Nước Mỹ bạo loạn trước ngày chuyển giao quyền lực
Bùi
Văn Phú
Gửi đến BBC Tiếng Việt từ California
7 tháng 1 2021
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55570115
Còn hai tuần nữa là đến ngày 20/1/2021. Theo Hiến
Pháp qui định, đúng 12 giờ trưa đông bộ Hoa Kỳ hôm đó, quyền hành tổng thống sẽ
được chuyển giao từ Tổng thống Donald Trump sang cho Tổng thống tân cử Joe
Biden trong lễ tuyên thệ nhận chức trước tiền đình quốc hội.
Ông Biden đã được xem như
thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11, dù ban vận động của ông Trump đã có 60 vụ kiện
từ tiểu bang lên đến Tối cao Pháp viện nhưng kết quả không thay đổi, với việc
ông Biden được 306 phiếu cử tri đoàn và 81 triệu phiếu phổ thông, trong khi
Trump được 232 phiếu cử tri đoàn và 74 triệu phiếu phổ thông.
Cho tới nay ông Trump
chưa thừa nhận kết quả.
Trưa ngày 6/1 là thời điểm
Quốc hội kiểm phiếu cử tri đoàn để chính thức chuẩn thuận và công bố kết quả
thì ông Trump phát biểu trước một đám đông với hàng nghìn người ủng hộ tụ họp
trước Tòa Bạch Ốc rằng ông sẽ không bao giờ công nhận kết quả, vì cuộc bầu cử vừa
qua có nhiều gian lận.
Sau những lời phát biểu của
Tổng thống Trump, đoàn biểu tình kéo đến Điện Capitol, là trụ sở Quốc hội Mỹ,
tràn vào chiếm đóng phòng họp khi lập pháp đang có thủ tục đếm phiếu cử tri
đoàn.
Quốc hội đã phải ngưng họp
khi người biểu tình vượt rào cản, qua mặt cảnh sát an ninh, đập cửa sổ tràn vào
và hơi cay được bắn ra, nhiều nhân viên an ninh đã rút súng để ngăn cản người
biểu tình lấn tới để di tản và bảo vệ tính mạng cho các vị dân cử.
Một phụ nữ trong số người
biểu tình đã bị bắn chết. Mấy người bị thương và hơn năm chục người bị bắt.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/11564/production/_116321017_gettyimages-1294967493.jpg
Đám đông tụ tập bên
ngoài Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 06 tháng 1 năm 2021 tại Washington, DC.
Những người ủng hộ Trump đã tập trung tại thủ đô để phản đối việc phê chuẩn chiến
thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden trước Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử
năm 2020
Hình ảnh trụ
sở Quốc hội Mỹ bị bạo loạn đã được truyền đi trên toàn nước Mỹ. Thế giới đã chứng
kiến những giờ phút xấu nhất của Hoa Kỳ khi nền dân chủ đang bị thử thách bởi Tổng
thống Trump, một lãnh đạo quốc gia thường nói điều sai khuấy và chỉ quan tâm đến
quyền lợi cá nhân, gia đình hơn là quyền lợi quốc gia.
Lệnh giới nghiêm từ 6 giờ
chiều đến 6 giờ sáng đã được ban ra trong khu vực Thủ đô Washington. Hàng nghìn
Vệ binh Quốc gia đã được đưa vào thủ đô và các lực lượng an ninh cảnh sát của
tiểu bang Virginia cũng được đặt trong tình trang ứng chiến.
Đến 7 giờ tối, Quốc hội
tái họp để tiếp tục kiểm phiếu cử tri đoàn, nghe những cáo buộc gian lận bầu cử
từ một số dân cử, trước khi chính thức chuẩn thuận kết quả, có thể là trong
ngày mai.
Tôi đã quan sát hơn chục
lần bầu tổng thống Mỹ, từ chiến thắng vang dội của Ronald Reagan vào năm 1980
cho đến cuộc đếm phiếu căng thẳng năm 2000 giữa George W. Bush (con) và Al
Gore.
Chưa bao giờ tình hình tổng
tuyển cử tại Hoa Kỳ lại căng thẳng và kéo dài như sau bầu cử 3/11/2020 vừa qua.
Mỗi bốn năm, sau ngày bầu
chọn tổng thống hai tháng thì việc kiểm phiếu cử tri đoàn và chính thức công bố
kết quả chỉ là việc làm mang tính thủ tục của Quốc hội cho đúng hiến pháp. Chẳng
có nhiều điều phải chú ý.
Năm nay, người thua cuộc là Tổng thống Trump nhất quyết không chịu chấp
nhận kết quả. Với cách hành xử bất bình thường, khó có thể tiên đoán chuyện gì
nữa sẽ xảy ra cho nước Mỹ trong hai tuần cuối nhiệm kỳ của ông.
Xem truyền hình, trong
đoàn người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump có nhiều cờ vàng ba sọc đỏ tung
bay.
Cũng là người gốc Việt
tôi hiểu đồng hương ủng hộ ông Trump vì những chính sách của Đảng Cộng hoà, vì
ông chủ trương đối đầu với Trung Quốc, thay vì tiếp tục buôn bán trao đổi
thương mại một cách bình thường như từ trước đến nay với một nước độc tài, đang
lãnh đạo thế giới cộng sản còn lại trên thế giới.
Tâm lý chống Tàu trong
lòng người Việt đã có từ nghìn năm. Nhưng nếu tin chỉ có Trump chống Tàu và hy
vọng ông sẽ cứu dân Việt khỏi tham vọng bành trướng của Bắc Kinh là một niềm
tin sai lầm.
Dân tộc Việt có thoát khỏi
lệ thuộc vào Trung Quốc hay không thì tùy vào lãnh đạo và người dân Việt. Nếu
người dân nổi lên đòi lãnh đạo Hà Nội đương thời thực hiện dân chủ tại Việt
Nam, đó là cách hữu hiệu nhất để thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc, vì ý dân
là ý trời.
Nhìn lại chính sách của
Hoa Kỳ đối với Trung Quốc qua nửa thể kỷ qua chúng ta thấy gì.
Đầu thập niên 1970 Tổng
thống Richard Nixon mở cửa quan hệ với Trung Quốc và bỏ rơi đồng minh Việt Nam
Cộng hoà cho cộng sản.
Các Tổng thống sau đó, từ
Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha), Bill Clinton cho đến George W. Bush
(con) và Barack Obama đều đặt quan hệ với Trung Quốc làm trọng tâm.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/011F/production/_116378200_gettyimages-1294959764.jpg
Các thành viên của
Lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát Washington D.C. ngăn một nhóm nhỏ người
biểu tình cách xa Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 06 tháng 1 năm 2021 tại
Washington, DC
Hoa Kỳ đã chuyển chính
sách với Trung Quốc từ "containment" (ngăn chặn) sang "engagement"
(giao ước) rồi phát triển trao đổi thương mại, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục toàn
diện trong 50 năm qua.
Thời Bush (cha), ngay sau
khi xảy ra thảm sát ở Thiên An Môn vào năm 1989 thì lãnh đạo Mỹ đã gửi ngay cố
vấn an ninh quốc gia sang Bắc Kinh để trấn an Trung Quốc về quan hệ sẽ tiếp tục
bền vững, dù Tổng thống Bush lúc đó đã cho phép sinh viên Trung Quốc đang du học
nếu muốn ở lại Mỹ sẽ được cấp qui chế thường trú nhân.
Thời Bill Clinton, thập
niên 1990 là giai đoạn các công ty Mỹ ào ạt chuyển sang Trung Quốc vì công nhân
rẻ, gọi là "outsourcing", để thế giới có nhiều mặt hàng tiêu dùng giá
rẻ.
Các nước tư bản đã giúp
Trung Quốc mạnh lên về kinh tế và sắp qua mặt Hoa Kỳ. Ngày nay Tập Cận Bình
đang bành trướng mô hình kinh tế Trung Quốc ra thế giới và đang đe doạ nền móng
dân chủ toàn cầu.
Tổng thống Trump đã đặt lại
quan hệ giao thương không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước trên thế giới
và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng qua cách lãnh đạo
như một nhà độc tài trong bốn năm qua và không có chính sách hiệu nghiệm trong
việc phòng chống dịch Covid-19 khiến 350 nghìn người Mỹ tử vong, đa số cử tri Mỹ
đã không tín nhiệm ông thêm một nhiệm kỳ nữa.
Cách ông Trump phản ứng về
kết quả bầu cử trong mấy ngày qua cho thấy ông là người thua cuộc cay đắng
(sore loser), cùng lúc ông đã làm cho biểu tượng về nền dân chủ Hoa Kỳ bị hoen ố.
Còn hai tuần nữa là hết
nhiệm kỳ, Tổng thống Trump rồi cũng sẽ phải ra đi, không biết như thế nào. Từ
nay đến đó không ai có thể tiên đoán ông sẽ còn khuấy động chính trường Mỹ với
những hành động gì nữa.
Ông Trump từ ngày tranh cử
luôn đưa ra lập luận là nếu Đảng Dân chủ thắng sẽ có nguy cơ biến nước Mỹ thành
xã hội chủ nghĩa, thành một nước với các chính sách cai trị kiểu như cộng sản.
Nhiều người tin như thế.
Tôi tin là nước Mỹ sau bốn
năm nhiều biến động dưới thời Tổng thống Trump rồi sẽ bình yên trở lại với Tổng
thống Joe Biden.
Tôi đã sống qua tám đời tổng
thống Mỹ, Cộng hoà cũng như Dân chủ. Những năm dưới sự lãnh đạo của tổng thống
Dân chủ từ Jimmy Carter, Bill Clinton cho đến Barack Obama mà không hề thấy nước
Mỹ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa với những giới hạn tự do như ở Việt Nam,
Cuba hay Trung Quốc.
Tổng thống Joe Biden, với
cả hai viện quốc hội cùng đảng, có sẽ thành công trong việc phục hồi lại nước Mỹ
hay không? Người dân chờ đợi những chính sách mới của ông.
Chuyện gì thì bốn năm nữa
cử tri sẽ lại quyết định.
-----------------
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả là một
giảng viên đại học cộng đồng từ vùng Vịnh San Francisco, California.
TIN LIÊN QUAN
Tại sao nhiều người Việt ở
Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump và chống Trung Quốc?
27 tháng 10 năm 2020
.
Tâm tư một nữ cử tri Mỹ gốc
Việt ủng hộ Tổng thống Donald Trump
20 tháng 10 năm 2020
.
Quan chức Georgia nói 'số
liệu của ngài sai' khi TT Trump đòi tìm phiếu
4 tháng 1 năm 2021
.
Đại cử tri đoàn: Những người
quyết định ai là tổng thống Hoa Kỳ
13 tháng 12 năm 2020
.
Mỹ: Hỗn loạn vì người biểu
tình ủng hộ TT Trump tràn vào nhà Quốc hội
7 tháng 1 năm 2021
.
Quốc hội Mỹ chuẩn bị xác
nhận Biden đắc cử giữa phản đối
6 tháng 1 năm 2021
No comments:
Post a Comment