https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10159111032334532
Một trong những khó khăn
cho sinh viên luật ở Việt Nam đó là việc thiếu vắng những sự kiện, vấn đề đòi hỏi
phải áp dụng các kĩ thuật giải thích pháp luật để làm sáng tỏ vấn đề. Điều này
đặc biệt đúng trong lĩnh vực luật hiến pháp. Tuy nhiên, những tình huống thú vị
lại xuất hiện khá nhiều trong hai kì đại hội đảng gần đây và là cơ hội cho sinh
viên luật rèn luyện khả năng phân tích của mình, thay vì lười biếng chấp nhận
hoặc bỏ qua.
Trên tinh thần đó, hãy thử
phân tích một tình huống cho đến nay vẫn là "giả định", và có thể là
một bài test thú vị cho sinh viên luật hiến pháp thay vì những điều luật khô
khan.
Nếu như hiến pháp nói rằng
không một ai có quyền được bổ nhiệm làm nguyên thủ quốc gia quá hai nhiệm kỳ,
thực tế thì lại có một ứng cử viên quá đủ tiêu chuẩn và sự ủng hộ nhưng ông đã
làm đủ hai nhiệm kỳ. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Quốc hội - với tư cách cơ quan
quyền lực tối cao và có cả quyền sửa hiến pháp - có quyền nói rằng "đây là
trường hợp đặc biệt" với một "nhân sự đặc biệt" nên vẫn sẽ bổ
nhiệm ông mặc dù trái với câu chữ hiến pháp? Hay trước khi bổ nhiệm thì phải bắt
buộc sửa đổi hiến pháp trước để phù hợp về mặt hình thức?
Tất nhiên lựa chọn nào
cũng có cái dở và có cái được. Sửa hiến pháp nhìn chung khá dễ nếu Quốc hội đã
đồng lòng. Nhưng vốn dĩ đây là "trường hợp đặc biệt", việc sửa đổi hiến
pháp như vậy sẽ khiến cho các trường hợp không đặc biệt về sau lợi dụng nó để
làm quá hai nhiệm kỳ. Vì vậy đây cũng là vấn đề cần cân nhắc.
Vậy có thể tiếp tục với
cách giải thích "sáng tạo" kia không? Cách giải thích này thật ra
không tồi, vì nó cho phép "uyển chuyển" trong vận dụng hiến pháp, đồng
thời cũng phù hợp với nguyên tắc ý chí của Quốc hội phải được tôn trọng. Quốc hội
vốn dĩ cũng có quyền sửa hiến pháp, tức là nếu Quốc hội đồng lòng đề cử một ai
thì tuy hơi trái trình tự nhưng cũng không phải cái gì quá đáng xét về mặt ý
chí.
Nhưng nếu chấp nhận cách
giải thích như vậy thì cũng phải chấp nhận cả một kết luận rằng hiến pháp thành
văn trong trường hợp này là không có giá trị tối cao. Nếu hiến pháp thành văn
không áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, vậy thực chất hiến pháp là gì - nếu
hiểu hiến pháp không chỉ là cuốn luật mà là tất cả những quy định liên quan đến
vận hành nhà nước? Theo logic trên thì hiến pháp trong trường hợp này đó là bất
kỳ những gì Quốc hội quyết định. Có khi Quốc hội sẽ quyết định làm theo hiến
pháp thành văn, hoặc có khi Quốc hội quyết định đây là trường hợp đặc biệt, hiến
pháp thành văn không áp dụng. Kết quả đó là ta sẽ có một hệ thống Quốc hội tối
cao thay vì hiến pháp thành văn tối cao. Hệ luỵ của nó chính là bản hiến pháp
thành văn sẽ trở nên không còn giá trị trong mắt những người có quyền làm không
đúng với câu chữ của nó, nhân danh các "trường hợp đặc biệt".
Như vậy, lựa chọn phương
án nào cũng sẽ dẫn đến một định nghĩa “luật hiến pháp ra gì” đáng suy nghĩ. Đây
vốn dĩ là câu hỏi đầu tiên của bộ môn luật hiến pháp. Xuất phát từ câu hỏi này,
giải pháp sáng tạo nghe chừng phù hợp cho tình huống trước mắt và rất hấp dẫn,
nhưng nếu được phân tích kĩ lưỡng, chưa chắc các đại biểu Quốc hội sẽ chấp nhận
với giải pháp này.
Trên thực tế, việc một quốc
gia (hay một tổ chức) tạo ra những quy định thành văn chính là để kiểm soát con
người, tránh trường hợp quá lạm dụng các tình huống để quyết định không theo hệ
thống. Nhưng ở khía cạnh người thực thi pháp luật thì có khi sẽ thấy những quy
định như vậy lỗi thời, không phù hợp, và có xu hướng "thay trời hành đạo".
Một cái nhìn thực chứng thì sẽ chấp nhận rằng luật là những gì các tác nhân xã
hội đồng ý và thực thi lâu dài, tạo thành những quy luật, và do đó nếu một quốc
gia chọn hiến pháp là những gì Quốc hội nói đó là hiến pháp chứ không hẳn là hiến
pháp thành văn thì cũng là điều chấp nhận được. Đây là vấn đề thứ hai của môn
luật hiến pháp, đó là các cơ quan nhà nước nên làm gì với quyền lực mình được
trao (ngụ ý hoặc minh bạch). Vì vậy, rất có thể một đề xuất sẽ phải là tuy Quốc
hội có quyền thay đổi hiến pháp thành văn và rằng việc dựa vào “tình huống đặc
biệt” là không quá sai thì quyền lực này cũng không nên được thực thi một cách
quá dễ dàng như vậy. Khi lựa chọn một giải pháp nào, các tác nhân có quyền quyết
định phải hiểu là họ đang làm gì và hệ luỵ của nó về sau sẽ ra sao, chứ không
đơn thuần là tìm lý lẽ để giải quyết xong chuyện trước mắt
No comments:
Post a Comment