Đảng
Cộng sản thừa thắng xông lên
Jackhammer
Nguyễn
03/01/2021
https://baotiengdan.com/2021/01/03/dang-cong-san-thua-thang-xong-len/
Ngày 3/11/2020, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định 1722/QĐ-TTg, một quyết định gây xôn xao dư
luận mạng xã hội Việt Nam. Quyết định này xếp tất cả những gì liên quan đến
nhân sự chóp bu của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào loại bí mật
quốc gia.
Tác giả Phạm Vũ Hiệp, cây bút bình luận chuyện nội bộ đảng nói
rằng, đây là một động tác báo hiệu việc đấu đá nội bộ để dàn xếp lãnh đạo cấp
cao đang rất căng thẳng, không ai nhường ai.
Theo Phạm Vũ Hiệp, quyết
định của ông Phúc sẽ làm công việc che chắn, trừng phạt những rò rỉ thông tin,
đơn thư tố cáo nội bộ đảng, trước hai hội nghị, hội nghị kín của riêng Bộ Chính
trị vào ngày 9/1/2021 và hội nghị trung ương đảng 15 vào ngày 15/1/2021, trước
khi đại hội đảng toàn quốc khai mạc vào ngày 25/1/2021.
Hội nghị Bộ Chính trị là
để đề cử các trường hợp đặc biệt, tức các vị đã quá tuổi, ở lại giữ trọng trách
cho đảng và nhà nước. Hội nghị trung ương 15 là để thông qua việc đề nghị từ cuộc
họp của Bộ Chính trị.
Nhận xét của Phạm Vũ Hiệp
rất có lý theo những diễn biến dàn xếp nhân sự từ vài tháng nay của Đảng. Tuy
nhiên tôi xin thêm ý kiến là, quyết định của Thủ tướng Phúc ngoài việc giải quyết
tình huống (người cộng sản rất giỏi trong giải quyết tình huống) là che chắn
thông tin cho đại hội đảng, quyết định này còn có ý nghĩa về việc thừa
thắng xông lên của ĐCSVN.
Trước quyết định của ông
Phúc vài ngày, vào ngày 27/12/2020, trang tin VnExpress đưa bài viết “Lựa
chọn người tài” của ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội. Trong bài viết này, ông Dũng đề cao mô hình chế độ mà ông gọi
là chọn người tài của Trung Quốc cộng sản (và hiểu ngầm cũng
là của Cộng sản Việt Nam). Chọn người tài là một cách tu từ khéo léo mà ông
Dũng dùng để chỉ cái người ta hay gọi là chế độ độc tài, vì chọn có
nghĩa là theo kiểu từ trên xuống, không phải bầu cử từ dưới lên một cách dân chủ.
Theo nhận xét của tôi,
ông Dũng nằm trong số các nhà lý luận và tư tưởng được đưa ra để phản biện các
chính sách và quan điểm của Đảng. Họ được Đảng cho một không gian rộng hơn các
cán bộ đảng thuần túy, họ có thể là đảng viên hay không đảng viên. Họ có thể hoạt
động từ một viện nghiên cứu ngoại quốc (nhưng có chi bộ đảng). Tuy họ là những
người “đối lập trung thành”, (nói theo ngôn ngữ của nhà văn Phạm Thị
Hoài), nhưng từ bên ngoài chúng ta có thể căn cứ vào các phát biểu và thông tin
của họ để lường trước phần nào các hướng đi của ĐCSVN.
Đối với một đảng chính trị
lõi đời như ĐCSVN, thời điểm hiện nay là thời điểm mà họ không dại gì mà không
thừa thắng xông lên. Có các nguyên nhân sau đây:
Phong trào đối kháng đã bị
dẹp tan. Đối với tôi phong trào đối kháng coi như tan rã sau thời điểm nhà báo
Phạm Đoan Trang bị bắt, mặc dù phong trào này đa dạng và phức tạp chứ không chỉ
có mỗi nhóm hoạt động của cô Trang.
Áp lực nước ngoài lên những
vấn đề dân chủ, nhân quyền, xẹp xuống đến mức thấp nhất kể từ khi Cộng sản Việt
Nam quay lại làm ăn với phương Tây, nhất là sau bốn năm cầm quyền của Trump tại
Mỹ. Việc thừa thắng xông lên sẽ tạo lập một hiện trạng mới, coi như sự đã rồi đối
với những áp lực nhân quyền của chính phủ Biden sắp tới.
Việc chống dịch Covid-19
thành công, giữ mức tăng trưởng kinh tế dương, cộng với phong trào đốt lò chống
tham nhũng của Đảng, lấy lại được phần nào uy tín cho Đảng trong dân chúng. Dĩ
nhiên việc đốt lò có thật sự chống tham nhũng hay không lại là chuyện khác,
nhưng việc một loạt các viên chức tham nhũng vào tù như Đinh La Thăng, Tất
Thành Cang,… cũng phần nào tô hồng bộ mặt lem luốc của Đảng trước đó.
Quan sát bài vở của giới
truyền thông chính thống của Việt Nam, chúng ta cũng thấy được mức độ tự do được
nới lỏng cách đây mấy năm đang bị bóp nghẹt lại. Tuyên giáo của Đảng đang ngụy
tạo sự tự do trong suốt một năm qua bằng cách cho công chúng thưởng lãm thả cửa
tin vịt từ các trang Đại Kỷ Nguyên, Trí Thức Việt, các kênh tin vịt hải ngoại,
mặt dù các kênh này đều mang danh nghĩa chống Cộng. Hại bất cập lợi.
Trái lại, việc chặn các
phản biện nghiêm chỉnh, chỉ trích các phản biện ấy của Đảng được tăng cường hơn
lúc nào hết.
Một giáo sư người Việt ở
Mỹ là ông Nguyễn Hữu Liêm, vốn được biết là một người khá thân cận với các viên
chức ngoại giao Việt Nam, cũng bị báo Đảng tấn công khi ông yêu cầu trên trang
BBC Việt ngữ là Đảng nên từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê.
Một trí thức từng du học ở
Mỹ là ông Huỳnh Thế Du, mới đây có viết một bài về mô hình nhà nước, tương tự
ông Nguyễn Sĩ Dũng, trên tạp chí Thời đại mới ở hải ngoại. Tạp chí này bị chặn
không đến được với độc giả trong nước.
Trong bài viết, ông Du có
đề cập đến những hệ quả không hay của mô hình chọn người tài, mà ông gọi
là quả đầu, và khuyên Đảng Cộng sản nên để cho dân chúng tham gia
vào chính trị nhiều hơn. Mặc dù ngôn ngữ ông Du dùng rất chọn lọc, tránh các từ
ngữ gọi là “nhạy cảm”, bài viết của ông cũng không đến được với độc giả trong
nước.
Đảng cộng sản đang thừa
thắng xông lên, họ vững niềm tin hơn vào chế độ chọn người tài của
họ, họ không thích gọi đó là độc tài. Còn chuyện ông Du đề nghị họ cho dân
chúng tham gia vào chính trị, thì chẳng phải họ cũng có nói, dân biết, dân bàn,
dân kiểm tra đấy sao, họ có làm hay không thì ai mà biết được. Nếu họ có làm
thì làm gì có Đồng Tâm và Thủ Thiêm!
No comments:
Post a Comment