Vì sao Donald Trump lên được vị trí tổng thống Mỹ ?
26/11/20
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/19708-vi-sao-donald-trump-len-du-c-v-tri-t-ng-th-ng-m
Những ngày vừa qua, trước
và sau ngày 3/11 đến nay có thể xem là quãng thời gian mang lại nhiều cảm xúc
nhất cho một kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, không hẳn vì sự kịch tính của nó mà vì một
nhân vật độc lạ: “Donald Trump, đương kim Tổng thống Mỹ”. Chiến thắng của
ông Trump năm 2016 đã là một bất ngờ thì cuộc bầu cử lần này, với những gì đang
xảy ra, gây cho nhiều người cảm giác kinh ngạc, số ít hơn ở trong trạng thái
bàng hoàng. Đã không có ít người đi tìm lời đáp cho câu hỏi: “Vì sao một người
như Donald Trump lên được vị trí Tổng thống Mỹ?”.
Trên cương vị một tổng thống,
vốn đòi hỏi đức tính tử tế và chính trực, Trump chỉ phơi bày sự ấu trĩ và dối
trá, điều này khiến những người có lương tri và tôn trọng sự thật không thể ngồi
yên. Ngày càng nhiều những kênh tổng hợp, các trang thông tin cũng như nhiều
nhóm thảo luận xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thậm
chí có những trang được hỗ trợ bởi các dự án bảo vệ sự thật khách quan…đã lên
tiếng mạnh mẽ để chống lại những thông tin sai lệch từ vị Tổng thống bất thường
này.
Chiến thắng của ông Joe
Biden trong cuộc bầu cử vừa qua, ít nhất về mặt ý nghĩa trong cộng đồng người
Việt, có đóng góp không nhỏ từ những kênh thông tin và nhóm thảo luận đó.
Cuộc bầu cử lần này đã trở
thành một diễn đàn mà ở đó, câu hỏi đặt ra là Trump có được tín nhiệm để tiếp tục
làm Tổng thống Mỹ hay không? Câu hỏi cùng với câu trả lời đưa đến một bức tranh
với hai thái cực khác biệt: “Ủng hộ Trump và chống Trump”. Nhiều người bỏ phiếu
cho Joe Biden để loại bỏ Trump (vote him out) chứ không hẳn quan tâm đến những
chính sách hay ủng hộ cá nhân ông Biden.
Có lẽ là chưa bao giờ như
lần này, nước Mỹ đã có một sự đồng thuận lớn đến từ nhiều thành phần khác nhau
trong xã hội, mà chỉ với một mục đích là ủng hộ Joe Biden để ngăn Donald Trump
thắng cử. Những thành phần này đa dạng, từ những người dân có lương tri xuất
thân từ mọi thành phần trong xã hội; họ là những đảng viên Cộng Hòa; là những tổ
chức khoa học lâu đời và uy tín chưa bao giờ lên tiếng ủng hộ bất kỳ ứng viên tổng
thống nào; là những tướng cấp cao trong quân đội đã về hưu; là số đông những
người thầm lặng vốn ít đi bầu cử…Donald Trump đã thật sự là một hiện tượng, một
vấn nạn tai hại đến mức tất cả phải lên tiếng để ngăn chặn, nhằm cứu vãn và khắc
phục những hậu quả do Donald Trump gây ra.
Chiến thắng đã đến với
Joe Biden nhưng có một sự thật chúng ta cần nhìn nhận: Từ khi Donald Trump bắt
đầu nhiệm kỳ năm 2017 cho đến nay, tất cả mọi người đã luôn ở trong thế bị động
trước những hậu quả do ông ta gây ra. Người Mỹ chỉ bừng tỉnh khi ông ta đắc cử
năm 2016 và rồi luôn chạy theo sau để chống đỡ. Vậy, người dân Mỹ có cảm thấy mệt
mỏi nhưng an tâm vì Donald Trump đã thua không? Nếu có thì họ chưa tìm ra được
lời giải cho một câu hỏi bị lãng quên 4 năm qua: “Vì sao một người như
Donald Trump lên được vị trí Tổng thống Mỹ?”.
Nhiệm kỳ của Trump chuẩn
bị khép lại, tương lai của ông ta là tăm tối với nhiều vụ kiện đang chờ đón sau
ngày 20/1, vì vậy, tìm ra đáp án cho câu hỏi trên không nhằm ngăn chặn Donald
Trump trở lại mà là để đi tìm nguyên nhân đưa đến thảm họa Trump, một thảm họa
như vậy sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều nếu xảy ra ở Việt Nam. Hãy bừng tỉnh cho
chính đất nước Việt Nam dân chủ trong tương lai!
Nước Mỹ vẫn vĩ đại, vẫn
giàu có và đang hùng mạnh nhất hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba
đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, các rào cản kỹ thuật trong giao thương dần được
xóa bỏ tạo điều kiện cho các trao đổi thương mại tăng tốc. Những năm thập niên
50 của thế kỷ 20, Mỹ với vị thế siêu cường về mọi mặt thay vì chuẩn bị tư tưởng
và viễn kiến để đón đầu những đổi thay dồn dập thì giới chính trị truyền thống
Mỹ đã đánh cược mọi vấn đề của xã hội vào chủ nghĩa tự do. Điều này đưa đến một
xã hội Mỹ xem thành công về kinh tế là thước đo cho nhiều chuẩn mực, còn trên cả
các giá trị đạo đức.
Thế giới hiện nay vẫn chỉ
là một thế giới văn minh chớm nở, nước Mỹ không ngoại lệ dù là quốc gia phát
triển nhất. Chủ nghĩa tự do thái quá, không đặt ưu tư vấn đề công bằng và liên
đới xã hội nên chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội gia tăng là hệ quả tất
yếu. Cái xấu luôn cần môi trường phù hợp để bộc lộ và nền chính trị Mỹ là sân
khấu không thể tốt hơn để một người mang nặng chủ nghĩa dân tuý như Donald
Trump xuất hiện và độc diễn.
Mỹ là quốc gia duy nhất
mà thể chế chính trị “tổng thống chế” tương đối thành công, tuy nhiên chính thể
chế này cùng xu hướng xã hội thay đổi do tác động của chủ nghĩa phóng khoáng đã
khiến nền chính trị Mỹ suy đồi. Vị trí tổng thống được dân bầu lên với nhiều
quyền lực chỉ bằng sức thu hút của cá nhân đã làm vai trò của các chính đảng bị
xem nhẹ, tệ hại hơn, không được người dân quan tâm. Người dân quan tâm đến hình
ảnh nổi bật và sức thu hút từ hình tượng của các ứng viên tổng thống hơn là kế
hoạch hành động của họ, những buổi tranh luận trước ngày bầu cử chỉ là những buổi
đấu tố nhau thay vì trình bày chính sách, người dân cảm thấy không được tôn trọng
và sinh ra chán nản.
Tổng thống Mỹ rất khó bị
phế truất khiến những sai trái của tổng thống trở thành sự chịu đựng trong bức
bối của người dân, nhiệm kỳ 4 năm của Donald Trump kéo dài trong căng thẳng là
hình ảnh rõ nét nhất.
Là một bậc thầy trong việc
nắm bắt tâm lý của quần chúng, Donald Trump bước vào vũ đài chính trị với một
hình ảnh thu hút, một tỷ phú và là ngôi sao truyền hình đầy cảm hứng, Trump
luôn nói ra một cách mạnh mẽ tiếng nói của tầng lớp bất mãn trong xã hội, tầng
lớp bị tụt lại trong vòng xoáy của “kinh tế trên hết”. Hình ảnh tỷ phú nói lên
tiếng nói của chính họ đã cho những người bất mãn một hình mẫu của thành công,
hoặc chí ít là hy vọng về một thay đổi mà ông ta đại diện cho họ; những giá trị
đạo đức đã không còn được xem trọng trong nhân sinh quan của những người ủng hộ
Trump bởi thành công là thước đo cho tất cả. Con số 73 triệu cử tri tiếp tục bầu
cho Donald Trump (cao thứ hai trong lịch sử, chỉ thua chính đối thủ Joe Biden
trong cuộc bầu cử 2020) là một thực tế buồn và đáng báo động.
Thực tế đó đưa đến hai vấn
đề cần cảnh giác: Một là, số lượng người dân bất mãn trong xã hội Mỹ rất lớn,
đáng báo động; Hai là, hệ lụy từ nhận thức xem “chính trị là thủ đoạn” đã đến mức
văn hóa chính trị trở nên bệnh hoạn, chuẩn mực đạo đức và dân trí của người dân
Mỹ đã xuống rất thấp.
Qua cuộc bầu cử năm nay,
hơn ai hết, giới chính trị Mỹ cần phải dứt khoát thay đổi về tư tưởng để kịp thời
xây dựng lại một nước Mỹ giảm nhẹ bất bình đẳng và chú trọng liên đới xã hội.
Xã hội dân chủ có ưu điểm tự chữa lành những sai lầm khi chệch hướng. Dù tồn tại
nhiều khiếm khuyết do di sản khách quan từ những ngày đầu lập quốc, Mỹ vẫn là
quốc gia dân chủ lớn mạnh, người dân Mỹ hưởng tự do dân chủ hàng trăm năm vững
chắc với sự kế thừa của nhiều thế hệ các nhà tư tưởng lớn.
Trong thế giới toàn cầu
hóa ngày càng mạnh mẽ với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, hệ thống
truyền thông, mạng xã hội đã là tác nhân đẩy mạnh các thành quả khoa học cũng
như các mặt trái của nó. Tiếp nhận và phát huy những thành quả toàn cầu hóa để
chuyển hóa thành giá trị hữu ích đòi hỏi những nền tảng vững mạnh của một xã hội
dân chủ. Ở chiều ngược lại, đón nhận những mặt trái của nó đơn giản chỉ cần yếu
tố tâm lý trong bối cảnh đạo đức và dân trí xuống cấp.
Các nước phương Tây với nền
tảng dân chủ tự do luôn là chuẩn mực về những giá trị đạo đức và văn hóa chính
trị. Sống trong bầu không khí tự do dân chủ đó, người dân có đủ nhận thức để cảnh
giác trước những biểu hiện và xu hướng độc hại, họ rất khó bị chia rẽ và dễ
dàng có cùng một nhận thức về hiện tượng Donald Trump.
Việt Nam trái lại, là một
quốc gia chưa bao giờ có dân chủ, người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống
trong xã hội tự do dân chủ. Lịch sử chiến tranh và nội chiến liên miên cùng ảnh
hưởng nặng nề cả ngàn năm của văn hóa Khổng Nho đã khiến chúng ta không những
thiếu vắng tư tưởng chính trị mà còn hình thành một tâm lý xã hội độc hại. Chiến
thắng của chế độ cộng sản ở miền Bắc rồi áp đặt chế độ độc tài lên toàn bộ lãnh
thổ không những kéo lùi sự tụt hậu của quốc gia trên mọi bình diện mà hệ quả của
nó còn làm trầm trọng hơn sự độc hại của văn hoá và tâm lý người Việt. Cùng với
đó, sự xuống cấp của các chuẩn mực đạo đức khiến đông đảo những người Việt cả
trong lẫn ngoài nước không thể nhận thức được sự tai hại của hiện tượng Donald
Trump. Hệ quả, người Việt đã là dân tộc hiếm hoi chia rẽ nhau trầm trọng chỉ vì
Donald Trump, rất nhiều người đã ủng hộ Trump trong đó có cả các trí thức nhân
sĩ đấu tranh cho dân chủ. Trách nhiệm của các nhân sĩ trí thức trong cơn mê cuồng
sùng bái Trump là rất lớn, họ đã gây ra nhiều ngộ nhận cho chính họ và người
dân qua những thông tin sai lệch thiếu kiểm chứng, thậm chí không kiểm chứng.
Trong hoàn cảnh bi đát
này, người Việt phải nhận thức được thảm cảnh thua kém về mọi mặt, không những
về hiện trạng đất nước mà còn về nhận thức người Việt. Chúng ta đã là phần tụt
hậu đáng xấu hổ trên bản đồ thế giới về tất cả mọi mặt. Trong nỗ lực xây dựng lại
đất nước cần dứt khoát từ bỏ những độc hại đã được nhận diện để hướng về quan
điểm đúng đắn:
- Chính trị là việc
chung, là đạo đức ứng dụng vào trong cuộn sống và xã hội. Người hoạt động
chính trị phải xem đạo đức là nền tảng và giá trị cao nhất để không còn cơ hội
cho những người vô đạo đức như Donald Trump, người xem chính trị là thủ đoạn,
bước chân vào lĩnh vực chính trị.
- Dứt khoát từ bỏ
chế độ “tổng thống chế”. Thể chế chính trị cho Việt Nam phải là “thể
chế Đại nghị”, là thể chế dân chủ và ổn vững nhất. Trong thể chế Đại nghị, cá
nhân lãnh đạo chỉ cần phạm sai lầm hoặc biểu hiện tha hóa về đạo đức là lập tức
bị phế truất mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt quốc gia.
- Những rạn nứt trong
lòng xã hội Mỹ cần một cố gắng hòa giải và thực tâm qua nhiều giai đoạn. Người
Việt cần nhiều nỗ lực hơn gấp nhiều lần trong một hoàn cảnh tồi tệ hơn người Mỹ. Sự
chia rẽ là thách thức vô cùng lớn cho Việt Nam, nếu chúng ta không nhận diện và
bắt đầu ngay từ bây giờ thì tương lai sẽ vô cùng tăm tối.
Ba quan điểm trên là một
phần trong những nhận định và giải pháp mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã
trình bày trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Tự do dân chủ là mẫu số
chung, là những chuẩn mực đưa đến một quốc gia ổn vững và phát triển. Việt Nam
tụt hậu là một thiệt thòi lớn nhưng phải dũng cảm nhận ra những sai lầm của các
nước dân chủ đi trước. Hành trang bước vào kỷ nguyên mới là cần rút ra những
bài học đã được nhận diện để đất nước tránh đi vào vết xe đổ.
Hy vọng lớn lao cho tương
lai Việt Nam chúng ta là sự xuất hiện và đang trưởng thành của tầng lớp trí thức
chính trị trẻ, ít bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng độc hại, là những người có kiến
thức và hiểu biết thật sự về chính trị. Cùng với đó là một cố gắng hòa giải để
họ có thể đứng cùng nhau trong một tổ chức có dự án chính trị đúng đắn. Có đồng
thuận dân tộc chúng ta sẽ có quyền hướng tới một chổ đứng xứng đáng trong bản đồ
văn minh nhân loại.
Kỷ Nguyên
(26/11/2020)
No comments:
Post a Comment