Hoa
Kỳ nên đối phó với chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa như thế nào
Lee
Nguyen - Luật Khoa
26/11/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/11/hoa-ky-nen-doi-pho-voi-chu-nghia-dan-toc-trung-hoa-nhu-the-nao/
Trong ngắn hạn, chủ nghĩa
dân tộc của Trung Quốc đặt ra những nguy cơ và thách thức đối với khả năng răn
đe và các công cụ đòn bẩy của Hoa Kỳ, nhưng về lâu dài, chủ nghĩa này sẽ cản trở
nỗ lực của Bắc Kinh đối với sức ảnh hưởng và tham vọng lãnh đạo toàn cầu của họ.
Hoa Kỳ nên áp dụng chiến
lược bất đối xứng, để tránh đối đầu với khả năng xấu nhất từ Bắc Kinh. Một chiến
lược bất đối xứng sẽ giúp Washington giảm nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc, đảo
ngược sự suy thoái quyền lực và uy tín của nước Mỹ trên thế giới, đồng thời
khôi phục lòng tin vào nền dân chủ.
Theo tác giả nghiên cứu,
tốt hơn hết là cứ để chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc tự sinh tự diệt, như đã trình
bày trong bài “America, Don’t Try to Out-China China” (Mỹ, đừng chống
Trung Quốc bằng cách bắt chước Trung Quốc) đăng trên tờ New York Times.
·
Bài viết này là phần còn
lại của nghiên cứu “Nationalism and the Domestic Politics of Chinese Foreign Policy:
Lessons for the United States“ của giáo sư Jessica
Chen Weiss (Đại học Cornell); trong khuôn khổ dự án nghiên cứu về tương lai quan hệ Mỹ-Trung của
Đại học Pennsylvania.
Phần 1: Chủ nghĩa dân tộc và chính trị nội bộ trong chính sách
đối ngoại của Trung Quốc
Trung Quốc muốn
gì? Còn tùy
Việc xem xét nghiêm túc sự
chia rẽ của các quan điểm và nhóm lợi ích của Trung Quốc có nghĩa là phải hiểu
được rằng bất kỳ mô tả nào về “những gì Trung Quốc muốn” đều liên quan đến một
mục tiêu liên tục biến động. Sự thỏa hiệp hoặc cân bằng giữa các nhóm lợi ích
và các tư tưởng có thể thay đổi theo những thay đổi của môi trường trong nước
và quốc tế.
Cần hiểu rằng chiến lược
lớn của Trung Quốc phụ thuộc vào các tranh chấp chính trị trong nước và quốc tế,
tức là ý định của họ không thể chỉ là những phép loại suy lịch sử (ví dụ như Đảng
Cộng sản Liên Xô của Stalin), hay các niềm tin ý thức hệ (chẳng hạn như chủ
nghĩa Marx – Lenin), hay các mô hình lý thuyết quan hệ quốc tế (chẳng hạn như
chủ nghĩa tân hiện thực – neorealism).
Những lời tuyên truyền,
hay thậm chí là những phát ngôn đầy uy quyền của các lãnh đạo Đảng Cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ), không phải là chỉ dẫn đúng đắn cho đại chiến lược hoặc ý đồ
của một đất nước. Bản thân những lời hùng biện như vậy chỉ là một màn trình diễn
hướng đến nhiều đối tượng khán giả trong nước và quốc tế. Chúng thường mang hơi
hướng dọa nạt nhằm thúc đẩy sự đoàn kết và xoa dịu các nhóm lợi ích trong nước,
ngay cả khi các chính sách không thỏa mãn mong muốn và nguyện vọng của họ.
Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình tại một buổi họp của Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2017. Ảnh:
REUTERS/Denis Balibouse.
Cần chú trọng các hành vi
của Trung Quốc, kể cả các động thái dang dở vẫn có thể là một dấu hiệu cho các
ý định chiến lược. Hành vi phản ánh cả những hạn chế trong thực tế và cả những
cơ hội, cũng như những lợi ích và nỗ lực cạnh tranh lẫn nhau của các chủ thể
trong nước. Những động thái đó không phải lúc nào cũng được điều phối nhịp
nhàng.
Quan trọng nhất là, các
nhà phân tích cần phải xem xét các luận điệu và hành vi của Trung Quốc – và cưỡng
lại mong muốn đưa ra các đánh giá về mối đe dọa chủ yếu dựa trên những lời
Trung Quốc nói. Lý do là thường có một khoảng cách đáng kể giữa những lời hùng
biện và thực tế, và cả những lời hùng biện đó cũng có khả năng thay đổi khi
hoàn cảnh trong nước và quốc tế thay đổi.
Việc giả định rằng chính
sách đối ngoại của Trung Quốc được dẫn dắt bởi một đại chiến lược thống nhất hoặc
nhất quán hay “một kế hoạch tổng thể” có ba rủi ro. Một là, chiến lược có tính
nhất quán hơn việc triển khai nó trong thực tế; hai là, che đậy các cuộc tranh
luận trong nước về chính sách đối ngoại của Trung Quốc; và ba là, xem nhẹ vai
trò của các tương tác quốc tế trong việc định hình chiến lược của Trung Quốc.
Hiệu quả của các áp lực
quốc tế cũng có giới hạn, và thực ra sự chỉ trích quốc tế dường như không so được
với nỗi ám ảnh ngày càng lớn dần lên của ĐCSTQ về những nguy cơ của “chủ nghĩa
chia rẽ” (splittism). Sự chênh lệch càng rõ ràng hơn nếu ta so sánh với các
hành vi của ĐCSTQ trong việc thủ tiêu nền tự trị của Hong Kong, hay âm mưu diệt
chủng văn hóa Tân Cương.
Nếu có biến cố gì, ĐCSTQ
sẽ viện dẫn âm mưu đe dọa lật đổ của (thế lực thù địch) nước ngoài để biện minh
cho các chính sách ngày càng đàn áp của mình, bao gồm cả Luật An ninh Quốc gia
cho Hong Kong. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều mơ hồ và các cuộc tranh luận nội
bộ về việc Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực đối với Đài Loan với tốc độ và cường
độ như thế nào, chưa nói đến phần còn lại của khu vực và thế giới.
Chủ nghĩa dân tộc
làm mất đi ảnh hưởng và sức hấp dẫn của Bắc Kinh
Khi đánh giá ảnh hưởng quốc
tế của Trung Quốc, Washington nên nhận thức được rằng chủ nghĩa dân tộc mà
ĐCSTQ đã nuôi dưỡng nhằm tạo tính chính danh cho đảng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của
Trung Quốc trên toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến công cuộc tìm kiếm vị thế
lãnh đạo thế giới của Bắc Kinh
Chính quyền Bắc Kinh phải
đối mặt với phản ứng dữ dội trên toàn cầu về hành vi đàn áp của họ ở Tân Cương
và ở Hong Kong, cũng như các hành vi gây hấn của họ ở biển Đông và vụ xung đột
vũ trang với Ấn Độ trên dãy Himalaya. Chính sách ngoại giao thô bạo, cùng với sự
đàn áp và bài ngoại trong nước làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây
dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo nhân từ, làm xói mòn thành quả của “ngoại giao
khẩu trang” (mask diplomacy) và các nỗ lực phối hợp khác nhằm hỗ trợ chống lại
COVID-19 [1].
Báo cáo nội bộ của Trung
Quốc cho thấy rằng các định kiến chống Trung Quốc trên toàn cầu đang ở
mức cao nhất kể từ cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 cho đến nay [2].
Báo cáo này khớp với những
dấu hiệu ngày càng tăng mà các chuyên gia Trung Quốc tìm ra, cho rằng thói hiếu
thắng và phách lối quá mức của Bắc Kinh đã gây phản tác dụng. Những phản ánh
này có thể giúp giải thích việc các luận điệu dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc
đang trở nên mềm mỏng và khiêm tốn hơn. Trong những tháng gần đây, các nhà ngoại
giao hàng đầu của Trung Quốc đã phủ nhận mọi ý định xuất khẩu các hệ tư tưởng
hoặc một “mô hình Trung Quốc”, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi (Vương Nghị),
Thứ trưởng Ngoại giao Le Yucheng (Lạc Ngọc Thành) và bản thân người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) [3].
Đại diện Đại sứ
quán Trung Quốc tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho Đại học Y khoa Heidelberg,
Đức, tháng 4/2020. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức/Xinhua.
Các quan chức Trung Quốc
cũng bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến việc giảm thiểu sự thù địch đang tăng lên
và mức độ đối đầu trên diện rộng với Hoa Kỳ, ngay cả khi chủ nghĩa dân tộc
trong nước và sự bất an của chế độ đang cản trở các hình thức nhượng bộ mà Bắc
Kinh sẵn sàng thực hiện để giảm bớt áp lực quốc tế. Ngay cả khi Tập Cận Bình đã
tuyên bố rằng “người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân
hay lực lượng nào áp đặt ý chí của họ lên Trung Quốc thông qua việc bắt nạt”,
tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc sẽ “kiên định trên con
đường phát triển hòa bình” [4]. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc từ
Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) cho đến Wang Yi (Vương Nghị) đã bày tỏ sự quan
tâm của Trung Quốc đến việc ổn định các mối quan hệ ngoại giao, ngay cả khi Bắc
Kinh đã trả đũa các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ để chứng tỏ với công chúng trong
nước và quốc tế rằng Trung Quốc sẽ không bị đe dọa hay thúc ép.
Bài học về một chiến
lược bất đối xứng
Nếu ĐCSTQ tiếp tục đi
theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của mình, Bắc Kinh sẽ tự làm khó mình trong
các nỗ lực nhằm đạt được vai trò lãnh đạo toàn cầu và có ảnh hưởng lớn hơn. Điều
đó có nghĩa là Hoa Kỳ có khả năng tránh được các biện pháp ăn miếng trả miếng từ
Trung Quốc, vì họ cũng không muốn xây dựng hình ảnh mang đầy tính nhà nước chủ
nghĩa (statism) hay chủ nghĩa dân tộc. Cho dù là Trung Quốc hay Mỹ, chủ nghĩa
dân tộc bài ngoại nhiều khả năng sẽ xua đuổi hơn là thu hút sự ủng hộ toàn cầu.
“Nước Mỹ trên hết” và khuynh hướng da trắng thượng đẳng trong chính trị Hoa Kỳ
là gót chân Achilles của một trật tự quốc tế tự do, thứ trật tự được coi là tiền
đề cho vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Washington
nên áp dụng một chiến lược bất đối xứng: củng cố nền dân chủ tự do và tránh các
khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Bắc Kinh.
Điều đặc biệt quan trọng
là các nhà phân tích phải chú ý đến những cuộc tranh chấp (lợi ích) trong nước ở
Trung Quốc, ở tất cả các cấp, ngay cả khi các cuộc tranh chấp này không diễn ra
theo các quan niệm truyền thống như tả khuynh – hữu khuynh hoặc trung ương – địa
phương [5]. Có rất nhiều quan điểm trong lòng Trung
Quốc, một số người lên tiếng ủng hộ một nỗ lực mạnh bạo hơn để tuyên bố và thúc
đẩy mô hình Trung Quốc, những người khác thì cho rằng sự thành công của Trung
Quốc nhờ vào việc mở cửa thị trường và các doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn là
các nỗ lực do nhà nước chỉ đạo.
Khi xây dựng chính sách của
Hoa Kỳ để ngăn chặn hoặc cạnh tranh với Trung Quốc, các nhà phân tích phải nhận
thức được rằng các mối tương tác quốc tế, cùng với các năng lực đang thay đổi
(của Trung Quốc), là những động lực quan trọng dẫn đến sự thay đổi trong tư duy
chiến lược của Trung Quốc [6]. Để phòng ngừa phiên bản tệ nhất của đại
chiến lược của người Trung Quốc, họ phải cẩn thận để không tạo điều kiện cho
chính khả năng đó xảy ra.
Dưới thời Tập Cận Bình,
chính phủ Trung Quốc đã hung hăng chống lại các mối đe dọa đối với an ninh chế
độ và chủ quyền lãnh thổ ở Tân Cương và Hong Kong, chiến đấu với Ấn Độ dọc theo
vùng biên giới tranh chấp của họ và củng cố các yêu sách của Trung Quốc ở biển
Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng đã cố gắng quảng bá hình ảnh của mình ở
nước ngoài và dọa dẫm những người bất đồng chính kiến (chỉ vì họ được xem là mối
đe dọa đối với ĐCSTQ và các lợi ích quốc gia), đồng thời xâm phạm quyền tự do
ngôn luận ở các nền dân chủ như Hoa Kỳ.
Đây là những mối đe dọa
thực sự đối với các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ, nhưng chúng chưa đạt đến mức
tồn vong, “ngươi sống ta chết” như các quan chức chính quyền Trump mô tả [7]. Mối quan tâm tối cao của ĐCSTQ là an
ninh chế độ – một thế giới an toàn cho chế độ chuyên quyền và một trật tự toàn
cầu thúc đẩy và phản ánh lợi ích của Trung Quốc – chứ không phải phá hủy nền
dân chủ và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới [8].
ĐCSTQ đang nêu gương mình
như một bằng chứng rằng các nước có thể phát triển mà không cần dân chủ hóa,
nhưng Bắc Kinh không muốn xây dựng lại các nước khác theo hình ảnh của chính
mình. Các công ty Trung Quốc đang bán công nghệ giám sát kỹ thuật cao trên khắp
thế giới để thu lợi nhuận, nhưng Bắc Kinh không gây đảo chính (ở các nước
khác), hay trang bị vũ khí cho các phiến quân du kích cộng sản, hoặc xâm lược
và lập ra các chế độ cộng sản trên khắp thế giới [9].
Washington nên đặc biệt
thận trọng để không cho người ta nghĩ rằng chính sách của Mỹ đang cố gắng muốn
thay đổi chế độ Trung Quốc, điều này có thể gây phản tác dụng bằng cách tập hợp
công chúng trong nước xung quanh sự lãnh đạo của Tập Cận Bình thay vì yêu cầu
chính phủ của ông Tập phải giải quyết các vấn đề nghiêm trọng trong nước, như
thất nghiệp, bất bình đẳng và ô nhiễm [10].
Những nỗ lực cố gắng thay
đổi chế độ Trung Quốc cũng có thể khiến các nhà lãnh đạo ĐCSTQ trả đũa theo những
cách tương tự và từ bỏ mọi nỗ lực trấn an những người khác rằng “Chúng tôi
không xuất khẩu ý thức hệ, cũng không có ý định tham gia vào các cuộc cạnh
tranh thể chế”, như Thứ trưởng Ngoại giao Le Yucheng phát biểu vào tháng
09 [11]. Thêm vào đó, việc tước đoạt hình ảnh của
Trung Quốc và chỉ trích gay gắt đối với ĐCSTQ, Bắc Kinh có thể quyết định dùng
sức mạnh của mình để thực hiện những nỗ lực như kiểu người Nga nhằm gieo rắc hỗn
loạn và phá vỡ nền dân chủ Mỹ.
Hoa Kỳ có thể và nên chống
lại những vi phạm tồi tệ nhất của ĐCSTQ, nhưng các nhà hoạch định chính sách của
Hoa Kỳ nên mài dũa những con dao mổ hơn là những vung vẩy những cái búa (hone
scalpels rather than brandish hammers).
Hoa Kỳ nên mài dũa
những con dao mổ hơn là vung vẩy những cái búa. Ảnh : Reuters.
Ví dụ: các biện pháp trừng
phạt rộng rãi đối với sự đàn áp ngày càng tăng của Trung Quốc ở Hong Kong có thể
gây tổn hại cho cư dân của thành phố nhiều hơn chính phủ Trung Quốc, gây thêm sự
bất ổn về tài chính cho việc mất quyền tự trị và tự do (của cư dân thành phố
này). Như cựu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hong Kong Kurt Tong viết, chính sách của
Hoa Kỳ nên nhằm mục đích duy trì và củng cố sức sống của thành phố – đồng thời
đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt trả đũa “không gây hại” cho Hong Kong [12]. Sẽ hữu ích hơn nếu cải thiện các chính
sách tị nạn để giúp những người tị nạn từ Hong Kong, cũng như các sắc tộc thiểu
số bị ngược đãi ở Tân Cương và các nơi khác ở Trung Quốc đại lục, để tái định
cư tại Mỹ [13].
Ở châu Á – Thái Bình Dương,
Washington nên khắt khe và thận trọng hơn những gì mà chính quyền Trump đã làm
về thời điểm và cách thức thực hiện các cuộc tuần tra quân sự cấp cao ở biển
Đông hoặc qua eo biển Đài Loan [14]. Các nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc gây
hấn quân sự của Trung Quốc trong khu vực phải được tiến hành theo những cách mà
giảm thiểu được áp lực trong nước đối với chính phủ Trung Quốc trong việc đáp
trả “các hành động khiêu khích” của Hoa Kỳ, cho dù thông qua các luận điệu gay
gắt hay các hoạt động quân sự.
Washington cũng nên chống
lại các chính sách mang tính dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, chẳng hạn như các
lệnh hạn chế diện rộng và các cuộc điều tra đối với các học giả và sinh viên
Trung Quốc, cho thấy sự thù địch và thậm chí là thù địch chủng tộc đối với bất
kỳ ai mang quốc tịch hoặc gốc Trung Quốc [15].
Đại đa số lưu học sinh
Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, cơ khí và toán học (STEM –
Science, technology, engineering, and mathematics) đều muốn ở lại Mỹ [16]. Và họ đóng góp to lớn cho những nghiên
cứu và sự cách tân của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong các công nghệ tiên tiến định
hình tương lai [17]. Đối với các cá nhân bị nghi ngờ là gián
điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ, chính phủ Hoa Kỳ nên đáp trả bằng các chính
sách tương xứng và có mục tiêu hơn là “Sáng kiến Trung Quốc” (China Initiative)
của chính quyền Trump hoặc việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở
Houston [18]. Các nỗ lực nhằm giải quyết các rủi ro của
ứng dụng truyền thông xã hội và công nghệ do Trung Quốc sản xuất tại Hoa Kỳ nên
được đưa vào các biện pháp rộng hơn để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu
cá nhân, bất kể quốc gia xuất xứ của công ty đó là gì [19].
Xác định đúng mức mối đe
dọa Trung Quốc có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ có thể và
phải đáp trả theo những cách tăng cường các giá trị và thể chế tự do, chứ không
làm xói mòn chúng. Một chiến lược dựa trên sự ăn miếng trả miếng đã nhường quyền
chủ động cho Bắc Kinh và có nguy cơ trở thành một cuộc chơi “khô máu” – hy sinh
chính sự cởi mở và chủ nghĩa tự do mà chính sách của Hoa Kỳ hướng tới và bảo vệ.
Đặc biệt trong các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có lợi thế so sánh: giáo dục, sáng tạo
công nghệ và nghiên cứu khoa học – Washington nên tránh đối phó với Trung Quốc
bằng cách bắt chước lối hành xử của Trung Quốc (out-China China)[20];
Các nhà hoạch định chính
sách của Hoa Kỳ cũng nên cẩn thận rằng những nỗ lực trừng phạt Trung Quốc nhân
danh sự có đi có lại gây tổn hại nhiều hơn là giúp ích cho các giá trị và lợi
ích của Hoa Kỳ – có nguy cơ trở thành một “chiến thắng kiểu Pyrros” (Pyrrhic
victory – chiến thắng nhưng bị tổn thất nghiêm trọng gần bằng phe thất bại) [21].
Trên phạm vi toàn cầu, điều
cay đắng là nhiều tổ chức hiện tại không được trang bị đầy đủ để giải quyết những
vấn đề cấp bách mà chúng ta đang đối mặt ngày nay. Thay vì nhường lĩnh vực này
cho Trung Quốc như chính quyền Trump đã làm, Hoa Kỳ phải dẫn đầu các cuộc thảo
luận về cách thức cải cách các thiết chế này để phù hợp với những hoàn cảnh và
thách thức đang thay đổi của thế kỷ 21. Và sự tham gia của Trung Quốc vào các
khuôn khổ quốc tế để chống lại đại dịch và giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ là cần
thiết để giải quyết những mối đe dọa sinh tử này [22].
Phản ứng tốt nhất của
Washington đối với một Trung Quốc ngày càng ngả theo chủ nghĩa dân tộc và độc
tài là áp dụng một cách tiếp cận bất đối xứng. Điều này có nghĩa là làm sống lại
các quan hệ đối tác và các thể chế quốc tế từ lâu đã trở thành dấu ấn của sự lãnh
đạo của nước Mỹ – không phải để kiềm chế Trung Quốc, mà để định hình các tính
toán của họ ở châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Điều này có nghĩa là
tái đầu tư vào sự cởi mở và năng động của xã hội Hoa Kỳ, đồng thời duy trì các
giá trị và thể chế dân chủ— bắt đầu ngay tại nước Mỹ. Nếu không tái sinh chủ
nghĩa tự do trong nước, Hoa Kỳ sẽ không thể định hình lại một trật tự tự do ở
nước ngoài.
Chú thích
[1] Ryan Hass, “Clouded Thinking in Washington and Beijing on COVID-19 Crisis,”
Brookings (blog), May 4, 2020.
[2] Jessica Chen Weiss, “How Coronavirus Changes the Political Outlook in China and the
U.S.” Washington Post, April 23, 2020; “Exclusive: Internal Chinese Report Warns Beijing Faces
Tiananmen-like Global Backlash over Virus.” Reuters, May 4, 2020.
[3] State Councilor and Foreign Minister Wang Yi, July 9,
2020; Vice Foreign Minister Le Yucheng. “牢牢把握中美关系 展的正确方向,” 人民网, September 7, 2020,
Accessed September 8, 2020; Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian, “外交部:中国从不‘输出’中国模式,也从未要求‘抄作业,’”人民网,
April 9, 2020, Accessed April 11, 2020.
[4] “Xi Focus: Xi Stresses Carrying Forward Great Spirit of
Resisting Aggression,” Xinhua, September 4, 2020, September 7, 2020.
[5] Jason Yuyan Wu, “Categorical Confusion:
Ideological Labels in China,” Working paper.
[6] Xem Goldstein, “China’s Grand Strategy
under Xi Jinping.”
[7] Xem ví dụ, Ngoại trưởng Mỹ Michael
Pompeo, “Communist China and the Free World’s Future,” July 23,
2020.
[8] Jessica Chen Weiss, “A World Safe for Autocracy?” Foreign Affairs, July/August
2019.
[9] Michael McFaul, “Xi Jinping Is Not Stalin: How a Lazy Historical Analogy
Derailed Washington’s China Strategy,” Foreign Affairs, August 10, 2020.
[10] Phần này phát triển các khuyến nghị
trong Jessica Chen Weiss và Ali Wyne, “America, Don’t Try to Out-China China,” The New York Times,
September 2, 2020, sec. Opinion.
[11] “牢牢把握中美关系发展的正确方向(人民要论),” 人民网,
September 7, 2020, Accessed September 8, 2020.
[12] Kurt Tong, “Do No Harm in Hong Kong,” Foreign Affairs, August 18, 2020.
[13] Alex Ward, “5 Real Steps the US Could Take to Help Uighurs in China,”
Vox, July 28, 2020; Peterson, James Millward and Dahlia, “China’s System of Oppression in Xinjiang: How It Developed and
How to Curb It,” Brookings (blog), September 14, 2020.
[14] Reuters, “U.S. Warship Transits Taiwan Strait for Second Time in Two
Weeks,” August 31, 2020, Accessed September 19, 2020.
[15] Jennifer Pan and Yiqing Xu, “Trump-Era Racist Rhetoric Makes Chinese Students in the U.S.
Less Supportive of Democracy,” Washington Post, July 17, 2020, Accessed
September 19, 2020.
[16] Remco Zwetsloot, “Sen. Tom Cotton Suggested Chinese STEM Students Head Home after
Studying in the U.S. The Research Shows Otherwise,” Washington Post, April
28, 2020, Accessed September 19, 2020.
[17] Paul Mozur and Cade Metz, “A U.S. Secret Weapon in A.I.: Chinese Talent,” The New York
Times, June 9, 2020.
[18] Margaret K. Lewis, “Criminalizing China,”
Journal of Criminal Law and Criminology 111, no. 1 (August 25, 2020), Seton
Hall Public Law Research Paper Forthcoming; Jessica Chen Weiss and Elizabeth N.
Saunders, “Four Things to Know about the U.S. Decision to Close the Chinese
Consulate in Houston,” Washington Post, July 23, 2020, Accessed September
19, 2020.
[19] Samm Sacks, “Banning TikTok Is a Terrible Idea,” SupChina, July 16,
2020.
[20]Dobbins, James and Ali Wyne. “The US Can’t ‘out-China’ China.” The Hill, December 30,
2018.
[21] Jessica Chen Weiss, “No ‘Beijing Consensus’: Why the U.S. Risks a Pyrrhic Victory in
Confronting China,” SupChina, June 29, 2020.
[22] Jeff D. Colgan, “The Climate Case Against Decoupling,” Foreign Affairs,
September 14, 2020.
No comments:
Post a Comment