Sunday, 10 January 2021

NGUY CƠ BẠO LOẠN BÙNG NỔ VÀO NGÀY ÔNG BIDEN NHẬM CHỨC (Duy Anh - ZingNews.vn)

 


Nguy cơ bạo loạn bùng nổ vào ngày ông Biden nhậm chức

Duy Anh  -  Zingnews.vn

17:30 9/1/2021

https://zingnews.vn/nguy-co-bao-loan-bung-no-vao-ngay-ong-biden-nham-chuc-post1171639.html

 

Giới chuyên gia cảnh báo các phần tử cực đoan không ngừng lan truyền những thông điệp thù hận, kích động bạo loạn diễn ra vào ngày nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden.

 

Suốt nhiều tuần lễ trước vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1, những dấu hiệu đáng quan ngại xuất hiện từ phía các nhóm cực hữu. Nhiều bài đăng của các nhóm này kích động nội chiến, sát hại các nghị sĩ cấp cao, và tấn công lực lượng thực thi pháp luật.

 

Khi hỗn loạn tại Washington tạm lắng xuống, các chuyên gia cảnh báo những thông điệp kêu gọi bạo lực tiếp tục được lan truyền trước ngày tuyên thệ của tổng thống đắc cử Joe Biden.

 

 

Lo ngại an ninh trong ngày tuyên thệ

 

"Chúng tôi đang theo dõi những cuộc thảo luận, thông điệp từ các nhóm da trắng thượng đẳng, các tổ chức cực hữu cực đoan, họ cảm thấy được cổ vũ. Tình trạng bạo lực có thể trở nên tồi tệ hơn", Jonathan Greenblatt, CEO tổ chức giám sát an ninh Anti-Defamation League, cho biết.

 

Hỗn loạn xảy ra hôm 6/1 cho thấy sự ràng buộc từng giúp Tổng thống Trump với các lãnh đạo đảng Cộng hòa gắn kết suốt 4 năm qua đã đứt gãy.

 

Sau khi những người nổi loạn vượt qua hàng rào an ninh, tấn công cảnh sát, đập phá cửa sổ Điện Capitol và xông vào bên trong, ông Trump kêu gọi họ trở về nhà trong hòa bình.

 

Ngay trong đêm, các lãnh đạo đảng Cộng hòa, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence và Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell, lên án vụ tấn công bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/jaegtn/2021_01_09/Biden_inauguration.jpg

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1. Ảnh: AP.

 

Nhưng chỉ trích từ giới lãnh đạo Cộng hòa dường như không đủ để làm thức tỉnh cái đầu nóng của những phần tử cực đoan.

 

"Ông Trump sẽ tuyên thệ cho nhiệm kỳ hai vào ngày 20/1. Chúng ta không thể để những kẻ cực tả chiến thắng, ngay cả nếu phải thiêu rụi thủ đô. Ngày mai chúng ta sẽ giành lại Washington, giành lại đất nước", một thành phần cực đoan bình luận trên trang mạng ủng hộ ông Trump.

 

John Scott-Railton, chuyên gia cấp cao về giám sát an ninh mạng của Đại học Toronto, cho biết ông "cực kỳ lo ngại" về an toàn của lễ nhậm chức.

 

"Trong khi đa số công luận thảng thốt trước những gì đã xảy ra ở Điện Capitol, những cuộc thảo luận của phe cực hữu xem vụ tấn công là một chiến thắng", ông Scott-Railton nói.

 

 

Những cảnh báo trước vụ tấn công Điện Capitol

 

Đối với nhiều tổ chức theo dõi chính trị tại Mỹ, vụ tấn công Điện Capitol không hoàn toàn bất ngờ, bởi vô số lời kêu gọi kích động bạo lực lan truyền trước ngày 6/1.

 

Tổ chức giám sát Advance Democracy cho biết họ phát hiện 1.480 bài đăng, từ các tài khoản liên quan tới tổ chức QAnon, chứa nội dung bạo lực.

 

Báo cáo của Advance Democracy cũng chỉ ra nhiều bài viết kêu gọi chiến tranh, với những lời lẽ như "chiến tranh bắt đầu từ hôm nay".

 

Nhà vận động chính trị cánh hữu Ali Alexander, người tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump, bao gồm cuộc biểu tình dẫn đến vụ tấn công ngày 6/1, hồi tháng 12/2020 nói đang phối hợp với các nghị sĩ Cộng hòa chuẩn bị cho "một sự kiện lớn".

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/jaegtn/2021_01_06/1000_2021_01_07T103031.698.jpeg

Bên trong trụ sở Quốc hội Mỹ khi tòa nhà bị người biểu tình tấn công ngày 6/1. Ảnh: AP.

 

Hôm 4/1, Anti-Defamation League đăng một nghiên cứu chỉ ra những mối đe dọa bạo lực tiềm ẩn trong các cuộc biểu tình sắp tới.

 

Điều khiến các chuyên gia an ninh cho biết họ bất ngờ là lực lượng thực thi pháp luật không có biện pháp ngăn chặn thích đáng, dù đã có những dấu hiệu bạo lực hiển hiện.

 

 

Lực lượng an ninh bất ngờ

 

Nhiều quan chức an ninh liên bang và chấp pháp ở địa phương nói họ không lường trước khả năng bạo loạn nổ ra tại Điện Capitol.

 

"Không có tin tức tình báo về khả năng Điện Capitol sẽ bị tấn công", Cảnh sát trưởng thủ đô Washington Robert Contee trả lời phóng viên hôm 7/1.

 

Steven A. Sund, cảnh sát trưởng của lực lượng bảo vệ Điện Capitol phải từ chức vì thiếu chuẩn bị cho kịch bản bạo loạn.

 

Trước khi từ chức, ông Sund nói cảnh sát chỉ lên kế hoạch bài bản để đối phó với các hoạt động "trong khuôn khổ Tu chính án thứ nhất". Tu chính án thứ nhất cho phép người Mỹ biểu tình để bày tỏ quan điểm.

 

"Nhưng xin đừng nhầm lẫn, cuộc nổi loạn đó không phải là hoạt động như theo Tu chính án thứ nhất. Đó là hành vi nổi loạn của những kẻ tội phạm", ông Sund nói.

 

Đối với buổi lễ trong ngày tuyên thệ nhậm chức, Cơ quan Mật vụ Mỹ ra thông báo đang lên kế hoạch chi tiết để bảo vệ sự kiện.

 

"Lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ là một thành tố căn bản của nền dân chủ. An toàn và an ninh của những người tham dự lễ tuyên thệ là điều quan trọng nhất", Cơ quan Mật vụ cho biết.

 

 

Nước Mỹ chìm trong thông tin sai lệch

 

Tại thủ đô Washington D.C. trong ngày 6/1 hỗn loạn, bên cạnh các nhóm dân quân, da trắng thượng đẳng hay các tổ chức lan truyền thuyết âm mưu, không ít người Mỹ bình thường có mặt chỉ để thể hiện quan điểm.

 

Joel Finkelstein, giám đốc Viện nghiên cứu Network Contagion tại Đại học Rutgers, cho biết thuyết âm mưu mọc lên từ các trang mạng nhỏ đã nhanh chóng được phát tán trên Facebook, Twitter và Instagram.

 

Kết quả là không ít người, vốn không hề cực đoan, đã bị thông tin sai lệch lừa dối, và tham gia cuộc biểu tình ngày 6/1.

 

Jenny Cudd là một cư dân sống ở Texas, từng là ứng viên trong cuộc đua chức thị trưởng thành phố Midland. Người phụ nữ đi suốt hành trình dài từ quê nhà tới thủ đô Washington D.C. để tham gia cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump.

 

"Tôi không biết mọi người nghĩ gì, nhưng tôi sẽ hết mình. Không ai thực sự muốn chiến tranh hay đổ máu, nhưng chính phủ của chúng ta dường như quên mất điều đó. Vì thế, nếu cần thì chúng ta phải làm cải cách", Cudd nói trong một video đăng vào tối ngày 5/1.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/jaegtn/2021_01_09/CH4.jpg

Người biểu tình chiếm giữ Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: AP.

 

Ngày 6/1, Cudd là một trong những người xông vào bên trong Điện Capitol. Trang mạng cánh hữu OANN ghi lại được hình ảnh Cudd quấn quanh mình lá cờ ủng hộ ông Trump bên trong trụ sở Quốc hội.

 

"Khi Phó tổng thống Pence phản bội, đó là lúc chúng tôi quyết định cần xông vào Điện Capitol. Tôi chỉ bước lên những bậc thềm và có một cánh cửa đã mở sẵn. Cá nhân tôi không đập phá thứ gì", Cudd nói, khẳng định không làm gì trái pháp luật.

 

Trả lời CNN, Cudd nói cô nhận được vô số lời đe dọa tính mạng và bị đánh giá một sao đối với công việc kinh doanh của mình, sau khi hình ảnh người phụ nữ có mặt bên trong Điện Capitol được đăng tải.

 

Lúc này, một trong những nội dung thù địch được lan truyền mạnh nhất trên mạng xã hội là sự thù hận nhắm vào các lãnh đạo lưỡng viện.

 

Khi cảnh sát bắt đầu mạnh tay hơn với các nhóm cực hữu, giới chuyên gia cảnh báo tâm lý thù địch ngày càng tăng nhắm vào lực lượng thực thi pháp luật.

 

"Tình hình trở nên ngày càng nguy hiểm, bởi không chỉ dễ xảy ra bạo lực giữa phe cực hữu và phe cực tả, mà có thể là đụng độ giữa phe cực hữu và cảnh sát", Cassie Miller, nhà phân tích thuộc tổ chức nghiên cứu Southern Pverty Center Law, nhận định.

 

Duy Anh tổng hợp

 

                                                       ***

 

BÀI LIÊN QUAN

 

Nghị quyết luận tội ông Trump sẽ được công bố đầu tuần tới

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói sẽ thúc đẩy luận tội nếu ông Trump không từ chức. Phe Dân chủ dự kiến công bố nghị quyết buộc tội tổng thống "kích động nổi dậy" vào ngày 11/1.

 

Có thể luận tội ông Trump trong 9 ngày?

Nếu phe Dân chủ ở Hạ viện quyết tiến hành luận tội ông Trump vào tuần tới, ông sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với thủ tục này nhiều hơn một lần.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats