Chính
phủ Pháp lúng túng trước bạo lực cảnh sát
Thanh
Hà -
RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 28/11/2020
- 08:09
Bạo lực của cảnh sát đặt chính phủ Pháp vào thế
khó xử; Thần tượng bóng đá Maradona ra đi, Cuba mất đi một người bạn
trung thành; Ngành hàng không thế giới siết chặt các biện pháp săn lùng
virus corona. Tạp chí của RFI hôm nay đưa quý thính giả đi một vòng thế giới
với điểm xuất hành là thủ đô Paris.
Trong một tuần lễ, hình ảnh
của cảnh sát Pháp tuột dốc không phanh. Thủ tướng Jean Castex, rồi bộ trưởng Nội
Vụ Gérald Darmanin thay phiên nhau phát biểu trên đài truyền hình, giải thích về
những vụ cảnh sát sử dụng vũ lực quá đáng.
Dồn dập ba vụ tai
tiếng trong tuần
Vụ một nhà báo bị tạm
giam trong đêm 24/11/2020 khi đi làm phóng sự về một cuộc biểu tình chống hạn
chế quyền tự do báo chí chưa dứt, thì đến lượt hình ảnh người nhập cư bị cảnh
sát đánh đập trong chiến dịch tháo dỡ lều trại của những con người khốn khổ này
ở Quảng Trường Cộng Hòa ( Place de la République ) trong đêm Thứ Hai
23/11/2020 khiến dư luận càng công phẫn. Từ chính giới cho đến các nhà bảo vệ
nhân quyền đều lên án cảnh sát Pháp tự cho mình cái quyền đứng trên pháp luật.
Hai vụ tai tiếng nói trên
diễn ra vào lúc Hạ Viện Pháp vừa thông qua dự luật « an ninh toàn diện »
có nguy cơ đe dọa quyền tự do thông tin. Chính phủ chưa dập tắt được « các
đám cháy » này thì đã bị lôi vào vòng xoáy của một vụ tai tiếng thứ ba :
trong ngày 26/11/2020, một đoạn video đã được phát tán rộng rãi, có ít nhất 12
triệu lượt người xem, cho thấy một người da đen bị bốn viên cảnh sát da trắng
bao vây, đánh hội đồng không thương tiếc trong nhiều phút đồng hồ. Nạn nhân là
một nhà sản xuất âm nhạc, bị cảnh sát tấn công ngay trước phòng thu âm. May mắn
thay cho anh ta là vụ việc xảy ra tại nơi có trang bị camera, tất cả đã được
thu vào ống kính.
Những hình ảnh này khiến
công luận liên tưởng đến vụ người Mỹ da đen George Floyd bị ghì cổ đến chết ở
Minneapolis hồi tháng 5/2020. Vụ cuối cùng này nghiêm trọng đến nỗi chính phủ
và đảng cầm quyền phải xử lý cấp bách, nghiêm ngặt trừng trị những viên cảnh
sát lạm quyền trước khi hồ sơ nhạy cảm này trở thành một « quả bom nổ chậm,
với những tác động vuột khỏi tầm kiểm soát ».
Nhưng không chỉ có chính
giới hay các nhà bảo vệ nhân quyền rúng động trước những vụ bạo hành liên tiếp
của cảnh sát Pháp. Giới thể thao Pháp, đặc biệt là những ngôi sao bóng đá, vốn
rất ít khi dấn thân, nay đã buộc phải lên tiếng.
Kylian Mbappé, tiền đạo đội tuyển quốc gia Pháp và ngôi sao sáng của Paris Saint
Germain, trên mạng Intagram, lên án một vụ bạo hành « không thể chấp nhận
được », trước khi kết luận : « Nước Pháp của tôi có những giá trị
và nguyên tắc và luật lệ. Phải chấm dứt nạn kỳ thị ». Trước đó một gương mặt
quen thuộc khác trong làng bóng thế giới là Antoine Griezmann viết trên
Twitter: « Đau đớn cho nước Pháp của tôi ». Vô địch bóng đá thế giới
2018, cầu thủ Samuel Umtiti, chia sẻ đoạn video cho thấy một nhà sản xuất nhạc
da đen bị cảnh sát thẳng tay đánh đập bên dưới là hàng chữ « Con người có
thể có những hành động phi nhân bản ».
Trong làng bóng rổ, ngôi
sao Pháp Rudy Gobert, chơi trong giải quốc gia nhà nghề NBA của Mỹ, cho rằng
báo giới phải được tự do tác nghiệp, được quyền thu hình cảnh sát khi họ thi
hành công vụ để « có những hình ảnh tốt đẹp về những người làm việc tốt ».
Ngược lại những kẻ ném đá giấu tay, cho dù là cảnh sát, cũng không thể đứng
trên pháp luật.
Giới phân tích cho rằng,
tới nay rất ít ngôi sao trong làng thể thao Pháp lên tiếng về nạn kỳ thị
hay những bất công xã hội. Lần này việc những tên tuổi hàng đầu dấn thân là một
dấu hiệu cho thấy « tương tự như ở Mỹ, những chủ đề liên quan đến xã
hội không còn là điều cấm kỵ ».
.
Vua bóng đá
Maradona và Fidel Castro chết cùng ngày
Sự kiện thể thao nổi bật
trong tuần là tin cầu thủ Diego Maradona qua đời. Không chỉ có Achentina thương
tiếc ông vua sân cỏ này, mà Cuba cũng vừa mất đi một người bạn lớn, bởi
Maradona ra đi đúng vào ngày giỗ lần thứ tư của lãnh tụ Fidel Castro và sinh thời
hai nhân vật này rất quý mến nhau, như giải thích của thông tín viên Domitille
Piron từ thủ đô La Habana :
« Ngày 25 tháng 11 năm nay, Cuba có đến
hai chuyện buồn, theo như tuyên bố của chủ tịch Miguel Diaz Canel. ‘Bốn
năm trước Fidel Castro tạ thế. Giờ đây đến lượt Maradona ra đi’. Chủ tịch Cuba
tỏ lòng thương tiếc ‘một người bạn trung thực và một thiên tài của làng bóng
đá’.
Quả thực là Maradona đã rất gắn bó với Cuba. Trước hết
tình bạn suốt nhiều năm giữa huyền thoại Achentina này với cố lãnh đạo Cuba.
Maradona thực sự ngưỡng mộ ông Fidel Castro, người mà cầu thủ bóng đá này mệnh
danh là ‘lãnh đạo của một đội ngũ các chính trị gia trên thế giới’. Đây là một
sự gắn bó hai chiều. Vị cha đẻ cuộc cách mạng Cuba cũng rất quý mến danh thủ
Maradona, bởi anh đã lên đến đỉnh cao danh vọng từ hai bàn tay trắng và nhất là
vì Diego Maradona đã đấu tranh vì công bằng trong thế giới thể thao.
Năm 2005, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cùng với
cầu thủ người Achentina, Fidel Castro đã trực tiếp nói với Maradona rằng ‘Tôi
biết cậu rất yêu mến Cuba. Cậu luôn là một người bạn và không bao giờ ân hận về
điều đó. Cậu không bao giờ yếu đuối và đó là điều tôi rất trân trọng’. Do Maradona
nghiện ngập, nên Cuba chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc đời của anh.
Đáp lời Castro, anh nói: ‘Khi cánh cửa của những trung tâm cai nghiện ngay trên
xứ tôi đã đóng chặt, thì Fidel là người mở ra cho tôi những cánh cổng của Cuba.
Tại đây, tôi đã nhận được tình yêu, rất nhiều tình yêu trong cơn hoạn nạn
và đau ốm’.
Thần tượng bóng đá đã sống 4 năm tại Cuba. Maradona
đến đây để điều trị và cai nghiện. Tại thành phố Holgiun chẳng hạn, ngay tại
trung tâm del Cocal, ngôi sao của làng bóng thế giới này đã được chăm sóc rất
chu đáo với cái giá rẻ chỉ bằng ¼ so với ở những nơi khác tại châu Mỹ ».
Hàng không Trung
Quốc và cuộc săn lùng virus corona
Thế giới vẫn chưa thoát
khỏi tai ương Covid-19. Tại Trung Quốc, hôm Thứ Ba 24/11/2020, hơn 500 chuyến
bay đã bị hủy tại phi trường quốc tế Thượng Hải ,do phát hiện nhiều nhân viên của
sân bay dương tính với virus corona. Thượng Hải, với 24 triệu dân, được mệnh
danh là lá phổi kinh tế của Trung Quốc. Là điểm mà đại dịch xuất phát, Trung Quốc
đã ban hành những biện pháp khắt khe nhất thế giới để kiểm soát đà lây
lan của virus corona.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Bắc
Kinh tường trình :
« Máy bay bị chôn chân trên mặt đất, một số
chuyến bay đã phải chuyển hướng, hai tuần sau khi các biện pháp chống dịch tại
các phi trường có hiệu lực. Vào chiều tối Chủ Nhật, cảnh tượng xô đẩy, rối loạn
được trông thấy trên mạng xã hội với những đoạn video cho thấy một nhóm nhân
viên của sân bay gạt một toán người mặc quần áo bảo hộ y tế từ đầu đến chân.
Người ta sợ bị cách ly sau khi chiến dịch xét nghiệm
quy mô được khởi động. Tổng cộng 18.000 người đã được xét nghiệm trong ngày Thứ
Hai vừa qua và kết quả cho thấy một người trong số này nhiễm Covid-19. Đó là một
nhân viên 36 tuổi, làm việc cho hãng chuyên chở FedEx ở khu hàng không vận tải
của phi trường. Nhưng đến sáng hôm sau, có tổng cộng 7 ca dương tính với virus
corona.
Toàn bộ sân bay đã được khử trùng. Các giới chức y tế
không muốn để sót bất kỳ một kẽ hở nào để virus có thể hoành hành trên lãnh thổ
Trung Quốc. Cũng sáng Thứ Ba 24/11 vừa rồi, các trường học ở thủ đô Bắc Kinh
yêu cầu phụ huynh khai báo nếu có lui tới các vùng thuộc diện có mức độ rủi ro
lây nhiễm trung bình và cao ».
Úc : Qantas
đòi hành khách phải chích ngừa Covid-19
Tại Canberra, ngành hàng
không cũng khắt khe không kém. Alan Joyce, chủ tịch tổng giám đốc hãng hàng
không Úc Qantas, ngày 24/11/2020 thông báo: một khi có vac-xin chống Covid-19,
hành khách trên các chuyến bay quốc tế phải có giấy chứng nhận đã chích ngừa.
Là một trong những tập
đoàn hàng không lâu đời nhất và uy tín nhất thế giới, Qantas đã phải cho 8.500
nhân viên nghỉ việc và 200 chiếc máy bay không được hoạt động. Cũng do đại dịch
Covid-19, hàng chục ngàn công dân Úc bị kẹt ở hải ngoại và chính quyền Canberra
chỉ cho phép các kiều dân Úc trở về nước một cách « nhỏ giọt ». Thông
tín viên đài RFI từ Sydney, Grégory Pless trình bày :
« Cấm lên máy bay nếu chưa chích ngừa. Đây là một
thông báo gây sốc của chủ tập đoàn hàng không Qantas. Ông đòi hành khách trên
các chuyến bay quốc tế phải có giấy chứng nhận đã chích ngừa một khi vac-xin được
phố biến. Alan Joyce nói: ‘Tôi đã thảo luận với đồng nghiệp của các tập đoàn
hàng không khác trên thế giới và theo tôi biện pháp này sẽ dần dần được phổ biến.
Chúng tôi đang quan sát xem có thể nào sử dụng passeport điện tử với giấy chứng
nhận đã chích ngừa’.
Tuy nhiên, không chắc Úc sẽ là nơi đầu tiên thi hành
biện pháp này. Từ tháng 3/2020 Canberra vẫn đóng cửa biên giới. Không một người
nước ngoài nào được đặt chân đến Úc và kể cả các công dân Úc cũng không thể trở
về nguyên quán hay xuất ngoại. Chế độ khắc nghiệt này đã giúp Canberra kiểm
soát được đà lây nhiễm của siêu vi corona chủng mới. Úc sẽ tiếp tục đóng cửa
biên giới trong một thời gian dài vào năm 2021 ».
No comments:
Post a Comment