Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020
https://www.diendantheky.net/2020/12/trangai-glassey-tranguyen-nang-rut.html#more
Đàn Xưa, Sách Cũ
Giữa tháng Mười, 2020.
Hay tin Nhà sách-nhạc Tú Quỳnh đóng cửa, tôi buồn. Ở cái thời COVID-19 này, có
bao nhiêu điều vui? Tuần trước, Ba Mẹ qua chơi với em út, Mẹ nói cháu gái muốn
tìm thêm sách tiếng Việt. Tôi lật đật chạy vô kệ sách Việt Ngữ của mình, chọn
sách ngữ pháp, sách sử, tự điển, và một số tập thơ để Mẹ đem về cho cháu. Đây
là sách tham khảo của tôi, nhưng thấy cháu ham học thì tôi hết lòng hỗ trợ. Cô
giáo Việt ngữ mà! Nghe ai tìm sách là hoan hỉ giúp liền! Mấy chục năm nay là vậy,
quen rồi. Hai hôm sau, tôi gọi cho chị gái, báo tin cuối tuần đó, Tú Quỳnh sẽ mở
cửa hai ngày cuối. Tôi hỏi chị có muốn đưa cháu đi coi sách không, nếu không
thì tôi đưa. Hỏi cháu thích đi với mẹ hay đi với dì, thì con bé trả lời nước
đôi. Thế là tôi một mình biểu quyết: đi với dì. Bữa sau qua thăm Mẹ tôi, cháu
gái nói sẽ đi với mẹ, vì mẹ nói để mẹ chở cháu đi, dì khỏi chạy vòng vòng mất
công. Tôi mới phải bật mí là, “Trước khi đi tiệm sách, mình sẽ đi xem đàn nữa!”
Dì muốn có ‘surprise' cho cháu nên không nói trước, nhưng cùng đường, đành phải
bật mí. Hồi hè, con bé ngỏ ý nhờ tôi dạy đàn tranh. Tôi đang hoàn tất một dự án
nghiên cứu, nên hẹn với cháu, sau khi xong việc, sẽ bắt đầu dạy đàn tranh cho
cháu. Nhưng muốn dạy thì phải có hai cây đàn, nên tôi đã hỏi thăm và xin hẹn, rồi
hôm đó đưa cháu đi cùng để cháu chọn cho vừa ý.
Nhớ lại chuyện học đàn
tranh, tôi chạnh thương cây đàn thân thiết của mình. Một món quà tinh thần vô
giá. Ngày xưa, trong hai năm ở Sài Gòn, tôi có theo học đàn tranh với một chị
đang học ở nhạc viện. Chị với tôi học chung lớp Anh Văn tại gia của Thầy Khúc Hữu
Chấp, Quận Ba. Tôi nghe nói sau này Thầy Chấp định cư ở Texas. Chuyện đã mấy chục
năm rồi, nhưng lớp Anh Văn của Thầy là một kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ, chị mang cặp
kính thật dày, tóc xoã dài, ít nói, trầm tĩnh, và có nụ cười dè dặt. Sau này
thân nhau, chị kể, hồi nhỏ chị bị bệnh, phải nằm nhà một thời gian. Mê đọc sách
đến nỗi khi hết bệnh thì phải kè theo cặp kính đến giờ. Chắc tôi lù khù quê mùa
nên chị tội nghiệp, và làm quen với tôi. Chị hay đi cùng một chị nữa, cũng học
cùng ngành ở nhạc viện. Khi biết hai chị học chuyên đàn tranh, tôi mê liền và tỏ
lòng ngưỡng mộ.
Lúc còn ở quê, tôi đã phải
lòng tiếng đàn tranh trong một lần thấy nó trên màn ảnh TV nhà hàng xóm. Hồi
đó, Ba tôi là ‘nguỵ quân Võ Bị Đà Lạt’ nên bị đi tù cải tạo và nhà tôi bị chính
quyền mới ập vô dọn hết đồ đạc từ bàn ghế tủ kệ song nồi xe cộ đến tủ lạnh,
tivi. Chỉ còn lại cái sàn nhà đã bị dở gạch bông, trơ đất chỗ lồi chỗ lõm.
Chúng tôi chỉ coi tivi “chớp nhoáng” khi đi bộ ngang nhà hàng xóm. Tối đó, tôi
đi mua nước mắm ở đầu xóm cho Mẹ nấu canh. Đang đi, thì nghe tiếng đàn lọt ra từ
nhà ông Hùng xe đò. Tiếng đàn tranh là cú sét ái tình, tôi mới nghe đã chịu liền.
Khi tôi đi tiếp, tuy không còn thấy màn hình, nhưng vẫn nghe tiếng đàn được một
đoạn nữa thì mới ‘ra ngoài vùng phụ sóng,’ hết thấy và hết nghe. Ngay lúc đó,
tôi nhủ lòng, nếu được học đàn, thì tôi sẽ chọn đàn tranh. Tiếng đàn trong trẻo,
nhẹ nhàng, thanh thoát. Nhưng muốn học đàn tranh là chuyện viễn vông! Cả vùng
quê tôi không ai có cây đàn này. Thời đó nhà ai nấy ở, chỉ có văn nghệ hành
quân đoàn đội, không có trình diễn dân nhạc dân nhiếc gì cả. Mà viễn vông nhất
là vì chuyện cơm áo. Thời đó, cơm gạo còn không có mà ăn, áo quần không đủ mặc,
tiền sổ vàng sổ đỏ còn không đủ đóng cho mái trường xã hội chủ nghĩa. “Con ngụy”
như tôi làm gì dám nghĩ tới chuyện học đàn?
Nhưng chắc trời thương kẻ
nghèo. Khi lên Sài Gòn, tôi lại quen chị. Thấy tôi thích quá, chị hỏi tôi muốn
học đàn tranh không. Tôi dò hỏi học phí. Tôi không nhớ bao nhiêu, hình như 15
ngàn một tháng, chắc chị cho giá “học bổng.” Tôi về xin Mẹ. Mẹ nói để Mẹ lo. Thế
là tôi thành học trò của chị. Mỗi tuần tôi ghé nhà chị, leo hai tầng thang gỗ,
học đàn trên gác. Ở dưới là tiệm tạp hoá của gia đình chị. Tôi là con bé nhà
quê lên tỉnh, lại là con nhà nghèo, nên thấy tôi không có đàn, chị mới tặng cho
tôi cây đàn cũ của chị. Chị thích nó lắm, vì tiếng nó trong. Chị được tặng cây
đàn đó khi đoạt giải nhất trong một cuộc thi đàn tranh. Không may, trong một lần
sửa nhà, người thợ hồ làm rơi đồ xuống, lủng một lỗ trên mặt đàn. Chị thương
cây đàn nên vẫn giữ. Thấy tôi không có đàn, chị nói có thể nhờ người ta dán lại,
không tốn bao nhiêu tiền, để tôi có đàn mà học. Lúc đó, tôi ở trọ ở Quận Một. Mỗi
lần đi học, tôi đèo theo cây đàn, đạp qua Quận Ba. Chị đàn trước, tôi đàn theo.
Tôi chép nhạc trong cuốn tập giấy nhám của thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến
lên Chủ Nghĩa Xã Hội.” Chị thấy tôi hiếu học, nên hễ tôi học xong bài nào là chị
dạy tiếp cho tôi bài kế, không đi theo chương trình bình thường. Mỗi lần đến học,
tôi đàn lại bài chị đã dạy lần trước. Lần đó, tôi có chuyện buồn, chị hỏi, “Tiếng
đàn của em hôm nay hơi gấp gáp. Em có tâm sự hả?” Tôi không là tri âm của chị,
vì tiếng đàn tôi non nớt. Nhưng chị là tri kỷ của tôi, vì chị hiểu lòng tôi qua
tiếng đàn. Có bữa tôi tới học đàn, chị nhờ tôi xem lại một lá thư bằng tiếng
Anh, trước khi chị gởi đi nước ngoài, cám ơn một tổ chức đã trao học bổng cho
chị.
“Thời sinh viên
có cây đàn tranh xưa" ở phòng ký túc
xá.
Khi tôi đi Mỹ định cư, chị
nói tôi đem đàn theo. Tôi cảm động vô cùng. Và cây đàn đó đã cùng tôi mang âm
điệu ngũ cung và những bài dân nhạc Việt đi vào những buổi Tết Assembly tại các
học khu tại Quận Cam, những chương trình tập huấn (Inclusion Requirement for
Title 1) cho các Thầy Cô giáo trường Công lập, những chương trình Tu Nghiệp Hè
cho Văn Hoá và Ngôn Ngữ Việt Nam tại các trường đại học, chương trình Trung Thu
cho các học sinh tiểu học, vv. Lúc lặn lội từ Quận Cam lên Palo Alto để đi học,
tôi đã đưa đàn tranh theo, vì kinh nghiệm xương máu một năm trước, khi tôi qua
Thuỵ Điển, không đem theo được, mà nhớ đàn tranh mắc chết, đi tìm khắp chốn
cũng không ra. Lúc tôi ở Stanford, có người cũng lấy cớ muốn nghe đàn tranh, đứng
rình dưới lầu ngoài cửa sổ ký túc xá của tôi mỗi khi tôi tập đàn. Từ khi được về
làm rể của Mẹ tôi, người-rình-nghe-đàn đó không được nghe tiếng đàn tranh nữa,
vì tôi mắc sanh con và nựng con rồi. Thôi ráng chờ heng! Mới mười năm thôi, có
là bao!
Tác giả đàn đàn
tranh, các em học sinh Latinx tại Quận Cam vừa hát vừa múa mừng Trung Thu bằng
tiếng Việt do tác giả dạy trong nhiều tuần lễ, 1999.
Sách-Nhạc Thời Cô
Vít
Sáng thứ bảy, 17 tháng
10, 2020. Hai dì cháu đi từ 9 giờ rưỡi sáng. 9 giờ là tôi từ thành phố Ho Hem
chạy qua thành phố To Ten đón cháu, rồi hai dì cháu thẳng tiến về thành phố Pho
Le. Có một tiếng đồng hồ mà tôi chạy vòng vòng hết nửa Quận Cam. Tôi bấm chuông
nhà Giáo sư Nguyễn Châu của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. Vị Thầy khả kính đã
gìn giữ dòng nhạc Dân Tộc cả mấy chục năm qua tại Little Saigon đón chúng tôi ở
cửa. Nhà Thầy nằm trong khu dân cư thật khang trang, thanh nhã. Trên cửa có ghi
“Face Covering Required.” Thầy đang dạy đàn tranh. Trong phòng khách có đàn
piano và nhiều đàn cổ Việt Nam quý hiếm, được truyền lại từ những bậc thầy. Cây
đàn tranh cẩn xà cừ thật tinh xảo, Thầy nói từ cung đình Huế. Thầy tâm đắc cho
tôi xem cây đàn cò, được làm từ khúc gỗ mun Thầy tìm được. Cây đàn nặng, chắc.
Thầy nói nhờ nó mà Thầy được mời đi thu âm ở nhiều nơi.
Khi Thầy đưa hai cây đàn
tranh ra, thì tôi chấm liền cây đàn gỗ cẩm lai, còn mới tinh. Cô cháu gái chọn
cây đàn nhỏ, có cẩn xà cừ. Tôi ráng dụ mà không được. Nói hoài, cháu cũng chỉ
cây đàn nhỏ. Thầy nói, thôi mới học thì mua đàn nhỏ, vài bữa học quen rồi mua
đàn lớn. Nhưng tôi nói, bắt đầu học thì tìm cây đàn cho tốt, vì về lâu về dài,
mình có tình cảm với nó, gắn bó với nhau trong tiếng đàn. Nói gì thì nói, cháu
cũng một mực mua cây đàn nhỏ. Tôi đưa cháu đi mua, mà mua cho cháu, nên đành để
cháu chọn. Tôi ngậm bồ hòn chở cháu về. Thầy có tặng cho tôi quyển sách “Đại
Cương Thang Âm Điệu Thức Việt Nam" mà Thầy mới soạn trong thời gian ở nhà
vì đại dịch. Hai dì cháu đều chưa ăn sáng, nên ghé Bánh Mì Chè Cali, mua hai ổ
mì không gặm cho đỡ đói, vì có thịt thà thì hơi bất tiện. Chúng tôi ra tới Tú
Quỳnh thì cả khu thương mại đã đầy xe. May có người ra, chúng tôi mới có chỗ đậu,
để ghé thăm Tú Quỳnh lần cuối.
Cô Yến Tú Quỳnh
và những người còn thương chữ nghĩa Việt.
Tú Quỳnh là một tiệm sách
nhỏ, hôm đó càng thấy nhỏ hơn vì đầy cả người. Thật cảm động khi thấy tiệm sách
đông người, không còn chỗ để vào. Đây là những tấm lòng còn muốn gìn vàng giữ
ngọc cho đời sau. Hai dì cháu tôi đứng chờ ở cửa để khi có người ra thì chúng
tôi mới vào được. Nhà báo, diễn viên Nguyễn Ngọc Chấn đang phỏng vấn một số người.
Cô Yến đứng ở phía ngoài quày tính tiền, hàn huyên cùng thân chủ. Nhiều người
bê cả thùng sách lớn, nào sách nhạc, nào báo văn nghệ. Tôi thấy nhà báo Trịnh
Thanh Thủy ở hàng sách bên trong, liền chào chị. Chị cũng chạy qua vui vẻ ôm
tôi. Tôi thấy chị đang cầm máy thu âm. Đã lâu rồi, tôi không gặp thi văn hữu,
nên rất vui được gặp chị ở đó, và càng vui hơn khi biết chị đang làm phóng sự.
Xin cám ơn chị và bao tấm lòng khác vẫn luôn miệt mài tận tụy với sinh hoạt chữ
nghĩa Việt ở xứ người. Nhìn quanh, thấy toàn những người tha thiết với chữ
nghĩa, văn hóa, văn nghệ Việt Nam, tôi cũng bớt chạnh lòng. Từ tháng Ba tới giờ,
bao nhiêu thương vụ nhỏ tại Mỹ đã đóng cửa vì đại dịch. Nhiều công ty lớn cũng
phải cắt giảm. Vậy thì Tú Quỳnh phải đóng cửa cũng nằm trong tình trạng chung
đó, nhưng đối với thủ đô tỵ nạn Little Saigon và người Việt ở nhiều nơi, thì Tú
Quỳnh là một trong những trụ điểm của sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Cho nên chắc
chắn đây là nỗi buồn chung.
Tác giả nói về Tết
Việt Nam và trình diễn đàn tranh tại Trường Martin Luther King, Santa Ana, Orange County, tháng Giêng 2000.
Vì tôi đã tham gia dạy tiếng
Việt với tư cách thiện nguyện ngay tại thành phố Westminster từ ngày đầu tiên đến
Mỹ hơn 26 năm nay, nên đối với tôi, tiếng Việt rất quan trọng và là linh hồn của
cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, cái dây nối cho tất cả chúng ta ở khắp nơi
trên thế giới. Tuy các nhà sách tiếng Việt đều tập trung tại Quận Cam, nhưng vẫn
đếm trên đầu ngón tay. Nay một nhà sách đóng cửa, thì cũng là nỗi lo chung, liệu
các nhà sách còn lại có còn cầm cự được không, và cầm cự được bao lâu nữa? Sáng
đó, tôi có chia sẻ với Thầy Châu ưu tư và nhận xét của tôi đối với tình trạng giảm
sút trong việc đầu tư văn hóa cho các em hiện nay, so với hai mươi mấy năm trước.
Thầy Châu có nói đó là tình trạng chung, nhất là vì bây giờ có nhiều tài liệu
trên internet. Tuy nhiên, dù có phải đóng cửa tiệm sách, hay có giảm sút trong
sinh hoạt văn hóa, thì tôi vẫn tin là văn hóa Việt Nam tại hải ngoại sẽ không
mai một. Nếu Tú Quỳnh phải đóng cửa vì COVID-19, thì mai này, ắt cũng sẽ có những
nổ lực mới, những 'Cô Yến' mới, triển khai những hình thức sinh hoạt mới cho
văn hóa, văn nghệ. Ngày xưa, thế hệ thuyền nhân đến tỵ nạn, gặp nhiều khó khăn,
ngỡ ngàng, mà đã gầy dựng được nên Thủ Đô Tỵ Nạn tại Quận Cam như ngày hôm nay,
thì tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt vào một sự tiếp nối và bừng nở của sinh hoạt
văn hóa sau khi đại dịch qua đi. Tôi tin vào những tấm lòng của các thế hệ đang
lớn, những trái tim hướng về cội nguồn, những bạn trẻ sinh ở hải ngoại, mà tự
trau dồi tiếng Việt, muốn học nhạc cụ dân tộc, muốn thấm nhuần văn hóa Việt
Nam. Tuy tôi có hơi 'bi quan' khi thấy sự giảm sút trong việc duy trì văn hóa
trong thời gian gần đây, nhưng khi nhìn vào chặng đường 45 năm của cộng đồng Việt
tỵ nạn tại hải ngoại và tại Quận Cam nói chung, tôi dám đặt niềm tin vào một
tương lai vẫn đậm đà bản sắc dân tộc ở xứ người.
Khi hai dì cháu về tới
nhà, tôi méc với Mẹ tôi là tôi chấm cây đàn kia mà cháu không chịu. Mẹ vừa nghe
tôi nói “đàn gỗ cẩm lai không cẩn” thì theo phe tôi liền. Mẹ nói, sáng đó, trước
khi tôi qua đón, cháu đã nói với Mẹ tôi là sẽ chọn cây đàn ít tiền nhất, vì sợ
tốn tiền của dì. Tôi hứ một cái thiệt lớn cho đỡ tức. Tôi liền gọi cho Thầy, và
xin phép đổi đàn. Thầy nói không sao hết. Cháu cũng muốn đi với tôi, nên hai dì
cháu lên đường lần hai. Tôi nói dỗi, “Làm khổ tui nè! Hồi nãy hổng chịu nghe,
bây giờ tui phải đi lần nữa nè! Hun cái bù lỗ đi!” Cháu cười mỉm chi, hôn tôi một
cái. Mẹ tôi ghen tỵ, “Nó hun dì nó thì tươi rói, chứ đâu phải như lúc hun Ngoại!”
Tôi chọc, “Con hun Ngoại đi, để Ngoại khỏi kêu ca nữa!” Đổi đàn xong rồi, tôi
đưa cháu về, rồi gọi cho chồng. Đã một giờ chiều. Tôi báo cho chồng tôi là tôi
đang trên đường về. Con đã ăn trưa chưa? Chưa! Sao tới giờ này mà chưa ăn trưa?
Chờ mẹ! Trời, cơm nước đã soạn sẵn, chờ cái gì nữa! Tụi con không đói. Chờ mẹ về
ăn chung. Ba cái loa oang oang tranh nói vô một cái phone. Tôi chào tạm biệt,
cúp máy. Nhiều chuyện! Cơm không lo ăn! Nói nói cái gì? Thiệt tình!
nắng rút chiều thu
Năm 2020 nhiều biến động.
Nổi trội nhất là Cô Vít tung hoành, gieo rắc tai ương, tung mầm chết chóc.
Nhưng có nhiều điều mà Cô Vít ‘rút' đi nhưng không hiển hiện.
Thương sao thằng bé
con đẫm bùn đất sau cơn lũ.
Giữa đại hoạ chung của thế
giới, thì còn thiên tai lớn cho dân nghèo ở miền Trung. Lũ ngập trời. Khi nước
đi rồi, người dân nghèo miền Trung còn lại gì? Những đứa bé ngơ ngác đẫm đất
cát như một pho tượng còn chưa khô đang bước đi. Người dân mất trắng. Mà chính
quyền lại ‘độc quyền' quyên góp những đóp góp cứu trợ. Rồi lại cũng trò cũ giở
giói, nhận mười, giao chưa được một. Trên thế giới này, có bao nhiêu nơi mà con
dân phải gánh chịu thiên tai và cường quyền bóc lột như thế này?
Mùa thu ở Quận Cam nắng.
Nắng như nung. Thằng bé con hỏi, “Mẹ ơi, đã tháng mười mà sao còn nóng quá?”
Cháy rừng triền miên. Thời tiết bấp bênh. Út Út mới năm tuổi mà tối không chịu
ngủ. Nó thủ thỉ, “Mẹ ơi, trốt lửa có tràn về thành phố của mình không? Con
không ngủ, vì con sợ lửa về.”
Nhưng hôm nay, mặt trời
trốn mất. Nắng rút. Thu về.
Chỗ thì nước nhiều. Chỗ thì lửa khắp. Mẹ Đất mệt rồi! Đời vẫn vạn người lầm
than!
Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 12 05, 2020
No comments:
Post a Comment