Monday, 9 November 2020

NHỮNG "DI SẢN" CỦA TRUMP MÀ BIDEN KHÔNG THỂ GẠT BỎ và HAI LỰA CHỌN Ở KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (Phạm Quang Vinh)

 


Những "di sản" của Trump mà Biden không thể gạt bỏ và 2 lựa chọn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương    

Phạm Quang Vinh 

09/11/2020 07:09

http://toquoc.vn/nhung-di-san-cua-trump-ma-biden-khong-the-gat-bo-va-2-lua-chon-o-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-820209111220881.htm

 

Một trong số đó là cạnh tranh Mỹ - Trung sau 4 năm đã trở thành cạnh tranh chiến lược, không chỉ gói gọn trong khoa học công nghệ, ý thức hệ và chiến lược.

 

.

Kỳ vọng cử tri thay đổi

 

Cuộc bầu cử này, cho thấy, một nước Mỹ vốn đã khác, nay càng thay đổi rất khác. Đó là một nước Mỹ vừa phân cực, phân hóa chính trị xã hội lại vừa chìm trong khủng hoảng đa chiều bao gồm cả khủng hoảng về y tế, khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội.

 

Với tư cách là Tổng thống mới của nước Mỹ, Joe Biden bắt buộc phải xử lý vấn đề cấp bách nhất và cũng là ưu tiên hàng đầu là vấn đề nội trị. Nhất là câu chuyện giải bài toán kiểm soát đại dịch, mở cửa phục hồi kinh tế, đi đôi với chuyện hàn gắn trở lại nước Mỹ đã phân cực rất nhiều.

 

Do vấn đề ưu tiên cấp bách là vấn đề nội trị nên ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại trong thời gian tới.

 

Nhìn chung, một nước Mỹ về mặt đối ngoại mà ta gọi là một nước Mỹ đã khác, là câu chuyện không chỉ của Donald Trump, mà là của Obama và sắp tới là của ông Biden.

Đó là, nước Mỹ ngày càng phải coi trọng kỳ vọng của cử tri. Mà cử tri hiện nay đã nhìn nhận về một giá trị rất khác, thực dụng hơn rất nhiều.

 

Cử tri nước Mỹ không nhìn nhiều vào giá trị nước Mỹ ở bên ngoài, mà tập trung vào lợi ích nước Mỹ, thoát khỏi đại dịch và phục hồi kinh tế.

 

Cho nên, một mặt nước Mỹ vẫn phải coi trọng lợi ích nước Mỹ, vẫn phải thúc đẩy các giá trị, vai trò toàn cầu của nước Mỹ nhưng cũng phải tiếp tục điều chỉnh theo xu hướng giảm chi phí, cam kết, can dự ở bên ngoài. Đó là xu hướng mà dù là Obama, Trump hay sắp tới là Biden cũng phải theo hướng đó.

 

Ngoài ra, Hạ viện khả năng của Dân chủ nhưng khoảng cách giữa Dân chủ và Cộng hòa thu hẹp lại. Còn Thượng viện khả năng vẫn do Cộng hòa nắm giữ. Mà Thượng viện quyết định rất nhiều chính sách đối ngoại và nhân sự đối ngoại của nước Mỹ. Trong khi Hạ viện lo ngân sách.

 

Thêm vào đó, Tòa án Tối cao nghiêng về bảo thủ, thiên Cộng hòa nhiều hơn. Cấu trúc quyền lực này buộc ông Biden không thể một mình làm được mà phải dàn xếp giữa 2 đảng Dân chủ, Cộng hòa ít nhất là trong thời gian trước mắt khi bắt đầu nhiệm kỳ.

 

.

Những di sản của ông Trump

 

Về mặt đối ngoại, Tổng thống Mỹ nào, đều phải tập trung vào lợi ích và vai trò toàn cầu của nước Mỹ. Trong bối cảnh nước Mỹ do thay đổi so sánh tương quan lực lượng, do nhu cầu nước Mỹ đã khác, khả năng nước Mỹ đã khác nên phải tiếp tục theo chiều hướng giảm cam kết, giảm chi phí đối với bên ngoài.

 

Trong khi đó, thế giới đã thay đổi lại càng thay đổi sâu sắc hơn sau đại dịch. Và tương quan so sánh trong cuộc cạnh tranh với các nước lớn khác cũng đã có thay đổi.

 

Trong khi nước Mỹ của ông Joe Biden vừa phải thúc đẩy lợi ích nước Mỹ thiết thực hơn, thúc đẩy vai trò toàn cầu, nhưng trong xu hướng giảm cam kết, ông sẽ phải tập trung vào cái gì? Đấy là câu chuyện lớn mà ông Joe Biden sẽ phải thừa kế và xử lý.

 

Trong khi thúc đẩy lợi ích nước Mỹ và vai trò toàn cầu của Mỹ, Biden thúc đẩy nhiều hơn hệ giá trị, bao gồm dân chủ, nhân quyền, môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, tiêu chuẩn lao động; thứ 2 là khôi phục và tăng cường tham vấn với đối tác, đồng minh mà trước đây Trump sử dụng nhiều hơn câu chuyện song phương và có đi có lợi.

 

Trump sử dụng nhiều hơn câu chuyện song phương thì Biden nhấn vào đồng minh và đối tác, tức là kênh đa phương nhiều hơn

 

Cái nhìn thấy dễ nhất là Joe Biden sẽ quay trở lại ngoại giao truyền thống, dễ đoán định hơn Donald Trump. Hai việc Biden có thể làm ngay là quay trở lại Hiệp ước chống biến đối khí hậu Paris và quay trở lại WHO. 

 

Nhưng cũng có những việc sẽ phải tính toán. Đó là câu chuyện cạnh tranh nước lớn, trong đó có cạnh tranh Trung - Mỹ đã chuyển sang cạnh tranh chiến lược. Cái này không chỉ là di sản của ông Trump mà được sự đồng thuận của cả 2 đảng nước Mỹ.

 

Cạnh tranh Mỹ - Trung sau 4 năm đã trở thành cạnh tranh chiến lược và cạnh tranh cao hơn, không chỉ gói gọn trong khoa học công nghệ, ý thức hệ và chiến lược. Không chỉ do thay đổi nhận thức về Trung Quốc ở phía Mỹ mà còn nằm ở sự thay đổi của Trung Quốc, bỏ chính sách "ẩn mình chờ thời".

 

Ngoài ra, nước Mỹ với đồng minh không còn dễ dàng trong việc kiềm chế Trung Quốc nữa vì lợi ích của Mỹ và đồng minh ngày càng đan xen trong quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy quan hệ Mỹ - Trung sắp tới tiếp tục là cạnh tranh chiến lược, vừa có hợp tác nhưng mặt cạnh tranh cũng gia tăng. Vậy thì ông Joe Biden sẽ phải quản trị quan hệ nước lớn, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung vừa cạnh tranh nhưng vẫn hợp tác như thế nào?

 

Một di sản nữa dưới thời Trump không chắc xóa bỏ được, dù không thích, hay có cách tiếp cận mới. Chẳng hạn tình hình Trung Đông, cục diện đã đặc biệt khác trong 4 năm qua. Việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Isreal với 1 số nước vùng Vịnh là không thể gạt bỏ được. Quản trị và điều chỉnh điều này với đảng Dân chủ không phải là dễ.

 

.

2 lựa chọn chiến lược với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho ông Biden

 

Cái chung nhất của nước Mỹ, dù là dưới thời ông Donald Trump, hay trước đó là Obama và sau đây là Joe Biden thì, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực địa chiến lược của nước Mỹ, tiếp tục coi trọng, can dự và hợp tác sâu sắc với khu vực này.

 

Nhưng trải qua đại dịch, nước Mỹ thay đổi, tình hình thế giới cũng thay đổi, quan hệ Mỹ - Trung đã thay đổi, đặt ra nhiều yếu tố mới mà Joe Biden phải đối diện.

 

Có 2 lựa chọn đã có: Đó là ở khu vực này, đã có Tái cân bằng của Obama, dựa trên cam kết và hợp tác của nước Mỹ ở khu vực, coi trọng quan hệ cả về kinh tế và an ninh, dựa trên quan hệ đồng minh và đối tác, trong đó có cả ASEAN và các đồng minh trong khu vực và quản trị quan hệ nước lớn.

 

Chính sách Tái cân bằng của ông Obama dựa trên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tạo ra chuỗi cung ứng và giá trị ở khu vực này ở chất lượng và tiêu chuẩn cao hơn, để định hình cả về địa kinh tế, địa chính trị ở khu vực, vừa thúc đẩy thịnh vượng khu vực nhưng đồng thời cũng để quản trị nước lớn. 

 

Thế nhưng nhìn lại nửa sau 2016, TPP đã không được người dân và chính trị Mỹ chấp nhận vì tính toán về chi phí và lợi ích của Mỹ. Nếu không phải là ông Trump chiến thắng mà là bà Hillary Clinton thì cũng khó có thể thông qua TPP. 

 

Vậy nếu như dưới thời ông Obama, Mỹ dựa rất nhiều vào TPP và hệ thống đồng minh và đối tác trong đó có ASEAN thì nay, TPP không được nước Mỹ chấp nhận, cái gì sẽ thay thế TPP để gắn kết địa kinh tế, địa chiến lược?

 

Lựa chọn thứ 2 là chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn và cởi mở dưới thời Tổng thống Trump. Hai chính sách này vẫn có điểm chung là lợi ích nước Mỹ, quan hệ với đối tác, đồng minh và quản trị nước lớn và trật tự dựa trên luật lệ.

 

Câu chuyện châu Á - Thái Bình Dương được mở ra thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn còn giá trị địa chiến lược của nó.

 

Trong thời gian vừa qua, Mỹ triển khai một loạt hoạt động gắn kết đồng minh với các đối tác, gắn kết chính trị, an ninh, trong đó có câu chuyện Biển Đông, cũng như gắn kết kinh tế, bắt đầu manh nha những dự án kinh tế, trong đó có đạo luật BUILD ACT, huy động ngân sách cả nhà nước cả tư nhân để đầu tư cho hạ tầng ở khu vực này, củng có quan hệ với các đồng minh nhưng cũng tạo ra sự chọn lọc và khác biệt với Vành đai - Con đường.

 

Nhưng câu chuyện này là của Donald Trump và đảng Cộng hòa, chưa chắc đã được thừa kế và ưa thích bởi Dân chủ và Biden.

 

.

TPP và QUAD: 2 điểm nhấn khác biệt giữa Biden và Trump

 

Khái niệm Bộ tứ (QUAD) được chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy trong thời gian vừa qua không phải vấn đề mới, từ thời Obama đã có nhưng Trump đẩy mạnh hơn ở mấy khía cạnh là duy trì hoạt động và tham vấn và đẩy lên cấp cao là cấp Bộ trưởng.

 

Khái niệm này dường như đã có sự đáp ứng nhất định của các nước trong QUAD, đặc biệt là Ấn Độ, Úc, Nhật, tạo ra vành đai không phải thuần túy để chống Trung Quốc mà tạo ra quản trị sự vươn lên của Trung Quốc nhưng không bất lợi cho các nước trong khu vực, không bất lợi cho bảo đảm trật tự dựa trên luật lệ.

 

Để bảo đảm trật tự dựa trên luật lệ mà các nước hợp tác cùng có lợi thì bất kỳ là Tổng thống nào cũng phải tạo được luật chơi mà dù nước lớn, nước nhỏ muốn hòa bình, ổn định và có lợi thì phải ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, thúc đẩy khu vực dựa trên đa cực để các nước nhỏ có tiếng nói, gắn kết cả về kinh tế và địa chiến lược, đan xen lợi ích cùng có lợi, tận dụng cơ chế đa phương trong khu vực để dù có cạnh tranh, khu vực này cũng không bị bắt buộc chọn bên.

 

Nếu nhìn nhận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về mặt chiến lược được đa phần các nước ủng hộ nhưng thời Trump xử lý thiên quá nhiều về kiềm chế Trung Quốc nhưng không có cái gắn kết đồng minh ở đây, ngắm nhiều về chiến lược mà không có kinh tế.

 

Trong khi đó, Xoay trục của Obama và Biden lại dựa vào hợp tác và có phần chưa thể hiện được Mỹ có thể đi đầu trước những hành vi của Trung Quốc như vấn đề Biển Đông hay Mekong.

 

Như vậy, đây là 2 bài toán mà Biden phải điều chỉnh.

 

Đại sứ Phạm Quang Vinh

 

----------------------------------------------

 

XEM TIẾP

 

Lãnh đạo quốc gia láng giềng của Mỹ từ chối chúc mừng sớm Tổng thống đắc cử Joe Biden : Lí do là gì?

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats