Monday, 4 January 2021

VACCINE COVID-19 và TRANH LUẬN VỀ ĐẠO ĐỨC SINH HỌC TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (Minh Anh - RFI)

 


Vac-xin Covid-19 và tranh luận về đạo đức sinh học trong giáo hội Công Giáo

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 04/01/2021 - 11:20

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210104-vacxin-covid19-khoa-hoc-tranh-luan-giao-hoi

 

Chiến dịch tiêm ngừa chống virus corona chủng mới đã được khởi động tại nhiều nước, với hy vọng đời sống sinh hoạt sớm trở lại bình thường sau một năm bị tê liệt. Thế nhưng, câu hỏi : Tiêm hay không tiêm ? Kẻ chống, người thuận, dư luận bị phân luồng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4b6b679c-4ddd-11eb-a2d6-005056a98db9/w:980/p:16x9/000_8XQ6QE.webp

Giáo hoàng Phanxicô chủ trì thánh lễ Noel trong bối cảnh vắng tín đồ vì đại dịch Covid-19, ngày 24/12/2020. AFP - VINCENZO PINTO

 

Tranh cãi này còn trở nên gay gắt hơn theo quan điểm của nhiều tín ngưỡng. Trong Công giáo, nhiều hội đồng giám mục quốc gia cẩn trọng khuyến khích giáo dân nếu không muốn nói là bày tỏ cả thái độ dè chừng.

 

Nguyên nhân vì sao ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với linh mục Phạm Hoàng Dũng tại Roma. Mời quý vị theo dõi.

 

RFI : Linh mục có thể cho biết sơ qua chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 tại Ý hiện nay ra sao ?  

 

Linh mục Phạm Hoàng Dũng : Tới ngày 07/01/2021, tất cả sẽ trở lại bình thường, theo nghĩa có thể đi lại như trước. Từ ngày 27/12/2020, sau lễ Giáng Sinh, vac-xin đã về tới Ý và bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho những thành phần dễ bị lây nhiễm làm trong lĩnh vực y tế, rồi sau đó sẽ tới những người có vấn đề sức khỏe như người già trên 60 – 70 tuổi, rồi sau đó là những thành phần khác, theo thứ tự ưu tiên để được tiêm chủng.

Có những thành phần bị bắt buộc như các nhân viên y tế nhưng người dân thì còn tùy theo tình hình vì không có miễn phí. Đương nhiên cũng có hai luồng dư luận, nhiều người chống nhưng cũng có những người không chống. Bởi vì sau khi người đầu tiên tiêm chủng thì vài ngày sau dương tính với Covid-19 nên nhiều người lo sợ.

Tuy nhiên, theo một thăm dò dư luận nhanh của hãng tin ANSA trong giới giáo viên, thì có đến 80% giáo viên sẵn sàng đi tiêm ngừa. Bởi vì các trường học cũng là một môi trường có nguy cơ cao và tiếp xúc nhiều.

 

 

RFI : Trong bối cảnh này, có nhiều giám mục và giáo dân lại có thái độ dè dặt, đôi khi chống tiêm ngừa Covid. Vì sao như vậy ?

 

Linh mục Phạm Hoàng Dũng : Vấn đề sâu xa ở đây chính là nguồn gốc của vac-xin. Về mặt kỹ thuật, những vac-xin này được các hãng dược bào chế từ những bào thai bị phá trong khi việc phá thai trong giáo hội công giáo là bị cấm. Do vậy, vấn đề chính ở đây là chuyện đạo đức sinh học. Đạo đức trong công giáo có cho phép hay không khi mình sử dụng một sản phẩm từ một chuyện không hợp với luân lý công giáo như vậy ?

Trước tình hình có nhiều luồng dư luận như vậy, ngày 21/12/2020, bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một văn bản mà đức giáo hoàng đã thông qua trước đó ngày 17/12, được đăng tải trên mạng của bộ Giáo Lý Đức Tin bằng nhiều thứ tiếng Anh, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, có tên gọi là « Note on the morality of using some anti-Covid-19 vaccines ».

Tại sao lại có vấn đề này ? Bởi vì vấn đề đặt ra là mình có được sử dụng các loại vac-xin được sản xuất từ bào thai người bị phá hay không ? Câu hỏi này đã được Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Bênh vực Sự Sống ra một văn bản ngày 05/06/2005 có tựa đề là « Những suy tư luân lý về các vac-xin được chế tạo từ các tế bào lấy từ bào thai người bị phá ».

Dựa trên văn bản này, bộ Giáo Lý Đức Tin năm 2008 ra một huấn thị có tên gọi là « Phẩm giá Con người », tiếng La-tinh gọi là Dignitas Personae, công bố ngày 08/09/2008 giải thích về việc sử dụng phương pháp này trong nghiên cứu khoa học.

 

 

RFI : Một cách cụ thể, vấn đề luân lý được đặt ra ở đây là gì ?

 

Linh mục Phạm Hoàng Dũng : Theo đó, bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định việc sử dụng chống Covid-19 là hợp với luân lý công giáo. Ở đây là việc phân biệt các trách nhiệm, nghĩa là trách nhiệm với ai ? Sâu xa hơn là tại sao không được sử dụng các bào thai bị phá. 

Trong luân lý Công Giáo, bào thai là một sự sống, thế nên việc sử dụng bào thai theo một cách nào đó là mình « giết người », và việc sử dụng vac-xin giống như là một sự cộng tác với hành động « giết người » đó. Nói theo thuật ngữ chuyên môn, đó là « cộng tác với một sự ác », mình có làm việc ác đó không ? Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người sản xuất, đó là những hãng dược, công ty dược…

Huấn thị « Phẩm giá con người » khẳng định việc sử dụng các tế bào rút ra từ các bào thai bị phá để tạo ra những dòng tế bào sử dụng trong việc nghiên cứu khoa học có những trách nhiệm khác nhau, một sự cộng tác vào sự ác đó. Vậy thì người sử dụng vac-xin có cộng tác vào sự ác hay việc « giết người » đó không, thì theo văn bản của bộ Giáo Lý Đức Tin, việc này có thể chấp nhận được.

Tại sao ? Theo nguyên tắc luân lý của Kitô Công Giáo thì việc bảo vệ sự sống của mình cũng quan trọng như là việc bảo vệ sự sống của một người khác. Hành động của mình khi tiêm vac-xin là một cách cộng tác « thụ động » với việc « ác » đó.

Ở đây nêu lên hai nghĩa vụ. Thứ nhất là đối với mọi người. Bảo vệ sức khỏe cho bản thân của mình cũng như cho người khác, là phải vì lợi ích chung của mọi người. Thế nên, việc tiêm ngừa là một điều tốt, không có gì là trái với lương tâm.

Thứ hai, nghĩa vụ cao hơn là từ các hãng dược phẩm và chính quyền. Phải làm sao đem lại sự công bằng cho mọi người trong việc phân phối, không nên lợi dụng việc sản xuất các vac-xin để làm giàu. 

 

 

RFI : Phải chăng đây cũng chính là quan điểm của đức giáo hoàng ?

 

Linh mục Phạm Hoàng Dũng : Trên thế giới, việc phân phối và bán dược phẩm không nên là các cơ hội để các hãng dược làm giàu. Bởi vì ai sẽ là những người có nhu cầu nhiều nhất ? Những người có nhu cầu nhiều chính là những người nghèo, những người phải làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao chẳng hạn như là thu dọn vệ sinh đường phố hay trong các bệnh viện… Đó là những người có thu nhập thấp !

 

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn linh mục Phạm Hoàng Dũng tại Roma.

 

                                                 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats