NỘI DUNG :
Melania
Trump và sự phá vỡ truyền thống văn hóa chính trị Mỹ
Minh Đăng - Saigon Nhỏ News
.
Bong bóng
“Trump Baby” có “nhà mới”
Lê An - Saigon Nhỏ News
.
====================================================
.
.
Melania
Trump và sự phá vỡ truyền thống văn hóa chính trị Mỹ
Minh
Đăng - Saigon Nhỏ News
Jan 18, 2021
https://saigonnhonews.com/melania-trump-va-su-pha-vo-truyen-thong-van-hoa-chinh-tri-my/
Hai ngày sau khi trụ sở
Quốc hội bị tấn công, Tổng thống Donald Trump tweet rằng ông sẽ không dự lễ nhậm
chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Không chỉ Trump phá vỡ truyền thống lâu đời
của văn hóa chính trị Mỹ, Đệ nhất phu nhân Melania cũng tương tự.
Kate Andersen Brower, tác
giả quyển First Women: The Grace and Power of America Modern, nói rằng:
“Chưa có đệ nhất phu nhân nào cứng đầu và thách thức như Melania Trump. Tôi
nghĩ bà ấy tiếp tục khoét sâu. Bà ấy khơi dậy cơn giận của chồng và rõ ràng
không quan tâm đến vai trò truyền thống của một đệ nhất phu nhân, trong thời điểm
khủng hoảng, là tìm cách đoàn kết và xoa dịu đất nước”. Cách đây khoảng một
tháng, trong khi Trump nháo nhào kiện tụng cuộc bầu cử “bị đánh cắp”, Melania lẳng
lặng thu xếp đồ đạc chuẩn bị “dọn nhà”. Có vẻ bà chẳng quan tâm việc ở lại Tòa
Bạch Ốc thêm bốn năm. Và bà cũng chẳng quan tâm truyền thống, trong việc mời đệ
nhất phu nhân tương lai – Jill Biden – đến để đi dạo qua khu sinh hoạt riêng
trên tầng hai và tầng ba, như thông lệ giao tiếp lịch lãm và tử tế của giới
chính trị tinh hoa Mỹ.
Từ cuộc gặp giữa Bess
Truman và Mamie Eisenhower; đến cuộc tiếp đón mà bà Laura Bush tổ chức, khi
Jenna và Barbara Bush vui vẻ hướng dẫn hai đứa bé Sasha và Malia Obama cách trượt
lan can; tới cuộc đón tiếp của Michelle Obama khi bà mời Melania Trump, ngay cả
trong thời điểm mà Donald Trump đang làm nhốn nháo dư luận khi cật vấn Tổng thống
Obama về quyền công dân…, tất cả cho thấy truyền thống như vậy từ lâu đã trở
thành một trong nhiều nghĩa vụ bất thành văn của đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, bây giờ, Melania
Trump phớt lờ. Mọi tổng thống một nhiệm kỳ – và người vợ – đều cảm thấy
nhức nhối và khó chịu trước sự thất cử của họ. Betty Ford rất giận khi chồng bà
thua cuộc đua năm 1976 trước Jimmy Carter đến mức hủy kế hoạch tiếp Rosalynn
Carter hai lần nhưng cuối cùng bà vẫn mời Rosalynn Carter vào Tòa Bạch Ốc. Lễ
nghĩa trong giao tiếp là quan trọng. Truyền thống là quan trọng – Kate Andersen
Brower viết.
Sự chuyển giao quyền lực ở
Mỹ diễn ra trong êm thắm một hoặc hai lần trong một thập niên. Đệ nhất phu nhân
Claudia Alta “Lady Bird” Johnson gọi Ngày nhậm chức là “cuộc thi hoa hậu bốn
năm một lần tuyệt vời của nước Mỹ”. Đó là sự kiện hiếm hoi khi người ta được nhắc
rằng mình là một phần của điều gì đó lớn hơn chính bản thân. Hình ảnh hai phụ nữ
kết hôn với hai người đàn ông được xem là quyền lực nhất thế giới ngồi với nhau
bên tách trà là hình ảnh nhiều ý nghĩa, khiến người ta hiểu rằng hai người dù
có thể có rất ít điểm chung nhưng họ vẫn đang thừa nhận rằng việc chuyển giao
quyền lực tổng thống là sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc
sống của mọi gia đình thường dân và mang lại cái nhìn tích cực của thế giới về
nước Mỹ.
Melania Trump rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ thấp
hơn các cựu đệ nhất phu nhân. Theo thăm dò mới đây của CNN, công bố ngày
17-1-2021, Melania chỉ đạt tỉ lệ ủng hộ 42%. Theo thăm dò CNN/ORC vào tháng
1-2017, Michelle Obama rời Nhà Trắng với 68% ủng hộ – tỉ lệ tương tự khi bà
vào Tòa Bạch Ốc trước đó tám năm. Cuộc thăm dò CNN/ORC năm 2009 cho thấy
Laura Bush đạt tỉ lệ ủng hộ 67% (trong khi chồng bà chỉ đạt 35%). Tháng
11-2000, CNN/USA Today/Gallup cho thấy Hillary Clinton đạt 56% khi bà rời Nhà
Trắng – cao hơn Melania hơn 14 điểm phần trăm. |
|
Năm 1980, sau khi Jimmy
Carter thua Ronald Reagan, dù trong lòng không vui và thể hiện sự miễn cưỡng
không che giấu, Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter vẫn đưa Nancy Reagan đi một
vòng Tòa Bạch Ốc… Những cuộc gặp giữa các đệ nhất phu nhân như vậy đôi khi tạo
nên tiền đề cho những mối quan hệ lâu dài. Điển hình nhất là mối quan hệ rất đẹp
giữa Michelle Obama và Laura Bush. Cuộc chuyển giao giữa Bush và Obama được xem là một trong những cuộc
chuyển giao quyền lực suôn sẻ nhất lịch sử hiện đại. Đệ nhất phu nhân
Laura Bush đã mời Michelle Obama đến Nhà Trắng hai lần, một lần một mình và một
lần với hai con gái của bà. Laura chỉ cho Michelle xem cửa sổ phòng thay đồ,
nơi có tầm nhìn xuyên qua Vườn Hồng đến Chái Tây, giúp đệ nhất phu nhân thỉnh
thoảng có thể nhìn thoáng qua chồng họ tại nơi làm việc. Laura Bush còn vui vẻ
dẫn ba mẹ con Michelle xem phòng ngủ, nơi bà nghĩ rằng Sasha và Malia, lúc đó 7
tuổi và 10 tuổi, thích nhất.
Những cuộc gặp như vậy
làm cho chức trách tổng thống – và tất cả vai trò khác mà gia đình tổng thống
kèm theo – gắn kết hơn không chỉ với văn hóa mà còn với nhân tính.
Cần nhắc lại, năm 2014, Đệ
nhất phu nhân Michelle Obama đã cùng cựu Đệ nhất phu nhân Bush chủ trì một cuộc
họp với phu nhân của các nhà lãnh đạo châu Phi, bàn về vai trò của họ trong việc
cải thiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho quốc gia mình. Tại một sự kiện tổ
chức tại Trung tâm Tổng thống George W. Bush năm 2016, Đệ nhất phu nhân
Michelle Obama đã nói về bà Laura Bush: “Như tất cả các bạn đều biết, tôi rất
ngưỡng mộ và tôn trọng Laura. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải cộng tác với những
người mà bạn ngưỡng mộ và tôn trọng, bất kể đảng phái nào. Đó là điều giúp một
nền dân chủ có thể thật sự hoạt động hiệu quả”. Tháng 4-2020, hai cựu đệ nhất
phu nhân còn tham gia một sự kiện chung để quyên góp cho chương trình chống
Covid-19. Khó có thể tưởng tượng được sự hợp tác tương tự giữa Melania Trump và
bất kỳ đệ nhất phu nhân nào.
Các cựu Tổng thống Bill
Clinton, George W. Bush và Barack Obama sẽ dự lễ nhậm chức của Joe Biden. Họ sẽ
cùng Biden đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô
danh. Michelle Obama, Laura Bush và Hillary Rodham Clinton cũng sẽ có mặt ở đó.
Chỉ thiếu Donald Trump và Melania Trump.
-------------------------------------------------------
.
.
Bong bóng
“Trump Baby” có “nhà mới”
Lê
An - Saigon Nhỏ News
Jan 18, 2021
https://saigonnhonews.com/bong-bong-trump-baby-co-nha-moi/
Trong khi Donald Trump sắp
trở thành cựu tổng thống và chuẩn bị “dọn nhà”, cái bong bóng khổng lồ mô tả
ông như một đứa trẻ quấn tã – biểu tượng cho sự phản đối quốc tế đối với chính
quyền của ông – đã tìm được vị trí của nó trong lịch sử sau khi được một bảo
tàng của Anh mua lại. Cái bong bóng “Trump Baby” cao 20 foot (6 m) xuất hiện
trước chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Vương quốc Anh, khi hàng
trăm nghìn người Anh đổ ra đường để phản đối sự hiện diện của ông ở nước này.
Giờ đây, nó sẽ được trưng bày trong Bảo tàng London cùng với những “di vật”
khác của các cuộc biểu tình công khai ở thủ đô Anh. “Trump Baby” do Matt Bonner
thiết kế và Imagine Inflatables thi công.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/01/3500-750x430.jpg
Bong bóng “Trump
Baby”
“Chúng tôi hy vọng vị trí
của “em bé” trong bảo tàng sẽ như một lời nhắc nhở về thời điểm London chống lại
Trump nhưng cũng nhắc những người xem cần nhìn lại cách mình nên tiếp tục như
thế nào trong cuộc chiến chống lại nền chính trị thù ghét”, nhóm thực hiện chiến
dịch “Trump Baby” nói.
Khinh khí cầu “Trump
Baby” trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi thị trưởng London, Sadiq Khan, người
thường xuyên bị Trump gièm pha, đã cho phép nó bay trên thành phố trong chuyến
thăm đầu tiên của Trump. Kể từ đó, nó đã theo chân Tổng thống Trump trong các
chuyến công du khắp thế giới của ông cũng như trong nước Mỹ, từ Washington DC đến
các thành phố lớn khác ở Pháp, Argentina, Ireland, Đan Mạch… Đây “chỉ là một phần
nhỏ của phong trào toàn cầu – một phong trào được dẫn dắt bởi những người bị gạt
ra ngoài lề xã hội mà chính sách chính trị của Trump đe dọa nhiều nhất”, những
người tạo ra “Trump Baby” nói trong một tuyên bố.
Giám đốc Bảo tàng London
Sharon Ament nói: “London luôn là một thành phố cởi mở, không ngừng phát triển.
Là thiên đường của tri thức, truyền thống và tranh cãi và trong hàng nghìn năm,
chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lịch sử. Bằng cách giữ lại “Trump
Baby”, chúng ta có thể đánh dấu làn sóng cảm giác tràn ngập thành phố vào ngày
hôm đó và ghi lại một khoảnh khắc kháng cự cụ thể – một cảm giác vẫn còn phù hợp
cho đến ngày nay, khi chúng ta sống qua những thời điểm đặc biệt khó khăn này”.
Tổng thống Trump hoàn toàn không được yêu thích ở Anh và ở một số quốc gia lớn
khác. Loạt khảo sát ghi nhận rằng hình ảnh toàn cầu của Hoa Kỳ đã sụp đổ dưới sự
lãnh đạo của Trump.
--------------------------------------------------------------------------
.
.
Dịch
vụ “rửa lý lịch” bằng lệnh ân xá từ Tổng thống Trump
Minh Đăng - Saigon Nhỏ News
Jan 17, 2021
https://saigonnhonews.com/dich-vu-rua-ly-lich-bang-lenh-an-xa-tu-tong-thong-trump/
New York Times số ra ngày 17-1-2021 có một phóng sự độc đáo về
chuyện giới vận động hành lang nhận tiền để tìm cách tiếp cận Tổng thống Trump
nhằm xin lệnh ân xá cho những đối tượng “khách hàng” đặc biệt vốn là tội phạm.
Một nhà vận động hành lang, Brett Tolman, cựu công tố viên liên bang, đã gom được
hàng chục nghìn đôla, và có thể hơn, để vận động Nhà Trắng xin khoan hồng cho
con trai một cựu thượng nghị sĩ Arkansas; cho một kẻ khét tiếng kinh doanh ma
túy; và cho một nhân vật ở Manhattan dính tội lừa đảo.
Cựu luật sư riêng của ông
Trump, John M. Dowd, cũng nhận hàng chục nghìn đôla từ một người phạm tội giàu
có. Một cố vấn hàng đầu một thời từng có mặt trong bộ máy vận động tranh cử của
Trump đã được trả 50.000 USD để giúp tìm kiếm lệnh ân xá cho John Kiriakou, cựu
C.I.A. viên chức bị kết tội tiết lộ bất hợp pháp thông tin mật. Bất luận việc
Trump bị Hạ viện luận tội lần hai và nhiều nghị sĩ Cộng hòa đang ngoảnh mặt với
Trump, Trump – về nguyên tắc và theo Hiến pháp – vẫn là tổng thống nên vẫn có
quyền ân xá ở thời điểm này. Cá nhân Trump thậm chí từng bàn với những người
thân tín về khả năng tự ân xá bản thân, cũng như cho con rể Jared Kushner lẫn
luật sư Rudy Giuliani.
Bill Clinton từng tai tiếng
với loạt ân xá bất thường vào những ngày cuối cùng của ghế tổng thống. Ông đã
ban hành 170 lệnh ân xá mà vài trong số đó dành cho những người đã trả số tiền
6 con số cho gia đình và cộng sự của ông. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp ân xá của
Bill Clinton đều thông qua quá trình xem xét chuyên sâu của Bộ Tư pháp. Trong
khi đó, Trump đã tránh xa quy trình đó hơn bất kỳ tổng thống nào, tạo ra một hệ
thống đặc biệt trong Nhà Trắng do Kushner điều hành và dựa vào đầu vào từ một mạng
lưới không chính thức gồm các cố vấn bên ngoài, trong đó có những người như cựu
công tố viên liên bang Brett Tolman.
Theo luật, không có gì bất
hợp pháp khi các cộng sự Trump được trả tiền để vận động hành lang cho lệnh ân
xá. Chỉ khi cá nhân Trump nhận tiền thì mới có thể qui kết tội tham nhũng. Cựu
thượng nghị sĩ Tim Hutchinson thuộc Cộng hòa, từng làm việc tại Quốc hội từ năm
1993-2003, đã trả cho Brett Tolman ít nhất 10.000 USD kể từ cuối năm ngoái để vận
động Nhà Trắng và Quốc hội ân xá cho con trai mình (tên Jeremy Hutchinson, cựu
nghị sĩ bang Arkansas, bị qui kết tội nhận hối lộ và gian lận thuế vào năm
2019). Tolman – ủng hộ nhiệt tình cho luật sửa đổi luật tuyên án do Trump và
Kushner đề xuất – đã được mời dự lễ ký luật sửa đổi trên tại Nhà Trắng vào
tháng 12-2018. Từ đó, Tolman trở nên nổi tiếng là chuyên gia chạy dịch vụ “xóa
án”. Một trong những người mà Tolman giúp xóa án chẳng ai khác hơn là cha của
Kushner, nhà đầu tư bất động sản bị buộc tội trốn thuế! Hồ sơ giấy tờ khai theo
luật vào tháng 1-2021 cho biết, Tolman được trả 20.000 USD trong ba tháng cuối
năm 2020 để “chạy xóa án” cho Dina Wein Reis, người bị kết án gian lận năm 2011
và được thả khỏi tù năm 2014. Một hồ sơ khác cho thấy Tolman cũng được trả
22.500 USD từ một người tên Brian Anderson, nhằm giúp chạy xóa án cho Ross
Ulbricht, người sáng lập hoạt động kinh doanh ma túy trên mạng có tên Silk
Road. Ulbricht bị kết án tù chung thân vào năm 2015.
Matt Schlapp, một trong những
nhà vận động hành lang thân cận nhất của Trump, được Trump đưa vào ban quản trị
quỹ tín thác cho Thư viện Quốc hội, cũng đã vận động hành lang trong nhiều tuần
để xin ân xá cho Parker Petit, nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng hòa, từng là chủ tịch
tài chính chiến dịch tranh cử tại Georgia năm 2016 của Trump, bị kết tội gian lận
chứng khoán vào tháng 11. Chuyên gia vận động hành lang Mark D. Cowan, khoe khắp
nơi về mối quan hệ với Trump, cũng nằm trong một nhóm được thuê sau cuộc bầu cử
để tìm kiếm lệnh ân xá cho Nickie Lum Davis, người đã nhận tội vào tháng 8 với
vai trò trong một chiến dịch bí mật nhằm gây ảnh hưởng đến Nội các Trump sao
cho có lợi cho Trung Quốc và Malaysia.
Trở lại với cựu luật sư
riêng của Trump, John M. Dowd. Vài tuần sau khi từ chức luật sư của tổng thống
vào năm 2018, Dowd bắt đầu quảng bá cá nhân mình là “trùm” về xin ân xá tổng thống.
Dowd nói với “khách hàng” rằng tổng thống có thể có thiện cảm với những người bị
các công tố viên liên bang ở Manhattan điều tra. Một trong những người đầu tiên
mà Dowd giúp là William T. Walters, một con bạc giàu có ở Las Vegas bị kết tội
giao dịch nội gián. Walters đã trả cho Dowd hàng chục nghìn đôla nhưng đến nay
lệnh ân xá vẫn chưa có.
Một cựu cố vấn chiến dịch
tranh cử của Trump, Karen Giorno, cũng đang tham gia vào thị trường đặc biệt
này. Giorno từng điều hành chiến dịch tranh cử của Trump tại Florida trong cuộc
bầu cử sơ bộ năm 2016. Năm 2018, Giorno gặp John Kiriakou, người bị kết tội vào
năm 2012 với việc tiết lộ bất hợp pháp tên của một điệp viên CIA. Tháng 7-2018,
Giorno ký “hợp đồng chạy án” với Kiriakou, để “xin Tổng thống Donald Trump ân
xá hoàn toàn về tội danh của ông ấy” với số tiền 50.000 USD, cùng khoản “bonus”
(tặng thêm) 50.000 USD nếu vụ việc thành công. Chưa biết vụ này có kết quả như
thế nào nhưng năm 2020, Kiriakou tình cờ gặp luật sư Rudy Giuliani tại khách sạn
Trump International ở Washington. Khi ông Giuliani vào phòng vệ sinh, một người
thân tín của Giuliani xoay sang Kiriakou nói rằng Giuliani có thể giúp “giải
quyết đẹp” vụ xin ân xá nhưng giá rất “chát”: 2 triệu USD. “Tôi bật cười” –
Kiriakou kể lại – “Hai triệu USD. Ông có mất trí không?”.
Khi Kiriakou kể lại chuyện
này cho một người bạn, người này đã lập tức báo FBI vì lo sợ có thể Giuliani
đang lập nên một đường dây chuyên gỡ án và “rửa lý lịch” bằng lệnh ân xá tổng
thống. Giuliani phủ nhận các tình tiết về cuộc gặp Kiriakou, nói rằng mình
không nhớ gặp Kiriakou hồi nào. “Tôi có thừa tiền. Tôi đâu có chết đói” –
Giuliani nói.
No comments:
Post a Comment