Sunday, 24 January 2021

"BÃO" KHÔNG NỔI TẠI MỸ : NGƯỜI THEO QAnon TRƯỚC "THỰC TẾ" PHŨ PHÀNG (Thu Hằng - RFI)

 


"Bão" không nổi tại Mỹ: Người theo QAnon trước "thực tế" phũ phàng

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 24/01/2021 - 12:24

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210124-nguoi-theo-qanon-truoc-thuc-te-phu-phang

 

Phép mầu đã không xảy ra ! Joe Biden không bị bắt mà vẫn trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ! « Kế hoạch » đã không được thực hiện, mà thực ra chẳng có kế hoạch nào hết ! Thất vọng tràn trề trong mạng lưới QAnon, những người vẫn trông đợi vào « kế hoạch » do Donald Trump chỉ đạo.

 

https://s.rfi.fr/media/display/eb9f2e68-2670-11eb-b916-005056bff430/w:980/p:16x9/ap20268597550113_usa_qanon_trump_complotisme_0.webp

Một người theo phong trào QAnon trong buổi mit-tinh của tổng thống Donald Trump, ngày 02/08/2018 tại bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Matt Rourke/AP Photo

 

Báo Le Monde (ngày 20/01/2021) nhận định : « Joe Biden nhậm chức: những người ủng hộ QAnon đối mặt với bức tường thực tế khó khăn ». Ông Donald Trump rời Nhà Trắng sáng sớm 20/01 để về khu tư dinh Mar-a-Lago ở Florida, chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống. Đến phút chót, rất nhiều người theo QAnon vẫn động viên nhau phải « tin vào kế hoạch ».

 

 

« Bão » đã không nổi

 

Sáng sớm 20/01, Alexis Cossette-Trudel, một người Canada theo thuyết âm mưu có ảnh hưởng, kêu gọi : « Hỡi những người còn nghi ngờ vào tối nay, hãy nhớ rằng Trump có nhiều năm hào quang hơn các đối thủ của ông như thế nào ». Nhân vật này tự tin : « Sự nối tiếp của cuộc bầu cử đã được lên kế hoạch tỉ mỉ ít nhất là từ năm 2018 (…) Giờ đến lượt các lực lượng vũ trang Mỹ thay thế. Hooah ! Một thế giới tươi đẹp hơn đang ở ngay trước mắt ».

 

Họ đợi « bão » nổi lên vào ngày 20/01 nhờ các lực lượng vũ trang. Le Monde nhắc lại, theo thuyết âm mưu QAnon, một cơn bão (storm) sẽ cùng lúc nổi lên nhờ vào hoạt động ngầm của Donald Trump cuốn bay mọi thành viên của băng đảng lãnh đạo bị cho là « tham nhũng ». Từ tổng thống Joe Biden đến bà Hillary Clinton, cựu ứng viên tổng thống năm 2016 cùng với vài chục quan chức thuộc đảng Dân Chủ và rất nhiều người nổi tiếng khác sẽ bị quân đội đồng loạt bắt giữ để buộc họ phải chịu trách nhiệm cho những hành động gây ra : từ tổ chức các mạng lưới ấu dâm đến gian lận bầu cử, theo những lời tuyên truyền của thuyết âm mưu lan rộng Mỹ, đặc biệt trong năm 2020.

 

« Bão » sẽ đến ! Rất nhiều lần, tài khoản nặc danh « Q » khẳng định như vậy, kèm theo những chỉ dẫn được mã hóa để định hướng người ủng hộ, nhưng rồi bặt vô âm tín từ giữa tháng 12/2020. Nhiều tuần trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden và sau khi chịu hết thất bại này sang thất bại khác trong kế hoạch đảo ngược kết quả bầu cử, rất nhiều người theo QAnon chắc mẩm bão sẽ xảy ra vào ngày 20/01 vì toàn bộ « bè lũ gian lận » tập trung ở Washington.

 

Suốt cả buổi sáng diễn ra lễ nhậm chức, còn cựu tổng thống Trump đã yên vị ở Florida, những người ủng hộ « Q » vẫn ngồi chờ « Q » trước màn hình, chờ « Q » thông báo đã có hàng loạt vụ bắt giữ. « Q » bặt vô âm tín, như suốt một tháng qua ! Một số người bắt đầu chột dạ : « Nếu là lừa đảo thì sao ? ». « Q » đã lừa họ, lợi dụng lòng tin của họ ? Trên một kênh truyền thông Telegram của QAnon, Anthony thừa nhận với Grey là Donald Trump đã thất bại, « trừ phi đó là kế hoạch ngay từ đầu ».

 

Khẩu hiệu « tin vào kế hoạch » bắt đầu bị nghi ngờ nhưng họ vẫn cố bám niềm tin vào hình ảnh 17 lá cờ Mỹ được dựng trước chiếc Air Force One chờ đưa cựu tổng thống Trump về Florida. Suốt nhiệm kỳ của ông Trump, họ vẫn tin tổng thống gửi mật mã cho họ mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. 17 lá cờ, ắt phải có thông điệp nào đó vì đúng với thứ tự thứ 17 của Q trong bảng chữ cái !!!

 

Vô vọng ! Cả ngày hôm đó, lễ nhậm chức của ông Joe Biden vẫn diễn ra như kế hoạch. Nhiều người theo QAnon bắt đầu phẫn nộ, như dòng tin của tài khoản MAGA1771 trên một diễn đàn của QAnon : « Không có kế hoạch nào hết. Biden vừa nhậm chức. Không có bắt giữ hàng loạt. Đã đến lúc thức tỉnh và nhìn vào thực tế trước mắt ».

 

 

Phải cam kết « mua thêm vũ khí và đạn » trước khi tham gia diễn đàn

 

Trong bài diễn văn nhậm chức, tân tổng thống Mỹ nhắc đến « sự trỗi dậy của cực hữu chính trị, của tư tưởng da trắng thượng đẳng và khủng bố trong nước » là mối nguy hiểm cho đất nước.

 

Những người theo cực hữu và mạng lưới QAnon đã hiểu thông điệp trên. Vài phút sau lễ nhậm chức, một kênh Telegram của những người theo thuyết âm mưu đã đổi tên để ít bị chú ý hơn. Ngoài ra, những người muốn tham gia diễn đàn phải nhấn vào lời khuyến cáo « mua thêm nhiều vũ khí và đạn hơn ». Một diễn đàn lớn khác đã chặn mọi bình luận mới.

 

Những gương mặt chính của mạng lưới QAnon tiếp tục thuyết phục những người theo họ rằng « vẫn chưa hết ». Ngược với thông điệp của Ron Watkins, cựu điều phối viên diễn đàn 8kun, nơi « Q » từng thường xuyên đăng tin và đã có lúc được cho là người đứng sau tài khoản « Q ». Sau lễ nhậm chức của Joe Biden, Ron Watkins viết : « Giờ chúng ta có thể ngẩng cao đầu và trở lại cuộc sống cách tốt nhất có thể. Chúng ta có tổng thống mới và với tư cách là những công dân, chúng ta có trách nhiệm tôn trọng Hiến Pháp ». Phải chăng đây là thông điệp « gác kiếm » ?

 

                                                         ***

 

                                 CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

 

Mạng truyền thông QAnon, ‘‘đồng minh’’ trong bóng tối của Trump

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 02/12/2020 - 15:56

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20201202-qanon-dong-minh-trong-bong-toi-cua-donald-trump

 

Bầu cử 2020 cho thấy một nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. Tổng thống mãn nhiệm liên tục lên án bầu cử gian lận quy mô lớn, tước đoạt chiến thắng của ông, dù không hề có bằng chứng. Rất nhiều người ủng hộ Trump coi đối thủ chính trị của ông là kẻ thù không đội trời chung. Cho dù chuyển giao quyền lực diễn ra, đối đầu dự báo sẽ kéo dài trong căng thẳng. Vì sao nước Mỹ bị phân hóa đến thế ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/eb9f2e68-2670-11eb-b916-005056bff430/w:980/p:16x9/ap20268597550113_usa_qanon_trump_complotisme_0.webp

Một người biểu tình mang biểu tượng QAnon tại một cuộc tập hợp ủng hộ Donald Trump, ngày 02/08/2018, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Matt Rourke/AP Photo

 

Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều chuyên gia, nhà quan sát khẳng định vai trò quan trọng của đủ loại « thuyết âm mưu », nở rộ trong những năm vừa qua. Mạng truyền thông không chính thức QAnon được coi là một thế lực trong bóng tối hùng mạnh, nơi phát xuất của nhiều « thuyết âm mưu », có ảnh hưởng lớn đến cách suy nghĩ của người Mỹ, đặc biệt là các cử tri đảng Cộng Hòa nói chung, giới ủng hộ ông Donald Trump nói riêng. QAnon hoạt động ra sao ? Vì sao mạng lưới truyền thông này là có nhiều ảnh hưởng như vậy ? Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Xã hội của RFI tuần này.

