Sunday 24 January 2021

NHÌN SANG NƯỚC MỸ TRONG BỐN NĂM QUA (Phan Thành Đạt)

 


Nhìn sang nước Mỹ trong bốn năm qua (Phần 1)

Phan Thành Đạt

22/01/2021

https://baotiengdan.com/2021/01/22/nhin-sang-nuoc-my-trong-bon-nam-qua-phan-1/

 

Năm 2019, trong một lần đến Rome, thủ đô của Ý, tôi ghé thăm Vatican. Đây là quốc gia nhỏ nhất thế giới, với diện tích 44 ha và dân số khoảng 900 người. Vatican là một đất nước đặc biệt. Người đứng đầu Vatican là đức Giáo Hoàng, là người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với 2 tỉ người công giáo trên thế giới.

 

Vatican có những di sản kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc vô giá mà không có một đất nước nào có được. Những thiên tài thời kỳ văn hoá phục hưng như Léonard de Vinci, Michel-Ange, Raphaël… đều làm việc cho Vatican. Họ để lại nhiều di sản quý cho đất nước này.

 

Khi đi dạo trên quảng trường San Pietro, tôi ngắm nhìn mái vòm (Duomo) của nhà thờ lớn nhất thế giới. Mái vòm là một kiệt tác về kiến trúc, do Michel-Ange thiết kế vào thế kỷ XVI. Sau này, người Pháp đã học theo để xây dựng điện Invalides ở Paris. Người Mỹ học theo để xây dựng điện Capitol, nơi đặt trụ sở của Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ.

 

Năm 2019, người ta trưng bày trên quảng trường San Pietro một tác phẩm điêu khắc bằng đồng rất lớn của một nghệ sĩ người Mỹ. Tác phẩm là hình ảnh một con tàu chật kín người, những người Do Thái, những người nghèo khổ, những người nông dân lam lũ, đến từ những làng quê nghèo ở châu Âu, những người phụ nữ gầy gò với nét mặt lo âu đang ôm những đứa trẻ nhỏ, mắt họ nhìn về nước Mỹ.

 

Họ gặp nhau trên cùng một con tàu. Họ có chung nguyện vọng sang Mỹ. Họ mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đó. Đáp lại nguyện vọng của họ, nước Mỹ đón nhận tất cả. Nước Mỹ trở thành vùng El Dorado, vùng đất hứa của những người khốn khổ. Cho đến hôm nay, người ta vẫn nói về giấc mơ Mỹ.

 

Mỹ là một đất nước đa sắc tộc, đa văn hoá, một nền dân chủ được hình thành và phát triển từ thời lập quốc. Nơi đây, nền dân chủ đã đơm hoa kết trái trên một vùng đất rộng lớn. Nơi đây, văn hóa dân chủ đã ăn sâu trong suy nghĩ của con người… Tôi cho rằng đó là điều vĩ đại của nước Mỹ.

 

                                                    ***

Ngày 6 tháng 1 năm 2021 là một ngày đen tối ở Mỹ, khi những kẻ quá khích thuộc các nhóm cực hữu, ủng hộ ông Trump, theo lời kêu gọi của tổng thống đương nhiệm lúc đó, đã xâm nhập điện Capitol, đập phá, gây ra vụ bạo loạn với 5 người chết. Người kích động và phải chịu trách nhiệm trực tiếp biến cố này là Donald Trump, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

 

Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/1/2020 vừa qua, ông Trump luôn phủ nhận thất bại của mình. Ông cho rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, mặc dù hơn hai tháng qua, ông ta đã nộp đơn kiện tổng cộng 62 vụ lên tòa án các cấp tiểu bang, liên bang và thậm chí cả Tối cao Pháp viện, nhưng hầu hết đều thua, hoặc tòa không nhận đơn do không cung cấp chứng cứ. Ông Trump đành làm liều, ‘lật đổ’ bằng cách kêu gọi đám đông tập hợp tại thủ đô Washington để giành lại quyền lực.

 

Là người theo chủ nghĩa dân túy (1), vì lòng ích kỷ và tham vọng quyền lực, Trump xây dựng thuyết âm mưu gây chia rẽ người Mỹ (2). Trump cũng là người hoang tưởng tự đại, khi tất cả những gì đi ngược lại suy nghĩ của mình đều sai, là giả dối (3), Trump luôn tin tưởng những việc mình làm là đúng, nếu sai thì không phải do Trump, mà do những người khác làm, hoặc nguyên nhân khác.

 

1.- Donald Trump, người theo chủ nghĩa dân túy

 

Chủ nghĩa dân túy là một khuynh hướng chính trị của một số lãnh đạo thế giới hiện nay. Lợi dụng những yếu kém của chính quyền, khiến người dân bất mãn, những người theo chủ nghĩa dân túy phê phán bộ máy nhà nước tham nhũng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Họ phê phán tầng lớp thiểu số vì quyền lợi riêng mà đưa ra các quyết định sai trái, làm hại đất nước.

 

Những người theo chủ nghĩa dân túy muốn thiết lập một hình thức quản trị xã hội mới, tuyên truyền rằng, họ đặt quyền lợi của người dân lên cao nhất. Thông qua các bài diễn văn, những người theo chủ nghĩa dân túy đề cao chủ nghĩa dân tộc, chống người nước ngoài. Để lấy lòng dân chúng, họ đưa ra những lời hứa, những chương trình hành động hấp dẫn. Bằng các bài diễn văn mị dân, kích động, thậm chí phân biệt chủng tộc, các nhà lãnh đạo dân túy củng cố quyền lực cho mình.

 

                                                               ***

Ở Mỹ, cuộc chiến chống Iraq và chống khủng bố từ thời Tổng thống Bush con, tiếp tục được duy trì dưới thời Tổng thống Obama, đã khiến nước Mỹ kiệt quệ. Những khoản chi tiêu ngân sách khổng lồ cho hai cuộc chiến tranh kéo dài gần 20 năm nhưng kết quả thu được gần như không có gì. Mối đe doạ khủng bố và bóng ma suy thoái kinh tế luôn rình rập nước Mỹ. Người Mỹ chán ghét chiến tranh, họ muốn những người lính được trở về nhà, đã tạo cơ hội cho lãnh đạo dân túy lên ngôi.

 

Toàn cầu hóa cũng đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc đưa một lãnh đạo mị dân như Trump lên nắm quyền ở Mỹ. Toàn cầu hóa đã dịch chuyển một số ngành công nghiệp như khai thác thép, ô tô, khai thác than… ra nước ngoài, do nhân công ở các nước khác rẻ hơn. Hậu quả là, nhiều hãng xưởng ở khu vực Đông Bắc và Trung Tây (còn gọi là vùng “Rust Belt”) của Mỹ bị đóng cửa, phần đông dân chúng ở các khu vực này là giới công nhân, thợ thuyền người da trắng, bị thất nghiệp, được ông Trump hứa hẹn mang lại việc làm cho họ, nên họ đã bầu cho ông, giúp ông thắng cử hồi năm 2016.

 

Donald Trump cũng hiểu rõ những lo âu của người Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông ta sử dụng lại câu khẩu hiệu “Make America Great Again”, lấy từ khẩu hiệu “Let’s Make America Great Again” của Ronald Reagan, tổng thống thứ 40 của nước Mỹ. “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” là khẩu hiểu có sức khái quát rộng và mang nhiều ý nghĩa, đánh thẳng vào tâm lý con người. Donald Trump đã dùng khẩu hiệu đó tuyên truyền, để lôi kéo công chúng.

 

Trong khi Reagan chỉ nói một cách chung chung, thì Trump muốn cụ thể hoá khẩu hiệu này và biến nó thành thực tế. Nếu Reagan hợp thức hoá 3 triệu người nhập cư không có giấy tờ, thì Trump thực hiện chính sách chống di dân và quyết tâm xây dựng bức tường ngăn biên giới giữa Mỹ và Mexico.

 

Khẩu hiệu “America First” – Nước Mỹ trên hết, là khẩu hiệu được Trump nhắc đến thường xuyên dưới thời của vị tổng thống thứ 45 này, khiến người Mỹ luôn có cảm giác Donald Trump luôn làm việc, cống hiến vì nước Mỹ, bảo vệ lợi ích thiết thực của người Mỹ.

 

                                                          ***

Một chính trị gia tiêu biểu cho nước Mỹ cần hội đủ ba yếu tố: Một người mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm; một người có tầm nhìn, đưa ra những chính sách khôn ngoan bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, nhằm duy trì vị trí siêu cường số một thế giới; một người biết giải quyết những khó khăn hiện tại của nước Mỹ. Hai câu khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “nước Mỹ trên hết” gần như đã đáp ứng đòi hỏi những tiêu chuẩn trên.

 

Trong bài diễn văn nhận chức của mình, Donald Trump khẳng định, nền công nghiệp Mỹ đang lâm nguy vì từ lâu nước Mỹ làm giàu cho các nước công nghiệp khác. Người Mỹ thất nghiệp bởi vì có nhiều người nhập cư bất hợp pháp lấy mất công việc của người Mỹ, đe doạ an ninh nước Mỹ. Hạn chế nhập cư, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, giành lại công việc cho người Mỹ, lập lại trật tự là những ưu tiên hàng đầu. Chính sách của Donald Trump giống với quan điểm chính trị của Victor Orban, thủ tướng Hungary, người theo chủ nghĩa dân túy, hoặc giống Marine Le Pen, người đứng đầu đảng dân túy cực hữu ở Pháp…

 

Về đối ngoại, Trump cho rằng, nước Mỹ cần thu lợi và tranh thủ thế giới, chứ không phải để thế giới lợi dụng nước Mỹ và làm giàu trên lưng người Mỹ. Vì là một người có đầu óc con buôn, nên Trump có cái nhìn về kinh tế, chính trị, ngoại giao… rằng mọi thứ phải mang lại lợi nhuận ngay, chứ không có cái nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo Mỹ.

 

Trump đòi NATO và các nước Nhật, Nam Hàn… phải trả thêm tiền để Mỹ đóng quân ở các nước đó, biến Mỹ thành lính đánh thuê, thay vì mục đích lớn hơn là bảo vệ đồng minh, ngăn chiến tranh từ xa, mà các lãnh đạo tiền nhiệm đề ra. Kết quả là, Trump gây sự với nhiều nước, trong đó có các nước đồng minh lâu đời như NATO.

 

Ngoài ra, Trump còn cho rằng, Mỹ không được lợi gì khi tham gia các tổ chức quốc tế nên đã rời bỏ một số tổ chức quốc tế, trong đó có quyết định rút lui khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Hiệp ước Hạt nhân Iran (Iran Nuclear Deal), Thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TPP… Nước Mỹ thời Trump đã tự cô lập khi chia tay các tổ chức quốc tế, cũng như không tham gia vào các hiệp ước có tính chiến lược.

 

Dưới thời Trump, Mỹ bất đồng với các thành viên khối NATO, ngoài chuyện Trump yêu cầu các nước trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương phải đóng góp ngân sách nhiều hơn, Trump còn cho rằng cần đánh thuế các mặt hàng đến từ châu Âu vì cán cân thương mại nghiêng về châu Âu.

 

Sau khi nhậm chức, Trump cũng đã khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đánh thuế mạnh vào hàng hoá đến từ quốc gia này. Nhưng cho tới khi hết nhiệm kỳ, Washington vẫn chưa thắng được cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

 

                                                     ***

Những chính sách kinh tế của Donald Trump có hai mặt. Các nước đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Liên minh châu Âu buộc phải xem lại quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, bằng cách đưa ra các biện pháp cứng rắn trả đũa Mỹ, điều này càng tạo điều kiện cho hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc độc chiếm thị trường châu Âu và thế giới.

 

Ngoài ra, các nước đồng minh không còn tin tưởng Mỹ như trước vì chính sách của Mỹ không nhất quán. Dưới thời Donald Trump mọi thứ thay đổi khi nước Mỹ thu mình lại theo học thuyết Monroe, không giống như thời của các tổng thống tiền nhiệm gần đây. Các nước đồng minh tỏ ra dè dặt và nghi ngờ về các chính sách của Mỹ và tìm cách đối phó lại với các chính sách đó. Điều này hoàn toàn bất lợi cho Mỹ.

 

Sức mạnh mềm của Mỹ là ngoại giao, là tầm ảnh hưởng của một siêu cường dẫn dắt thế giới. Dưới thời Trump, ngoại giao Mỹ thất bại thảm hại. Mỹ không thể liên kết với đồng minh để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ không có tiếng nói quan trọng như trước trong một thế giới đa cực. Chính quyền của Donald Trump không quan tâm và không có ảnh hưởng gì đến các nước ở châu Phi và Mỹ latin. Mỹ thất bại trong đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên và Iran. Mỹ bất hoà với đồng minh và ngày càng suy yếu.

 

                                                      ***

Một trong những lời hứa của Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 là kế hoạch xây dựng bức tường biên giới ngăn cách giữa Mỹ và Mexico nhằm chống nạn nhập cư trái phép vào Mỹ. Khi tranh cử, Trump hứa với cử tri rằng, Mexico sẽ trả tiền cho việc xây dựng bức tường này. Dĩ nhiên đó chỉ là lời hứa cuội, vì chẳng nước nào chịu trả tiền để Trump xây tường nhà ông ta.

 

Không đòi được Mexico, Trump đòi Quốc hội Mỹ chi tiền xây tường, nhưng Quốc hội không đồng ý chi. Trump tức giận, không ký vào dự luật ngân sách, khiến chính phủ Mỹ đóng cửa 35 ngày, từ ngày 22/12/2018 đến ngày 25/1/2019, gây thiệt hại cho người Mỹ khoảng 11 tỉ đô la.

 

Hết nhiệm kỳ của Donald Trump, bức tường mà Trump hứa khi ra tranh cử, vẫn không hoàn thành. Lời hứa đã không thực hiện được. Dĩ nhiên, việc xây dựng bức tường không giải quyết được nạn nhập cư trái phép, vì đa số người nhập cư vào Mỹ đều có visa hợp pháp, nhưng sau khi hết hạn visa, họ tìm cách ở lại.

 

Nhập cư không là gánh nặng với nước Mỹ, ngược lại đó là sức mạnh của Mỹ vì phần lớn những người nhập cư đến Mỹ đều đang ở độ tuổi lao động, họ làm việc, đóng thuế và chi tiêu ở Mỹ. Họ góp phần làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng.

 

Người nhập cư cũng không hề “lấy cắp” việc làm của người dân Mỹ như lời Trump và những người ủng hộ ông ta cáo buộc. Theo cô Vanda Felbab-Brown, thành viên cấp cao của viện Brookings, giải thích trong bài “Bức tường” của mình, rằng, người nhập cư thường làm những công việc mà nhiều người Mỹ không muốn làm.

 

Trái với quan điểm dân túy của Donald Trump về nhập cư, các nhà kinh tế đã chỉ ra, nhập cư mang lại cơ hội cho nước Mỹ, nhất là nhập cư bằng con đường học vấn và lao động có tay nghề cao.

 

Chủ nghĩa dân túy không làm tăng sức mạnh cho nước Mỹ, ngược lại nước Mỹ ngày càng bị cô lập với thế giới bên ngoài, chia rẽ và bất ổn bên trong.

 

(Còn tiếp)

 

                                                         *****

 

Nhìn sang nước Mỹ trong bốn năm qua (Phần 2)

Phan Thành Đạt

23/01/2021

https://baotiengdan.com/2021/01/23/nhin-sang-nuoc-my-trong-bon-nam-qua-phan-2/

 

2. Donald Trump với chính khách gây kích động và chia rẽ nước Mỹ

 

Một phương pháp mà các lãnh đạo độc tài hay sử dụng để củng cố quyền lực là chia để trị. Mỹ là một đất nước đa sắc tộc, một đất nước của những người nhập cư. Lịch sử phát triển của nước Mỹ có những dấu mốc quan trọng, đó là xoá bỏ chế độ nô lệ, đấu tranh chống bất bình đẳng, chống phân biệt chủng tộc.

 

Những người khai sáng nước Mỹ cũng là những chủ trang trại. Georges Washington và vợ có đến 317 nô lệ. Trong di chúc để lại, ông muốn giải phóng những nô lệ đó. Thomas Jefferson có 150 nô lệ. Tuy nhiên những người khai sáng nước Mỹ ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ.

 

Phân biệt chủng tộc là tàn dư từ thời mua bán nô lệ. Các nhà buôn châu Âu bắt nô lệ da đen ở châu Phi, mang đi bán cho các chủ đồn điền da trắng ở Mỹ. Hình ảnh người da đen bị treo cổ trên cây trong bài hát Strange fruit của Abel Meeropol do Billie Holiday hát năm 1939, gây xúc động cho rất nhiều người Mỹ da màu. Họ mơ ước một nước Mỹ bình đẳng, một nước Mỹ không còn phân biệt chủng tộc, nơi tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/01/1-97.jpg

Hai người da đen Thomas Shipp và Abram Smith bị những người da trắng treo cổ ngày 7/8/1930. Nguồn: Lawrence Beitler

 

Vào thập niên 1970, nước Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách “phân biệt tích cực” (distinction positive). Theo chính sách này, các trường đại học buộc phải đón nhận một tỉ lệ sinh viên da đen, tạo điều kiện cho người da đen có những vị trí làm việc trong bộ máy hành chính mà trước đây chỉ dành cho người da trắng.

 

                                                           ***

Mỹ là một đất nước đa sắc tộc và đa văn hoá, các tổng thống Mỹ luôn cố gắng duy trì ổn định, khích lệ tinh thần đoàn kết giữa những người Mỹ với nhau, điều này rất quan trọng để ổn định xã hội. Mong muốn được sống cùng nhau trong một đất nước tự do để cùng hướng đến tương lai, được ghi nhận ngay trong lời tựa của bản Hiến pháp Mỹ năm 1787.

Xã hội Mỹ bị chia rẽ vì tình trạng bất bình đẳng, về khoảng cách giàu nghèo. Cuộc đấu tranh của những người da den đòi bình đẳng và công bằng xã hội diễn ra trong suốt một thời gian dài. Nhờ đó, người dân Mỹ không phân biệt mầu da, đều có tự do. Những người như Abraham Lincoln, Martin Luther King, Rosa Parks … đã phải đổ máu để thay đổi đất nước.

 

Khi người Việt bắt đầu có mặt ở Mỹ vào thập niên 1970, về cơ bản xã hội Mỹ đã bình đẳng hơn, có cái nhìn cởi mở hơn với người da đen và người nhập cư. Hôm nay, nhiều người Mỹ gốc Việt đã quên mất những phong trào đòi bình đẳng, đòi quyền sống do người da đen phát động, trong đó chính người Việt đang được hưởng.

 

Khác với các tổng thống trước đó, Donald Trump qua những bài phát biểu, các tin đăng trên Twitter, không những ông ta không dung hoà, củng cố tinh thần đoàn kết, mà còn gây chia rẽ và kích động những nhóm người khác nhau trong xã hội. Điều này tạo sự khác biệt giữa Donald Trump và các tổng thống tiền nhiệm. Đây cũng là điều xấu hổ cho một lãnh đạo của một nền dân chủ lớn, trong thế giới tự do.

 

Để tìm sự ủng hộ của các cử tri da trắng phân biệt chủng tộc, Donald Trump thường thể hiện thái độ trịch thượng và khiêu khích của mình với người nhập cư. Khi đáp lại những lời phê bình của bốn nữ dân biểu thuộc đảng Dân chủ, Trump đã nói: “Nếu các cô không thấy hạnh phúc ở đây, các cô có thể ra đi”.

 

Donald Trump bổ sung thêm ý của mình trên Twitter: “Họ đến từ những nơi thật tệ, những nơi nhiễm bệnh vì tình hình tội phạm”. Ba trong bốn nữ dân biểu này sinh ra ở Mỹ và cả bốn người đều là công dân Mỹ. Trump chia rẽ những người Mỹ với nhau. Nhiều cảnh tượng cãi vã trên đường phố, một người Mỹ trắng chỉ mặt một người Mỹ da màu và nói theo cách của Donald Trump: “Hãy cút về nhà mày đi”.

 

Ông Michael Cohen, từng là luật sư riêng của Trump, thuật lại trong cuốn hồi ký của ông “Disloyal: A Memoir”, những nhận xét phân biệt chủng tộc của Trump về cựu tổng thống Nelson Mandela: “Hãy kể ra cho tôi xem một nhà lãnh đạo da đen không phải là cái lỗ đít… Mandela đã làm đất nước tan hoang, tôi không thích Mandela, ông ấy không phải là một lãnh tụ”.

 

Donald Trump công khai ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid và phủ nhận vai trò của Nelson Mandela về những đóng góp cho sự tiến bộ xã hội của ông ở Cộng hoà Nam Phi. Nước này đã phản ứng về những nhận xét của tổng thống Mỹ, phát ngôn viên tòa Bạch Ốc phủ nhận tính xác thực về lời bình luận của Trump.

 

Năm 2018, Donald Trump nhận xét về Haïti và các nước châu Phi là những nước “hố phân” – “shithole countries” – khiến Liên minh châu Phi và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bị sốc. Người dân ở nhiều nước châu Phi đã xuống đường biểu tình phản đối tổng thống Mỹ.

 

Nếu những lời nói gây chia rẽ từ một người bình thường cũng đã bị lên án, còn đây lại là lời của tổng thống Mỹ, lãnh đạo của một siêu cường. Là người tự đại, Trump tin rằng những nhận định của mình là đúng, là tiêu chuẩn để định hướng dư luận. Khi Trump phát biểu, nhiều người khó đoán ra đâu là những lời nói thật, đâu là những lời nói dối, ngược lại, với những người hâm mộ, họ luôn tin tưởng những gì Trump nói và Trump hiểu điều đó.

 

 

3. Donald Trump, người hoang tưởng tự đại, theo thuyết âm mưu

 

Với vai trò một người đứng đầu đất nước, Trump tin vào khả năng lãnh đạo của mình để xử lý mọi vấn đề của nước Mỹ. Tuy nhiên, Trump và toàn bộ nội các của ông ta đã thất bại hoàn toàn trong việc khống chế dịch Covid-19. Vào thời điểm dịch bệnh lây lan nhanh, Trump viết trên Twitter khuyến khích người dân ở các tiểu bang do đảng Dân chủ cầm quyền, phá bỏ lệnh phong toả, tiếp tục nhịp sống như trước.

 

Trump tin rằng những người tiền nhiệm, đặc biệt là Obama, đã có những chính sách sai trái trong việc quản trị đất nước. Nước Mỹ với những khó khăn trong việc chống dịch, không phải do Trump, mà do hậu quả từ trước để lại, dù khi dịch tràn vào Mỹ, ông Obama đã rời khỏi nhiệm sở hơn ba năm rồi.

 

Trump chống dịch bằng cách nói láo với dân, rằng dịch sẽ biến mất như một phép màu, kêu gọi người dân không sợ dịch, cứ đi làm và sinh hoạt bình thường. Từ khi dịch bệnh bắt đầu cho tới tháng 11/2020, đã có 40 lần Trump nói với dân Mỹ, rằng dịch sẽ biến mất.

 

Trump còn tung tin sai sự thật, rằng thuốc ký ninh, dùng để chữa bệnh sốt rét là Hydroxychloroquine, sẽ chữa được Covid-19. Ông ta còn đưa một phương pháp kỳ lạ là uống nước sát trùng, chất tẩy rửa, có thể ngăn ngừa virus corona.

 

Hậu quả của việc chữa bệnh khi không tuân theo các nhà khoa học, cũng như nói láo, đã gây ra cái chết của hơn 415 ngàn người Mỹ do Covid-19, và hơn 25 triệu người nhiễm bệnh. Nước Mỹ trở thành ổ dịch covid-19 lớn nhất thế giới. Xử lý dịch bệnh kém cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến Trump thất bại trong đợt tranh cử tổng thống lần thứ hai.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/01/1-44.png

Gần 416.000 người Mỹ chết do Covid-19, hơn 25 triệu người nhiễm bệnh. Ảnh chụp màn hình từ Worldometers

 

Dù phạm nhiều sai lầm, dẫn đến thất bại trong cuộc tranh cử lần thứ hai, nhưng Trump khăng khăng phủ nhận kết quả bầu cử tống thống và tung tin vịt rằng, do “bầu cử gian lận” nên ông ta mới thua. Trump nhắc lại nhiều lần trước công chúng, rằng người ta đã đánh cắp phiếu bầu, nên Trump thua và sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử, không muốn chuyển giao quyền lực.

 

Có nhiều lý do để khẳng định những điều cáo buộc sai sự thật của Trump về cái gọi là “bầu cử gian lận”. Một là, trong 62 vụ kiện của Trump hơn hai tháng sau ngày bầu cử, tòa án ở các tiểu bang và liên bang, thậm chí Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết về những cáo buộc của Trump là không có cơ sở, cũng như không có bằng chứng. Trong số 9 thẩm phán của Tối cao Pháp viện, có 6 người, tức 2/3 thẩm phán thuộc đảng Cộng hòa và có 3 người, tức 1/3 thẩm phán do Trump bổ nhiệm. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, Trump đã bổ nhiệm khoảng 230 thẩm phán thuộc đảng Cộng hòa vào tòa án các cấp liên bang và tiểu bang.

 

Hai là, chưa bao giờ người ta nghe nói đến gian lận bầu cử ở Mỹ cho đến khi Trump bị thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Gian lận phiếu là điều rất khó xảy ra vì tính công khai minh bạch của nền dân chủ. Hơn nữa, với cách thức giám sát và kiểm tra phiếu bầu, gồm đại diện của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cùng với sự có mặt của các quan sát viên quốc tế, người dân có thể xem kiểm phiếu trực tiếp qua mạng, nên chuyện gian lận bầu cử khó có thể thực hiện.

 

Hơn nữa, nếu có gian lận, vì sao chỉ có đảng Dân chủ gian lận mà không phải đảng Cộng hòa? Vì sao chỉ có gian lận ở các bang chiến trường mà Trump bị thua, chứ không phải ở các bang Trump thắng hay các bang Biden thắng lớn? Theo cách lập luận này, bất cứ nơi nào Trump thắng cử thì không có gian lận, mà chỉ có gian lận ở những bang chiến trường, dẫn đến kết quả Trump thua cuộc.

 

Trường hợp của bang Georgia là bằng chứng thuyết phục về cáo buộc của Trump không có cơ sở. Kể từ khi ứng viên Bill Clinton thắng ở Georgia năm 1992, gần 30 năm qua, đảng Dân chủ đã không thắng ở đây. Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, một số người tiên đoán rằng, đảng Cộng hòa sẽ thắng ở Georgia, nhưng kết quả là, ông Biden, ứng viên đảng Dân chủ đã thắng. Chiến thắng này là nhờ nỗ lực của bà Stacey Abrams, cựu ứng viên Thống đốc Georgia, đã giúp người da đen đi bầu.

 

Ông Trump nhiều lần gây sức ép với các lãnh đạo đảng Cộng hòa ở bang Georgia, tìm cách sửa kết quả để cho ông thắng, nhưng không thành công. Hôm 2/1/2021, Trump gọi điện thoại gây sức ép với ông Brad Raffensperger, Bộ trưởng Hành chánh Georgia, yêu cầu ông “tìm” 11.780 phiếu bầu để giúp Trump lật ngược kết quả (ông Biden hơn Trump 11.779 phiếu ở bang này). Cuộc gọi đã được ghi âm lại và được báo chí đăng tải, là bằng chứng Trump phạm tội đại hình ở Georgia.

 

Về phiếu đại cử tri, Joe Biden giành được 306 phiếu, Trump được 232 phiếu. Về phiếu phổ thông, gần 81,3 triệu người bầu cho ông Biden, Trump nhận được hơn 74,2 triệu phiếu. Chiến thắng của Joe Biden là chiến thắng thuyết phục, Trump cũng có thể ngẩng đầu khi thua trong danh dự. Vì nền dân chủ và lợi ích của nước Mỹ, lẽ ra Trump nên chúc mừng chiến thắng của Joe Biden và rút lui trong danh dự.

 

Nếu thực tế diễn ra như vậy, khi nghĩ về Trump, người ta còn thấy một điểm gì đó tích cực. Tuy nhiên, là người tự đại đến mức hoang tưởng, Trump quyết sử dụng thuyết âm mưu để lật ngược kết quả bầu cử. Trump kêu gọi người ủng hộ xuống đường phản đối, gây bạo loạn, “be wild”, “be strong” để “giành lại nước Mỹ”. Điều gì đến đã đến, khi đám đông tụ tập tại thủ đô Washington, tràn vào tòa nhà Quốc hội, đập phá, gây bạo loạn, đã khiến 5 người chết.

 

                                                      ***

Trump đã thành công khi đưa ra thuyết âm mưu về kết quả bầu cử, tạo sự nghi ngờ trong dân chúng. Trump đã tầm thường hóa nền dân chủ Mỹ và gieo rắc nghi ngờ về tính minh bạch của chế độ dân chủ. Trump đã kích động đám đông cực hữu, tấn công tòa nhà Quốc hội, biểu tượng thiêng liêng của nền dân chủ. Đây là mối đe dọa một thể chế dân chủ, đã đứng vững gần 2,5 thế kỷ qua.

 

Sau nhiệm kỳ tổng thống, Trump sẽ phải đối diện với phiên tòa ở Thượng viện cho lần luận tội thứ hai, sẽ diễn ra vào tuần lễ thứ hai của tháng Hai. Ngoài ra, Trump còn đối mặt với các bản án ở các tiểu bang như New York, Georgia… Những ngày u ám đang chờ đợi Trump.

 

Khi viết những dòng này, người viết liên hệ trường hợp của Trump với Silvio Berlusconi, cựu thủ tướng Ý và Nicolas Sarkozy, cựu tổng thống Pháp. Silvio Berlusconi bị kết án nhiều lần; Nicolas Sarkozy bị kết án 4 năm tù, trong đó có hai năm tù treo, vì tội lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng để trục lợi (trafic d’influence).

 

Khi quan tòa là cái miệng của luật pháp, khi mọi người đều bình đẳng trước luật pháp, Trump không còn là một ngoại lệ, ông ta không thể đứng trên pháp luật.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats