Đại
hội 13, vấn đề nhân sự và dấu hỏi về Điều lệ Đảng
Lê Hồng
Hiệp
Khi Đảng Cộng sản Việt
Nam (ĐCSVN) triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 vào tuần này, Đảng
sẽ phải quyết định một vấn đề quan trọng: đề cử các lãnh đạo cấp cao của Đảng
và nhà nước. Thế nhưng, mọi thứ đã có một bước ngoặt bất ngờ, làm phức tạp thêm
vấn đề ai sẽ là nhà lãnh đạo có tiếng nói cao nhất ở Việt Nam trong 5 năm tới.
Trước thềm đại hội, Hội
nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 của ĐCSVN đã họp vào giữa
tháng 1 để thông qua danh sách đề cử cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Thông
tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ Hội nghị cho biết Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã được Trung ương Đảng ủng hộ tiếp tục nắm giữ chức tổng bí thư,
trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề cử làm tân chủ tịch nước.
Điều này khiến hầu hết
các nhà quan sát Việt Nam ngạc nhiên. Việc cả ông Trọng, 77 tuổi, và ông Phúc,
67 tuổi, được ủng hộ tiếp tục ở lại trong nhiệm kỳ mới có nghĩa là sẽ có hai
“trường hợp đặc biệt” được miễn trừ giới hạn độ tuổi. Điều này đi ngược lại
thông lệ chỉ có một “trường hợp đặc biệt” dành cho vị trí tổng bí thư.
Một điều bất ngờ khác là
việc ông Phạm Minh Chính, hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, được đề cử
giữ ghế Thủ tướng, trong khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được đề cử
giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Việc thăng chức cho ông Chính đi ngược lại truyền
thống của đảng là dành ghế thủ tướng cho một trong các phó thủ tướng của nhiệm
kỳ trước. Sự vắng mặt của các chính trị gia miền Nam trong nhóm “Tứ trụ” cũng
có nghĩa là Đảng cũng sẽ bỏ qua một quy tắc quan trọng khác: duy trì sự cân bằng
vùng miền trong bộ máy lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, không có quyết
định nào gây chú ý bằng việc Ban chấp hành Trung ương Đảng tán thành việc đề cử
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bên cạnh vấn đề tuổi
cao, sức yếu, Điều lệ Đảng cũng quy định “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng
Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Do ông Trọng đang trong nhiệm kỳ thứ
hai và đảng chưa công bố bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về việc sửa đổi Điều lệ Đảng,
đa phần các nhà quan sát trước đây cho rằng ông sẽ phải từ bỏ chức vụ tổng bí
thư.
Liệu Đại hội Đảng có
thông qua các dàn xếp trái thông lệ như trên hay không vẫn còn phải chờ xem.
Nhưng quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng về trường hợp Tổng Bí thư Trọng
đặt ra hai câu hỏi quan trọng: Tại sao Đảng muốn ông tiếp tục tại vị? Và làm thế
nào Đảng có thể thực hiện thành công ý định này mà không mở “Chiếc hộp Pandora”
vốn có thể làm phức tạp thêm vấn đề chuyển giao lãnh đạo trong tương lai?
Ông Trọng được cho là
không có ý định nắm quyền vô thời hạn. Ông đã đôi lần đề cập mong muốn nghỉ hưu
do vấn đề tuổi cao sức yếu, đặc biệt là sau khi ông bị đột quỵ vào năm 2019.
Hơn nữa, nếu ông có ý định trở thành một nhà lãnh đạo tham quyền cố vị, ông đã
dàn xếp việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng sớm hơn.
Thay vào đó, một lý do hợp
lý hơn là Đảng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một ứng viên phù hợp có thể kế
nhiệm ông. Có ba ứng cử viên tiềm năng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ông Trọng
được cho là ủng hộ ông Vượng làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với
ông Vượng trong Ban chấp hành Trung ương Đảng khá mỏng và ông chưa xây dựng đủ
thẩm quyền, uy tín cá nhân để có thể giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh
tranh của mình.
Do đó, những người ủng hộ
ông Trọng muốn ông tiếp tục lãnh đạo đảng ít nhất một vài năm nữa để duy trì sự
ổn định và đoàn kết nội bộ trước khi họ có thể tìm được một ứng cử viên phù hợp
hơn kế nhiệm ông.
Mặc dù vậy, giới hạn nhiệm
kỳ đối với vị trí tổng bí thư vẫn là một trở ngại lớn cho kế hoạch của họ. Một
số quan chức cấp cao của Đảng đã đề xuất Đảng không nên sửa đổi điều lệ mà thay
vào đó nên coi nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Bí thư Trọng như một ngoại lệ đặc biệt,
duy nhất. Có lẽ mối quan ngại cơ bản của họ là việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ sẽ
mở ra tiền lệ xấu và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các lãnh đạo chuyên quyền
trong tương lại, điều sẽ đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước. Quan trọng
hơn, nếu các đại biểu tại Đại hội 13 từ chối thông qua việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ,
kế hoạch để ông Trọng ở lại sẽ thất bại, tạo nên một cuộc khủng hoảng lãnh đạo
đối với Đảng.
Nhưng đề xuất cho phép Tổng
Bí thư Trọng ở lại nhiệm kỳ ba mà không sửa Điều lệ Đảng cũng rất có vấn đề. Sự
lãnh đạo của ông sẽ bị coi là không chính danh, làm tổn hại uy tín của Đảng và
bản thân ông Trọng, người từ lâu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ
pháp luật và quy trình trong công tác đảng và nhà nước.
Một lối thoát khả dĩ có
thể cân bằng được các vấn đề trên là Đảng có thể vẫn giữ nguyên giới hạn hai
nhiệm kỳ đối với vị trí tổng bí thư nhưng bổ sung thêm một điều khoản là “trường
hợp ngoại lệ do Đại hội Đảng toàn quốc quyết định”. Một giải pháp như vậy sẽ
cho phép duy trì cơ chế kiểm soát tham vọng quyền lực cá nhân của các nhà lãnh
đạo trong tương lai và do đó có khả năng được các đại biểu dự Đại hội dễ dàng
thông qua hơn. Đồng thời, quy định này cũng sẽ mang lại cho Đảng sự linh hoạt cần
thiết để xử lý các trường hợp bất thường hiếm gặp như quyết định gia hạn thêm một
nhiệm kỳ thứ ba cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc có một đội ngũ lãnh
đạo mới có năng lực và kinh nghiệm là điều cần thiết để Việt Nam có thể đối phó
được với các thách thức tương lai như duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh
bất ổn do Covid-19 gây ra, chống tham nhũng, hay vượt qua các khó khăn xuất
phát từ gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Do đó, các quyết định nhân sự
được đưa ra tại Đại hội 13 của ĐCSVN, dù trái thông lệ hay không, cũng sẽ có
tác động quan trọng đối với triển vọng kinh tế, chính trị và chính sách đối ngoại
của Việt Nam trong thời gian tới.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản
trên Straits
Times.
-----------------------
CÙNG TÁC GIẢ
Lộ diện ‘Tứ trụ’ và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt
Nam
Tác giả: Lê Hồng Hiệp “Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể”.
Câu nói nổi tiếng của chính trị gia người Phổ Otto Von Bismarck hàm ý rằng các
chính trị gia đôi khi phải thỏa hiệp với nhau để đạt được những giải pháp mà tất
cả các bên liên quan … Continue reading
No comments:
Post a Comment