 

 

« Cuộc nội chiến » thầm lặng chống lại một « nhà nước ngầm »

 

QAnon xuất hiện vào mùa thu 2017, ít tháng sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống. « Q » là tên gọi rút gọn của « Q Clearance Patriot », biệt danh của một tài khoản trên một diễn đàn mạng nhiều tai tiếng mang tên « 4chan ». « Anon » là tên viết tắt của từ « vô danh » trong tiếng Anh. Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được danh tính của cá nhân hay nhóm đứng đằng sau biệt danh « Q ». Chủ nhân của tài khoản mang tên « Q » khẳng định tiếp cận được với các tài liệu mật cho thấy có một âm mưu ngầm chống lại tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

 

·         Đọc thêm : Vì sao phong trào ủng hộ Trump củng cố được vị thế trong xã hội Mỹ ?

 

Theo « Q », lãnh đạo nhóm chống tổng thống hiện nay là một tổ chức tội phạm, bao gồm cựu tổng thống Obama, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, tỉ phú George Soros, gia đình Rothschild, nhiều ngôi sao điện ảnh Holywood, và nhiều quan chức cao cấp Mỹ. Thế lực này cũng bị cáo buộc tham gia buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục, và được coi là đã bí mật điều khiển nước Mỹ từ nhiều thập niên nay, cùng với nhiều thế lực nước ngoài. Theo « Q », chỉ có Donald Trump và các cộng sự của ông mới là người có thể chống lại « nhà nước ngầm » này, cứu nước Mỹ, trả lại quyền lực cho nhân dân (Les Echos ngày 21/08/2020).

 

Gần đây, các thành viên của QAnon khi xuất hiện trước công chúng thường mang theo biểu tượng chữ Q, mang màu đỏ, hoặc màu cờ Mỹ, với khẩu hiệu « Một người trong chúng ta đi đâu, tất cả cùng đi » (Where We Go One We Go All – viết tắt là « WWG1WGA »).  

 

Một người ủng hộ phong trào, ông Jordan Sather, cho biết trên Youtube, « QAnon, tóm lại, là một cuộc nội chiến bí mật, do một số người ly khai khỏi hệ thống tình báo tiến hành. Các thông điệp của ‘‘Q’’ giúp chúng ta thức tỉnh, để nhận ra sự thật ». Nhà nghiên cứu Travis View, chuyên gia về phong trào QAnon, xác nhận : « ‘‘Q’’ tự nhận là một quan chức cao cấp trong ngành tình báo quân sự, thân cận với ông Donald Trump ». Một niềm tin chủ yếu của những người theo  QAnon đó là những thế lực có « âm mưu đen tối » sẽ sớm bị bắt giữ hàng loạt, và « trận cuồng phong này » (the Storm) sẽ đưa tất cả đến nơi « bình an và hạnh phúc ». Erin Cruz, một người ủng hộ QAnon, ứng cử viên Cộng Hòa vào Nghị Viện California cuối năm 2019, khẳng định đầy vẻ tin tưởng : « Các thuyết âm mưu có vẻ điên rồ, cho đến khi chúng được chứng minh là đúng ».

 

 

Phẫn nộ : « Bão chồng lên bão »

 

Phong trào QAnon thoạt tiên chỉ nằm bên lề xã hội Mỹ, bởi các thuyết âm mưu những người chủ xướng đưa ra bị coi quá cực đoan. Tuy nhiên, QAnon nhanh chóng thu hút được nhiều « tín đồ », với việc tung ra tin giả đủ loại, đặc biệt gần đây trong bối cảnh xã hội Mỹ lâm vào khủng hoảng với đại dịch Covid-19, hay phong trào Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng quan trọng), chống bạo lực và kỳ thị chủng tộc của cảnh sát. Chẳng hạn như một điều tra của New York Times cho biết nhiều thành viên phong trào này đã xâm nhập vào mạng lưới bảo vệ trẻ em #SaveTheChildren, để tung ra một bản đồ bịa đặt về các địa điểm buôn trẻ em.

 

Chuyên gia về truyền thông và hiện tượng tin giả, bà Whitney Phillips, đưa ra một ẩn dụ đầy hình ảnh để nói về sức mạnh và tốc độ phát triển của QAnon. Nhà nghiên cứu Đại học Syracus, New York, so sánh QAnon với hiện tượng thời tiết được đặt tên là « hiệu ứng Fujiwhara », một cơn cuồng phong trở nên mạnh hơn gấp bội, nhờ một cơn cuồng phong khác tiếp sức. QAnon không chỉ là một « trận bão » truyền thông, phong trào này còn mang năng lượng của nhiều « trận bão » dồn dập ập đến trong những năm gần đây.

 

Chuyên gia về các thuyết âm mưu Mike Rothschild, tác giả cuốn « The World's Worst Conspiracies » (cũng là tác giả một cuốn sách về QAnon, sẽ ấn hành năm tới 2021) nhận xét : với đại dịch Covid, mọi thứ nhập làm một. Nếu bạn đến một nhóm chống vac-xin, bạn sẽ gặp những người chống khẩu trang, nếu bạn đến một nhóm chống khẩu trang, sẽ gặp người chống Bill Gates, đệ tử cuồng nhiệt của QAnon… Rốt cục bạn sẽ tin vào tất cả những điều này.

 

Theo chuyên gia về thuyết âm mưu Travis View, « điều mà QAnon mang lại cho người tin theo là khả năng hiểu được những gì diễn ra mà không cần đến các phương tiện truyền thông. Chỉ cần đi theo ‘‘Q’’, người được coi là có quan hệ với giới tình báo cao cấp, người có thể nói cho bạn biết những gì diễn ra thực sự trong hậu trường. Mong muốn có được các thông tin bí hiểm này là đặc điểm chung của tất cả những người tin theo ''Q'' » (Le Monde, 14/10/2020).

 

 

Mạng xã hội: Nơi phù thủy luyện âm binh

 

Trong thông điệp đầu tiên năm 2017, « Q » khẳng định cựu ngoại trưởng Hillary Clinton sắp bị bắt giam. Tuy nhiên, tiên đoán này đã không xảy ra. Kể từ đó « Q » từ bỏ giọng điệu khẳng định, để chuyển sang kêu gọi những người tham gia đóng góp « phần nhỏ của mình », tùy theo sáng kiến riêng, miễn là phù hợp với chủ trương chung của phong trào. Các thông điệp của phong trào liên tục đổi mới, thích ứng với phương thức liên hệ hết sức uyển chuyển, trên các mạng xã hội, nơi mà mỗi cá nhân toàn quyền đưa ra các giải thích riêng của mình.

 

Theo chuyên gia Mike Rothschild, khi những người chủ trương mạng « QAnon » thấy một số các bài viết hay thông điệp thu hút nhiều chú ý, họ sẽ đưa lên Youtube, và chính từ đây, các nội dung đó sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Một điều tra nội bộ của Facebook, mà kênh truyền hình NBC tiếp cận được hồi đầu tháng 8, mang lại một hình dung sơ bộ về quy mô của phong trào. Facebook xác định được hàng nghìn nhóm, trang mạng với hơn 3 triệu thành viên và người đăng ký, có liên quan đến trào lưu QAnon. Kể từ tháng 3 đến tháng 8, số lượng trang và nhóm QAnon trên Facebook tăng gấp 6,5 lần (FranceInfo). Cũng tháng 8/2020, theo điều tra của New York Times, những nhóm QAnon nổi tiếng nhất trên Facebook tập hợp đến 200.000 người tham gia.

 

 

Chia rẽ, ngờ vực, thù hận : Nỗi lo nước Mỹ bị xé làm hai

 

« Thuyết âm mưu » và tin giả song hành như hình với bóng. Để hiểu được vì sao mạng truyền thông trong bóng tối QAnon lại có được sức hấp dẫn như vậy trong xã hội Mỹ, bên cạnh những bối cảnh thuận lợi như đại dịch Covid - gây nhiều lo lắng trong xã hội, một nguyên nhân khác có thể thấy trong chính chủ trương của tổng thống Hoa Kỳ, chống lại truyền thông chủ lưu, chống lại cách xử lý thông tin nghiêm túc của nhiều phương tiện truyền thông chuyên nghiệp, gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà báo Phạm Trần, nhà quan sát chính trị Mỹ từ nhiều thập niên nay, nhận xét :

 

« Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử tổng thống của nước Mỹ, một tổng thống đương quyền thất cử lại nói rằng mình thua là do gian lận. Đối với người dân Mỹ, phải coi đó là một lời tuyên bố, một xác quyết xâm phạm đến tính ngay thẳng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Cho đến giờ này, bốn năm cầm quyền của ông Donald Trump đã tạo ra một không khí nghi ngờ, chia rẽ, phân hóa trong xã hội Mỹ, và trong chính quyền Mỹ, không có tin tưởng ở nhau. Đấy là một hậu quả tôi cho rằng là nghiêm trọng.

 

Ông Trump tạo ra sự nghi ngờ đối với nền dân chủ Hoa Kỳ, và tạo ra ấn tượng là bầu cử ở Mỹ có gian lận, nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Báo chí hỏi ông ấy, tại sao lại không đưa ra bằng chứng ? Thì ông ấy lại tố cáo những người phóng viên đã đặt câu hỏi ấy là đã đưa ra tin giả, ‘‘fake news’’. Ông Trump đã thành công trong việc tạo ra làn sóng (chống lại cái gọi là) ‘‘fake news’’.

 

Những gì không thuận tay ông ấy, những gì ông ấy không thấy có lợi cho ông ấy, thì ông ấy gọi là ‘‘fake news’’, hay không có lợi cho đảng Cộng Hòa thì ông ấy cho là fake news. Và những gì mà đối thủ của ông ấy nói, những người chống ông ấy, tuyên bố thì đều bị coi là fake news, thì ông ấy lại gán ghép cho họ là đưa ra những ‘‘fake news’’, để che đậy âm mưu của mình. Hiện tượng gọi là ‘‘fake news’’ đó, cách tuyên truyền của ông Donald Trump đã trở thành một hiện tượng trong xã hội Mỹ, sẽ tiếp tục tồn tại, sẽ phát triển mạnh hơn, mặc dù ông Donald Trump sẽ rời Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/01/2021 ».

 

Với khoảng 80 triệu người đăng ký theo dõi trên Twitter, ông Donald Trump, với quyền lực của một tổng thống Mỹ, là một trong những người có ảnh hưởng ghê gớm nhất đến công luận toàn cầu. Việc tổng thống Trump thường phổ biến quan điểm gây chia rẽ công chúng, những người theo ông và những người chống ông, quyết liệt chống lại các phương tiện truyền thông không ủng hộ ông, quy tất cả vào một nhóm « kẻ thù của nhân dân » (ngôn từ thường được các chế độ toàn trị sử dụng để triệt hạ hoàn toàn các đối thủ), ắt hẳn đã tạo đất tốt cho sự nở rộ của đủ loại thuyết âm mưu, tin giả, trong đó có các thuyết âm mưu mà QAnon phổ biến.  

 

 

Trump – QAnon :  Quan hệ nước đôi

 

Về mặt nguyên tắc, ông Donald Trump được coi là người không bao giờ nói trực tiếp về QAnon. Tùy viên báo chí của Nhà Trắng năm 2018 tuyên bố tổng thống Trump « tố cáo và lên án và mọi hành động bạo lực nhắm vào một cá nhân ». Trong một cuộc họp báo vào tháng 8/2020, ông Trump đã tránh trả lời phóng viên, khi được đặt câu hỏi về QAnon. Câu hỏi được nhà báo đặt ra sau khi tổng thống Trump gửi thông điệp trên mạng Twitter khen ngợi ứng cử viên vào Hạ Viện, bà Marjorie Taylor Greene, một đệ tử của phong trào QAnon (theo AP, ngày 14/08/2020). Trong một đoạn video đưa lên mạng năm 2017, bà Greene ca ngợi ông Trump là cơ hội giúp cho nước Mỹ « chống lại băng nhóm của những kẻ ấu dâm, tôn thờ quỷ Satan » – một nội dung chủ yếu trong thuyết âm mưu của QAnon. Người vừa đắc cử hạ nghị sĩ cũng là người chủ trương chống phá thai, ủng hộ mang súng, coi người da trắng là nhóm xã hội « bị ngược đãi nhất » tại Mỹ (bà Greene là một trong hai ứng cử viên ủng hộ QAnon đắc cử Hạ Viện lần này) (France Culture, ngày 04/11/2020).

 

Trên thực tế, tổng thống Donald Trump có quan hệ gần gũi với nhiều thành viên QAnon. Ví dụ như Michael William Lebron (biệt danh « Lionel »), một người dẫn chương trình phát thanh, hoạt động tích cực trên mạng, với gần 150.000 người theo dõi trên Twitter và 250.000 người trên kênh Youtube cá nhân. Michael William Lebron nổi tiếng là một trong những người tuyên truyền nhiệt tình cho các luận thuyết « âm mưu » của QAnon. Hay cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Michael Flynn, cũng là người nhắc lại các khẩu hiệu của QAnon trên trang Twitter.

 

Nhà nghiên cứu Joseph Uscinski, Đại học Miami, chuyên gia về các nhóm chính trị bên lề, ghi nhận QAnon là nhóm được coi là « cực đoan nhất » trong giới cử tri ủng hộ Donal Trump. Thái độ gần gũi của ông Trump với nhóm này đặt chính đông đảo giới chính trị gia Cộng Hòa vào thế khó xử. Đa số không dám phản đối, bởi ông Trump được cử tri ủng hộ đông đảo, nhưng việc lờ đi chuyện này có thể gây khó cho đảng Cộng Hòa, khi QAnon đã nằm trong tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang (FBI), như một « nguy cơ đối với an ninh quốc gia » (France 24, 22/07/2020).

 

 

Mối đe dọa thường trực đối với nền dân chủ

 

Ảnh hưởng QAnon có nguy cơ dẫn đến các hành động cực đoan nguy hiểm trong kỳ bầu cử Mỹ. Đây có thể là lý do khiến tập đoàn Facebook đầu tháng 10 vừa qua đã quyết định loại trừ tất cả những gì liên quan đến QAnon ra khỏi mạng xã hội này, sau một thời gian dài dung dưỡng mạng truyền thông trong bóng tối. Youtube cũng đưa ra một số biện pháp. Tuy nhiên, QAnon chắc chắn không chết, bởi sự phát triển của phong trào này giờ đây không còn phụ thuộc vào Facebook.

 

Quan hệ giữa tổng thống mãn nhiệm Mỹ với QAnon, mạng truyền thông đầy thế lực, chủ trương các thuyết âm mưu mờ ám, là vấn đề đang tiếp tục được giới chuyên gia làm sáng tỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, thái độ nước đôi của tổng thống Mỹ, chủ trương phủ nhận triệt để vai trò của truyền thông chủ lưu, tất cả những gì đi ngược lại quan điểm của cá nhân ông Trump đều bị gán nhãn « fake news », đã tạo ra  một không khí xã hội rất thuận lợi cho đủ loại thuyết âm mưu phát triển. Đây cũng chính là nguồn gốc sản sinh vô số tin giả, gây rối nhiễu công luận.

 

Nhà chính trị học Pháp Rudy Reichstadt, phụ trách trang mạng Conspiracy Watch (thành lập từ năm 2007, chuyên nghiên cứu các phong trào cực đoan), nhấn mạnh « sự nở rộ của thuyết âm mưu biến các tranh luận trong một xã hội dân chủ thành cuộc đối thoại giữa những người điếc », « việc hủy bỏ mọi khả năng về ‘‘một thế giới chung’’ mà mọi người có thể chia sẻ, việc hủy hoại niềm tin vào một hiện thực mang tính sự kiện, mà xung quanh đó, có thể diễn ra đối thoại giữa các quan điểm trái ngược » là mối đe dọa thường trực đối với các nền dân chủ (Le Monde, 25/11/2020).  

 

 

                                                       ***

 

Bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ: Những gương mặt “nổi trội” lần l

Mai Vân  -  RFI

Đăng ngày: 14/01/2021 - 14:28

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210114-b%E1%BA%A1o-lo%E1%BA%A1n-t%E1%BA%A1i-qu%E1%BB%91c-h....B0%E1%BB%9Bi

 

Theo báo chí Mỹ vào hôm qua, 13/01/2021, thêm một “nhân vật cần chú ý” trong số hàng trăm người xông vào gây loạn tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 06/01 vừa qua đã bị bắt. Ông Robert Keith Packer, cư ngụ tại bang Virginia là người có mặt trên một bức ảnh chụp một nhóm người bên trong Điện Capitol mặc áo in dòng chữ “Camp Auschwitz”, bị cho là cổ vũ cho phong trào Tân Quốc Xã.

 

https://s.rfi.fr/media/display/94165a5c-54ad-11eb-b7e3-005056a98db9/w:980/p:16x9/capitole-etats-unis-angeli-qanon.webp

Những gương mặt đáng chú ý trong vụ xâm nhập vào trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington, ngày 06/01/2021, với Jake Angeli "người đội sừng" (G). AP - Manuel Balce Ceneta

 

Packer nằm trong số hàng trăm người đang bị cảnh sát liên bang Mỹ truy lùng vì đã tham gia vụ xâm nhập trụ sở Quốc Hội Mỹ - đã bị coi là một vụ bạo loạn. Cuộc điều tra đã tiến triển nhanh chóng nhờ vô số hình ảnh và video đã được rất nhiều phóng viên báo chí thu được cũng như được chính các đương sự tung lên các mạng xã hội trong thời gian qua.

 

Vào lúc phe ủng hộ tổng thống Trump, và cả chính ông, đã quy trách nhiệm cho các thành phần cực tả “antifa” là đã mạo danh những người ủng hộ tổng thống để xông vào làm loạn trong Quốc Hội, thực tế cho thấy là nhóm gây bạo loạn đều là những người trong giới nổi tiếng nhiệt tình đi theo ông Trump.

 

 

Những gương mặt tiêu biểu

 

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/01 vừa qua đã phác họa chân dung của những gương mặt tiêu biểu trong số những kẻ bạo loạn đã xâm nhập vào Điện Capitol, những gương mặt đã xuất hiên trên thông cáo tìm kiếm thông tin mà cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI đã công bố khắp nơi để truy nã.

 

Nhận xét của tờ báo Pháp không chút mập mờ: Đó là những người thuộc giới loan truyền các thuyết âm mưu cực hữu, một số cựu quân nhân, và cả những đại biểu dân cử ở các bang hay một vài đại gia triệu phú, tuyệt đại đa số là người da trắng.

 

 

Ashli Babbitt, nữ quân nhân theo QAnon

 

Gương mặt đầu tiên được Le Monde nhắc đến lại là một người không thấy trên thông báo tìm kiếm của FBI: Ashli Babbitt, một nữ cựu quân nhân, ủng hộ Donald Trump vô điều kiện, trở thành tín đồ của các thuyết âm mưu của QAnon, người duy nhất bị bắn chết trong vụ tấn công vào Điện Capitol.

 

Trong một đoạn video được tờ báo Mỹ Washington Post công bố, người phụ nữ này được nhìn thấy giữa đám đông đang cố gắng xông vào khu văn phòng của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Đám đông xô đẩy, phá cửa sổ, đánh đuổi các cảnh sát bảo vệ ở cửa. Ashli Babbitt cố gắng chui qua một cửa sổ sát đất. Một cảnh sát nổ súng. Babbitt trúng đạn bị thương nặng và qua đời tại bệnh viện.

 

Ashli Babbitt nằm trong số năm người bị thiệt mạng trong vụ bạo loạn, trong đó có một cảnh sát bảo vệ Điện Capitol. Theo báo chí Mỹ, Brian Sicknick – tên người cảnh sát – đã chết vì thương tích quá nặng sau khi bị một kẻ bạo loạn dùng bình chữa cháy đánh vào người khi anh cố gắng ngăn chặn đám đông tràn vào.

 

Đối với Le Monde, căn cứ vào trang phục của những người gây bạo loạn, có thể thấy sự hiện diện đáng kể của nhiều phần tử thuộc các nhóm bán quân sự và Tân Quốc Xã, điển hình là trường hợp của Packer với chiếc áo mang hành chữ “Trại Auschwitz – Lao động mang lại tự do”, gợi đến phương châm được ghi ở lối vào trại hủy diệt người Do Thái của Đức Quốc Xã.

 

Le Monde đặc biệt tìm hiểu về ba người mà hình ảnh được loan truyền khắp thế giới dưới các biệt danh như “người đàn ông đội sừng”, “người gác chân lên bàn” và “người đàn ông với chiếc bục phát biểu”.

 

“Người đàn ông đội sừng”

 

Theo tờ báo Pháp, nổi tiếng nhất trong bộ ba này có lẽ là Jacob Anthony Chansley, 32 tuổi, còn được gọi là Jake Angeli hoặc Pháp sư QAnon. Đến từ bang Arizona, nơi các mạng lưới theo thuyết âm mưu của QAnon đã được triển khai, anh ta là người đội chiếc mũ lông có sừng, để ngực trần, xăm trổ, với khuôn mặt được vẽ bằng màu cờ Mỹ với kẻ sọc và ngôi sao.

 

Sự xuất hiện và các phát biểu của Jake Angeli đã thu hút báo chí trước vụ tấn công. Trên một video, anh ta đưa ra những nhận xét đầy tính âm mưu về các chủ ngân hàng trung ương, những người đã xuyên thủng dãy Alps của Thụy Sĩ "như một miếng pho mát Thụy Sĩ" để nô dịch hóa thế giới từ các căn cứ dưới lòng đất.

 

Bị FBI truy nã, anh đã bị bắt hôm thứ Bảy 09/01 về tội xâm nhập trụ sở Quốc Hội một cách bất hợp pháp.

 

"Người gác chân lên bàn"

 

Nổi tiếng thứ hai là người đàn ông đã ngồi chễm chệ và gác chân lên bàn trong văn phòng của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện. Richard Barnett, 60 tuổi, đã ra đầu thú chính quyền ở Arkansas vào hôm 08/01 sau khi đã trở về nhà.

 

Ông cũng bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản công vì đã lấy đi một tấm biển gỗ đánh dấu lối vào văn phòng của bà Pelosi. Đối với Barnett bà Pelosi không phải là chủ tịch Hạ Viện của những người như ông. Cảnh sát đang điều tra xem ai đã lấy đị một chiếc máy tính xách tay trên bàn của bà Pelosi.

 

 

"Người đàn ông với chiếc bục phát biểu"

 

Nhân vật thứ ba đáng chú ý là Adam Johnson. Người ta thấy bức ảnh của người đàn ông 36 tuổi này, vui mừng với chiến lợi phẩm của mình và tươi cười trước các ống kính, tay ôm chiếc bục phát biểu của bà Nancy Pelosi.

 

Thế nhưng, theo Le Monde, bức ảnh mới nhất chụp nhân vật này không thoải mái chút nào: Ảnh chụp thẳng, trong trang phục màu cam. Đây là ảnh được một cảnh sát trưởng Florida chụp sau khi Johnson bị bắt vào tối 08/01. Tang vật thì được tìm thấy nguyên vẹn trong một hành lang của điện Capitol.

 

Ngoài ba nhân vật “nổi tiếng” kể trên, Le Monde còn phác họa chân dung của một số kẻ bạo loạn khác như Nick Ochs, người sáng lập nhóm cực hữu Proud Boys ở bang Hawai xa xôi, đã về nhà nhưng vẫn bị FBI đến bắt.

 

Cũng như vây, Derrick Evans, một nghị sĩ trẻ 35 tuổi, mới được bầu của West Virginia, đã bị FBI sờ gáy vì đã tự quay cảnh mình xông vào Điện Capitol, đội mũ bảo hiểm trên đầu, hét lên "Trump! Trump !" trước khi đăng một video khác sau vụ xâm nhập, phấn khởi khoe rằng: “Chúng tôi ở bên trong, chúng tôi ở bên trong. Derrick Evans đang ở Capitol.”.

 

Ngoài ra, theo Le Monde, trong đám người bạo loạn ở Điện Capitol có cả những triệu phú như bà Jenna Ryan, không đến Washington bằng ô tô, mà từ Frisco, gần Dallas, Texas, đã đi máy bay riêng đến thủ đô để phản đối.

 

Doanh nhân này đã có một tài khoản trên Parler, một mạng xã hội phổ biến trong giới cực hữu, vì họ đánh giá  Facebook và Twitter đang trôi sang phía tả. Bà gọi ngày 6 tháng 1 là một trong những "ngày đẹp nhất trong cuộc đời mình" và chụp bức ảnh trước khung cửa sổ vỡ vụn, trước khi xóa bài đăng.

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats