Đa
dạng Sinh thái: Thượng đỉnh ‘‘One Planet’’ mở đầu cho một năm quyết định
Trọng
Thành -
RFI
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210112-thuong-dinh-one-planet-mo-dau-nam-quyet-dinh
Nhiều nhà hoạt động môi trường khẳng định năm 2021
là một năm có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến bảo vệ Đa dạng sinh học. Cuối
năm nay, dự kiến nhân loại phải đạt được một thỏa thuận tương tự như Hiệp định
Khí hậu Paris 2015, nhằm hãm lại đà diệt chủng của các giống loài sinh vật. Nếu
không sẽ là quá trễ.
https://s.rfi.fr/media/display/cf24428c-540b-11eb-9fd9-005056a98db9/w:980/p:16x9/000_8YJ4K8.webp
Thượng đỉnh trực
tuyến One Planet Summit, bảo vệ Đa dạng Sinh học, tổ chức tại Paris, ngày
11/01/2021. AFP - LUDOVIC MARIN
Năm 2020, gần như mọi hoạt
động liên quan đến bảo vệ Đa dạng Sinh thái đã bị đình hoãn do đại dịch Covid. Thượng đỉnh trực tuyến « One
Planet Summit » (Một Hành tinh Duy nhất), do Pháp đăng cai tổ chức, đã
diễn ra hôm qua, 11/01/2021, với sự tham gia của khoảng 30 lãnh đạo quốc gia,
người đứng đầu các định chế quốc tế. Thượng đỉnh tại Paris hôm qua được
coi là sự kiện khởi đầu cho một năm mới, với Đa dạng Sinh học, được kỳ vọng sẽ
là chủ đề trọng tâm của các nỗ lực hợp tác quốc tế trong năm 2021 này.
Tại thượng đỉnh One
Planet Summit, đã có rất ít cam kết tài chính được đưa ra, cũng như các cam kết
cụ thể. Một trong các thành công được coi là đáng chú ý nhất trong thượng đỉnh
One Planet Summit là đã cho phép hơn 50 quốc gia tập hợp thành một liên
minh, với cam kết bảo vệ đa dạng sinh thái tại ít nhất 30% diện tích trên đất
liền và trên các đại dương. Liên minh do Costa Rica, Pháp và Anh hậu thuẫn.
Dự kiến cái đích đầy kỳ vọng,
bảo vệ đa dạng sinh thái trên gần một phần ba diện tích Trái đất, sẽ phải được
cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua tại thượng đỉnh Đa dạng Sinh thái lần thứ
15 (COP 15), tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc, tháng 9/2021. Hiệp định COP15 tại
Trung Quốc sẽ vạch ra các định hướng chung cho phép bảo vệ các hệ sinh thái, và
khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong trung hạn, tức từ
đây đến 2030, và dài hạn hơn, tức cho đến 2050.
Trái đất bị hâm
nóng, các giống loài bị tuyệt diệt, dịch bệnh đủ loại
Thượng đỉnh One Planet
Summit là một cơ hội cho phép giới lãnh đạo quốc tế một lần nữa thống nhất với
nhau về mối liên hệ mật thiết giữa ba lĩnh vực : Trái đất bị hâm nóng, môi
trường bị tàn phá và các giống loài bị tuyệt diệt, và sự bùng phát của đủ loại
dịch bệnh, do các virus xuất phát từ môi trường thiên nhiên hoang dã, như đại dịch
Covid-19 đang làm nhân loại điêu đứng hiện nay. Khí hậu bị hâm nóng, thiên
nhiên bị tàn phá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dịch bệnh đáng sợ. Thống nhất
về nguyên tắc để chuyển sang hành động một cách kiên quyết và hiệu quả.
Trong hiện tại, đã khoảng
15% diện tích đất liền và khoảng 7% diện tích đại dương được bảo vệ. Điều bị
nhiều nhà hoạt động môi trường chỉ trích tại thượng đỉnh lần này là liên minh
hơn 50 quốc gia nói trên đã không đưa ra các tiêu chí cụ thể, về cách thức bảo
vệ 30% diện tích Trái đất như thế nào. Mục tiêu chưa rõ ràng nói trên cũng gây
lo ngại cho rất nhiều cộng đồng dân cư bản địa, sợ nơi sinh sống truyền thống của
họ bị nhiều thế lực nhân danh bảo vệ môi trường chiếm đoạt. Một điểm bị chỉ
trích khác là ý tưởng đặt 10% diện tích Trái đất vào diện không gian được bảo vệ
nghiêm ngặt, cũng không được thảo luận.
Một điểm đặc biệt đáng lo
ngại khác là rất ít sự tham gia của các nước châu Á. Trung Quốc, quốc gia chủ
nhà COP 15 về Đa dạng Sinh thái, cũng không tỏ ra sốt sắng. Đại diện cho Bắc
Kinh tại One Planet Summit, một phó thủ tướng Trung Quốc, chỉ đưa ra kêu gọi
chung chung về một « nỗ lực tập thể » trong thời gian tới.
Tóm lại, còn rất nhiều phải
làm trước thượng đỉnh COP15 về Đa dạng Sinh học tại Trung Quốc, nếu cộng đồng
quốc tế muốn đạt được một đồng thuận trong một lĩnh vực ngày càng được coi là
mang ý nghĩa sống còn với nhân loại.
No comments:
Post a Comment