứu sống và ngăn chặn virus, mà còn là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của khoa học hiện đại trong việc mang lại những đột phá công nghệ trong thời gian kỷ lục. Việc chế tạo vắc-xin thể hiện “sứ mệnh khảo cứu” nhắm mục tiêu nghiên cứu và phát triển trong nỗ lực công-tư. Cách tiếp cận mang tính sứ mệnh tương tự cần được triển khai để giải quyết các thách thức khác trong toàn cầu, chẳng hạn như thúc đẩy năng lượng tái tạo, canh tác bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Lý do thứ ba cho sự lạc quan là Trump đã bị đánh bại một cách dứt khoát trong cuộc bầu cử tháng 11. Giống như nhiều nhà dân chủ giả hiệu trước đây và hiện tại, Trump đã có thể huy động một số lượng lớn công chúng ủng hộ với sự hỗ trợ của tuyên truyền đại chúng, đặc biệt là trong hệ thống Fox News của Rupert Murdoch. Tuy nhiên, những lời nói dối và bôi nhọ cũng đủ để công chúng nhìn thấy, cho phép Hoa Kỳ tạo ra một khởi đầu mới sau triều đại thảm hại của Trump về thái độ thiếu cẩn trọng, thù hận và dối trá.

 

Sự thiếu hiểu biết và dối trá của Trump đã góp phần gây ra hơn 330.000 trường hợp tử vong ở Mỹ do COVID-19 vào năm 2020 (ND: Hiện tại, có gần 392.000 người chết), gần 1/4 số ca tử vong trên thế giới do virus, mặc dù Hoa Kỳ chỉ chiếm 4% dân số thế giới. Việc Trump xử lý sai lầm tai hại đối với COVID-19 cuối cùng đã dẫn đến việc thất cử, nhưng ngay cả khi đó Trump đã cố gắng duy trì quyền lực bằng cách đưa ra những tuyên bố tuyệt vọng và ảo tưởng về việc gian lận khắp nơi. May mắn thay, cả công chúng và các tổ chức Hoa Kỳ – các thị trưởng, thống đốc, cơ quan lập pháp tiểu bang, tòa án và quân đội – đều chống lại sự thúc đẩy độc đoán của Trump, để Tổng thống đắc cử Joe Biden, một người đàng hoàng, danh dự và thuần lý, sẽ sớm được nhậm chức.

 

Lý do thứ tư cho sự lạc quan là hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, bất chấp những sóng gió ào ạt trong năm 2020. Được thành lập cách đây 75 năm bởi tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ, Franklin Delano Roosevelt, Liên Hiệp Quốc như một bức tường thành chống lại các cuộc chiến tranh trong tương lai. Nó bảo vệ ba trụ cột của chủ nghĩa đa phương: hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Năm 2020, nó hoạt động một cách đáng ngưỡng mộ trên cả ba mặt trận, bất chấp những lời khiêu khích từ chính quyền Trump.

 

Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc ngày nay được lãnh đạo bởi những quan chức nam và nữ có kỹ năng và chính trực tuyệt vời, và Tổng thư ký António Guterres đã hướng dẫn tổ chức với kỹ năng và tầm nhìn to lớn trong năm khó khăn nhất kể từ khi được thành lập. Vào năm 2021, Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức một số cuộc họp toàn cầu quan trọng – về đại dương, đa dạng sinh học, hệ thống lương thực và khí hậu – cùng nhau có thể đặt nền móng cho nhiều thập kỷ hợp tác toàn cầu về phát triển bền vững.

 

Lý do thứ năm cho sự lạc quan là cuộc cách mạng kỹ thuật số, tác nhân chính bất thành văn hàng đầu của phản ứng đại dịch toàn cầu. Các hoạt động trực tuyến giữ cho thế giới hoạt động. Trong vòng vài tuần, các doanh nghiệp, trường học, tài chính, chính phủ, thương mại, các cơ quan thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hệ thống Liên Hiệp Quốc đã tham gia trên mạng với tốc độ, phạm vi và độ sâu không thể tưởng tượng được cho đến thời điểm này. Các công nghệ kỹ thuật số đã đóng một vai trò trực tiếp trong việc chống lại dịch bệnh, cung cấp thông tin, giám sát các mô hình lây truyền dịch bệnh và cung cấp nhiều dịch vụ trong hệ thống y tế.

 

Chuyện rõ ràng là, thế giới kỹ thuật số mới không phải là một thiên đường thuần khiết. Đáng buồn thay, một nửa thế giới vẫn thiếu đường truy cập Internet. Kết quả là, sự chuyển dịch nhanh chóng của công việc, trường học, đời sống xã hội, thương mại và giải trí sang các nền tảng trực tuyến đã thúc đẩy sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa những người có Internet và không có Internet. Hơn nữa, công nghệ kỹ thuật số đã làm phát sinh các tệ nạn xã hội mới và nghiêm trọng khác, bao gồm các vụ tấn công trên mạng với quy mô lớn, tin tức giả mạo, chiến tranh mạng và sự giám sát không an toàn của chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân.

 

Hai bộ mặt tích cực và tiêu cực của thời đại kỹ thuật số thể hiện tình hình mà chúng ta phải đối phó trên nhiều mặt. Chúng ta có thể lạc quan khi biết rằng, các công nghệ tiên tiến và kiến thức khoa học của thế giới cho phép chúng ta giải quyết các vấn đề toàn cầu trong cấp bách. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cảnh giác để ngăn chặn các thế lực tham lam, thiếu hiểu biết và thù hận chiếm đoạt các công nghệ mới cho các mục đích thầm kín của họ.

 

Các triết gia Hy Lạp thời cổ đại tin rằng, chính trị và đạo đức phải song hành. Aristotle đã viết hai danh tác là Đạo đức học Nicomachean và nền Chính trị học, như là những công trình nghiên cứu đồng hành, tác phẩm đầu tiên hướng dẫn cho hạnh phúc của con người và tác phẩm thứ hai hướng dẫn về cách chính trị có thể thúc đẩy hạnh phúc cho Hy Lạp.

 

Trong thời đại của chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày hai thông điệp quan trọng, Laudato si ’vào năm 2015 và Fratelli tutti vào năm 2020, để chỉ ra cách đạo đức có thể giúp hướng dẫn thế giới đến sự bền vững về môi trường và hòa bình toàn cầu. Thông điệp mới mô tả sâu xa về cách có thể vươn ra ngoài tầm của gia đình, cộng đồng và quốc gia của chúng ta để xây dựng đối thoại và lòng tin trên toàn thế giới.

 

Vì vậy, chúng ta hãy bước vào năm 2021 với sự lạc quan thật sự, nhưng thận trọng. Chúng ta hãy quyết tâm mở rộng những thành công về sức khỏe cộng đồng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các vắc xin mới được phát triển ở Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc để mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

 

Chúng ta hãy quyết tâm gạt bỏ những thù hận đã làm suy yếu sự hợp tác toàn cầu và hợp lực để khắc phục tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói loại trừ và tàn phá môi trường đang đe dọa thế giới. Chúng ta hãy nhân đôi sự ủng hộ của mình đối với Liên Hiệp Quốc, để xây dựng một tương lai dựa trên hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Và đối với những người ở Mỹ, chúng ta hãy bắt đầu hàn gắn một đất nước tổn thương và chia rẽ.

 

                                                      ***

 

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư Khoa Phát triển Bền vững, Quản lý và Chính sách Y tế, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững, Đại học Columbia, Giám đốc Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Ông là cố vấn cho ba Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và là tác giả các cuốn sách The End of PovertyCommon WealthThe Age of Sustainable DevelopmentBuilding the New American Economy. Tác phẩm mới nhất là A New Foreign Policy: Beyond American Exceptionalism.

 

Giới thiệu trang nhà của dịch giả: https://kimthemdo.com

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats