10
sự kiện thế giới quan trọng năm 2020
Người
Việt
January 1, 2021
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/10-su-kien-the-gioi-quan-trong-nam-2020/
WESTMINSTER, California (NV) – Năm 2020, cũng như mọi năm, có nhiều sự kiện
đáng nhớ trên thế giới. Những sự kiện này ít nhiều ảnh hưởng đời sống, chính trị,
xã hội… không chỉ trong năm qua mà có thể nhiều năm tới.
Có nhiều sự kiện tốt,
nhưng cũng không ít sự kiện xấu, tùy theo người nhận định.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-1-1536x1106.jpg
Vaccine của Pfizer
và BioNTech được FDA chuẩn thuận trong lúc có hàng chục triệu người bị nhiễm
COVID-19 trên thế giới. (Hình: Thomas Samson/Pool/AFP via AP)
Hội Đồng Quan Hệ Ngoại Giao (Council on Foreign
Relations – CFR) chọn ra 10 sự kiện thế giới nổi bật sau đây, tính tới ngày 31
Tháng Mười Hai, 2020, theo thứ tự quan trọng nhất, từ 1 đến 10.
CFR là một tổ chức nghiên
cứu chính sách ngoại giao, phi đảng phái, được thành lập năm 1921, có văn phòng
chính ở New York và một văn phòng khác ở Washington, DC.
CFR hiện có hơn 5,100
thành viên, bao gồm các chính trị gia cao cấp, trong đó có hàng chục người từng
là ngoại trưởng, giám đốc CIA, điều hành ngân hàng, luật sư, giáo sư, và nhà
báo nổi tiếng.
1- ĐẠI DỊCH COVID-19
Nhiều khi, một chuyện nhỏ
ít người chú ý, cuối cùng lại trở thành lớn. Ban đầu, ít ai để ý virus này bắt
đầu hoành hành ở tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc, hồi Tháng Mười Hai, 2019, và nghĩ rằng
Bắc Kinh bắt đầu theo dõi sự việc, hoặc ngay cả từ ngày 11 Tháng Giêng, 2020,
sau khi Trung Quốc thông báo trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Gần một năm sau, COVID-19
làm thay đổi cuộc sống thế giới như chúng ta biết.
Tính đến ngày 31 Tháng Mười
Hai, 2020, có hơn 80 triệu người, tương đương hơn 10% dân số thế giới, nhiễm bệnh.
Trong số này, có hơn 51 triệu người hồi phục. Số người chết là hơn 1.7 triệu.
Trong lúc các quốc gia áp
dụng lệnh đóng cửa để ngăn chặn COVID-19 lây lan, kinh tế thế giới đã bị virus
này ảnh hưởng – bị giảm hơn 4% – và tỷ lệ nghèo khó bắt đầu tăng mạnh.
Một số quốc gia như New
Zealand và Việt Nam ngăn chặn COVID-19 tốt, giới hạn mức lây lan trong khi vẫn
tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia
khác, ví dụ điển hình nhất là Hoa Kỳ, phản ứng rất kém, làm số người nhiễm
virus và số người chết tăng.
Vì sao Mỹ lại phản ứng tệ
như vậy sẽ là đề tài nghiên cứu trong nhiều năm, có thể do lãnh đạo kém, tình
trạng đảng phái, và người dân không tin chính quyền.
Tuy nhiên, năm 2020 kết
thúc với một chỉ dấu tốt, đó là bắt đầu có vaccine ngăn ngừa virus này, được
chuẩn thuận trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Vấn đề ở đây là phân phối
như thế nào để có thể ngăn chặn COVID-19 một cách hữu hiệu, đồng thời có thể
chuẩn bị đề phòng một đại dịch kế tiếp vì COVID-19 vẫn tiếp tục có các biến thể
khác và tiếp tục lây lan.
Theo đại học Johns Hopkin
University, tính đến ngày 31 Tháng Mười Hai, Mỹ có 19.9 triệu người bị nhiễm
COVID-19, có 6.4 triệu người hồi phục, và có 344,000 người chết.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-2-1536x1024.jpg
Cựu Phó Tổng Thống
Joe Biden, người thắng cử tổng thống Mỹ năm 2020. (Hình: AP Photo/Carolyn
Kaster)
2-JOE BIDEN THẮNG CỬ TỔNG THỐNG
MỸ
Người dân Mỹ rất quan tâm
đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, giữa hai ứng cử viên Donald Trump (Cộng
Hòa) và Joe Biden (Dân Chủ), và chiến thắng thuộc về vị cựu phó tổng thống.
Bằng chứng là có tới hơn
159 triệu cử tri đi bầu, tương đương 66.7% số cử tri ghi danh, cao nhất kể từ
năm 1900.
Trong số này, có hơn 100
triệu người bỏ phiếu sớm, tự đến phòng phiếu hoặc bầu bằng thư. Đây cũng là lần
đầu tiên cử tri Mỹ đi bầu trước ngày bầu cử đông như vậy.
Số người bầu bằng thư
đông, cộng với tỷ lệ cách biệt sít sao giữa hai ứng cử viên tại một số tiểu
bang, cho thấy, phải đợi đến ngày 7 Tháng Mười Một, bốn ngày sau ngày bầu cử,
ông Biden mới tuyên bố chiến thắng.
Tuy nhiên, Tổng Thống
Donald Trump không công nhận kết quả, và nhất định nói rằng ông thắng, đòi tái
kiểm phiếu tại một số tiểu bang, và cho rằng cuộc bầu cử có gian lận làm thay đổi
kết quả, mặc dù không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Ông bắt đầu kiện, khoảng
60 vụ, đòi lật ngược kết quả bầu cử. Tuy nhiên, ông chỉ thắng một vụ không đáng
kể, còn lại đều bị tất cả tòa, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, ở cả liên
bang lẫn tiểu bang, bác bỏ hoặc không xử.
Ngày 14 Tháng Mười Hai,
trong tổng số 538 đại cử tri toàn quốc, có 306 người bỏ phiếu cho ông Biden,
trong khi chỉ có 232 người bỏ phiếu cho ông Trump. Theo quy định, chỉ cần 270 đại
cử tri bầu cho ai đó, người đó đắc cử tổng thống.
Kết quả bầu cử này có thể
làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với thế giới.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-3-1536x1034.jpg
Cảnh sát Trung Quốc
đi tuần tại một ngôi chợ của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. (Hình: Johannes Eisele/AFP via Getty
Images)
3-TRUNG QUỐC “NĂNG ĐỘNG” HƠN
“Năng động một cách chiến
lược” là ý tưởng cho rằng kinh tế năng động sẽ giúp Bắc Kinh trở thành một
“nhân tố có trách nhiệm” trong chính trường thế giới. Nhưng việc này đã có thể
bị trở ngại trong năm 2020. Thành ra, Trung Quốc lấn lướt khắp thế giới, cho dù
có ai khó chịu hay không.
Đầu năm 2020, các giới chức
Trung Quốc bắt đầu gia tăng chính sách ngoại giao “wolf warrior” năng động hơn,
hung dữ hơn (một cách không ngoại giao tí nào) để tấn công các quốc gia và cá
nhân mà Bắc Kinh cho rằng họ không tin vào sự mạnh mẽ của Trung Quốc.
Hồi Tháng Tư, Trung Quốc
trả đũa Úc bằng một cuộc chiến thương mại, khi quốc gia này yêu cầu điều tra nguồn
gốc lây lan COVID-19.
Vào giữa Tháng Sáu, chỉ
vài ngày sau khi đạt một thỏa thuận giảm căng thẳng biên giới với Ấn Độ, binh
sĩ Trung Quốc mở một cuộc xung đột làm chết 20 binh sĩ đối phương.
Vài tuần sau, Bắc Kinh
ban hành đạo luật an ninh đối với Hồng Kông, tiêu diệt phong trào ủng hộ dân chủ
tại đây.
Trung Quốc cũng mạnh bạo
hơn đối với Đài Loan khi chính quyền Donald Trump gia tăng quan hệ với đảo quốc
này, mà Bắc Kinh luôn coi là một tỉnh ly khai của mình.
Trung Quốc tiếp tục đàn
áp một cách có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, qua việc theo
dõi, bỏ tù, và buộc lao động khổ sai những ai bị coi là chống lại chế độ.
Cho tới cuối năm, thành
công tương đối của Trung Quốc trong việc kiểm soát COVID-19 và kích thích nền
kinh tế có vẻ thuyết phục Bắc Kinh rằng họ đang chiến thắng cuộc đối đầu với
phương Tây.
Thay vì sợ các giới chức
Mỹ kêu gọi các nước khác tách ra khỏi mình, Bắc Kinh từng bước tạo ra “luật
chơi riêng” mà tách hay không là do quyết định theo cách của họ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-4-1536x1024.jpg
Cháy rừng ở Úc làm
chết 3 triệu thú vật. Trong hình là một con kangaroo chạy trốn hơi nóng cháy rừng.
(Hình: Saeed Khan/AFP via Getty Images
4-KHÍ HẬU THẾ GIỚI TIẾP TỤC BỊ HỦY HOẠI
Khí hậu toàn cầu tiếp tục
bị hủy hoại vì các vụ cháy rừng ngày càng lớn, bão táp thường xuyên, và hạn hán
kéo dài.
Đầu tiên là Úc, bị một đợt
cháy rừng tệ hại nhất trong lịch sử, bao phủ 6% đất nước, làm chết gần 3 triệu
thú vật.
Miền Tây Hoa Kỳ cũng có
những đám cháy rừng kỷ lục.
Các vùng khác của Mỹ,
Trung Mỹ, và Đông Nam Á bị bão táp tàn phá.
Trong khi đó, hạn hán kéo
dài tại vùng Tây Nam Hoa Kỳ có thể là tệ hại nhất trong 1,200 năm qua, và hạn
hán tại sa mạc Sahara tiếp tục diễn ra.
Đại dịch COVID-19 làm giảm
tăng trưởng kinh tế có làm giảm số lượng khí thải vào bầu khí quyển, khoảng 11%
tại Hoa Kỳ. Tuy vậy, mức giảm này vẫn không xóa được mức tăng hồi năm 2019, và
có thể sẽ tăng trở lại vào năm 2021 khi các hoạt động kinh tế tái hoạt động.
Hồi Tháng Mười Hai, các
lãnh đạo thế giới họp trực tuyến, kỷ niệm năm năm Thỏa Ước Khí Hậu Paris được
ký, và hứa một cách thuyết phục là sẽ tạo ra một thế giới không bị khí thải ô
nhiễm.
Tuy nhiên, để thực hiện
các lời hứa này không dễ, và Trung Quốc không bày tỏ tín hiệu cho thấy họ sẽ từ
bỏ kỹ nghệ sử dụng than đá làm nguyên liệu, yếu tố chính tạo ra khí thải.
Nói chung, thế giới tiếp
tục phá hủy chính môi trường mình đang sống và có thể không còn ngăn lại được nữa.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-5-1536x1024.jpg
Biểu tình ở New
York, phản đối vụ cảnh sát làm chết George Floyd. (Hình: Bryan R. Smith/AFP via
Getty Images)
5-CÁI ĐẦU GỐI CỦA DEREK
CHAUVIN VÀ CÁI CHẾT CỦA GEORGE FLOYD
Chủ nghĩa kỳ thị chủng tội
bị coi là tội lỗi xuất phát từ Hoa Kỳ, nhưng nó lại lây lan ra khỏi nước Mỹ.
Vào ngày Thứ Hai, 25
Tháng Năm, ngày Lễ Tưởng Niệm, một ngày quốc lễ của Mỹ, ông George Floyd, một
người da đen, bị cảnh sát Minneapolis ở Minnesota còng tay ra phía sau vì bị
tình nghi sử dụng tờ $20 giả.
Ông Floyd chống cự lại, cảnh
sát đè ông xuống đường, hai cảnh sát viên đè lên lưng ông, trong lúc cảnh sát
viên thứ ba, ông Derek Chauvin, dùng đầu gối đè lên cổ ông Floyd 8 phút 46
giây, mặc dù ông có nói “Tôi không thở được.”
Sau đó ông Floyd qua đời.
Sự việc được người đi đường thu hình lại và truyền lên mạng xã hội.
Vụ này làm người ta nhớ đến
những vụ cảnh sát Mỹ trắng hành hung người da đen, làm họ thiệt mạng, giống như
các vụ Trayvon Martin, Tamir Rice, và Breonna Taylor.
Sự việc gây ra hàng loạt
cuộc biểu tình, và bạo động, khắp nước Mỹ, đòi hỏi phải có một đối thoại để chấm
dứt tình trạng kỳ thị chủng tộc có hệ thống, làm tổng thống cũng bị vướng vào
luôn, với những phát ngôn kích động, làm cho vấn đề càng tệ hơn.
Thậm chí, người biểu tình
còn kéo sập tượng, đòi đổi tên những nơi, dù là trường học hoặc căn cứ quân sự,
mang tên những người bị coi là kỳ thị chủng tộc.
Các cuộc biểu tình lan
sang những nơi khác trên thế giới, từ Paris (Pháp) tới Nairobi (Kenya) tới Rio
de Janeiro (Brazil).
Nhiều người đổ ra đường
đòi công lý cho người da đen, kéo sập tượng những người bị coi là kỳ thị.
Thủ Tướng Justin Trudeau
của Canada nói: “Kỳ thị chủng tộc là có thật, không chỉ có ở Mỹ mà có cả ở
Canada.”
Các quốc gia khác, thường
có thành tích vi phạm nhân quyền tồi tệ, ví dụ như Trung Quốc và Iran, nhân dịp
này, chỉ trích Mỹ là “đạo đức giả.”
Bất công và kỳ thị vẫn sẽ
là một vấn đề của thế giới.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-6-1536x1024.jpg
Từ trái, Thủ Tướng
Benjamin Netanyahu của Israel, Tổng Thống Donald Trump, và Ngoại Trưởng
Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan của UAE tại buổi lễ ký hiệp ước ở Tòa Bạch
Ốc. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
6-KÝ KẾT 4 HIỆP ƯỚC Ở TRUNG
ĐÔNG
Có một điểm sáng trong
năm 2020, xuất phát từ vùng Trung Đông nóng bỏng của thế giới.
Vào ngày 13 Tháng Tám,
chính quyền Donald Trump thông báo vừa giúp hoàn tất một hiệp ước mà Các Tiểu
Vương Quốc Ả Rập (UAE) công nhận chính quyền Israel, đổi lại, Tel Aviv tạm thời
không sáp nhập phần đất West Bank của Palestine.
Vào ngày 11 Tháng Chín,
Bahrain thông báo sẽ tham gia hiệp ước này.
Bốn ngày sau, Tổng Thống
Donald Trump chủ trì một buổi lễ ký kết hiệp ước ở Tòa Bạch Ốc, và nói ông hy vọng
các nước khác sẽ bắt chước để tạo lập “hòa bình thật sự ở Trung Đông.”
Sudan tham gia trong
Tháng Mười, và Morocco tham gia vào Tháng Mười Hai.
Vào cuối năm, có nhiều
tin đồn cho rằng quốc gia kế tiếp có thể là Saudi Arabia.
Cho dù đây là sự kiện
quan trọng, các hiệp ước không giải quyết được vấn đề cốt lõi trong việc cố gắng
tạo lập hòa bình cho Trung Đông, cũng như xung đột giữa Israel và Palestine.
Các hiệp ước này không đề
cập đến Palestine, và các nhà lãnh đạo Palestine phản đối các hiệp ước này.
Sự kiện ngoại giao này
cũng có giá của nó, đó là Mỹ bán một số lượng lớn vũ khí cho UAE và nhiều phần
sẽ gây áp lực đối với việc chuyển giao quyền hành trong chính quyền Sudan non
trẻ.
Ngoài ra, lý do mà chính
quyền Trump mời được Morocco tham gia là Washington phải công nhận chủ quyền của
Rabat đối với vùng Western Sahara mà Mỹ từng phản đối trong một thời gian dài,
và như vậy có thể gây ra một cuộc xung đột trong khu vực.
Chỉ có thời gian mới cho
biết lợi và hại – cái nào nhiều hơn – của các hiệp ước này.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-7-1536x1024.jpg
Nhu cầu tiêu thụ dầu
hỏa trên toàn cầu giảm vì đại dịch COVID-19. (Hình minh họa: David McNew/Getty
Images)
7-GIÁ DẦU GIẢM
Các nhà sản xuất hoặc chế
biến dầu hỏa không vui tí nào trong năm 2020.
Đại dịch COVID-19 làm
kinh tế toàn cầu khốn đốn, giảm nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa.
Nhưng sự tệ hại không dừng
ở đó.
Tại một cuộc họp của Tổ
Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu Hỏa (OPEC) vào Tháng Ba, Saudi Arabia đề nghị
các nước thành viên trong và bên ngoài OPEC giảm mức sản xuất dầu xuống còn 1.5
triệu thùng/ngày để giữ giá.
Nga, quốc gia sản xuất dầu
đứng hàng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia, phản đối, chấm dứt chính
sách hợp tác kéo dài sáu năm với Saudi Arabia.
Thế là Riyadh phản ứng bằng
cách gia tăng mức sản xuất và giảm giá, làm cho giá dầu thế giới giảm mạnh hơn.
Vào Tháng Tư, thị trường
dầu hỏa Mỹ bị xuống giá thấp nhất trong lịch sử.
Đến lúc này, các quốc gia
OPEC và bên ngoài OPEC đạt một thỏa thuận sản xuất dầu ở mức 9.7 triệu
thùng/ngày để chấm dứt cuộc chiến giá dầu.
Đến cuối Tháng Mười Một,
giá dầu lên được $47/thùng một thời gian ngắn, và đây là mức cao nhất kể từ
Tháng Ba.
Tuy nhiên, ngay cả với mức
này, giá dầu vẫn thấp khoảng 30% so với đầu năm, có nghĩa là các quốc gia sản
xuất dầu sẽ gặp khó khăn bước vào năm 2021 khi các quốc gia khác chưa hoàn toàn
hồi phục kinh tế.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-8-1536x1026.jpg
Tướng Qassem
Soleimani của Iran, người bị Mỹ ám sát ở Iraq. (Hình: STR/AFP via Getty Images)
8-CĂNG THẲNG GIỮA MỸ VÀ IRAN
Sự thù địch giữa
Washington và Tehran trong 40 năm qua vẫn chưa hết.
Vào ngày 3 Tháng Giêng, Mỹ
dùng máy bay không người lái ám sát Tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng
Quds tinh nhuệ của Lực Lượng Vệ Binh Hồi Giáo Iran, ngay sau khi ông này đến thủ
đô Baghdad của Iraq.
Iran trả đũa trong vòng
hai tháng sau đó, bằng cách bắn hỏa tiễn vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, làm hàng
chục binh sĩ Mỹ bị thương và làm chết nhiều binh sĩ Iraq.
Căng thẳng gia tăng trở lại
vào Tháng Tư khi những chiếc xuồng cao tốc của Iran gây rối các chiến hạm Mỹ
trong vùng vịnh Persian Gulf, làm Tổng Thống Donald Trump phải tweet ra là ông
sẽ cho “bắn chìm” những xuồng này nếu họ cứ tiếp tục.
Iran đáp trả bằng cách đe
dọa sẽ tiêu diệt tàu chiến Mỹ.
Trong thời gian này, Iran
lần đầu tiên phóng vệ tinh quân sự vào không gian, làm cho Mỹ lo lắng hơn là
Tehran có thể vừa chế được hỏa tiễn tầm xa.
Trong lúc tình hình bắt đầu
lắng đọng vào Tháng Sáu, thì Mỹ lại đưa ra lệnh cấm vận mạnh mẽ hơn đối với
Iran, cho dù Liên Âu kêu gọi hai bên kiềm chế vì đại dịch COVID-19 đang hoành
hành.
Căng thẳng lại gia tăng
trở lại vào cuối Tháng Mười Một, khi một khoa học gia nguyên tử hàng đầu của
Iran bị ám sát, có thể là do Israel thực hiện.
Tehran phản ứng lại bằng
cách rút bớt một số điều khoản trong thỏa thuận nguyên tử được ký với một số quốc
gia lớn trên thế giới hồi năm 2015.
Nếu Iran hoàn toàn rút ra
khỏi thỏa thuận này vào đầu năm 2021, các nhà ngoại giao thế giới sẽ điên đầu
luôn.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-9-1536x1022.jpg
Người dân Belarus ở
thủ đô Minsk biểu tình phản đối Tổng Thống Alexander Lukashenko. (Hình: Sergei
Gapon/AFP via Getty Images)
9-DÂN BELARUS BIỂU TÌNH ĐÒI BẦU
CỬ CÔNG BẰNG VÀ TỰ DO
Trong mấy năm qua, người
ta nói nhiều về dân chủ ngày càng xuống dốc. Người dân Belarus có vẻ không màng
tới.
Vào ngày 9 Tháng Tám, Tổng
Thống Alexander Lukashenko của Belarus, một người được coi là “nhà độc tài cuối
cùng của Châu Âu,” tuyên bố ông thắng cử 80% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống,
tiếp tục một nhiệm kỳ sáu năm nữa.
Ngay lập tức, hàng ngàn
người đổ ra đường biểu tình phản đối, cho rằng đây là cuộc bầu cử gian lận, và
họ tiếp tục biểu tình qua tới mùa Đông.
Trong cuộc bầu cử này,
ông Lukashenko thành công trong việc ngăn cản nhiều người ra ứng cử với ông.
Phía đối lập sau đó ủng hộ
bà Svetlana Tikhanovskaya. Bà này có chồng là một YouTuber nổi tiếng và là ứng
cử viên hàng đầu cho tới khi bị Tổng Thống Lukashenko cho người bắt.
Sau đó, bà Tikhanovskaya
phải lưu vong sau khi ông Lukashenko tuyên bố chiến thắng.
An ninh Belarus bắt khoảng
17,000 người, trong số này, nhiều người bị đánh đập dã man.
Đáp lại tình trạng này,
Liên Âu, Anh, và Mỹ đưa ra một loạt trừng phạt đối với Belarus, yêu cầu tổ chức
một cuộc bầu cử mới.
Tuy vậy, ông Lukashenko vẫn
“bình chân như vại,” chống lại người biểu tình, vì lực lượng an ninh của ông được
Nga hỗ trợ. Thế nhưng, đến cuối năm, nhiều người nghĩ rằng lực lượng an ninh của
ông Lukashenko sẽ bắt đầu tan rã.
Tình trạng bất ổn ở
Belarus có thể bùng phát trở lại vào năm 2021.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-10-su-kien-the-gioi-2020-10-1536x1131.jpg
Tổng Thống Donald
Trump cầm tờ báo Washington Post đăng tin ông được Thượng Viện tha bổng. (Hình:
Drew Angerer/Getty Images)
10-THƯỢNG VIỆN MỸ THA BỔNG TỔNG
THỐNG TRUMP
Thông thường, chuyện xét
xử để truất phế tổng thống Mỹ sẽ là sự kiện đáng chú ý nhất trong năm.
Nhưng trong năm 2020,
chuyện này chỉ đứng hạng 10 trong “Top Ten.”
Như vậy, ông Donald Trump
là tổng thống thứ ba trong lịch sử, cùng với Andrew Jackson và Bill Clinton, bị
Hạ Viện truất phế.
Hạ Viện truất phế ông
Trump vì (1) lạm dụng quyền lực và (2) cản trở Quốc Hội.
Phiên xử tại Thượng Viện
ngày 16 Tháng Giêng do Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts chủ tọa.
Điều đáng chú ý nhất có lẽ
là việc Thượng Viện bỏ phiếu “không kêu nhân chứng ra khai” hoặc “điều tra
thêm” sau khi bên Hạ Viện (bên công tố) và luật sư của tổng thống (bên bào chữa)
trình bày sự việc.
Vào ngày 5 Tháng Hai, Thượng
Viện bỏ phiếu tha bổng Tổng Thống Trump.
Với tội danh thứ nhất, tất
cả 47 thượng nghị sĩ Dân Chủ và một thượng nghị sĩ Cộng Hòa (Mitt Romney-Utah)
bỏ phiếu có tội, 52 người Cộng Hòa bỏ phiếu không có tội.
Với tội danh thứ nhì, tất
cả 47 người Dân Chủ bỏ phiếu có tội, trong khi tất cả 53 người Cộng Hòa bỏ phiếu
không có tội.
Ngày hôm sau, Tổng Thống
Trump tuyên bố chiến thắng, nói rằng vụ truất phế ông là “ma quỷ” và những người
đảng Dân Chủ là “vô cùng xấu xa.” (Đỗ Dzũng)
No comments:
Post a Comment