Tuesday, 15 December 2020

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 14, "SO GĂNG" TRONG TRẬN BÁN KẾT ... (Lê Văn Đoành)

 


 

Hội nghị trung ương 14, “so găng” trong trận bán kết…

Lê Văn Đoành

14/12/2020

https://baotiengdan.com/2020/12/14/hoi-nghi-trung-uong-14-so-gang-trong-tran-ban-ket/

 

Hội nghị Trung ương 14, khoá XII, dự kiến ban đầu sẽ khai mạc vào ngày 18/12/2020, nhưng ông Trọng bỗng yêu cầu thay đổi, triệu tập sớm hơn và diễn ra từ ngày 14 đến 20/12/2020. Nhiều Uỷ viên trung ương phàn nàn vì họ không kịp thời gian chuẩn bị.

 

Chính trị với đảng cộng sản vốn thế, hiểm sâu và khó lường. Tổng Trọng hiểu, đôi khi vài ngày là khoảng thời gian đủ để các phe nhóm ủ mưu. Ông Trọng chọn ngày 14/12, đúng sáng nay, toà án thành Hồ đưa Đinh La Thăng, cựu thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và 18 bị cáo khác trong vụ án thất thoát 725 tỷ cao tốc TP.HCM – Trung Lương ra xét xử.

 

Thăng đang thụ án 30 năm tù giam (13 năm vụ cố ý làm trái ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam và 18 năm vụ làm thất thoát 800 tỷ của PVN tại Oceanbank). Người ta di lý Thăng từ Hà Nội vào thành Hồ để xét xử. Rất dễ thấy, tổng Trọng muốn vỗ mặt phe 3X và cảnh cáo các Uỷ viên Bộ Chính trị đương nhiệm xem đó mà liệu hồn.

 

Nội dung Hội nghị Trung ương lần này bàn nhiều vấn đề, nhưng chốt lại chỉ mỗi việc quan trọng nhất là giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trường hợp đặc biệt. Kết thúc hội nghị này, tứ trụ xem ra sẽ lộ diện. Dĩ nhiên, để chốt lại danh sách lần cuối, sẽ phải còn một hội nghị 15 nữa.

 

Thời gian gần đây, ông Trọng xuất hiện dày đặc trong các sự kiện hội nghị tổng kết các ban bộ ngành về chống tham nhũng, thi đua, mặt trận, công an, quân đội… như muốn chứng minh kiểu Nguyễn Bá Thanh năm xưa, sắp chết vẫn “Tau khoẻ mà, có chi mô“.

 

Những dư luận viên cùng bồi bút quốc doanh, công khai trên báo chí và Facbook cá nhân rằng, đảng viên, lão thành cách mạng và nhân dân mong muốn ông Trọng tái cử. Kinh hơn nữa, họ ngỏ rằng nếu cần cứ mạnh dạn sửa điều lệ Đảng để Tổng – Chủ Trọng có cơ hội “công hiến” thêm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, hoặc chí ít cũng nửa nhiệm kỳ.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/1-49.jpg

Ai trong “bộ tam” sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng? Nguồn: VNE

 

Kỳ thật, ông Trọng đã đuối rồi, nếu ông ở lại, biết đâu lại bị đột tử tại bàn như Trần Đại Quang. Gần như suốt cả nhiệm kỳ khoá XII ông ít khi rời khỏi Hà Nội. Vua một nước, mà không công du ngoại giao, không kinh lý, cũng chẳng vi hành đó đây để xem thần dân của mình sống ra sao, giang sơn xã tắc có thay đổi thế nào. Quanh năm ông Trọng ở cấm cung và vào bệnh viện, đi đứng sinh hoạt hàng ngày còn phải cần người trợ giúp, mỗi khi xuất hiện chỉ hô câu thần chú mà chính ông cũng không hiểu nổi “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

 

Dù khập khiễng, có người dìu, đôi khi nói lắp, ông Trọng vẫn quyết tâm dàn xếp cho được phe của mình ngồi đâu vào đó trước khi ông rút lui. Tình hình căng, khi “tham vọng quyền lực” khiến bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Ngô Xuân Lịch giở quẻ, không chịu rút. Họ tị nạnh: Ý, anh ở lại được, sao tôi không?

 

Ngô Xuân Lịch dựa vào quân đội để gây áp lực, muốn ngồi ghế chủ tịch nước như tướng Lê Đức Anh năm nào. Ghế chủ tịch nước tuy trang trí, nhưng cũng có khá nhiều uy quyền. Sống được cung phụng trọn đời, chết có quốc tang, hấp dẫn thế ai mà không tranh?

 

Ông đại tướng từng bị Lê Mã Lương chỉ trích bất tài, đọc không nổi bản đồ quân sự này, giỏi khoản mua quan bán chức, còn tham quyền cố vị thì chẳng kém ai.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/2-6-1024x576.jpg

Ngô Xuân Lịch (phải) cùng Nguỵ Phương Hoà, bộ trưởng Bộ quốc phòng Trung Cộng trong chuyến thăm Hà Nội của tướng Tàu năm 2019. Ảnh trên mạng

 

“Nữ kiệt xứ dừa” Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng mình uy tín phương Nam, ở trong Bộ Chính trị hai khoá. Bà Ngân đóng tròn vai suốt nhiệm kỳ chủ tịch QH, khoẻ và nhanh nhẹn, thay đổi xiêm y ba trăm bộ áo dài chưa thấy mệt, dại gì phải về.

 

Dư luận đồn đoán bà là con gái Nguyễn Văn Linh. Nếu đúng vậy, chắc chắn bà đủ giỏi lý luận, vì gốc Bắc nói giọng Nam. Nếu lệ bất thành văn, tổng bí thư phải là “người miền Bắc có lý luận” thì bà đủ tiêu chuẩn. Lúc này căng ra mà đấu, chưa chắc bà thua.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/3-4.jpg

“Nữ kiệt” e thẹn với Tập Cận Bình tại lễ khánh thành Cung Hữu nghị Việt – Trung ở Hà Nội hồi tháng 11/2017. Nguồn: VOV

 

Trần Quốc Vượng, người được ông Trọng hậu thuẫn, mới vào Bộ Chính trị một khoá, uy tín lại không cao. Lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây, kết quả ông Vượng khá thấp. Tuy là ứng viên nặng ký cho cái ghế Tổng bí thư, nhưng ông Vượng không được xếp vào hàng sao, lại bị cho là bảo thủ và giáo điều.

 

Ra hội nghị lần này, ông Trọng dù đã thu tóm quyền lực độc tôn, cũng khó ép được gần hai trăm Ủy viên Trung ương trong việc chọn ngôi vua. Vẫn chưa biết điều gì xảy ra, biết đâu “ý trời” khiến dàn khoan HD 981 lại đột ngột xuất hiện, hoặc Trung Cộng có động thái chuyển quân ở Vân Nam hay Quảng Tây.

 

Nguyễn Xuân Phúc với uy tín đang lên, số đông Uỷ viên Trung ương ủng hộ. Ông Phúc từng là học sinh miền Nam trên đất Bắc, dân miền Trung sống tốt nên được cả các nguyên lão và nhiều cựu Uỷ viên BCT ủng hộ. Tuy nhiên, gần đây liên tục bị soi mói, tấn công, thêm nữa “sĩ phu Bắc hà” lại bảo đến rằm trăng mới tròn, nên chưa biết cái kết có hậu cho ông hay không. Nếu ông Phúc được giữ lại để nắm giữ vị trí cao nhất, ông sẽ là nhân vật thứ hai ở miền Trung, sau Lê Duẩn, ngồi vào ngôi vị đế vương của đảng.

 

Trương Hoà Bình được cánh Nam bộ và ông Tư Sang ủng hộ. Ông Tư Sang lại được ông Trọng đặt niềm tin, vì vậy các chuyên án “đả hổ” mà Ban chỉ đạo 110 chủ trương, đều có dấu chân ông Tư di chuyển trên khắp ba miền. Trương Hoà Bình, tức Sáu Đạt, cũng là học sinh miền Nam trưởng thành trên đất Bắc. Ông này ít tai tiếng, từng là tướng công an, kiểm sát, quan toà nhưng tính tình có vẻ ôn tồn, khoan thai. Ghế thủ tướng về tay đương kim phó thủ tướng thường trực cũng khó ai có thể bàn ra nói vào, trừ khi thế cờ bỗng dưng đảo chiều.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/12/4-4-1024x719.jpg

Trương Hoà Bình và Trương Tấn Sang (thứ 3 và 4 từ trái qua) trong dịp chúc Tết ở Long An. Ảnh: Báo Long An

 

Hội nghị 14 xem như trận kết quyền Anh nhà nghề. Những tay đấm nhà nghề đang so găng, bất phân thắng bại trong việc đoạt đai “tứ trụ”. Những anh thuộc nhóm hai, tranh vé Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đang hồi hộp dõi theo… để rút kinh nghiệm trong trận so găng của chính mình.

 

Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản sẽ khai mạc vào cuối tháng 1/2021. Đại hội 13, ứng với 13 cơn bão đổ bộ vào đất nước này trong năm 2020. Cũng thật kỳ lạ khi con số tướng tá quân đội bị chôn vùi trong sự cố sạt lở thuỷ điện Rào Trăng là 13 và tổng số quân dân chết vì bão lũ vừa qua, được thống kê là 130 người.

 

Quốc gia đại nạn, dịch bệnh từ anh “bạn vàng” lan sang làm dân tình khốn đốn. Chỉ có dân nghèo là gánh chịu thiên tai từ cơn thịnh nộ của trời đất. Quan lại từ địa phương đến trung ương mặc sức vơ vét hàng trăm ngàn tỷ, phè phỡn, đại hội và chia ghế.

 

Nhìn đồng bào bảy tỉnh miền Trung rồng rắn ngửa tay nhận tiền quyên góp từ bá tánh, từ cô ca sĩ Thuỷ Tiên, không biết những bậc thầy “cao cấp lý luận” hai miền Nam – Bắc có thấy hổ thẹn?

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats