DẠY
THÊM – CẤM VÀ KHÔNG THỂ CẤM
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=896295924512930&id=100023975920044
Dạy thêm không còn chỉ là
“vấn đề”, mà phải gọi đúng tên: quốc nạn. Những di hại mà nó để lại trong thân
thể, tâm hồn và trí tuệ của thế hệ trẻ là không gì đo đếm nổi. Đã đến lúc không
thể khoan nhượng với thứ “tội ác được cấp phép” này nữa. Không nói về những nhu
cầu chính đáng của việc học thêm, vì bản chất khác hẳn và cách giải quyết cũng
đơn giản vô cùng, ở đây chỉ nói về căn bệnh “dạy thêm”.
Phải nói ngay rằng, Dạy
thêm (và học thêm) không thể cấm nếu không thay đổi chương trình, phương pháp
và cách thức thi cử. Chính cái hệ thống Dạy – Học – Thi đang lâm bệnh này đã
sinh ra lắm vấn nạn cho nền giáo dục. Phải gọi đúng hơn là Thi – Dạy – Học, vì
“thi” quyết định toàn bộ cách thức dạy và học.
Chúng ta đang có một nền
giáo dục về bản chất không khác với cách đây khoảng 600 năm trước, một lối giáo
dục tầm chương trích cú, “giáo dục thuộc lòng” mà ngày nay người ta gọi là “luyện
gà nòi”, là “nuôi gà công nghiệp” – những con gà to xác nhưng chậm chạp và trì
độn.
Hãy nhìn vào môn văn để
làm ví dụ (điều này tôi đã nói nhiều lần), kỳ thi quốc gia quan trọng nhất của
đời học sinh đang như thế nào? Đề có 2 phần là Đọc hiểu và làm văn. Phần thứ 2
cơ bản là học thuộc; phần 1 thì có hình thức là “vận dụng” nhưng thực chất cũng
là một dạng thuộc lòng. Vài câu hỏi chiếu lệ, vô thưởng vô phạt mà sự khác biệt
lớn nhất có thể tìm thấy trong những câu trả lời của học sinh là độ mượt mà
trong việc viết câu văn. Ở các môn khác cung cách dạy học và thi cử, cơ bản
cũng cùng 1 tính chất như vậy.
Hãy tưởng tượng, với 1
tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” thuộc chương trình 12, nằm trong hệ thống kiến thức
thi THPT Quốc gia, học sinh ít nhất đã “luyện” từ khi đang học lớp 11. Đối với
các trường chuyên, lớp chọn thì phần nhiều là luyện ngay từ khi vào lớp 10.
Trong suốt 3 năm PTTH, cho đến ngày thi, học sinh có thể đã phải ngồi trên lớp
để học đi học lại bài ấy khoảng 5-7 lần. Học vào lúc nào mà nhiều được đến thế?
Là vào những buổi dạy – thêm học thêm. Cái khốn khổ là: nếu lần đầu đọc tác phẩm
thì người ta còn có chút hứng thú, nhưng ngay lập tức, cái hứng thú ấy bị hủy
hoại vì việc phải thuộc bài theo ý của giáo viên và sách giáo viên để đáp ứng
các kỳ thi. An toàn là trên hết. Bắt đầu ngán ngẩm. Nhưng ngán không có nghĩa
là được phép quên đi, phải học, nếu không học thì giáo viên đã có đủ phương
pháp: kiểm tra miệng, kiểm tra 15p. 1 tiết, 2 tiết; báo với phụ huynh, viết bản
kiểm điểm, nêu tên trước cờ v.v và v.v.., cho đến khi nào ý chí của người học
trò hoàn toàn bị đè bẹp. Dù muốn hay không, vẫn phải cố mà nhớ, mà thuộc; nếu
không thuộc nổi thì tìm cách đối phó khác như giở tài liệu, “nhìn bài bạn”, nói
dối..., nói chung là tự phá hủy nhân cách để đổi lấy an toàn.
Một bộ phận học sinh có mục
đích rõ ràng trên con đường học vấn, các em sẽ gắng sức siêng năng chăm chỉ;
nhưng với lối thi cử và học hành này, con đường thật gian nan bởi thay vì bị nhồi
nhét, các em buộc phải tự nhồi nhét; và trong sự “khắc kỷ” ấy, những học sinh
này cũng thường không bao giờ được phép giữ lại cái nhìn cá nhân của mình. Một
quá trình tự thân đào thải cá tính phải diễn ra.
Bi kịch chưa dừng lại ở
đó: số lượng kiến thức để vượt qua một kỳ thi là khủng khiếp; trong khi hầu hết
kiến thức ấy là ghi nhớ một cách máy móc, và hệ quả là sự quên. Quên thì tự nhồi
nhét trở lại, nhưng cái khốn khổ của đầu óc con người là nó không thể nhớ được
cái mớ lộn xộn ấy nếu đó không phải là điều mà nó đã “ngộ” ra. Và như thế, người
ta phải “Học, học nữa, học mãi”, học cho đến đêm cuối cùng trước ngày thi, vì
chỉ cần rời ra là sẽ quên.
Chưa nói tới cái vô tích
sự của những “tri thức” ấy, chỉ riêng nói về cách thi và học, chúng ta đã thấy
cả một sự điên rồ của nền giáo dục.
Học sinh không thể không
học thêm với một cung cách giáo dục như thế. Vì sao, vì tự thân nền giáo dục
không tạo ra động cơ lành mạnh cho sự học được bắt đầu. Khi không có động cơ
thì người ta phải tìm các cách thức “thủ công, cơ giới” lạc hậu và man dã để
thay thế. Các lớp học thêm là một trong những công cụ như thế. Mà ác nghiệt
thay, đó lại là thứ công cụ ổn nhất. Cái công cụ này lợi cho cả đôi bên: giúp
nhà trường (và giáo viên) thu được tiền và thành tích, đồng thời cũng giúp học sinh
tự giữ được mình trong một căn phòng khóa ngoài mà người giữ chìa khóa là kẻ
khác – nghĩa là một nhà tù tự tạo để không đánh mất đi cái lý do duy nhất của
việc học.
Tính chất vụ lợi kiểu con
buôn trong giáo dục và sự háo danh (hão) thì có lẽ không cần bàn thêm nữa, vì
ai cũng đã thấy. Tuy nhiên, không phải vì đã thấy mà chúng tự rơi rụng đi. Cần
một lệnh cấm tuyệt đối, không ngoại lệ, để thiết lập lại đạo đức trong nhà trường
và chấn hưng nền giáo dục.
Chúng ta cần những con
người biết tư duy và có nhân vị độc đáo chứ không phải những thẻ nhớ di động.
Vì thế, phải thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá, từ đó thay đổi phương pháp
dạy và học. Chúng ta cần thấy một nền giáo dục khỏe mạnh, chứ không phải một sự
xanh xao đầy bệnh hoạn này.
Cha mẹ cần nhìn thấy những
đau khổ của con cái mình trong hiện tại và cả tương lai ở một lối giáo dục phi
lý như thế, từ đó mà thôi đặt gánh nặng lên những đôi vai nhỏ bé của chúng. Hãy
phản đối chuyện học thêm, và cự tuyệt việc cho con đến những lớp học ấy. Hãy
gây sức ép lên nền giáo dục, buộc nó phải thay đổi, chứ không phải chạy theo và
gián tiếp hà hơi tiếp sức cho một thân thể giáo dục đầy bệnh tật được sống mãi
trên nỗi khổ của bản thân và con em như thế.
Thay vì than vãn, hãy
hành động. Và việc đầu tiên là cho con ở nhà từ ngày hôm nay.
Cấm và cự tuyệt chỉ là bước
sơ cứu ban đầu, chừng ấy chưa thể giải quyết được vấn đề. Nạn dạy thêm sẽ trở lại
nếu nền giáo dục vẫn không thể xây dựng được những giá trị và phương thức khoa
học, nhân văn. Như vậy, trách nhiệm chính vẫn là Bộ GD, là các cơ quan quản lý
nhà nước về giáo dục – tóm lại là ngành giáo dục. Và nhà nước nói chung.
Nếu không làm được việc
này thì ngành GD không còn tính chính danh. Đến đây, một dân chúng có lý trí sẽ
không bao giờ chấp nhận nuôi báo cô một kẻ vô dụng nhưng lại luôn bắt nạt mình
nữa.
Hình: Chở con đi học thêm - Báo NLĐ
https://www.facebook.com/photo/?fbid=896295894512933&set=a.120477825428081
No comments:
Post a Comment