Tuesday, 22 December 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 22/12/2020 (The Economist)

 


 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 22/12/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

22/12/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/12/22/the-gioi-hom-nay-22-12-2020/

 

Tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể coronavirus mới ở Anh đã gây xáo động thị trường tài chính, sau khi nhiều nước cấm các chuyến bay từ nước này trong khi Pháp đóng cửa với hàng hóa và phà qua eo biển Manche. Giá cổ phiếu giảm. Giá dầu giảm. Và đồng bảng Anh mất giá tới 1,3% so với đồng euro và 2% so với đồng đô la. Bế tắc tiếp diễn trong các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit cũng đè nặng lên đồng bảng Anh. Chính phủ Anh một lần nữa khẳng định không muốn gia hạn giai đoạn chuyển đổi kết thúc vào ngày 31/12.

 

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã đề nghị cấp phép cho vắc-xin coronavirus của Pfizer-BioNTech ở EU sau khi tiến hành sớm cuộc họp phê duyệt vốn theo lịch là 29 tháng 12. Việc tiêm chủng nên bắt đầu ngay sau lễ Giáng sinh. Ủy ban Châu Âu, cơ quan sẽ ký quyết định của EMA trong tuần này, đã thay mặt các nước thành viên đàm phán các thỏa thuận chung để đặt hàng với các hãng dược có vắc-xin tiềm năng.

 

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr cho biết ông sẽ không chỉ định một cố vấn đặc biệt để điều tra Hunter Biden hoặc các cáo buộc gian lận bầu cử. Quyết định này sẽ làm phật lòng Tổng thống Donald Trump, người được cho là ủng hộ việc bổ nhiệm như vậy. Các vấn đề về thuế của con trai Tổng thống đắc cử Joe Biden đang được các công tố viên liên bang ở Delaware xem xét.

 

Tòa án cấp cao nhất của Hồng Kông ra phán quyết rằng lệnh cấm đeo mặt nạ của chính quyền thành phố tại các cuộc tụ tập công cộng là hợp hiến. Trưởng đặc khu thân Bắc Kinh của Hồng Kông Carrie Lam đã sử dụng quyền hạn khẩn cấp từ thời thuộc địa để đơn phương ban hành lệnh cấm vào đỉnh điểm của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm ngoái. Các thẩm phán, những người cho rằng lệnh cấm là một phản ứng tương xứng, đã đảo ngược kết luận của một tòa án cấp dưới.

 

Một bức tượng của Robert E. Lee, một vị tướng Liên minh miền Nam, đã được di dời khỏi Điện Capitol ở Washington, DC, nơi nó tượng trưng cho Virginia cùng với tượng của George Washington. Thống đốc bang, Ralph Northam, gọi Liên minh miền Nam là “biểu tượng của lịch sử phân biệt chủng tộc và chia rẽ của Virginia”. Lee sẽ được thay thế bởi Barbara Johns, một nhà lãnh đạo dân quyền, nếu quốc hội bang thông qua quyết định vào tháng tới.

 

Royal Dutch Shell đang xóa giá trị tài sản dầu khí của mình từ 3,5 tỷ USD đến 4,5 tỷ USD, tăng tổng mức cắt giảm trong năm nay lên 22 tỷ USD. Những đợt cắt giảm mới nhất này là phản ứng trước những hư hỏng của giàn khoan Appomattox của Shell ở Vịnh Mexico và các vụ đóng cửa nhà máy lọc dầu. Hồi tháng 4, công ty đã lần đầu cắt giảm cổ tức kể từ sau Thế chiến II.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tuần này, The Economist giới thiệu các bài điểm lại năm 2020. Chủ đề của hôm nay là kinh doanh, tài chính và kinh tế.

 

Mỹ tung kích thích nhưng người dân không chi tiền

Trong số hàng chục điều khoản được đưa vào Đạo luật CARES, gói kích thích tài khóa 2,2 nghìn tỷ đô la được thông qua hồi tháng 3 của Mỹ, không điều khoản nào được chào đón như khoản thanh toán một lần cho các hộ gia đình. Những người đóng thuế có thu nhập dưới 99.000 đô la một năm (198.000 đô la cho các cặp vợ chồng) được phát đến 1.200 đô la, cộng thêm 500 đô la cho mỗi đứa trẻ. Người ta kỳ vọng người tiêu dùng sẽ chi số tiền này và giúp chống đỡ cho nền kinh tế, vốn tiếp tục suy thoái 9,5% trong quý hai.

 

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ 42% số tiền là được chi tiêu. 27% được đưa vào tiết kiệm. Và 31% còn lại dùng để trả nợ. Những người đang thiếu tiền mặt – những người cho biết không thể chi thu nhập một tháng để trang trải một hóa đơn đột xuất – cũng khó có khả năng chi tiền kích thích hơn những người có thanh khoản cao hơn. Đồng thời những người nhận được nhiều tiền hơn cũng có xu hướng chi ít hơn đối với khoản tiền họ nhận được, đặt ra yêu cầu phải “nhắm mục tiêu” tốt hơn.

 

Đầu tư giá trị có còn hiệu quả?

Trong hơn một thế kỷ một số nhà đầu tư đã phát đạt nhờ “đầu tư giá trị” – mua cổ phiếu rẻ, dựa trên “giá trị cơ bản” của chúng. Nhưng kể từ năm 2010, chỉ số giá trị Russell 1000, có nhiệm vụ theo dõi chứng khoán Mỹ có tỉ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách thấp và kỳ vọng tăng trưởng thu nhập thấp, chỉ tăng 87%, so với 171% của toàn thị trường. Cổ phiếu của các công ty Mỹ đắt nhất trong năm 2010 hầu hết tiếp tục tăng vọt.

 

Theo công ty đầu tư AQR Capital Management, khoảng cách giữa tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách của một phần ba mã cổ phiếu Mỹ đắt nhất so với một phần ba mã rẻ nhất đã đều đặn tăng lên kể từ năm 2015. Đến tháng 3, thời điểm cuối của phân tích, các cổ phiếu đắt nhất đạt kỷ lục cao hơn 12 lần so với những mã rẻ nhất. Trong khi cổ phiếu của các công ty phát triển nhanh với tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách cao đã tăng khoảng 20% ​​kể từ tháng 1, cổ phiếu của các công ty giá trị đã giảm hơn 10%. Nhưng những biến động chóng mặt của cổ phiếu công nghệ vào tháng 9 cho thấy các nhà đầu tư thực sự thấy lo lắng về mức định giá cao của chúng.

 

Các công ty nào chống chịu tốt trước đại dịch?

Khi đại dịch quét qua toàn cầu, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của các công ty yếu kém hơn. Một nghiên cứu đang thực hiện được xuất bản hồi tháng 4 bởi các nhà kinh tế tại Đại học Hồng Kông, Đại học Trung Văn Hồng Kông và Đại học California, Berkeley đã xem xét đặc điểm nào là có lợi nhất và đặc điểm nào có hại nhất trong đợt bán tháo cổ phiếu từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3.

 

Sử dụng dữ liệu từ hơn 6.000 công ty niêm yết công khai, các tác giả nhận thấy các công ty ở các quốc gia có nhiều ca nhiễm covid-19 bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các công ty ở những nước ít bị ảnh hưởng hơn. Các công ty giàu tiền mặt vượt bão tốt hơn những hãng có ít tài sản có tính thanh khoản. Giả sử tất cả những điều khác không thay đổi, thì giá cổ phiếu của các công ty có nhiều tiền mặt hơn, lợi nhuận lớn hơn và ít nợ hơn có khả năng chống chọi tốt với đại dịch. Các công ty có trụ sở tại các nước nghèo cũng hoạt động kém hơn các hãng ở những nước giàu hơn. Cuối cùng, các công ty ở các nước theo thông luật phải chịu mức giảm giá cổ phiếu lớn hơn so với các công ty ở các nước dân luật hoặc xã hội chủ nghĩa.

 

Chỉ số bình đẳng của phụ nữ ở nơi làm việc

Để chào đón Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, The Economist đã cập nhật chỉ số “bức trần kính” (ND: một thuật ngữ chỉ các rào cản bình đẳng đối với một nhóm nhân khẩu học) của mình, xếp hạng 29 quốc gia trên mười chỉ số về bình đẳng cho phụ nữ tại nơi làm việc. Năm 2020, Iceland đứng đầu bảng xếp hạng của chúng tôi, vượt qua cả Na Uy và Thụy Điển. Phụ nữ chiếm 50% số người Iceland dự thi GMAT, kỳ thi tuyển sinh trường kinh doanh, và nắm giữ hơn 41% vị trí quản lý. Ở cuối bảng xếp hạng của chúng tôi là Hàn Quốc, với Nhật Bản ngay phía trên.

 

Chỉ 59% phụ nữ Hàn Quốc tham gia lực lượng lao động, so với tỷ lệ trung bình 65% của OECD, một câu lạc bộ các nước giàu. Phụ nữ [Hàn Quốc] đi làm cũng kiếm được trung bình thấp hơn 35% mỗi năm so với nam giới, mức chênh lệch lương lớn nhất trong nhóm. Ở các nước mà cơ quan lập pháp nhiều nam giới, số ngày nghỉ phép sinh nở thường ít ỏi. Nước Mỹ, nơi có chưa tới một phần tư các nhà lập pháp tại Hạ viện là nữ, hoàn toàn không có quy định nghỉ sinh nở ở cấp liên bang.

 

Kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ theo sức mua tương đương

Kinh tế Mỹ vẫn chưa vượt qua kinh tế Trung Quốc cho đến những năm 1880, theo Dự án Maddison tại Đại học Groningen. Hai nước giờ đây lại là đối thủ của nhau. Năm 2019, người lao động Trung Quốc đã sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ trị giá 99 nghìn tỷ nhân dân tệ. Mỹ sản xuất được trị giá 21,4 nghìn tỷ đô la. Hồi năm ngoái 6,9 nhân dân tệ mua được một đô la, nên theo tỉ giá thị trường GDP Trung Quốc chỉ đạt 14 nghìn tỷ đô la.

Tuy nhiên 6,9 nhân dân tệ ở Trung Quốc có giá trị hơn nhiều so với 1 đô la ở Mỹ. Ví dụ, một chiếc Big Mac của McDonald’s có giá khoảng 21,70 nhân dân tệ ở Trung Quốc và 5,71 đô la ở Mỹ, theo giá cả do The Economist thu thập. Theo cách tính đó, 3,8 nhân dân tệ có sức mua ngang 1 đô la. Nếu vậy 99 nghìn tỷ nhân dân tệ có sức mua ngang với 26 nghìn tỷ đô la, và do đó nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn kinh tế Mỹ. McDonald’s đã từng là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế Mỹ. Giờ đây phương pháp Big Mac cho thấy họ có thể bị vượt mặt.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats