Monday, 14 December 2020

BỘ PHIM 'HOUSE OF CARDS' NĂM 2013 KHÔNG KỊCH TÍNH BẰNG NHÀ TRẮNG THỜI TRUMP 2020 (Duy Anh - Zing News)

 


Bộ phim ‘House of Cards’ (Ván bài chính trị) năm 2013 không kịch tính bằng Nhà Trắng thời Trump 2020

Duy Anh  - Zing News

05:30 10/12/2020

https://zingnews.vn/house-of-cards-cung-khong-kich-tinh-bang-nha-trang-thoi-trump-post1161089.html

 

Lối hành xử của Tổng thống Trump và đội ngũ thân cận trong chính quyền phần nào giúp công chúng nhìn rõ những thời khắc lộn xộn nhất ở Nhà Trắng.

 

Khi bộ phim truyền hình nhiều tập House of Cards (Ván bài chính trị) lần đầu ra mắt trên Netflix năm 2013, nhiều người Mỹ bị sốc và có chút sợ hãi khi tưởng tượng cuộc sống trong thế giới chính trị ở Washington đầy những âm mưu đen tối, máu lạnh như kịch bản bộ phim.

 

Nhưng những người thực sự làm việc trong bộ máy chính quyền nhanh chóng cải chính. Họ chia sẻ trải nghiệm gần giống với bộ phim hài kịch Veep được chiếu trên HBO hơn. Đó là một bầu không khí lộn xộn, ngẫu hứng và thậm chí có những khoảnh khắc thô tục.

 

Politico cho biết các tổng thống Mỹ nhìn chung tương đối thành công trong việc giữ những khoảnh khắc xấu xí của chính quyền khuất tầm mắt công chúng; qua đó tạo ra hình ảnh một Washington có khả năng xử lý mọi vấn đề, dù phía sau hậu trường rối loạn đến mức nào.

 

Nhưng rồi Tổng thống Trump xuất hiện và mọi thứ thay đổi.

 

“Mỗi ngày đều giống như một tập của bộ phim hài kịch Veep. Dù ai cũng nỗ lực hết sức để chiến thắng, nhưng giống như hầu hết tập phim của Veep, mỗi ngày thường kết thúc trong thảm họa”, một cựu quan chức chính quyền miêu tả lại thời gian làm việc dưới trướng Tổng thống Trump.

 

Duy trì hình ảnh một chính quyền bình ổn, vận hành đất nước suôn sẻ dường như là nhiệm vụ bất khả thi đối với Nhà Trắng 4 năm qua, trước những ý tưởng bất chợt và cái tôi quá lớn của ông Trump.

 

Cách hành xử của Tổng thống Trump và đội ngũ thân cận trong chính quyền phần nào giúp công chúng nhìn rõ những thời khắc lộn xộn nhất của chính phủ Mỹ.

 

“Như thể họ lấy ý tưởng từ bộ phim của chúng tôi, hoặc họ đang tự làm ra bộ phim của riêng mình. Viết kịch bản về một tổng thống bất ổn thì vui đấy, nhưng sống trong một đất nước với ông tổng thống bất ổn và ngày càng nhiều người chết thì không”, Giám đốc sản xuất David Mandel của Veep nói với Politico.

 

“Từ cuộc họp báo đầu tiên cho đến những nỗ lực cuối cùng nhằm đảo ngược thất bại bầu cử, chính quyền ông Trump liên tục mang tới những sự kiện có thể dựa vào đó để viết thành kịch bản phim hài kịch”, Politico bình luận.

 

Trang này điểm lại một số khoảnh khắc khó quên của chính quyền Trump 4 năm qua.

 

Tranh cãi về đám đông trong lễ nhậm chức

Sự bất thường của chính quyền Tổng thống Trump xuất hiện chỉ một ngày sau lễ chuyển giao. Thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó là ông Sean Spicer vào ngày 21/1/2017 gây tranh cãi khi tuyên bố lễ nhậm chức của ông Trump thu hút đám đông tham dự lớn nhất từ trước đến nay.

 

Trớ trêu là những bức ảnh cho thấy quy mô đám đông tham dự sự kiện ngày 20/1/2017 ít hơn nhiều so với lễ nhậm chức của Tổng thống Obama năm 2009.

 

Khi phóng viên đặt câu hỏi, ông Spicer nói đám đông trông có vẻ ít hơn bởi nền đất trắng trong bức hình “tạo ra hiệu ứng ánh sáng làm nổi bật những khu vực không có người”.

 

Những cú bắt tay kỳ lạ
Trong buổi tiếp Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhà Trắng ngày 10/2/2017, Tổng thống Trump có cú bắt tay kỳ lạ kéo dài 19 giây đồng hồ với nhà lãnh đạo Nhật Bản. Không chỉ vậy, ông cũng liên tục chủ động kéo và đẩy tay vị khách châu Á.

 

Rút kinh nghiệm của ông Abe, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi lần đầu tới thăm Nhà Trắng ngày 13/2/2017 ôm lấy bả vai của Tổng thống Trump, để tránh bị kéo – đẩy liên tục. Thông tin được tiết lộ sau đó cho thấy ông Trudeau luyện tập động tác này với trợ lý khi trên máy bay tới Washington.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/jaegtn/2020_12_08/Macron.jpg

Cú bắt tay được miêu tả là "kéo dài vô tận" giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Macron. Ảnh: AP.

 

Tới ngày 14/7/2017, ông Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cú bắt tay “dữ dội” và được miêu tả như một cuộc chiến. Hình ảnh ghi lại cho thấy Tổng thống Trump siết chặt tay người đồng cấp Pháp trong cú bắt tay kéo dài nửa phút đồng hồ.

 

Bắt tay cũng là một chi tiết đáng chú ý khi Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng ngày 17/3/2017.

 

Khác với cuộc gặp các đối tác Nhật, Pháp, Canada, ông Trump cố ý bỏ qua thủ tục bắt tay vị khách người Đức. Bà Merkel chủ động hỏi “ông có muốn bắt tay không” nhưng bị phớt lờ. Khoảnh khắc ngượng nghịu này mở đầu cho 4 năm quan hệ song phương lạnh nhạt giữa Washington và Berlin.

 

Lộ thông tin
Trong những tháng đầu năm 2017, hàng loạt thông tin nội bộ của Nhà Trắng bị tiết lộ cho báo giới. Trước tình hình đó, Thư ký báo chí Sean Spicer triệu tập cuộc họp với đội ngũ nhân sự Nhà Trắng và yêu cầu kiểm tra điện thoại từng người để xác minh nguồn tiết lộ thông tin vượt thẩm quyền.

 

Chẳng bao lâu sau, nội dung cuộc họp này bị lộ và được giới truyền thông đăng tải.

 

Sa thải giám đốc FBI
Ngày 9/5/2017, Giám đốc FBI James Comey có chuyến thăm Los Angeles để làm việc với nhân sự tại sở cảnh sát thành phố.

 

Khi cuộc gặp đang diễn ra, màn hình TV trong phòng họp xuất hiện thông tin “Comey từ chức”. Vị giám đốc FBI ban đầu cho rằng đó chỉ là một trò đùa của Sở Cảnh sát Los Angeles.

 

“Ai đó hẳn đã mất nhiều công sức cho trò đùa này”, ông Comey nói. Cuộc trò chuyện tiếp tục cho tới khi TV thông báo ông Comey bị sa thải.

 

Thông báo sa thải được Nhà Trắng gửi tới email của ông Comey, nhưng nó bị chuyển vào mục “thư rác”.

 

Xô đẩy lãnh đạo nước ngoài
Trong buổi chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo NATO hôm 21/5/2017, Tổng thống Trump từ phía sau đẩy Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic sang một bên để chen lên vị trí trung tâm trong bức ảnh.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/jaegtn/2020_12_08/NATO.jpg

Khoảnh khắc Tổng thống Trump đẩy Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic sang một bên tại buổi chụp ảnh chung của các lãnh đạo NATO. Ảnh: AP.

 

Sa thải chớp nhoáng giám đốc truyền thông
Ngày 21/7/2017, Nhà Trắng bổ nhiệm ông Anthony Scaramucci làm giám đốc truyền thông.

 

Bốn ngày sau đó, Scaramucci phát biểu với truyền thông cho biết sẽ sa thải Phó thư ký báo chí Michael Short. Ông Short không hề được thông báo về quyết định này.

 

Tới ngày 27/7/2017, trong buổi trả lời phỏng vấn với New Yorker, ông Scaramucci công khai sỉ nhục Steve Bannon, cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump. Ngôn từ thô tục của ông Scaramucci khiến nội dung phỏng vấn bị dán nhãn giới hạn độ tuổi người xem.

 

Vài tiếng sau buổi phỏng vấn này, ông Scaramucci bị Nhà Trắng sa thải. Thời gian từ khi Nhà Trắng bổ nhiệm tới lúc ông Scaramucci bị loại bỏ chưa đầy 7 ngày.

 

Liên tục nhầm tên?
Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 20/9/2017, ông Trump nhắc tới một nước châu Phi có tên Nambia. Tuy nhiên, không quốc gia nào trên thế giới có tên gọi Nambia. Nhà Trắng sau đó giải thích ông Trump đề cập tới đất nước Namibia.

 

Tới ngày 22/3/2018, khi công bố loạt thuế mới trừng phạt Trung Quốc, ông Trump gọi CEO của tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin là “Marillyn Lockheed”. Tên chính xác của CEO này là Marillyn Hewson.

 

Một năm sau đó, trong một cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 6/3/2019, ông Trump nhắc tới CEO của Apple Tim Cook với cái tên “Tim Apple”.

 

Tháng 1/2019, New York Times đưa tin ông Trump đôi khi nhắc tới cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton bằng cái tên “Mike Bolton”.

 

Mới đây, ngày 16/10, Tổng thống Trump một lần nữa nhầm lẫn khi gọi Hạ nghị sĩ Florida Matt Gaetz với cái tên Rick Gates, người từng là phó quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông.

 

Kế hoạch mua lại đảo Greenland
Mùa xuân năm 2018, Tổng thống Trump lần đầu đặt câu hỏi cho các trợ lý về khả năng Mỹ đề xuất mua lại đảo Greenland từ Đan Mạch. Ông chủ Nhà Trắng muốn khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào từ hòn đảo băng giá này.

 

Sau khi Wall Street Journal công khai câu chuyện về ý tưởng mua Greenland của Tổng thống Trump, ông chủ Nhà Trắng đăng tải trên Twitter hình ảnh đã qua chỉnh sửa một khách sạn Trump khổng lồ đặt tại ngôi làng nhỏ ở Greenland với chú thích: “Tôi hứa sẽ không làm vậy với Greenland”.

 

Sau khi Đan Mạch tuyên bố không bao giờ thảo luận về khả năng bán đảo Greenland, Tổng thống Trump ngày 20/8/2019 hủy bỏ kế hoạch tới thăm quốc gia châu Âu theo lời mời của Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II.

 

Tiêm thuốc sát khuẩn để chống virus corona?
Virus corona bắt đầu xâm nhập và lan rộng tại Mỹ vào mùa xuân năm 2020. Tổng thống Trump khi đó tự đề xuất những phương thuốc mà ông cho là có thể giúp chữa bệnh, dù không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào.

 

“Tôi thấy thuốc sát khuẩn có thể tiêu diệt vi khuẩn chỉ trong một phút. Một phút. Liệu chúng ta có thể làm gì đó tương tự như vậy, ví dụ như tiêm vào cơ thể?”, ông Trump phát biểu hôm 23/4.

 

Ngay trong ngày 24/4, nhà sản xuất thuốc sát khuẩn Lysol cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng thuốc sát khuẩn để chữa Covid-19.

 

Nhiễm Covid-19
Kể từ những ngày đầu Covid-19 xuất hiện ở Mỹ, Tổng thống Trump luôn tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

 

Ngày 31/8, ông Trump tuyên bố dịch bệnh tại nước Mỹ đang ở giai đoạn cuối cùng.

Một tháng sau, ngày 1/10, Tổng thống Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Sau đó, vợ, con trai, và các cố vấn thân cận của ông lần lượt nhiễm bệnh.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/jaegtn/2020_12_08/Trump_covid.jpg

Tổng thống Trump quay trở lại Nhà Trắng chỉ vài ngày sau khi nhập viện điều trị vì mắc Covid-19. Ảnh: Reuters.

 

Khi ông Trump nhập viện để điều trị tại Trung tâm Y tế quốc gia Walter Reed, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows triệu tập một nhóm phóng viên, thông báo tình trạng sức khỏe của tổng thống xấu hơn so với thông báo chính thức. Ông Meadows yêu cầu các phóng viên không ghi âm thông tin này.

 

Đoạn trao đổi “không ghi âm” của ông Meadows bị ghi hình và phát tán trên mạng xã hội Twitter.

 

Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, Tổng thống Trump đăng trên Twitter hình ảnh ông đang ký các giấy tờ, như để nói với người dân Mỹ ông vẫn ổn và tiếp tục làm việc dù đang trị bệnh. Tuy nhiên, hình ảnh cho thấy ông Trump ký vào những tờ giấy trắng.

 

Phủ nhận kết quả bầu cử
Đêm ngày tổng tuyển cử 3/11, Tổng thống Trump có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng. Thời điểm đó, ông Trump đang dẫn trước ở hàng loạt bang chiến trường trọng yếu như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia, nhưng các bang này chưa hoàn tất công tác kiểm phiếu.

 

Những ngày sau, chiến dịch tranh cử của ông Trump liên tục đưa ra các thông điệp mâu thuẫn, tùy theo kết quả kiểm phiếu ở từng bang.

 

Ngày 4/11, khi kết quả kiểm phiếu ở Wisconsin được công bố với chiến thắng thuộc về Joe Biden, phe ông Trump yêu cầu tiểu bang này kiểm phiếu lại.

 

Khi kết quả kiểm phiếu giúp ông Biden thu hẹp khoảng cách tại Pennsylvania trong ngày 5/11, ông Trump viết trên Twitter đòi “Dừng kiểm phiếu”.

 

Tại Arizona, sau khi các hãng thông tấn công bố dự đoán ông Biden chiến thắng với 75% số phiếu được kiểm, chiến dịch của ông Trump lập tức phát đi thông điệp công kích và yêu cầu “mọi lá phiếu phải được kiểm đếm”.

 

Ngày 7/11, chiến dịch của ông Trump tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại địa điểm có tên Four Season, thành phố Philadelphia.

 

Nhưng thay vì tổ chức ở phòng họp của khách sạn hạng sang Four Season, sự kiện lại diễn ra ở phía sau bãi đỗ xe của khu mua sắm Four Season Total Landscaping. Một số ý kiến chế nhạo nhân viên của ông Trump nhầm lẫn khi đặt chỗ cho sự kiện.

 

Trong cuộc họp báo ngày 19/11, luật sư riêng Rudy Giuliani và các thành viên trong nhóm pháp lý của Tổng thống Trump tung ra hàng loạt thuyết âm mưu vô căn cứ về gian lận bầu cử. Phe ông Trump cáo buộc cuộc bầu cử bị can thiệp bởi tỷ phú George Soros, Quỹ Clinton…

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats