Monday, 25 January 2021

NGUYỄN ĐÌNH LỘC - KẺ SĨ CỦA NỀN PHÁP QUYỀN DANG DỞ (tổng hợp)

 


KẺ SĨ CỦA NỀN PHÁP QUYỀN DANG DỞ   

Tâm Chánh

03:39  25/01/2021   

https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/3285992444840333

 

Một khung cảnh không hẳn đáng buồn nhưng lại thấm buồn, khi nhận tin cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc từ trần.

 

Ông Nguyễn Đình Lộc là một trụ cột luật học XHCN ở Việt Nam. Nhưng bản thân ông cũng không thể sử dụng tri thức ấy bảo vệ cho hành động đúng đắn của mình, cùng nhóm 72 trình bày ý kiến sửa đổi nền chính trị toàn trị của đảng.

 

Sự nghiệp của ông là những mảnh vá, chắp nối những lí lẽ biện minh cho tính bất toàn của nền luật học XHCN, khi áp đặt nó thân phận chính thống.

 

Nhưng đó lại là một luận văn sinh động về sự phát triển tư tưởng pháp luật ở Việt Nam, từ chỗ là công cụ của chế độ cầm quyền, đến tạo ra khuôn khổ cầm quyền của chính chế độ ấy.

 

Bản luận văn ấy đang dang dở.

 

Ngay từ chính vai trò bộ tư pháp mà ông là một bộ trưởng quả cảm và liêm chính. Cho đến nay chỉ trong phạm vi pháp luật về tố tụng, dường như thực tế đang cùng lúc tồn tại ảnh hưởng từ các lò luật học chi phối cách hiểu pháp luật: lò luật học từ các trường an ninh, cảnh sát, lò luật học truyền thừa từ đại học pháp lí, và lò luật học mạnh về nghiên cứu luật học. Đây là một thực tế gian nan cho tiến trình cải cách tư pháp vốn được khai sinh dưới thời bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc.

 

Ông là một kẻ sĩ thực thụ của giới luật học, không cần thêm lời truyên bố "dù sao thì trái đất vẫn quay".

 

Điều đó nhất quán trong hành trang tư tưởng của ông, từ chính những lần ông phải tham gia với tư cách là một giáo sư đỏ của đảng, như các lần biên soạn và sửa đổi hiến pháp sau 1975.

 

Nó nhất quán với phẩm đức một người thầy lôi cuốn, say sưa truyền cảm hứng.

 

Nó càng nhất quán với tư cách liêm chính của một bộ trưởng hào sảng, cởi mở.

 

Thế hệ nhà báo ù ù cạc cạc với những kiến thức về thể chế, về pháp quyền, các lí luận về quyền lứa chúng tôi tìm thấy trong các phát biểu của ông chỗ dựa tìm đến các hiểu biết mạch lạc. Rồi được bổ túc bằng các cuộc tiếp xúc cởi mở, khi thì phỏng vấn riêng, khi thì tụ tập năm ba người. Chưa bao giờ tôi nghe trong các dịp gặp gỡ đó, ông nói theo lối tranh thủ chia sẻ về thành tích hay khó khăn của bộ. Lần nào cũng vậy là những điều say sưa về câu chuyện pháp quyền.

 

Có lần tôi còn bạo gan "rủ" bộ trưởng, có công tác trong Nam ghé nói chuyện với đội ngũ Tuổi Trẻ. ( Hồi đó trẻ măng mà sao khoái đội ngũ thế. Với lại tôi còn nghĩ bộ trưởng một bộ còn mới mẻ như bộ tư pháp phải cần đến báo chí tụi tôi).

 

Vậy mà một buổi sáng bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc sau một cú điện thoại đã đến thật. Như lệ thường ông đầy cảm hứng.

 

Tôi thực sự biết ơn ông. Ngay cả khi ông không còn trong nhân gian nhỏ bé nhưng bụi bặm và trần ai này.

 

7 BÌNH LUẬN

 

=====================================================
.

.

VỚI BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP TS. NGUYỄN ĐÌNH LỘC 

Lê Ngọc Sơn

06:04  25/01/2021   

https://www.facebook.com/lengocson.expert/posts/10222429808351356

 

10-15 năm trước, tôi hay qua lại mạn đường Huỳnh Thúc Kháng, và vào nhà của 2 cựu Bộ trưởng ở 2 con ngõ cạnh nhau: nguyên Bộ trưởng Tư pháp TS. Nguyễn Đình Lộc và nguyên Bộ trưởng Thủy sản TS. Tạ Quang Ngọc.

 

Với TS. Nguyễn Đình Lộc, tin ông mất không làm tôi ngạc nhiên vì biết ông bệnh nặng mấy năm nay, nhưng đầy tiếc nuối. Ông là người giỏi, thông minh trong ứng biến. Có lần đến nhà chơi, ông đang rửa bát chạy ra dặn "Sơn khóa xe cho cẩn thận nhé, chỗ này giờ toàn bị trộm cạy khóa xe". Rồi bước vô nhà, ông đùa: Cháu thấy không, hết làm Bộ trưởng về nhà phải rửa bát cho vợ .

 

Nói về ông thì dài, nhưng tóm lược như này: Là tiến sĩ luật đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov. Năm 1956 bắt đầu đi học. Năm 1962 về nước. Năm 1974 mới đi học nghiên cứu sinh (NCS đầu tiên ngành luật).

 

Có 10 người suất sắc trong 500 người học luật ở Liên Xô thì Việt Nam có 3 người và cả 3 người đều xuất sắc. Ông Lộc cho biết, về nước ông phải đi cải tạo vì Liên Xô hồi đó cũng... cải tạo vì chủ nghĩa xét lại và ông có ba năm phải đi làm... thư ký tòa án huyện.

 

Năm 1980 ông về nước phụ vụ tổ xây dựng Hiến pháp 1980. Năm 1992, ông là Ủy viên Ban Sửa đổi Hiến pháp. Ông Lộc là Bộ trưởng Bộ Tư pháp 2 khóa (từ 1992 đến 2002), ĐBQH các khoá 7, 9, 10, 11.

 

Dưới đây là một trong những cuộc trò chuyện giữa tôi với ông. Bức ảnh tôi chụp 13 năm về trước. Cuộc trò chuyện thực hiện cách đây 10 năm về trước, đều tại tư gia của ông.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222429807751341&set=a.4180937839071

 

========

 

ĐƯỜNG RAY VÀ ĐẠO LUẬT GỐC

 

Tiến sĩ luật Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có cuộc trò chuyện với Lê Ngọc Sơn xung quanh câu chuyện về hiến pháp dưới góc độ luật học, và chuyện sửa hiến pháp (mà kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII bàn tới...).

 

Đọc lịch sử qua hiến pháp

 

Lê Ngọc Sơn: Thưa ông, là chuyên gia hàng đầu về luật, theo ông cần hiểu thế nào về hiến pháp? Nhiều người nói rằng hiến pháp như là lược sử của một đất nước, ông nghĩ sao?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Hiến pháp là đạo luật cơ bản, mà luật cơ bản thì phải ghi nhận được những điều căn bản của đất nước. Mọi trạng thái cơ bản của xã hội được ghi nhận trong hiến pháp. Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, thời kỳ những năm đầu 1980 thì thực chất hiến pháp đã thể chế hóa chế độ quan liêu bao cấp, duy ý chí. Chẳng hạn như hiến pháp 1980 có một điều là chúng ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu mà tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa, nhưng như thế nào là tiến thẳng lên thì cũng không hiểu. Điều 21 của Hiến pháp này nói rằng nhà nước độc quyền về ngoại thương, tất cả các lĩnh vực kinh tế dối ngoại là nhà nước nắm hết. Nhưng bây giờ nghe những chuyện ấy lại cảm thấy buồn cười (Cười). Nhưng mà đó là chúng ta ghi vào hiến pháp, tức là hiến pháp năm 1980 là nó thể chế hóa kinh tế, tập trung vào quan liêu bao cấp, nhìn lên con đường tiến đến XHCN của chúng ta một cách hơi dễ giãi, quá ngắn ngủi, chúng ta hình dung là việc xây dựng XHCN là của Nhà nước chứ không phải của toàn xã hội. Do đó, Nhà nước năm hết nền kinh tế đối ngoại. Đó rõ ràng là một điều không phù hợp.

 

.

Lê Ngọc Sơn: Theo ông, nếu nói với các bạn sinh viên về tầm quan trọng của hiến pháp thì ông sẽ nói gì?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Thì bây giờ chúng ta phải hình dung được rõ, hiến pháp là đạo luật gốc, như một đường ray để con tàu đất nước chạy trên đó. Và khác với các nước, trong hiến pháp của chúng ta ghi nhận mọi mặt của đời sống xã hội. Ở các nước chủ yếu là bộ máy nhà nước, hiến pháp của Mỹ là bộ máy nhà nước và quyền con người, còn hiến pháp của chúng ta có chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ tổ quốc XHCN, quyền lực của mỗi công dân,… Tóm lại, hiến pháp của chúng ta khác một số nước là nó thể chế hóa đời sống xã hội…

 

.

Lê Ngọc Sơn: Như vậy, hiến pháp có vai trò cực kì quan trọng đối với một đất nước. Sẽ như thế nào nếu một hiến pháp không phản ánh đúng hơi thở của cuộc sống, mà chỉ phản ánh tư duy chủ quan của con người, thưa ông?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Không phải là ngẫu nhiên mà xã hội ta lại trải qua một thời kỳ được gọi là khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài (những năm 1975 và sau 1980). Năm 1986 là năm bắt đầu đổi mới nhưng thực sự là đến năm 1992 (sau Đại hội Đảng lần thứ VII, 1991) thì đất nước mới thực sự thay đổi. Năm 1986 chỉ mới đưa ra chủ trương, đường lối. Một khoảng thời gian dài cả một đất nước đang đi lên XHCN lại bị khủng hoảng kinh tế xã hội do đường lối sai lầm trong hiến pháp 1980 để lại. May mắn là sau đó thì chúng ta cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và sửa đổi.

 

.

Lê Ngọc Sơn: Vậy thì tại sao tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, lại phải bàn đến chuyện sửa hiến pháp 1992, theo ông?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Vấn đề đặt ra là từ năm 1992 đến bây giờ (2011) là 19 năm rồi. Thực ra, đến năm 2001 có chủ trương sửa nhưng chỉ mới sửa đổi được một số điều, chẳng hạn như năm 2001 đưa ra một số điều rất mới về bộ máy nhà nước: quyền lực nhà nước thống nhất có phân công phối hợp. Trước đây, khi xây dựng hiến pháp năm 1980 thì chính Đại hội Đảng nói rằng quyền lực nhà nước là do Quốc hội nắm hết, nhưng đến bây giờ thì đón nhận một cách hiểu mới: quyền lực nhà nước là chung và thống nhất. Thống nhất khác với tập trung: tập trung là dồn về một chỗ, một điểm còn thống nhất là một sự hòa hợp các bộ phận kết hợp lại thành một thể thống nhất. Thống nhất là chung nhưng lại có sự phân công công việc vì quyền lực nhà nước, và muốn thực hiện thì phải có ba phương thức: lập pháp, hành pháp, tư pháp.

 

Vì sao phải sửa hiến pháp?

 

Lê Ngọc Sơn: Theo tôi hiểu là việc thay đổi hiến pháp cũng là việc chúng ta đang trăn trở về hướng đi, con đường đi của đất nước?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Đúng rồi, cứ hình dung là hiến pháp năm 1959 đến hiến pháp năm 1980 là thay đổi hẳn.

Chúng ta cần hiểu xã hội mình đi tắt qua nhiều giai đoạn phát triển, lúc đầu chúng ta là nước nông nghiệp lạc hậu, là nô lệ thì chúng ta phải có giải pháp để tìm độc lập, và khi chũng ta chuyển sang thể chế quan liêu bao cấp thì chủ trương, đường lối phải trở thành luật, trở thành hiến pháp. Nhưng sau đấy lại thấy những điểm sai, những điểm chưa được hoàn thiện, qua một số giai đoạn chúng ta đã xóa bỏ quan liêu bao cấp, đi theo cơ chế kinh tế thị trường... Nghĩa là xã hội mình đang phát triển và trải qua các mô hình, các giai đoạn khác nhau, và chủ trương, đường lối của mỗi giai đoạn được thể chế hóa, trở thành hiến pháp để cho mọi người trong xã hội làm theo.

 

.

Lê Ngọc Sơn: Nhưng cũng vì thể chế hóa tất cả mọi thứ nên phải chăng hiến pháp của ta cũng phải sửa nhiều hơn?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Đúng vậy. Nhưng trên thực tế, thì hiến pháp của Mỹ (hiến pháp đầu tiên của thế giới) thì cũng đã phải sửa đổi 27 lần. Lúc đầu nó có 7 điều về tổ chức bộ máy nhà nước, vì tính chất liên bang của nước Mỹ. Dù có nhiều thay đổi nhưng mà 7 điều vẫn giữ nguyên vì bộ máy vẫn như thế, vẫn nghị viện, vẫn hạ viện, vẫn tổng thống chứ. Còn ở ta, quy định người đứng đầu đất nước là chủ tịch nước mà hiến pháp năm 1946 so với 1959 là khác. Hiến pháp 1980 chúng ta không gọi Chủ tịch nước mà gọi là Chủ tịch Hội đồng nhà nước.

 

.

Lê Ngọc Sơn: Như vậy, để có một hiến pháp ổn định, thì vấn đề là cần phải chọn lọc vấn đề nào thì nên đưa vào hiến pháp?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Đúng, thế nên giờ mới có quan điểm là nên đưa vào hiến pháp cái gì? Chứ không phải ghi hết như lâu nay, mà ghi hết như lâu nay thì vấn đề đăt ra là phải liên tục sửa đổi. Chẳng hạn như hiến pháp Liên Xô phải thay đổi đến 140 lần: Hiến pháp từ năm 1946-1977 sửa tới mấy chục lần, vì trong hiến pháp quy định chính phủ có bao nhiêu bộ phải ghi vào hiến pháp. Và cứ mỗi lần thêm hay bớt một bộ lại phải sửa hiến pháp. Thế nên bây giờ phải cân nhắc về đạo luật cơ bản, luật gốc thì phải thật sự khái quát, những cái gì chung chứ không phải đi quá chi tiết, cụ thể…

Theo nguyên lý, Hiến pháp cũng có một quan điểm nhất quán, rõ ràng thì nó cứ thế mà làm. Lúc đầu thì chúng ta có bản hiến pháp năm 1946. Sau đó lại thay đổi bằng hiến pháp năm 1956, rồi bản hiến pháp năm 1959. Đến bản hiến pháp năm 1980 lại hoàn toàn khác, rồi đến hiến pháp năm 1992 lại khác hiến pháp trước đó. Tức là ngay từ đầu mình đã không ý thức rõ ràng thế nào là hiến pháp?. Và nếu ngay từ đầu đã xác định rõ ràng như thế thì cứ thế mà làm, nhưng vì chưa xác định được rõ, nên chúng ta liên tục thay đổi mô hình hiến pháp.

 

Còn nhiều chuyện “đau đầu”…

 

Lê Ngọc Sơn: Theo ông, vấn đề “nóng” nhất trong chuyện sửa hiến pháp hiện nay là gì?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Nhiều lắm, như câu chuyện về sở hữu đất đai chẳng hạn. Hiến pháp chưa công nhận quyền sử dụng đất của người dân, nhưng trong bộ luật Dân sự lại công nhân quyền thừa kế đất đai. Theo nguyên lí, thì nhẽ ra người đi mượn là chỉ mượn, còn người sở hữu là người sở hữu, thì có nghĩa là khó mà người mượn lại cho người khác thừa kế tài sản mượn được.

Theo tôi, đây là một vấn đề rất lớn, trả lại đất cho người dân thì hợp lý hơn. Nhưng cũng sẽ là đau đầu, vì thực tế hiện giờ có người sử dụng hàng trăm héc-ta, nếu giờ ta công nhận quyền sở hữu thì những liệu một người có được sử dụng hàng trăm héc ta như thế không, trong khi những hiện nay không có đất thì sẽ thế nào?! Đây là vấn đề nan giải, dích dắc…

 

.

Lê Ngọc Sơn: Theo ông, đây có phải là một trong những vấn đề của việc sửa hiến pháp lần này?

 

TS Nguyễn Đình Lộc: Đây là một trong những điều trọng tâm, cho nên bây giờ đặt ra vấn đề sửa đổi cơ bản hay sửa đổi một bước là thế. Bởi vì bản thân Quốc hội bây giờ cũng thế, tại đại hội VII đưa ra quốc hội hoạt động chuyên nghiệp thường xuyên, vì đại bộ phận các nước trên thế giới thì quốc hội hoạt động thường xuyên, có tinh chuyên nghiệp, ăn lương nhà nước. Đến lúc đến tuổi về hưu thì nghĩ đến chuyện nhận lương hưu. Ta bây giờ cứ lơ lửng, đại biểu quốc hội của chúng ta đã làm đúng chuyên trách chưa? Hay là họp xong thì lại về lại lo việc gia đình? Nhớ rằng, bình quân chi phí của một kì bầu cử ĐBQH, để chọn được một đại biểu chúng ta phải tiêu tốn khoảng 1,2 tỉ đồng. Người dân bỏ cả một số tiền lớn để chọn ra một ông đại biểu cho mình, thế nhưng có ông đại biểu thì cả nhiệm kỳ chẳng bao giờ giơ tay.

 

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

 

10 BÌNH LUẬN  

 

===============================================

.

 

.

Nguyễn Đình Lộc và “Kiến nghị 72”   

Phan Thế Hải

20:43  24/01/2021   

https://www.facebook.com/100016165757047/posts/823341511548033/

 

Sáng sớm mở máy, biết tin cụ Nguyễn Đình Lộc qua đời, cụ ra đi trước khi đảng tưng bừng cờ hoa khai mạc Đại hội XIII. Ở tuổi 86, chuyện ra đi là không lạ, nhưng với cụ Nguyễn Đình Lộc lại khiến nhiều người tiếc nuối. Tên tuổi của Cụ Nguyễn Đình Lộc gắn chặt với nền tư pháp nước nhà, một nền tư pháp còi cọc, chậm lớn bởi vô số những rào cản chính trị khiến nó khó phát triển.

 

Với tôi, cụ Lộc vừa là đồng hương, vừa là một chuyên gia pháp luật uyên bác nên đã có không ít lần được trò chuyện với cụ. Trong những lần ấy, cụ bày tỏ những trăn trở về một nền pháp quyền còn non trẻ thường xuyên bị lấn chiếm.

 

Thời mới lập quốc, dẫu chỉ là Chính phủ lâm thời nhưng cụ Hồ đã cử Vũ Trọng Khánh (1912) làm bộ trưởng Tư pháp của chính phủ lâm thời. Sau Tổng tuyển cử năm 1946, chức Bộ trưởng Tư pháp được giao cho cụ Vũ Đình Hòe nắm. Sau hơn 13 năm tồn tại, Năm 1959, Bộ Tư pháp giải thể theo quyết định của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I. Mãi đến tháng 7 năm 1981, Bộ này mới được tái lập. Bộ trưởng lúc đó là ông Phan Hiền, cụ Hiền nắm chức này gần 11 năm. Người kế nhiệm là Nguyễn Đình Lộc. Cụ Lộc nắm chức này hơn 10 năm, mãi tới tháng 8 năm 2002 mới rời nhiệm sở.

 

Như vậy, nhà nước Việt Nam đã có thời kỳ dài 22 năm không có Bộ Tư pháp.

 

Cách đây gần chục niên, vào cuối năm 2012, một nhóm trí thức cho ra đời “Kiến nghị 72” gồm 7 điểm, với sự tham gia của cụ Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Tư Pháp. Theo đó, nhóm 72 khuyến nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp về quyền lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện” của Đảng CSVN và coi đó là điều kiện cần thiết để có thay đổi thực sự.

 

Kiến nghị có đoạn: “Dùng bạo lực và những thủ đoạn không chính đáng để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả Đảng CSVN”.

 

Kiến nghị viết thêm: "Kiến nghị 72 không có mục đích nào khác hơn là góp phần vào bước khởi đầu đổi mới thể chế chính trị theo tinh thần đó"... "chấm dứt cách đưa tin, bình luận một chiều, tạo điều kiện và khuyến khích thảo luận công khai, dân chủ, tranh luận thẳng thắn, nhằm đạt được sự đồng thuận tối đa theo tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc".

 

Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A... Người dẫn đầu nhóm trí thức trao Kiến nghị 72 cho Quốc hội là cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc.

 

Trong một phát biểu ngày 25/2/2013, cụ Tổng đã ngầm ám chỉ tới bản kiến nghị này khi gọi các quan điểm về sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội.... là "suy thoái đạo đức".

 

Trong một hệ thống chính trị bị đồng phục hóa về cách nghĩ, về đường lối chính sách, cụ Nguyễn Đình Lộc đã dám bày tỏ chính kiến cá nhân về việc xây dựng một nền hành chính pháp quyền, luật hóa mọi hoạt động của đảng. Những ý tưởng đó dẫu đã nhanh chóng bị bóp chết, nhưng nó đã đi vào lịch sử của nền dân chủ nước nhà khi đã có những chức sắc trong bộ máy công quyền dám tiên phong khích lệ người dân mở miệng!

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=823341488214702&set=a.560897897792397

Ông Nguyễn Đình Lộc

 

42 BÌNH LUẬN

 

-------------------

 

 

Nhóm Kiến nghị 72 lên tiếng - BBC News Tiếng Việt

 

Ông Nguyễn Đình Lộc nói về Kiến nghị 72 - BBC News Tiếng Việt

 

Kiến nghị 72 | Dân Luận

 

Có phải phát biểu bị lợi dụng? —   RFA Tiếng Việt

 

Ông Nguyễn Đình Lộc và vụ kiến nghị 72

 

Việt Nam, từ Kiến nghị 72 đến Lời Tuyên bố Công dân Tự do

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats