20/01/2021
https://vietbao.com/a306616/bon-nam-nhin-lai
Tôi viết những dòng này
buổi sáng ngày 20 tháng Giêng, 2021, vừa sau khi Tân Tổng thống Biden kết thúc
bài diễn văn nhậm chức của ông. Với tôi và những người đồng hành trong bốn năm
qua – không chỉ chúng tôi mà cả đa số người Mỹ nữa – cơn ác mộng đã chấm dứt,
hoặc nói cách khác, chúng ta đã bẻ ngoặt được tay lái để tránh lao xuống vực thẳm.
Theo dõi buổi lễ nhậm chức trên truyền hình, với rừng cờ cắm tại Quảng trường
Quốc Gia tượng trưng cho đám đông vắng mặt vì đại dịch, tôi không khỏi bùi ngùi
phản ảnh lại đoạn đường nước Mỹ đã mới trải qua.
Lịch sử đã sang trang.
Tôi không muốn nhắc đến nhân vật đã tạo ra tất cả những chia rẽ, tranh chấp, hoảng
loạn, hàng trăm ngàn người chết do sự bất lực của chính phủ, và rồi ĐỔ LỖI cho
người khác, nhưng tôi không tránh được điều này nếu muốn phản ảnh một cách
trung thực. Khi Donald Trump mới ra tranh cử, nhiều người trong đó có tôi, đánh
giá khả năng thành công của hắn gần như ở số không. Quá khứ của Trump: một
doanh gia và bầu sô ưa huênh hoang và có thể nói thô lỗ, một tay chơi luôn có
các cô người mẫu kề cận. Những phát biểu của hắn thường ấu trĩ, kém tế nhị và
quá khích. Chúng tôi đã kinh ngạc khi Trump sử dụng ngôn ngữ cọc cằn, thậm chí
tục tĩu để tấn công các đổi thủ chính trị thuộc đảng Cộng Hòa trong các buổi
tranh luận trên truyền hình mà vẫn vô sự. Nhưng
kinh ngạc hơn nữa là khi Trump lên án và miệt thị người di dân và kêu gọi xây bức
tường biên giới, thì sự ủng hộ từ phía đảng Cộng Hòa tăng vọt như diều.
Dường như không điều gì có thể ngăn nổi đà tiến này, mà như chính Trump đã nói:
“ngay cả nếu tôi bắn chết người giữa Đại lộ Số Năm ở New York, tôi sẽ chẳng mất
lá phiếu nào.”
Cảm xúc của chúng tôi
trong đêm bầu cử tháng 11 năm 2016 trộn lẫn sự hụt hẫng, tức giận và thất vọng
đến hầu như tuyệt vọng. Nỗi sợ hãi của chúng tôi được Trump xác nhận bằng những
hành động trong những năm tháng sau đó: đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác
Xuyên Thái bình dương được thiết lập để kiềm chế Trung Quốc; rút khỏi Hiệp định
Khí hậu Paris nhằm bảo vệ môi trường toàn cầu; đưa ra chính sách tàn bạo chống
người tị nạn và di dân, kể cả tước trẻ em khỏi bố mẹ; khởi công xây bức tường
biên giới; đả kích các đồng minh truyền thống và thân mật với các kẻ thù kể cả
Bắc Hàn và Nga; dự định phá hủy luật Obamacare đã mang bảo hiểm sức khỏe đến với
hàng chục triệu người dân Mỹ, và nhiều nữa. Hầu như Trump đã làm tất cả những
điều có thể để làm nước Mỹ suy yếu đi.
Sự kiện gây sửng sốt nhất
và có thể nói tượng trưng cho “chủ nghĩa” Trump là vụ bạo loạn ở
Charlottesville, tiểu bang Virginia. Những nhóm da trắng kỳ thị và cực hữu, kể
cả KKK và Tân Quốc Xã – trước kia bị ghê tởm và hoàn toàn không có chỗ đứng
trong dòng chính ở Mỹ - công khai tuần hành và hô to những khẩu hiệu da trắng
thượng đẳng. Kết thúc của sự kiện là một người da trắng trong họ phóng xe đâm
vào đám người biểu tình bất bạo động, gây chết người. Trump không lên án họ mà
còn đứng trước công chúng bào chữa rằng trong đám đó cũng có những người tốt,
và hai bên cùng có lỗi. Tức là theo cách nhìn của Trump, kẻ gây hấn và kẻ tự vệ
tương đương với nhau.
Thật thế, tư tưởng cốt
lõi mà Trump đại diện chính là chủ nghĩa dân tộc. Từ vị trí nguyên thủ quốc
gia, Trump đã thổi bùng tính dân tộc của một số người Mỹ, mà khái niệm dân tộc ở
Mỹ đi đôi với chủng tộc và nạn kỳ thị đã hiện diện từ thời lập quốc. Nhiều người
Mỹ da trắng vẫn quan niệm đất nước này trước nhất là của họ và cảm thấy đang bị
người di dân đe dọa. Họ muốn khôi phục lại cái quá khứ "vinh quang"
đó. Tuy nhiên, vinh quang với họ – đặc quyền của người da trắng chẳng hạn – đã
chỉ ra đời trên sự đau khổ của những người “không trắng.” Hơn 300 năm làm nô lệ,
sức lao động không một xu thù lao của người da đen đã đóng vai trò quan trọng đẩy
nước Mỹ lên hàng siêu cường. Trong cả thế kỷ sau đó, người da trắng tiếp tục sử
dụng lợi thế sẵn có để áp chế người da màu một cách có hệ thống. Đó là hai mặt
của sự vinh quang của Mỹ, điều mà Trump kêu gọi khôi phục trong khẩu hiệu tranh
cử của mình.
Căn bản của chủ nghĩa dân
tộc là sự thiếu tự tin đưa đến sợ hãi, và do đó, những người cùng nhóm, cùng
làng, cùng tỉnh, cùng vùng, cùng xứ sở, cần phải "quay những chiếc xe
thành vòng tròn" để chống lại những thành phần khác với mình đến từ bên
ngoài. Giống mình, thì có xấu mấy đi nữa, vẫn bỏ qua. Khác mình, thì có hay mấy,
vẫn chống. Chủ nghĩa dân tộc chính là thế.
Điều đó giải thích tại sao
Trump được sự ủng hộ của nhiều nhóm người, mà ở bề nổi họ dường như rất khác
nhau về vị thế trong xã hội, quyền lợi và văn hóa. Nhưng họ tương đồng với nhau
ở điểm ghét và sợ những gì khác và không quen thuộc với họ. Đối tượng chính của
sự thù ghét, có khi xen lẫn với sợ hãi hay ghen tuông, của người da trắng Mỹ là
người da đen, của người da trắng Châu Âu là người Hồi giáo Trung Đông, của người
Trung Hoa là người Nhật, của người Việt là người Tàu, v.v.
Trump chẳng phải là người
đầu tiên hoặc cuối cùng sử dụng chủ nghĩa dân tộc để tiếm quyền. Ở thập niên
1930 đã có Hitler ở Đức và Mussolini ở Ý, và gần đây hơn là Le Pen ở Pháp,
Orban ở Hung, Erdogan ở Thổ... Nhưng độc tài thường cũng bất tài. Ngoài giỏi mị
dân (mị đây có nghĩa làm mê hoặc, chứ không chỉ là nịnh hót) và tuyên truyền,
tính độc tôn của họ không cho phép họ hợp tác hay nghe lời khuyên của bất cứ
ai. Trong trường hợp Trump, tính xảo trá và tham lam của một con buôn lừa lọc
khiến hắn không có tầm nhìn xa mà chỉ thấy được các mối lợi trước mắt. Âu đó
cũng là sự may mắn cho nhân loại. Một chính trị gia vừa độc tài vừa đa tài có
thể biến thế giới trở thành địa ngục.
Và thật thế, trong cái đại
họa mà Trump đã gây ra, kể cả với gần 400 ngàn người đã chết trong đại dịch mà
phần lớn có thể tránh được, chúng ta vẫn còn may mắn. May mắn vì nền dân chủ của
Mỹ, tuy chậm chạp và đôi lúc tưởng như bất lực, vẫn cuối cùng mạnh đủ để khống
chế một cá nhân lạm quyền và tránh cho quốc gia phải chịu đựng thêm bốn năm nữa.
May mắn vì những đại họa khác đã không xảy ra, chẳng hạn như một cuộc chiến
nguyên tử với một hay nhiều quốc gia khác – Iran hay Trung Quốc chẳng hạn.
“Hôm nay tạm nghỉ bước
gian nan,” con đường trước mắt của chúng ta còn gai góc, nhất là cơn đại dịch vẫn
hoành hành chờ mọi người được chích vác-xin, nhưng chúng ta có quyền tạm thời
ăn mừng một thời đại mới. Mỹ Quốc là một công trình dang dở và chưa bao giờ
hoàn hảo, nhưng chủ trương hàn gắn của Tân Chính phủ Biden-Harris sẽ giúp mọi
người tham gia xây dựng và mang lại cho chúng ta niềm tin vào một nước Mỹ ngày
càng tốt đẹp hơn cho tất cả.
----------------------
Thắng Đỗ là thành viên của
Hội đồng Quản trị của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, và gửi bài từ San
Jose, California.
No comments:
Post a Comment