Sunday, 20 December 2020

KHẮC NGHIỆT CHƯA TỪNG THẤY : MÔI TRƯỜNG NĂM 2020 QUA ẢNH (Jason Nguyen - Luật Khoa)

 


Khắc nghiệt chưa từng thấy: Môi trường năm 2020 qua ảnh

Jason Nguyen  -  Luật Khoa

20/12/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/12/khac-nghiet-chua-tung-thay-moi-truong-nam-2020-qua-anh/ 

 

.

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/moitruong2020-1024x536.png

2020 tiếp tục là một năm đáng báo động về môi trường. Nguồn ảnh: CNN, Reuters, Greenpeac

 

Chỉ còn hơn một tuần nữa tính từ lúc bài viết này được đăng tải, năm 2020 sẽ chính thức trôi qua. 2020 là năm của những cuộc khủng hoảng, từ đại dịch, suy thoái kinh tế, cho đến biến đổi khí hậu.

 

Chúng ta đã trải qua một năm với hàng loạt hiện tượng tự nhiên cùng được mô tả là “khắc nghiệt chưa từng thấy”. Các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên toàn cầu, cho dù bạn có tin vào điều này hay không.

 

Luật Khoa điểm lại năm qua bằng bộ ảnh khắc họa 8 biến cố môi trường quan trọng trên thế giới. Các bức ảnh này cho thấy những thảm cảnh, khắc họa chân dung những sinh vật nhỏ bé – trong đó có con người – trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Chúng cũng nhắc ta nhớ rằng trái đất có khả năng tự phục hồi khi con người dừng các hoạt động tàn phá của mình lại.

 

 

Cháy rừng nghiêm trọng ở cả hai bán cầu

 

Mùa hè Đen tối (Black Summer) là tên gọi của đợt cháy rừng liên tiếp tại Úc, kéo dài từ cuối năm 2019 cho đến đầu năm 2020. Nguyên nhân là do kết hợp của việc nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp bất thường tại quốc gia ở Nam Bán cầu này.

 

Tuy đợt cháy được dập tắt và khống chế nhờ các trận mưa lớn vào tháng Hai, hàng trăm đám cháy lớn nhỏ đã thiêu rụi hơn 18 triệu hecta đất rừng, phá hủy hơn 3.000 ngôi nhà, và đã khiến hơn 30 người thiệt mạng. Cũng theo các số liệu thống kê, hơn một tỷ động vật tại Úc đã bị chết cháy. Các loài động vật quý hiếm khác cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

 

Ở bán cầu bên kia, bang California (Mỹ) cũng trải qua một đợt cháy rừng lớn nhất trong lịch sử. Tính đến ngày 18/12/2020, hơn 9.600 vụ cháy đã thiêu trụi hơn 1,7 triệu ha đất rừng, tương đương 4% diện tích đất của bang, theo Sở Bảo vệ rừng và Phòng tránh hỏa hoạn California (Cal Fire).

 

Ở Nam Phi, một phần tư diện tích vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới cũng đã bị thiêu rụi.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image1-1.jpg

Bức ảnh được nhiều người đánh giá là tóm gọn năm 2020. Trong ảnh, một biển báo yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội chìm trong khói lửa do cháy rừng ở California. Ảnh chụp ngày 18/8/2020. Ảnh: Noah Berger/AP.

 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image2-4.png

Simon Adamczyk, một nhân viên cứu hộ động vật hoang dã tại thành phố Adelaide, đang ôm một chú gấu koala vừa được giải cứu tại một khu rừng cháy trên đảo Kangaroo, phía tây nam Adelaide vào ngày 7/1/2020. Các xe quân đội đã đưa hơn 100 quân nhân dự bị cùng các nguồn cung cấp tự túc đến đảo Kangaroo trong khuôn khổ Chiến dịch Hỗ trợ Nạn cháy rừng (Operation Bushfire Assist) của bang Nam Úc. Ảnh: David Mariuz/AAP.

 

 

Rừng Amazon bị tàn phá gần đến ngưỡng không thể cứu vãn

 

Trong số những vụ cháy rừng, nghiêm trọng nhất là tình hình ở rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon. Rừng đã cháy liên tục suốt từ tháng 8/2019 cho đến tháng 8/2020. Ít nhất một triệu hecta rừng đã bị thiêu rụi.

 

Cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra ở khu vực này, nhưng chín tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức độ cháy tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đợt cháy năm nay được cho là nghiêm trọng nhất trong một thập niên vừa rồi.

 

Rừng Amazon đã bị tàn phá gần đến ngưỡng không thể cứu vãn. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là nạn phá rừng để lấy gỗ, lấy đất canh tác và nuôi gia súc ở Brazil. Chỉ tính riêng mười tháng đầu năm nay, diện tích rừng mất đi đã gần gấp mười lần diện tích thành phố New York.

 

Mức độ tàn phá trong năm 2020 còn tăng cao hơn so với những năm trước, do chính sách của chính quyền Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2019, vị tổng thống này đã làm suy yếu các đạo luật bảo vệ môi trường, cũng như khuyến khích các hoạt động nông nghiệp và khai khoáng ở Amazon để đưa khu vực này thoát khỏi nghèo đói. Những nhà hoạt động môi trường cho rằng các chính sách trên đã “bật đèn xanh” để cho người dân Brazil chặt phá rừng nhiều hơn.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image5.png

Rừng Amazon tiếp tục cháy vào tháng 7/2020. Ảnh: Christian Braga/Greenpeace.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/deforestation.png

Tổng cộng 11.088 km2 rừng nhiệt đới Amazon đã bị con người tàn phá kể từ tháng 8/2019 cho đến tháng 7/2020, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Christian Braga/Greenpeace.

 

 

Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Á

 

Năm nay, nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đã trải qua một hiện tượng chung: chìm trong lũ. Lượng mưa lớn từ tháng Sáu đã dẫn đến nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng chưa từng thấy trong nhiều năm qua, buộc hàng triệu người phải sơ tán và khiến hàng trăm người thiệt mạng.

 

Mật độ dân số cao cũng như sự tập trung dân cư tại các khu vực ven biển sẽ khiến phần lớn dân số châu Á gặp rủi ro cao về tính mạng trong 80 năm tới, khi nguy cơ lũ lụt ngày càng gia tăng trên toàn cầu, một phần do biến đổi khí hậu.

 

Ở Bangladesh, tính đến tháng Bảy, ước tính ít nhất 1/4 diện tích đất của quốc gia này đã chìm trong nước. Gần một triệu ngôi nhà bị nhấn chìm, hàng triệu người mất tất cả sau trận lũ. Ít nhất 54 người đã thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em.

 

Ở Philippines, 20 cơn bão khác nhau đã đổ bộ vào nước này trong mười tháng đầu năm 2020. Bão Vamco (tên tiếng Việt là Vàm Cỏ) là cơn bão thứ 21, vừa xuất hiện vào tháng 11. Cơn bão này đã làm ít nhất 42 người thiệt mạng và hơn 20 người mất tích, đồng thời gây ra sạt lở đất và mất điện trên diện rộng.

 

Ở Việt Nam, chỉ trong tháng Mười, miền Trung hứng chịu 13 cơn bão, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây. Trận lũ khiến cho 235 người chết và mất tích, hơn hai trăm nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Thiệt hại kinh tế được chính phủ ước tính là 17 nghìn tỷ đồng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image3.jpg

Một người dân leo lên nóc nhà tránh lũ, chờ ứng cứu ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Riêng huyện này có khoảng hơn 30.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã thuộc huyện. Ảnh: Trương Thanh Tùng/Vietnamnet.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image16-1024x680.jpg

Những người cứu hộ dẫn thuyền đưa người dân qua một con đường ngập nước sau khi bão Vamco vào thành phố Marikina, ngoại ô Manila, ngày 12/11/2020. Ảnh: AFP.

 

 

Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu tiếp tục trầm trọng

 

Trong vòng 10 năm tới, lượng rác nhựa thải ra các dòng nước sẽ đạt mức 22 triệu tấn, hoặc có thể lên đến 58 triệu tấn mỗi năm.

 

Để dễ hình dung, lượng rác này đủ để đổ đầy một sân bóng đá mỗi ngày, 365 ngày một năm. Hoặc đủ để phủ cả đất nước Luxembourgh trong rác ngập đến mắt cá chân.

 

Tuy nhiên, con số ước tính ở trên đã là tình huống tốt nhất, có tính đến các biện pháp can thiệp của chính phủ các nước và các công ty lớn.

 

Lượng rác nhựa thải ra môi trường, tuy xuất phát từ nhiều nơi khác nhau, nhưng đa số đều có chung một điểm đến: đại dương. Rác nhựa không chỉ làm ô nhiễm môi trường biển, mà còn gây hại đến các loài sinh vật biển khi chúng nuốt phải. Nếu không có gì thay đổi, thì đến năm 2050, lượng rác nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn lượng cá.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image13.png

Một cậu bé đang thu lượm chai nhựa tại một bãi rác tại tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: Zikri Maulana/Sipa/AP photo.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image8.png

Một chiếc khẩu trang dùng một lần đang trôi trên biển. Đại dịch COVID-19 được cho là làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải trên toàn cầu, đặc biệt là rác thải y tế. Ảnh: CNN.

 

 

Nắng nóng kéo dài do biến đổi khí hậu

 

Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và kéo dài vào các tháng mùa hè đã khiến cho cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là những người nghèo và có cuộc sống bất định.

 

Hy Lạp là một trong những quốc gia có nhiều trại tị nạn, và là cửa ngõ quan trọng trên hành trình của những người di cư để đến châu Âu. Vào tháng Bảy, thành phố Athens của nước này đã chứng kiến một mùa hè đặc biệt oi bức. Theo Đài Thiên văn Quốc gia Athens, thành phố này đang ngày càng nóng lên trong một thập niên qua. Số ngày nắng nóng vào mùa hè đã tăng lên 120 ngày trong giai đoạn 2007 – 2016, so với chỉ 20 ngày trong giai đoạn 1897 – 1906.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image9-1024x768.jpg

Những người tị nạn, chủ yếu đến từ các quốc gia Trung Đông và Nam Á, đang gặp nhiều khó khăn hơn khi nắng nóng kéo dài tại Athens, Hy Lạp. Ảnh: Myrto Papadopoulos/New York Times.

 

Còn tại Việt Nam, các tỉnh Bắc bộ và Bắc trung bộ cũng đã ghi nhận một đợt nắng nóng kéo dài nhất trong vòng 27 năm qua.

 

Vào mùa hè năm nay, nhiều tỉnh thành đã đạt mức nhiệt phổ biến từ 37 – 39 độ C, có nơi nhiệt độ còn lên trên 40 độ C. Các đợt nắng nóng liên tiếp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, khiến cho nhiều diện tích canh tác, thiếu nước nghiêm trọng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/nang-nong.png

Nắng nóng khiến nước hồ Trạm (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) xuống thấp, làm cá chết hàng loạt. Ảnh: Trương Quang Nam/Thanh Niên.

 

 

Hai phiến băng quan trọng ở Nam Cực đang mất dần

 

Các nhà khoa học trên thế giới vừa đưa ra báo cáo cho biết hai phiến băng lớn (glaciers) ở phía Tây Nam Cực là Pine Island và Thwaites đang dần mất đi cơ chế ma sát giúp kìm hãm dòng chảy tự nhiên của băng tan ra biển, hay còn được gọi là “shear margin” (ma sát vùng rìa).

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image15.png

Các tảng băng nhỏ bị vỡ ra từ phiến băng Pine Island ở Nam Cực, được ghi nhận vào ngày 11/2/2020. Tảng băng B-49, mảng lớn nhất ở phía trên bên trái, có kích thước gần gấp đôi thủ đô Washington, D.C. Ảnh: NASA Earth Observatory/ Lauren Dauphin/ Handout via Reuters.

 

Pine Island và Thwaites từ lâu đã được các nhà khoa học lưu tâm. Hai phiến băng nằm dọc theo bờ biển Amundsen này đóng vai trò như những cái nút chai (corks) giúp ngăn chặn lượng nước tan chảy từ khối băng Tây Nam Cực (West Antarctic Ice Sheet) ra đại dương.

 

Nếu mất đi vật cản, lượng nước chảy ra biển sẽ xảy ra với một tốc độ nhanh hơn, và có nguy cơ làm mực nước biển hiện tại dâng lên đến hơn 10 feet (ba mét).

 

Theo NASA, nhiệt độ đo đạc hàng năm tại Bắc Cực đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, khiến cho sự cân bằng giữa tan chảy và bồi đắp hiện không còn được duy trì ở đảo Greenland. Hiện tượng băng vỡ ở Nam Cực sẽ khiến cho tình hình nước biển dâng ngày càng đáng lo ngại.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image7-1024x683.png

Các mảng băng vỡ đang trôi dọc theo đường bờ biển phía đông của đảo Greenland, gần khu định cư Kulusuk trên đảo này. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP/Getty Images.

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp rung chuyển vì động đất

 

Vào tháng 11, một trận động đất mạnh gần 7 độ richter đã làm rung chuyển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ít nhất 64 người thiệt mạng.

 

Trận động đất có tâm chấn ở độ sâu khoảng 21 km, cách thị trấn Karlovasi trên đảo Samos của Hy Lạp khoảng 14 km. Các dư chấn thậm chí có thể cảm nhận được tại hai thành phố ở tương đối xa là Athens và Istanbul.

 

Cơn địa chấn xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đà căng thẳng trong những tháng gần đây. Nguyên do là các tranh chấp liên quan đến quyền kiểm soát lãnh hải ở Địa Trung Hải, và các nguồn tài nguyên tại vùng biển này.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image10-1024x768.png

Một chiếc xe bị chôn vùi dưới đống đổ nát tại thành phố cảng Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi trận động đất mạnh gần 7 độ richter làm rung chuyển thành phố và cướp đi sinh mạng của ít nhất 64 người vào tháng 11/2020. Ảnh: Tuncay Dersinlioglu/Reuters.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image4-3-1024x737.png

Một bé gái may mắn sống sót đang được giải cứu tại thành phố Elazig, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 02/11, hơn 65 giờ sau khi trận động đất xảy ra. Ảnh: AP.

 

 

Không khí sạch hơn vì lệnh phong tỏa

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image12.png

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ trước và sau lệnh phong tỏa vì Covid-19. Ảnh: Financial Times.

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image12.png

 

 

Trước đại dịch COVID-19, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất thế giới, cướp đi mạng sống của hơn bảy triệu người mỗi năm. Ô nhiễm không khí cũng khiến cho đại dịch trở nên trầm trọng hơn. Theo một nghiên cứu, lượng bụi mịn PM 2.5 làm tăng nguy cơ tử vong của các bệnh nhân nhiễm virus corona.

 

Tuy vậy, đại dịch mang lại một sự giải tỏa tức thời, khi các lệnh phong tỏa trên khắp thế giới nhằm hạn chế sự lây lan của virus đã làm cho không khí ở nhiều nơi trở nên trong lành hơn. Ở phía Bắc Ấn Độ, người ta đã có thể nhìn thấy dãy Himalaya từ cách xa vài trăm dặm. Đây là lần đầu tiên việc này xảy ra trong cả một thế hệ. Ở Anh, trong chín tuần đầu tiên của lệnh phong tỏa, hàm lượng khí NO2 trên đường phố London giảm trung bình 31% so với thời gian trước phong tỏa. NASA cũng ghi nhận mức NO2 trong không khí ở phía Đông Bắc nước Mỹ vào tháng 3/2020 là mức thấp nhất cùng kỳ trong vòng 15 năm trở lại đây.

 

Những gì đã diễn ra cho thấy cơ chế tự chữa lành của môi trường, đồng thời mang đến bài học về cách xây dựng một thế giới hậu đại dịch tốt hơn, nơi con người biết tôn trọng trái đất hơn.

 


 

Các bài viết tham khảo chính:

 

The Year In Climate, New York Times 

 

Pictures of the year: Environment, Reuters

 

Here’s What Extreme Heat Looks Like: Profoundly Unequal, New York Times

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats