Tuesday 26 January 2021

XUNG KHẮC THƯƠNG MẠI HOA KỲ - CHÂU ÂU : TỪ TRUMP ĐẾN BDEN, BÌNH MỚI RƯỢU CŨ (Thanh Hà - RFI)

 



Xung khắc thương mại Mỹ- Châu Âu : Từ Trump đến Biden, bình mới rượu cũ

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 26/01/2021 - 15:35

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20210126-xung-kh%E1%BA%AFc-th%C6....BB%A3u-c%C5%A9

 

« Một bàn tay thép trong chiếc găng bằng nhung ». Nhiều nhà quan sát nhận định như trên về chính sách thương mại của tân chính quyền Mỹ với Liên Hiệp Châu Âu trong nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống Joe Biden.

 

https://s.rfi.fr/media/display/31885420-5fd5-11eb-a50a-005056a964fe/w:900/p:16x9/2021-01-25T102509Z_837933620_RC2YEL9O30V2_RTRMADP_3_USA-BIDEN.webp

Một tấm biển ghi « Hãy mua hàng của Mỹ » được gắn ở một cửa hàng tại Northampton County, Easton, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 01/10/2020. REUTERS - BRIAN SNYDER

 

Trên bàn cờ thương mại quốc tế, Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ vừa là đối tác vừa là đối thủ của nhau. Không ít những tranh chấp tồn đọng từ chính quyền Trump chờ đợi tân tổng thống Joe Biden giải quyết. Sắc lệnh « Buy American » mà ông chủ mới của Nhà Trắng vừa đặt bút ký chưa đầy một tuần lễ kể từ khi lên cầm quyền báo trước hiện tượng « bình mới rượu cũ » trong chính sách ngoại thương của Washington.

 

 

Thay đổi về hình thức

 

Ngày 20/01/2021 Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống Mỹ thứ 46. Châu Âu thở phào nhẹ nhõm trước viễn cảnh khép lại bốn năm sóng gió trong bang giao giữa hai bờ Đại Tây Dương trong nhiệm kỳ của Donald Trump. Khác với người tiền nhiệm, ông Biden là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, với 8 năm trong cương vị phó tổng thống Hoa Kỳ. Joe Biden trước khi bước vào Nhà Trắng đã đưa ra nhiều tín hiệu mang tính « xây dựng » trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới. Ông cũng chú trọng nhiều đến « đối thoại đa phương », tôn trọng và đảm nhiệm vai trò của nước Mỹ trong các định chế đa quốc gia từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

 

Món quà đầu tiên mà tân tổng thống Hoa Kỳ tặng cho các đối tác châu Âu là thông báo Washington quay trở lại hiệp định Paris, chung tay với thế giới chống biến đổi khí hậu.

Dù vậy, nhìn từ châu Âu, giới quan sát thận trọng cho rằng sẽ là một sai lầm nếu tin vào kịch bản với Biden ở Nhà Trắng, tất cả những hiềm khích giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu nảy sinh dưới thời tổng thống Donald Trump « phút chốc tan biến ».

 

Chỉ riêng về mậu dịch, thuế hải quan được chính quyền Trump dùng để trừng phạt Liên Hiệp Châu Âu, dự án của Pháp nói riêng của Liên Âu nói chung đánh thuế các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số của Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple cũng đủ là cái gai trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

 

Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia Vincent Vicard thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế CEPII trước hết nhấn mạnh đến những điểm đôi bên dễ tìm ra đồng thuận, nhưng đó chỉ là những thay đổi mang tính « hình thức ».

 

Vincent Vicard : Vẫn còn một số hồ sơ tồn đọng mà tân tổng thống Biden phải giải quyết. Chúng ta chưa biết rõ những ý định của chính quyền mới tại Hoa Kỳ. Chính sách thương mại của Nhà Trắng đang định hình và chắc chắn là sẽ có nhiều thay đổi về hình thức hơn là về nội dung. Đảng Dân Chủ nói chung, chính quyền Biden nói riêng, không thể trở lại với đường lối mở cửa, tự do giao thương như trước nhiệm kỳ Donald Trump hay ở đầu những năm 2000. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, sẽ có một số thay đổi. Trước hết là về hình thức, đối thoại giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ chiếm một vị trí quan trọng hơn so với thời Donald Trump. Trên các hồ sơ quốc tế, Mỹ sẽ thiên về giải pháp đa phương. Chẳng hạn như Âu-Mỹ có cùng một quan điểm về cách xử sự với Trung Quốc, về nhu cầu cải tổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Một chủ đề khác đôi bên cùng có tiếng nói chung liên quan đến thuế phạt nhắm vào cả hai tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Airbus. Theo tôi, Washington và Bruxelles cùng mong muốn đàm phán để giảm thiểu các mức phạt hai chiều, giảm bớt thiệt hại cho cả phía Mỹ lẫn Liên Âu.

 

Vụ kiện Boeing-Airbus kéo dài 15 năm giữa hai ông khổng lồ của ngành công nghiệp chế tạo máy bay thế giới. Tháng 10/2019 Tòa án trọng tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cho phép Mỹ ghi được một bàn thắng quan trọng, khi nhìn nhận châu Âu cạnh tranh bất bình đẳng. Chính sách trợ giá của châu Âu gây thiệt hại 7,5 tỷ đô la cho đối thủ Boeing.

Rồi đến tháng 10/2020, một tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cũng trên vụ kiện này, đến lượt Mỹ thua châu Âu : Bruxelles được quyền đánh thuế đến 4 tỷ đô la vào hàng Mỹ nhập vào Liên Âu.

 

Như chuyên gia Vincent Vicard vừa trình bày, có nhiều khả năng cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu cùng muốn tìm ra ngõ thoát cho cuộc đọ sức « dumping » này. Hơn nữa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tàn phá kinh tế của cả hai phía, Washington và Bruxelles đều muốn chấm dứt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, làm phương hại đến cán cân thương mại của chính mình.

 

 

Khí hậu, món quà của Biden tặng Liên Âu

 

Tuy nhiên quyết định đầu tiên của tân tổng thống Biden được Liên Âu hoan nghênh hơn cả là sắc lệnh đưa Hoa Kỳ trở lại với hiệp định khí hậu Paris.

 

Vincent Vicard : Đây quả thực là một điểm hết sức quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu và cả những quốc gia hưởng ứng hiệp định chống biến đổi khí hậu. Cam kết này tuy nhiên, quan trọng kể cả vệ mặt thương mại : Liên Âu tránh rơi vào thế kẹt nếu như Mỹ đứng ngoài hiệp định Paris. Mặt khác, về thực chất thì cho dù tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu nhưng thứ nhất là quyết định này dù đã thông báo ngay từ đầu nhiệm kỳ nhưng chỉ mới chính thức có hiệu lực từ cách nay không lâu. Thứ hai là ở cấp Liên bang, chính quyền Mỹ tuyên bố rút lui, nhưng ở cấp địa phương các bang vẫn tiếp tục phát triển công nghệ sạch. Một thí dụ khác nữa là trong bốn năm qua, ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đã phát triển rất mạnh loại xe điện hay lĩnh vực năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ cũng đã có những tiến bộ rất tốt.

 

 

Hiềm khích vẫn còn

 

Về cơ bản, xung khắc thương mại và kinh tế Âu-Mỹ vẫn là một thực tế. Đôi bên vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh với nhau. Vài ngày trước khi rời Nhà Trắng tổng thống Trump thông báo đánh thuế 25 % vào rượu vang, cognac của Pháp bán sang Hoa Kỳ, tăng thuế 15 % một số phụ tùng máy bay của Airbus. Trước đó từ 2019 Mỹ đã áp thuế nhắm vào nhiều mặt hàng của Liên Âu như dầu ô liu hay phó măt của Ý, Pháp…  

 

Ở chiều ngược lại từ tháng 11/2020 Paris khẳng định sẽ bắt các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số của Mỹ (nhóm GAFA) nộp thuế như các doanh nghiệp hoạt động tại Pháp. Lập tức ở Washington tổng thống Trump lại đe dọa « đánh thuế 100 % những sản phẩm cao cấp made in France, tổng trị giá 1.3 tỷ đô la ». Hiềm nỗi giới phân tích lo ngại « xóa bỏ các khoản thuế phụ trội có từ thời Donald Trump chưa chắc đã là mối ưu tiên của chính quyền Biden ». Kinh tế gia Vincent Vicard nêu bật những « xung khắc » giữa đôi bên nhưng đã tỏ ra lạc quan hơn so với nhiều đồng nhiệm :

 

Vincent Vicard : Có nhiều bất đồng vẫn tồn tại và những hồ sơ đó sẽ còn kéo dài. Bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính của tổng thống Biden là bà Janet Yellen tuyên bố : ưu tiên phải được dành cho người lao động Mỹ và tất cả các thỏa thuận thương mại chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của giới làm công ăn lương ở Hoa Kỳ. Nói cách khác, Washington gắn liền hai vế ngoại thương và lợi ích kinh tế nội địa. Kinh tế Mỹ sẽ không còn « rộng mở » như hồi đầu những năm 2000 nữa. Donald Trump đã vĩnh viễn làm thay đổi chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ và đó là khuynh hướng không thể đảo ngược.

 

Ngoài ra còn có hai vấn đề khác trong quan hệ kinh tế giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ : một là thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Liên Âu và thâm hụt đó có chiều hướng gia tăng mạnh dưới tác động của đại dịch Covid-19 ; Khúc mắc thứ nhì liên quan đến chuyện châu Âu, đứng đầu là Pháp đòi đánh thuế các tập đoàn tin học, chủ yếu là các hãng Mỹ dưới tên gọi là nhóm GAFA hay GAFAM nếu tính luôn cả Microsoft. Cũng chính vì khoản thuế này mà Hoa Kỳ dưới chính quyền Trump đã dùng đòn đánh thuế nhập khẩu để trả đũa châu Âu. Tuy nhiên tôi nghĩ là chính quyền Biden sẽ nhanh chóng đàm phán với Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế để tìm một giải pháp mang tính lâu dài. Giải pháp này sẽ mở rộng đến tất cả các tập đoàn đa quốc gia chứ không thu gọn trong nhóm GAFA của Mỹ. Đây sẽ là ngõ thoát để giới hạn nguy cơ xảy ra xung đột về thương mại trong tương lai.

 

 

Bàn tay thép trong chiếc găng nhung

 

Có điều chắc chắn đó là chính sách ngoại thương của tổng thống Joe Biden sử dụng một phương pháp hoàn toàn khác với thời tổng thống Trump. Phải chăng Washington đã cân nhắc lợi hại khi có được sự yểm trợ của các đồng minh châu Âu trong cuộc đọ sức với Trung Quốc ?

 

Vincent Vicard : Các thỏa thuận thương mại là những công cụ trong chính sách đối ngoại của một quốc gia. Điều này đã được chứng minh qua Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện RCEP : Mỹ quay lưng lại với Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch xuyên Thái Bình Dương TTP thì lập tức Trung Quốc lấp vào chỗ trống, lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Úc, New Zealand hay Nhật Bản, Hàn Quốc về phía mình. Dù vậy trước mắt, chính quyền của ông Joe Biden có dấu hiệu cho thấy tập trung vào nỗ lực cứu vãn kinh tế nội địa, dành ưu tiên cho người lao động ở Hoa Kỳ đồng thời cần có một liên minh rộng rãi để đối phó với Trung Quốc. Trên điểm này, châu Âu là một điểm tựa của Washington và liên kết với Mỹ cũng có lợi cho châu Âu.

 

 

Từ America First đến Buy American

 

Dù vậy Bruxelles cũng cần phải sáng suốt để nhận thấy rằng Hoa Kỳ dù có thay đổi chính quyền, nhưng chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ thì vẫn « bình mới, rượu cũ ». Chưa đầy một tuần lên cầm quyền, Joe Biden ký sắc lệnh Buy American. Văn bản này khuyến cáo các cơ quan của chính phủ Liên bang nên dành ưu tiên cho các doanh nghiệp Mỹ và sản phẩm của Mỹ. Cùng ngày bà Janet Yellen được Thượng Viện bật đèn xanh để trở thành nữ bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Ở cương vị này, bà Yellen có trọng trách điều phối kế hoạch kích cầu 1.900 tỷ đô la để đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế hiện tại. Một quan chức tại Washington cho biết thêm : 600 tỷ đô la trong gói kích cầu này liên quan đến các khoảng chi tiêu công cộng. Do vậy, theo chuyên gia Vincent Vicard, niềm vui của châu Âu với một vị tổng thống mới ở Nhà Trắng không được trọn vẹn và bài học thiết thân nhất đối với Bruxelles đó là phải « tự lo thân » :  

 

Vincent Vicard : « Chủ trương America First của Donald Trump vẫn còn tính thời sự. Sắc lệnh « Buy American » mà tổng thống Biden vừa ban hành là phiên bản của chủ nghĩa nước Mỹ trên hết. Tuy nhiên, Washington giảm thiểu áp lực với các đối tác châu Âu chứ không như chính quyền trước đã đơn phương áp thuế sắt, thép của Liên Âu và với nhiều đối tác thương mại khác, bất chấp đó là các nước « bạn » hay là các « đối thủ » của Hoa Kỳ. Trong giai đoạn bốn năm sắp tới, Âu-Mỹ sẽ không trực tiếp đối đầu với nhau trên thương trường, nhưng những đợt sóng ngầm vẫn còn nguyên vẹn. Thách thức đặt ra với Liên Âu là làm thế nào để áp đặt được quan điểm của mình với Washington vì những lợi ích của 27 nước châu Âu ».

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats