Nhật
Bản cần dẫn dắt Đông Nam Á trong sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng
mở
Nguyễn
Trường
10-12-2020
Sau khi nhậm chức Thủ tướng
Nhật Bản, ông Yoshihide Suga đã không giấu giếm các “cử chỉ” đối ngoại và an
ninh của chính quyền ông, theo đó tiếp tục theo đuổi Sáng kiến Ấn Độ Dương -
Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP- free and open Indo-Pacific Strategy) do
chính quyền tiền nhiệm Shinzo Abe thúc đẩy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/japan-needs-to-lead-seasia-in-open-indo-pacific-strategy-12102020120624.html/@@images/a2db2ed7-58f3-4070-bdf7-2e6e0808de44.jpeg
Hình minh hoạ: Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (phải) và Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 19/10/2020. Reuters
Trong chuyến thăm cấp nhà
nước đầu tiên ra nước ngoài, tân Thủ tướng Suga chọn điểm đến là Việt Nam và
Indonesia thay vì Mỹ như cách làm của các Thủ tướng Nhật Bản trong nhiều năm
qua. Dù điều này mở ra các cách hiểu khác nhau, với một trong những cách giải
thích là do tình hình COVID-19 phức tạp ở Mỹ, song vẫn sẽ là hiểu lầm khi cho rằng
Nhật Bản đang theo đuổi một con đường khác với Washington khi thúc đẩy FOIP ở
Đông Nam Á.
Trái ngược với điều đó, động
thái mới nhất của Thủ tướng Suga nên được hiểu là một hình thức làm phong phú
thêm FOIP bằng cách khiến tầm nhìn này có thể áp dụng cho các nước thành viên
ASEAN. Qua các chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và Indonesia, rõ ràng tân
Thủ tướng Nhật Bản đã thể hiện sự nắm bắt tuyệt vời tình hình khu vực ASEAN. Việc
Việt Nam được chọn làm điểm đến đầu tiên cho chuyến thăm của ông Suga cho thấy
Tokyo đánh giá cao quan điểm ngày càng mạnh mẽ của Hà Nội trong tranh chấp Biển
Đông với Trung Quốc, cũng như vai trò chủ tịch của Việt Nam trong việc
thúc đẩy lập trường thống nhất của ASEAN về vấn đề an ninh cụ thể này. Trong
khi đó, chuyến thăm Indonesia của ông thể hiện sự công nhận ảnh hưởng lâu dài của
Jakarta trong việc thúc đẩy chiến lược đối ngoại của ASEAN, đặc biệt là Quan điểm
của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Outlook on the Indo-Pacific -
AOIP).
Với những lý do này, câu
hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có khả năng đi đầu trong việc thúc đẩy FOIP với tư
cách là một cường quốc trung bình trong khu vực hay không?
Xét trên mọi phương diện,
thành công của Tokyo phụ thuộc vào sự tương thích và lợi ích của tầm nhìn FOIP
đối với các nước thành viên ASEAN, thay vì việc Washington đơn phương thúc đẩy
tầm nhìn và cách tiếp cận tích cực để thực hiện nó. Theo nghĩa này, Nhật Bản có
thể chứng tỏ là một “nhà hòa giải” đáng tin cậy hơn Mỹ khi thúc đẩy FOIP ở Đông
Nam Á.
Xét về sự tương thích, Thủ
tướng Suga không ngần ngại nhấn mạnh vấn đề này trong cả 2 chuyến thăm Việt Nam
và Indonesia. Trong bài phát biểu tại Đại học Việt-Nhật (Hà Nội) cũng như tiết
lộ chính thức về cuộc thảo luận với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông Suga
bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với AOIP dù điều này dựa trên vai trò trung
tâm của ASEAN và do đó, tương đối khác với FOIP. Đầu tiên, ông Suga nhấn mạnh
các nguyên tắc chung của FOIP và AOIP - tôn trọng pháp quyền, cởi mở, tự do,
minh bạch và hòa nhập, đồng thời mong muốn xây dựng một tương lai hòa bình và
thịnh vượng với các nước ASEAN phù hợp với các giá trị cơ bản.
Dù không chỉ đích danh
Trung Quốc, song Thủ tướng Suga kêu gọi lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở để giải
quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình thay vì sử dụng vũ lực hoặc cưỡng
bức để giải quyết vấn đề an ninh. Điều này khác với lời chỉ trích thẳng thắn của
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong Hội
nghị Bộ trưởng nhóm “Bộ tứ” đầu tháng 10 vừa qua, trong đó ông Pompeo gọi Trung
Quốc là mối đe dọa toàn cầu. Do đó, việc Nhật Bản nói về Trung Quốc mà không
nêu tên nước này phù hợp với diễn ngôn lâu nay của ASEAN về vai trò trung tâm,
vốn kiềm chế việc loại trừ Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, thể hiện rõ
trong tuyên bố Chủ tịch hàng năm của khối. Chính cách thể hiện “nhẹ nhàng hơn”
về tranh chấp Biển Đông giúp Nhật Bản xích lại gần hơn với ASEAN so với Mỹ. Việc
Nhật Bản đề cao FOIP được cân nhắc dựa trên sự tương thích của tầm nhìn với vai
trò trung tâm của ASEAN, thay vì đi ngược lại điều này.
Về mặt lợi ích, rõ ràng,
Nhật Bản tìm đến Việt Nam và Indonesia để hợp tác kinh tế và quốc phòng đôi bên
cùng có lợi. Tokyo đang xem Việt Nam như quốc gia thứ ba để đa dạng hóa chuỗi
cung ứng từ Trung Quốc. Là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai
tại Việt Nam, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với Hà Nội thông qua chuyến
thăm của Suga, nổi bật là việc ký kết bản ghi nhớ (MOU) giữa hai nước về việc đầu
tư các dự án nhà máy điện ở Việt Nam.
Hình minh hoạ. Hình
chụp hôm 20/10/2020: Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) và phu nhân Iriana
chụp hình cùng Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và vợ là bà Mariko (trái). AFP
Đối với Indonesia, Nhật Bản
đang tìm cách đạt được một trong những mục tiêu của FOIP là mở rộng phát triển
cơ sở hạ tầng chất lượng thông qua khả năng xây dựng thêm mạng lưới vận tải đường
sắt công cộng (MRT) ở Jakarta, tăng tốc độ tàu ở phía bắc Jawa, vận hành và
phát triển Cổng Patimban … Không chỉ khai thác nhu cầu cơ sở hạ tầng rộng lớn của
Indonesia, việc Nhật Bản tham gia các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng này cho thấy
công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản tương đối có lợi cho các nước ASEAN vì
phù hợp với nguyên tắc đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng của G-20, gồm tính công
khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và tính bền vững. Như cựu Thủ tướng Abe đã chỉ
ra, việc nhấn mạnh các chuẩn mực quốc tế (Nguyên tắc G-20) là nhằm cho thấy sự
khác biệt giữa cách Nhật Bản và Trung Quốc tiếp cận phát triển cơ sở hạ tầng
ở các nước ASEAN và hơn thế nữa.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc
phòng, xuất khẩu vũ khí vẫn là trọng tâm của Nhật Bản sau vụ bán vũ khí mới đây
cho Malaysia và Philippines. Với việc chính quyền Suga không bổ nhiệm 6 học giả
chỉ trích luật an ninh trong quá khứ, Nhật Bản dường như đã gỡ bỏ rào cản cuối
cùng cho việc xuất khẩu vũ khí. Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga và
người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí về một thỏa thuận cơ bản
cho phép Tokyo bán thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Hà Nội. Tương tự, trong
cuộc gặp của ông Suga với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hai bên nhất trí đẩy
nhanh các cuộc đàm phán cho phép Nhật Bản xuất khẩu vũ khí cho Jakarta trong
tương lai gần. Không nghi ngờ gì nữa, tất cả các thiết bị và công nghệ quốc
phòng này đều nhằm thực hiện mục tiêu khác của FOIP trong việc trao quyền cho
các nước ASEAN (về mặt quân sự) chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời
giúp các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ lợi ích và chủ quyền một cách hiệu quả.
Trong thời gian tới, Nhật
Bản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn FOIP ở các nước thành viên ASEAN
khác. Với 2 trụ cột là tính tương thích và lợi ích, FOIP của Nhật Bản đang phát
triển thành một nỗ lực bổ sung cho toàn bộ chương trình nghị sự AOIP. Điều này
không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và an ninh của ASEAN thông qua quan hệ hợp
tác cởi mở với tất cả các cường quốc, mà còn giúp làm phong phú thêm tầm nhìn
FOIP, trong đó các diễn ngôn và cách tiếp cận của Mỹ không có sức thuyết phục đối
với các nước Đông Nam Á. Về vấn đề này, Nhật Bản đang cho các nước thành viên
khác của “Bộ tứ” thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng dẫn dắt FOIP trong khu vực
ASEAN.
Với mối quan hệ truyền thống
Việt - Nhật, cũng như mối quan tâm và vai trò của Nhật Bản đối với khu vực Đông
Nam Á, Việt Nam hoàn toàn có thể hỗ trợ Nhật Bản trong việc đảm trách vai trò dẫn
đầu khu vực Đông Nam Á trong việc gắn kết khu vực này với FOIP. Sự hỗ trợ của
Việt Nam đối với Nhật Bản trong vai trò này để tạo ra một khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương hòa bình, phát triển và phồn vinh trên cơ sở hợp tác, hội
nhập và liên kết chặt chẽ, chống lại các đe doạ an ninh từ Trung Quốc.
Ông bà ta thường nói “Bán
anh em xa, mua láng giềng gần” xem ra đã không còn thích hợp cho tình hình hiện
nay, nhất là Việt Nam đang đối phó với một anh láng giềng xấu tính.
“Bám anh em xa, ôm láng giềng gần” đã và đang trở thành phương châm trong
chính sách đối ngoại của Việt Nam.
---------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tin, bài liên quan
·
Chuyến
thăm của Thủ tướng Nhật Bản - Tại sao Việt Nam?
·
Việt-Nhật
thúc đẩy quan hệ trước sự đe dọa từ Trung Quốc
·
Nhật
Bản ký thoả thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng cho Việt Nam
·
Theo
dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi Thủ tướng Nhật gây sức ép lên Việt Nam về nhân
quyền
·
Thủ
tướng Việt Nam thăm Nhật Bản
No comments:
Post a Comment