Việt
Nam : Sức mạnh trỗi dậy và "hổ giấy"
Thu
Hằng -
RFI
Đăng
ngày: 14/12/2020 - 10:39
Việt Nam gây được thiện cảm và mở rộng ảnh hưởng
ngoại giao trong năm 2020. Bắt đầu từ kinh nghiệm xử lý dịch Covid-19 được báo
chí quốc tế liên tục đưa tin, đến vai trò chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An
Liên Hiệp Quốc và ASEAN được đánh giá cao và tổ chức thành công lễ ký kết trực
tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại
chiếm 30% GDP toàn cầu.
Thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Xuân Phúc (T) và bộ trưởng Thương Mại Trần Tuấn Anh (P) hoan nghênh đồng
nhiệm Nhật Bản, thủ tướng Yoshihide Suga và bộ trưởng Thương Mại Hiroshi
Kajiyama ký hiệp định tự do thương mại RCEP gồm 10 nước ASEAN và 5 nước Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, ngày 15/11/2020. AP - Hau Dinh
Viện Lowy, chuyên nghiên
cứu chính sách đối ngoại của Úc, xếp Việt Nam ở hạng thứ 12 trong bảng Chỉ
số quyền lực tại châu Á năm 2020 (Asia Power Index, công bố
ngày 19/10/2020, tăng một hạng so với năm 2019 và đứng sau 4 nước Đông Nam Á)
trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Bảng xếp hạng được dựa
theo 8 nhóm nội dung, trong đó có tầm ảnh hưởng ngoại giao, năng lực kinh
tế, năng lực quân sự…
Từ một nước nghèo, Việt
Nam đã đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình và ngày càng ít phụ thuộc vào
viện trợ, theo nhận định của cựu đại sứ Anh Mark Kent. Tuy nhiên, Việt Nam còn
rất nhiều việc phải làm để có thể thực hiện được tham vọng là một nền kinh tế
trỗi dậy, một quốc gia tầm trung về địa-chính trị.
Những điểm này được giáo
sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréral (UQAM),
Canada, phân tích trong hội thảo trực tuyến « Sự trỗi dậy của Việt
Nam và cơ hội kinh doanh cho Québec » (Emergence du Vietnam et occasions
d’affaire pour le Québec), do đại học Laval tổ chức ngày 22/10/2020. RFI
Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Eric Mottet về chủ đề này.
****
RFI : Thưa giáo sư Eric Mottet, trong
bài tham luận tại hội thảo « Sự trỗi dậy của Việt Nam và cơ hội kinh doanh
cho Québec », ông phân tích Việt Nam là « một sức mạnh đang trỗi dậy »
nhưng cũng là « một con hổ giấy ». Trước hết, những yếu tố nào cho thấy
Việt Nam là một sức mạnh đang trỗi dậy ?
GS. Eric Mottet : Việt Nam là một sức mạnh đang trỗi dậy về
mặt kinh tế, có thể thấy điều này qua các chỉ số kinh tế : GDP tăng nhanh
đáng kể, tăng gấp 3 lần trong vòng 15 năm gần đây ; tỉ lệ tăng trưởng kinh tế
cũng rất cao, dao động 7% trong khoảng 30 năm trở lại đây - tỉ lệ này khiến nhiều
nước, kể cả các nước phương Tây, phải ghen tị ; khối lượng hàng hóa và dịch
vụ xuất khẩu đã tăng gấp 5 lần trong vòng 10 năm ; khối lượng đầu tư trực
tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên gấp 10 lần trong vòng 15 năm gần đây.
Ngoài ra, có thể căn cứ
vào một chỉ số khác, đó là trong vòng 10-15 năm gần đây, Việt Nam đã ký rất nhiều
thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt
Nam hiện có khoảng 80 hiệp định đối tác ký với các đối tác nước ngoài. Gần đây,
Việt Nam tham gia vào hai hiệp định thương mại lớn ở châu Á-Thái Bình
Dương : Thứ nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia từ năm 2018 và gần đây nhất là
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Có thể thấy là về phương
diện kinh tế, Việt Nam trở thành một phần của khu vực châu Á trỗi dậy đầy năng
động này. Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay cởi mở hơn, đa dạng hơn rất nhiều,
đặc biệt với điểm mới là những khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu phát triển, trong
đó có kinh tế kỹ thuật số. Tôi nghĩ là mọi người ở Việt Nam hiện nay đều nhận
thấy rằng kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế Việt
Nam.
.
RFI : Vậy tại sao Việt Nam lại là một
« con hổ giấy » ?
GS. Eric Mottet : Thuật ngữ « con hổ » muốn nói đến một
nhóm nước công nghiệp châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và
giờ là Việt Nam. Những nước này được gọi là những « con hổ châu Á ».
Còn từ « giấy » muốn nói đến những yếu kém dai dẳng của nền kinh tế
Việt Nam, cũng như những tồn đọng về vấn đề xã hội, chính trị và môi trường. Những
ai sống ở Việt Nam và những người từng đến Việt Nam đều biết là Việt Nam có nhiều
điểm yếu, cả về chính trị lẫn xã hội và kinh tế.
Tôi có thể đưa ra một vài
dẫn chứng. Trước hết là thiếu cơ sở hạ tầng, cảng biển. Nếu Việt Nam muốn trở
thành một quốc gia trỗi dậy, một quốc gia tầm trung thì phải có các cảng biển để
xuất khẩu hàng hóa với khối lượng lớn. Thế nhưng, hiện giờ Việt Nam chưa thể
làm được. Đúng là Việt Nam có nhiều cảng biển nhưng không có được quy mô như
khoảng 10, 15 cảng hàng đầu của Trung Quốc.
Tiếp theo là những vấn đề
liên quan đến xung đột đất đai, có thể thấy thực tế này qua những cuộc biểu
tình thường xuyên ở Việt Nam về những dự án đặc khu kinh tế cho phép các doanh
nghiệp nước ngoài xây dựng cơ sở ở đó. Những xung đột quanh vấn đề này ngày
càng nhiều ở Việt Nam.
Ngoài ra, dĩ nhiên phải kể
đến sự thiếu minh bạch, tình trạng quan liêu và thủ tục hành chính vô cùng phức
tạp. Đối với những doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, họ phải vượt
qua hàng loạt cửa ải phức tạp và khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài nản lòng.
Vấn đề này vẫn tồn đọng.
Việt Nam sẽ trở thành một
sức mạnh kinh tế, trước mắt là trong khu vực và mang tầm quốc tế trong tương
lai. Chúng ta cùng chờ xem ! Hiện tại Việt Nam cũng gặp khó khăn về năng
lượng và tình trạng thiếu hụt ngày càng thấy rõ. Lĩnh vực này hiện
thu hút được đầu tư ồ ạt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh. Việt Nam
cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó phải kể đến hàng loạt
vụ tai tiếng ô nhiễm trong những năm gần đây.
Việt Nam cũng là nước
không đáp ứng đủ phần lớn những yêu cầu về luật lao động và sở hữu trí tuệ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với một
doanh nghiệp đa quốc gia muốn hoạt động ở Việt Nam.
Cần phải nhắc lại một lần
nữa là khi sử dụng cụm từ « hổ giấy », tôi muốn nói đến việc Việt Nam
hiện nằm trong số những nước công nghiệp mới ở châu Á, nhưng vẫn còn rất nhiều
điểm yếu phải giải quyết trong ngắn hạn và trong tương lai nếu Việt Nam muốn trở
thành một sức mạnh kinh tế lớn trong vùng Thái Bình Dương.
.
RFI : Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở
thành một sức mạnh tầm trung ? Đâu là chiến lược của Hà Nội để thực hiện
tham vọng này ?
GS. Eric Mottet : Đúng thế. Tham vọng mà Việt Nam hướng tới, đó
là trở thành một cường quốc bậc trung về địa-chính trị, chứ không phải về kinh
tế. Bởi vì Việt Nam chưa phải một sức mạnh kinh tế trung bình nhưng sẽ đạt được
mục tiêu đó trong tương lai. Tôi cho rằng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về
kinh tế không nghi ngờ gì về khả năng này.
Nhưng Việt Nam có thể trở
thành một cường quốc tầm trung về địa-chính trị hay không ? Dù sao chúng
ta thấy là Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều theo hướng này trong những năm gần đây.
Năm 2020, Việt Nam giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông
Nam Á (ASEAN). Trong tư cách này, Hà Nội đã có rất nhiều bước tiến ngoại giao để
cải thiện hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Việt Nam cũng đảm nhiệm cương vị chủ
tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong tháng 01/2020, nên hiện có ảnh hưởng
lớn hơn ở Liên Hiệp Quốc.
Chúng ta còn thấy là Việt
Nam tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế lớn, như tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế
giới Davos, được mời đến G20 - Diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới -
tại Nhật Bản (28-29/06/2019), tham gia ngày càng thường xuyên hơn các hội thảo
và hội nghị về biến đổi khí hậu… Gần đây, Việt Nam còn tham gia chương
trình Gìn giữ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Quân nhân Việt Nam
làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, Cộng Hòa
Trung Phi.
Chúng ta có thể thấy là
Hà Nội đang từng bước cải thiện hình ảnh về mặt địa-chính trị của mình trên trường
quốc tế. Điều này cũng cho phép cải thiện tính chính đáng trên quy mô quốc tế của
đảng Cộng Sản Việt Nam và đặt đảng Cộng Sản Việt Nam như là một nhân tố có
trách nhiệm và bao dung. Vì vậy, nếu dần cải thiện được hình ảnh này, Việt Nam
có thể trở thành một sức mạnh địa-chính trị tầm trung.
.
RFI : Liệu tham vọng trở thành sức mạnh
địa-chính trị tầm trung của Hà Nội có bị tác động vì sự cạnh tranh Mỹ-Trung hiện
nay hay không ? Việt Nam làm gì để tránh bị kẹt giữa hai cường quốc hàng
đầu thế giới ?
GS. Eric Mottet : Trước tiên, cần phải nói là mối quan hệ
của Hà Nội hiện rất tốt với chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Tốt là nhờ vào việc tổng tống Trump, một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên
của thế giới tấn công trực tiếp Trung Quốc. Điều này khiến người dân Việt Nam
hài lòng.
Nhưng đó không phải là lý
do duy nhất mà còn nhiều lý do khác. Trước tiên là vào năm 2018, có thể nhận thấy
nhiều doanh nghiệp Mỹ tăng tốc di dời cơ sở sang Việt Nam. Việt Nam được hưởng
lợi phần nào đó từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngoài ra còn có nhiều sự kiện
mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn cho Việt Nam, như việc tổng thống Trump đến Việt
Nam hai lần : Lần đầu trong khuôn khổ APEC năm 2017 và thăm chính thức Việt Nam ; lần thứ hai, ông đến Hà
Nội vào tháng 02/2019 trong khuôn khổ thượng đỉnh nổi tiếng với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên
Kim Jong Un. Tất cả những sự kiện này đã ghi dấu ấn lớn đối với người dân và
chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam
và Hoa Kỳ vẫn tồn tại một số điểm bất đồng về ý thức hệ, nhân quyền, tự do tôn
giáo... Và từ tháng 09/2020 xuất hiện một số quan ngại về khả năng xảy ra chiến
tranh thương mại Mỹ-Việt. Tôi từng nêu trong một bài phỏng vấn với RFI Tiếng Việt (26/10/2020) là thâm hụt
thương mại giữa hai nước ngày lớn với việc Việt Nam xuất siêu sang Mỹ. Câu hỏi
được đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Joe Biden sẽ theo đuổi chiến lược này
của tổng thống Trump hay sẽ có những chính sách khác hoặc sẽ tập trung vào những
nhân tố khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ?
Về mối quan hệ giữa hà Nội
và Bắc Kinh, đây là mối quan hệ vô cùng nhập nhằng. Chúng ta biết Trung Quốc là
đối tác công nghiệp và thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, giữa hai
bên luôn có những bất bình, trong đó có cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tôi nghĩ là không cần phải phân tích nhiều ở đây vì vấn đề này được biết đến rộng
rãi.
Vậy Việt Nam cần phải làm
gì để tránh mắc kẹt giữa hai cường quốc ? Việt Nam đã liên tục đa dạng hóa
quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế với nhiều nước từ vài năm gần đây, kể cả
trong nội bộ ASEAN, đặc biệt với Singapore và nhiều tác nhân nhỏ khác ở Đông
Nam Á. Ngoài ra, Hà Nội mở rộng quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với nhiều
nước khác, như xích lại mạnh mẽ hơn với Nhật Bản trong những năm gần đây, cũng như với Hàn Quốc,
Úc, Ấn Độ, thậm chí là với những đối tác xa xôi hơn như Nga, hiện trở lại Việt
Nam mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quân sự và năng lượng. Ngoài ra còn phải kể đến
quan hệ đối tác với Liên Hiệp Châu Âu và trong tương lai là với Anh Quốc hậu Brexit…
Có thể nói Hà Nội đang tiến
hành « chiến lược chia sẻ, giảm bớt rủi ro » bằng cách đa dạng hóa đối
tác kinh tế và an ninh để không bị kẹt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
.
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại
học Québec ở Montréral (UQAM), Canada.
No comments:
Post a Comment