Kinh
tế : Make America Great Again, đường còn dài
Thanh
Hà -
RFI
Đăng
ngày: 19/01/2021 - 15:09
Sau bốn năm nhiệm kỳ tổng thống, chính sách kinh tế
của nhà tỷ phú New York Donald Trump là một "chuỗi dài những thất bại".
Từ Washington, chuyên gia kinh tế Jean-François Boittin, thuộc viện nghiên cứu
IFRI nhận định như trên vào lúc Nhà Trắng đổi chủ.
Nhân viên thiện
nguyện của tổ chức cứu trợ Forgotten Harvest phân loại thực phẩm trước khi phát
cho người nghèo vào dịp lễ Giáng Sinh, tại Warren, Michigan, Mỹ, ngày
21/12/2020. REUTERS - EMILY ELCONIN
Ngày 20/01/2021 chính quyền
Trump trao lại quyền lực cho Joe Biden vào lúc mà vẫn có trên dưới 3.000 người
Mỹ thiệt mạng hàng ngày vì Covid-19. Hàng tuần có thêm gần 1 triệu người ghi
danh tìm việc làm ; 18 triệu người Mỹ sống nhờ trợ cấp thất nghiệp. GDP của Mỹ
trong năm 2020 giảm 2,4 % theo Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang.
Kinh tế gia Jean-François
Boittin, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI, người sống và công tác từ
nhiều năm qua tại thủ đô Washington, lần lượt phân tích về những thất bại kinh
tế chồng chất của chính quyền Trump.
Trên đài RFI Việt ngữ hồi
tháng 10/2020, kinh tế gia Boittin đã đánh giá về chính sách thương mại của tổng
thống Trump trong cuộc đọ sức với Trung Quốc như sau : đó là một cuộc chiến “bất
phân thắng bại” nhưng nhờ đại dịch Covid-19 Trung Quốc đã chiếm được ưu thế.
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với phần còn lại của thế giới ở đầu nhiệm kỳ Trump
đang từ 502 tỷ đô la nhảy vọt lên tới gần 900 tỷ tính đến những ngày cuối 2019.
Nước chảy chỗ
trũng
Tạp chí lần này xin tập
trung vào những vấn đề đối nội của kinh tế Hoa Kỳ : nợ công và thâm hụt ngân
sách của Mỹ ; các biện pháp hỗ trợ kinh tế rót tiền vào cỗ máy kinh tế nhưng chủ
yếu là chỉ có một số ít được hưởng lợi.
Jean François Boittin : Donald Trump để lại bức tranh toàn cảnh kinh tế Mỹ với nhiều nét
tương phản. Nét tương phản thứ nhất là về trình tự thời gian. 2019, kinh tế Hoa
Kỳ bắt đầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ngành công nghiệp do tác động từ
chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Virus corona làm tiêu tan những thành
tích đạt được trong ba năm 2017-2018 và cho đến cuối 2019. Trong quý 2 năm
2020, 22 triệu việc làm bị xóa sổ. Sau đó tình hình khả quan hơn, nhưng cho đến
cuối năm thì vẫn có 10 triệu người lao động bị mất việc. Đây là một trong những
lý do khiến Donald Trump thất cử hồi tháng 11 vừa qua. Nét tương phản thứ nhì
là chính sách kinh tế của ông Trump đã đẩy chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ lên cao
ngoài mong đợi, nhưng chỉ làm giàu cho một số ít người dân Mỹ. Trong khi đó những
người lao động trong ngành giải trí, dịch vụ nhà hàng, khách sạn … mới là những
thành phần cần được giúp đỡ vì với đồng lương vốn đã ít ỏi và về mặt kinh tế, họ
là nạn nhân trực tiếp của Covid-19.
Tháng 12/2017 chính quyền
Trump đã công bố kế hoạch cải tổ thuế khóa với tham vọng giảm 1.400 tỷ đô la
thuế cho các doanh nghiệp và tư nhân trong 10 năm ; Hạ 9 điểm thuế doanh nghiệp
để kích thích đầu tư và tạo thuận lợi cho khu vực sản xuất tuyển dụng nhân
viên. Tuy nhiên chuyên gia Boittin lưu ý rằng chương trình giảm thuế đầy tham vọng
đó thực ra đã bơm thêm mãi lực cho những “ông chủ nhà giàu” và những hộ
gia đình có thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đô la một năm. Chuyên gia Pháp nhìn
nhận kế hoạch này đã tạo ra tăng trưởng cho kinh tế Hoa Kỳ cho đến cuối 2019 dù
vậy, điều đáng tiếc là biện pháp tốn kém đó không đạt được mục tiêu Donald
Trump đã đề ra đó là khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư trở lại trên lãnh thổ
Hoa Kỳ nhằm đem lại công việc làm cho người Mỹ trên đất Mỹ :
Jean-François Boittin : Đúng là chính sách cải tổ về thuế khóa hồi 2017 đã có lợi cho các
doanh nghiệp Mỹ. Mục tiêu của chính phủ rất rõ ràng : khuyến khích khu vực sản
xuất đầu tư và nhất là đầu tư trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Mục tiêu này hoàn toàn không đạt được. Nhìn
tới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng Covid-19, thì phần
lớn các quyết định của chính phủ nhằm rót tiền cho các doanh nghiệp lớn và đã bỏ
quên các công ty vừa và nhỏ. Trong khi đó thì chính những doanh nghiệp nhỏ bé
này mới là nguồn tuyển dụng lao động. Một lần nữa, chính sách kinh tế của
Donald Trump không đủ sức để đem lại những kết quả mong muốn.
Số không về nâng cấp
cơ sở hạ tầng
Ngay từ những ngày đầu bước
chân vào Nhà Trắng, tỷ phú địa ốc New York Donald Trump đã tuyên bố “nâng cấp
hạ tầng cơ sở” phải là một ưu tiên. Nhưng mãi đến hai năm sau Washington mới
thông báo kế hoạch 1.500 tỷ đô la để trùng tu hệ thống cầu đường, trường học, bệnh
viện. Trước cuộc tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump lại
thông báo thêm một kế hoạch đầu tư quy mô nữa trị giá 2.000 tỷ đô la cũng nhằm
mục đích này.
Trong bốn năm qua, tình
trạng hạ tầng cơ sở ở Mỹ có khả quan hơn hay không ? Hai chương trình tái thiết cơ sở hạ tầng “đồ sộ”
nói trên đều chỉ có trên giấy tờ :
Jean-François Boittin : Câu trả lời rõ ràng là con số không. Không có một cái gì
hết. Đúng là Nhà Trắng đã khẳng định đầu tư nâng cấp hạ
tầng cơ sở là một ưu tiên nhưng rồi không còn mấy ai nhắc đến mục tiêu này nữa.
Thị trưởng thành phố Dayton, bang Ohio, cách nay vài ngày tuyên bố : thay vì tổ
chức hàng năm sự kiện mang tên “một tuần lễ vì cơ sở hạ tầng”, chính phủ nên bỏ
vốn vào những dự án cụ thể. Chính quyền Trump đã đề ra mục tiêu này, nhưng rốt
cuộc lại không làm gì hết.
Năng lượng hóa thạch
và nông nghiệp : Thiếu vắng thành tích
Một thất bại khác cũng ê
chề không kém là tham vọng của Donald Trump làm sống lại nền công nghiệp than
đá của Hoa Kỳ và phát triển năng lượng dầu khí của Mỹ. Vì hai mục tiêu này, Nhà
Trắng đã không ngần ngại bội ước với thế giới về những cam kết bảo vệ môi trường.
Có điều tham vọng về năng lượng của ông Trump đã vấp phải thực tế phũ
phàng : về giá cả, than đá càng lúc càng bị năng lượng sạch cạnh tranh và để
làm sống lại các nhà máy, giới trong ngành cần bảo đảm thu hồi được vốn đầu tư
trong ít nhất 30 năm sắp tới. Đó là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền
Trump.
Tương tự như vậy nền công
nghiệp khai thác dầu đá phiến ở Mỹ dù có được chính phủ hỗ trợ cũng đã không được
bình yên trong bốn năm qua. Đó là chưa kể virus corona đã làm tê liệt một phần
lớn ngành hàng không, giảm nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy …
Về nông nghiệp, trong ba
năm liên tiếp, chính phủ liên tục tung ra những gói hỗ trợ trị giá 8,5 tỷ rồi
14 tỷ đô la và gần đây nhất là 19 tỷ để cứu nguy các nông gia Mỹ. Một phần lớn
các khoản tiền nói trên nhằm “đền bù” thiệt hại do chiến tranh thương mại
Mỹ -Trung và các đòn trừng phạt lẫn nhau gây nên. Điều đó không cấm cản, tính từ
2011 đến 2018 trên toàn nước Mỹ có khoảng 100.000 doanh trại đã bị khai tử, hơn
50 % phần còn lại trong cảnh nợ nần.
Núi nợ
Cuối cùng, hai chỉ số cho
thấy thất bại trong chính sách kinh tế của Donald Trump đó là thống kê về bội
chi ngân sách và mức nợ càng lúc càng lớn của Hoa Kỳ trong bốn năm qua. Năm
2016, Donald Trump bước vào Nhà Trắng với thâm hụt ngân sách của chính quyền
liên bang là 587 tỷ đô la và ông ra đi vào lúc con số này đang ngấp nghé ngưỡng
3.000 tỷ.
Trong vỏn vẹn một nhiệm kỳ
duy nhất, kèm theo tác động của Covid-19, tổng nợ công của Hoa Kỳ đang từ
19.000 tỷ bị đẩy lên thành 27.000 tỷ đô la trong năm 2020. Nhưng về điểm này
chuyên gia kinh tế Jean-François Boittin Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp
không đặc biệt tỏ ra lo ngại. Ông giải thích :
Jean-François Boittin : Tất cả các chính quyền của bên đảng Cộng
Hòa đều kết thúc nhiệm kỳ với một mức nợ công tăng vọt. Đảng này thường mạnh mẽ
chỉ trích các chương trình chi tiêu công cộng tốn kém khi họ trong hàng ngũ đối
lập nhưng lại tỏ ra dễ dãi hơn nhiều khi họ điều hành đất nước. Chính quyền
Trump không là một ngoại lệ. Hơn nữa Donald Trump luôn khoe khoang là với kinh
nghiệm của một doanh nhân trong ngành địa ốc, ông thực sự là “vua” trong việc
quản lý các khoản chi tiêu. Nợ công của Mỹ đã tăng vọt, nhất là dưới tác động của
dịch Covid-19. Trên thực tế, cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đồng tình trên
việc tăng ngân sách. Ngoài ra toàn thể các chuyên gia kinh tế bất luận thuộc
trường phái nào, đều đồng ý trên một điểm : với lãi suất ngân hàng rất thấp như
hiện tại, không cần phải bận tâm về chuyện nợ nần chồng chất. Cái mà giới trong
ngành lo ngại là khi đi vay nợ, ta phải trả lãi cao. Phí tổn tài chính đó đè nặng
lên ngân sách của Nhà nước. Nhưng hiện tại kịch bản này hoàn toàn không xảy ra,
do lãi suất ngân hàng tại Mỹ đang ở số âm. Trong hoàn cảnh đó, ngay cả trường hợp
mức nợ của Mỹ có tăng thêm 10 % một năm cũng không hề hấn gì. Thậm chí ở thời
điểm này, cho dù mức nợ của chính quyền Liên bang cao hơn trước nhiều, nhưng
phí tổn ngân hàng lại thấp hơn nhiều so với 10 hay 20 năm về trước. Khuynh hướng
này sẽ kéo dài thêm trong trung hạn. Thành thử, ưu tiên của tất cả mọi người giờ
đây là làm thế nào nhanh chóng vực dậy cỗ máy kinh tế của Hoa Kỳ, đồng thời cố
gắng thu hẹp những bất bình đẳng trong xã hội càng lúc càng lớn.
No comments:
Post a Comment