Friday, 27 November 2020

DONALD TRUMP, NẠN NHÂN CỦA CHÍNH MÌNH (Võ Ngọc Ánh)

 


Donald Trump, nạn nhân của chính mình

Võ Ngọc Ánh

27/11/2020

https://baotiengdan.com/2020/11/27/donald-trump-nan-nhan-cua-chinh-minh/

 

Donald Trump, người đặt cái tôi cá nhân trên hết, gây chia rẽ để lãnh đạo. Đặc biệt qua việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và phong trào “Black Lives Matter”, thường xuyên nói dối, sỉ nhục người khác, đã khiến Donald Trump phải rời Nhà Trắng sau một nhiệm kỳ.

 

Việc kiểm phiếu đến tuần này cơ bản đã hoàn tất, phần thắng thuộc về Joe Biden đã rõ ràng.  Donald Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại, dù ông đã có mở lối cho việc chuyển giao.

 

Việc kiện tụng của đội ngũ đương kim Tổng thống về bầu cử vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhưng nhiều người sống ở Mỹ chẳng ngạc nhiên về điều này, vì trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố, ông chỉ thua khi bầu cử có gian lận.

 

Đảng Dân Chủ vẫn “bình chân như vại”. Bởi họ tin vào hệ thống bầu cử ở Mỹ khó đưa đến gian lận có hệ thống và đã có sự chuẩn bị.

 

Dù cố vùng vẫy, cuối cùng đương kim chủ nhân Nhà Trắng vẫn sẽ phải rời vị trí trong ngày 20/1/2021.

 

 

Vụng về trong Covid-19 và phong trào “Black Lives Matter”

 

Thoát việc luận tội vào đầu tháng 2 năm nay, Donald Trump đầy tự tin sẽ tại vị ở Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, con virus Covid-19 xuất hiện từ Vũ Hán đã giáng ‘một đòn’ chí tử vào sự ngạo mạn của Donald Trump.

 

Nước Mỹ với tiềm lực kinh tế, công nghệ, khoa học – kỹ thuật, cơ sở vật chất… số một thế giới, nhưng nhanh chóng bị con virus Covid-19 tấn công, đánh tan tác. Sự thất bại của nước Mỹ trước Covid-19, có nguyên nhân chính từ cách ứng phó tồi tệ của đương kim Tổng thống thứ 45.

 

Đánh giá thấp Covid-19, Donald Trump xem căn bệnh cả thể giới đang lo sợ “như cúm mùa”, “sẽ tự biến mất”. Tổng thống tranh cãi với các thống đốc nhiều tiểu bang, chống lại các biện pháp đeo khẩu trang, giãn cách xã hội để hạn chế lây lan, v.v…

 

Đã không ít lần Donald Trump nói ngược với tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, được nhiều đời tổng thống, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, tín nhiệm.

 

Chủ nhân Nhà Trắng còn đặt niềm tin vội vã vào thuốc Hydroxychloroquine như thần dược điều trị Covid-19. Cách giới thiệu thuốc trị Covid của đương kim Tổng thống giống gánh sơn đông mãi võ bán thuốc, hơn là nguyên thủ quốc gia.

 

Donald Trump chọn cách xử lý dịch bệnh phản khoa học để tìm cái lợi trước mắt cho ông về kinh tế, tạo thuận lợi trong bầu cử tổng thống. Hậu quả, nước Mỹ trong hơn tám tháng qua luôn đứng đầu thế giới về số người nhiễm, số người chết vì Covid-19.

 

Covid vẫn hoành hành, nước Mỹ lại thêm biểu tình ở nhiều nơi sau cái chết của George Floyd hồi cuối tháng 5. Một người da đen chết dưới tay của viên cảnh sát da trắng, đã làm bùng nổ sự mâu thuẫn sẵn có về sắc tộc. Hàng chục cuộc biểu tình xảy ra nhiều thành phố trên nước Mỹ.

 

Lời phát biểu, cùng những dòng tweet của Donald Trump khiến nhiều người hiểu rằng, ông ta cho rằng tất cả người biểu tình là bạo loạn, khủng bố nội địa. Thay vì cảm thông, đưa ra những thông điệp đoàn kết để dập tắt sự bùng phát, đương kim Tổng thống lại đổ thêm dầu vào ‘đám cháy’ của những người biểu tình đang giận dữ.

 

Với cương vị Tổng thống, Donald Trump đang nắm chìa khóa mở cánh cửa vào hòa giải quốc gia, ghi điểm cho chính mình, nhưng ông ta đã tự tay quăng nó đi. Điều này có thể xuất phát từ tâm tính gây chia rẽ, kích động số da trắng thượng đẳng và cách thức gây chia rẽ để lên vị trí lãnh đạo quốc gia của ông.

 

Xem người biểu tình của phong trào “Black lives Matter” là bạo loạn, khủng bố nội địa, Tổng thống thứ 45 của Mỹ đe dọa điều động quân đội để đàn áp người biểu tình. Hành động này không chỉ phản cảm trong xã hội Mỹ, mà còn tạo ra mâu thuẫn với quân đội.

Mark Esper, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, đã không làm theo sự lạm dụng quyền lực và đi ngược lại truyền thống lâu đời của quân đội Hoa Kỳ, đó là điều động quân đội dẹp biểu tình của Tổng thống.

 

Cách ứng phó vụng về với Covid-19 và phong trào “Black Lives Matter” của Donald Trump là nguyên nhân lớn nhất, khiến chủ nhân Nhà Trắng rơi điểm.

 

 

Donald Trump chỉ lo cho bản thân trên hết

 

Cùng với hàng loạt sự kiện, dữ liệu khác về chủ nhân Nhà Trắng, một “người mắc chứng bệnh vĩ cuồng” (narcissist) mà người quan sát có dịp chứng kiến trong bốn năm qua.

Donald Trump bị ám ảnh, bản thân phải luôn hơn người khác, ông ta bất chấp lịch sự, văn minh, sự tôn trọng, để hạ thấp hay sĩ nhục bất kỳ ai gây khó chịu cho mình. Trump luôn sẵn sàng phun ra bất kỳ từ ngữ nào để tìm cái lợi trước mắt cho chính mình. Nhưng ông ta “tính già lại hóa non” qua kết quả cuộc bầu cử vừa rồi.

 

Sự thất bại trong bầu cử vừa qua của đảng Cộng Hòa tại bang Arizona, vốn là thành trì của đảng Cộng Hòa, có nguyên nhân không nhỏ từ cái miệng của Donald Trump, đã không ít lần chê bai, xúc phạm đến cố thượng nghị sĩ John McCain, anh hùng của nước Mỹ và là niềm tự hào của tiểu bang Arizona.

 

Donald Trump điều hành chính phủ chẳng khác một ông vua, hoặc một thủ lĩnh độc tài. Ngày 17/11, chủ nhân Nhà Trắng lại sa thải Chris Krebs, Giám đốc An ninh mạng thuộc Bộ Nội An. Lý do, ông Chris Krebs đã khẳng định cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử. Điều này trái ngược với hàng loạt cáo buộc thiếu căn cứ của Trump.

 

Vụ sa thải này cũng như hàng chục vụ sa thải trước đó vì họ không làm cho Tổng thống Mỹ thứ 45 hài lòng, chứ không phải họ làm việc không hiệu quả cho nước Mỹ.

 

Việc sa thải của Trump cũng thiếu đi một sự nghiêm túc, khi được Trump thông báo bằng những dòng tweet, thay cho một văn bản hành chính.

 

Chưa có chính phủ Mỹ nào thay đổi nhân sự nhiều như chính quyền Trump đã làm trong bốn năm qua, chỉ để phục vụ mỗi mình ông Tổng thống. Điều này khiến nhiều người Mỹ phải đặt câu hỏi, “nước Mỹ trên hết” hay “Donald Trump trên hết”?

 

Khác với nhiều Tổng thống Mỹ, Donald Trump nhất quyết không công khai hồ sơ thuế của mình, điều này càng đặt nhiều nghi vấn vào sự trung thực của Trump, khiến nhiều người Mỹ nghĩ, Trump không thể công khai hồ sơ thuế vì không muốn tự tố cáo mình. Những lời bào chữa thiếu căn cứ: “Tôi đã nộp thuế đủ”, hoặc “Cơ quan thuế đối xử không công bằng” của ông, không thể đủ sức thuyết phục đa số dân Mỹ.

 

Ngoài ra, Donald Trump thường xuyên đưa ra những cáo buộc thiếu căn cứ suốt bốn năm qua, cũng như không phản đối những thông tin qua thuyết âm mưu khi được hỏi đến. Dân Mỹ chán ngán với Trump và họ lên tiếng qua lá phiếu.

 

 

Ám ảnh cái bóng Obama

 

Chẳng có Tổng thống Mỹ nào bị ám ảnh về người tiền nhiệm nhiều như Donald Trump. Tổng thống thứ 45 của Mỹ là người luôn tìm cách xóa đi những di sản của người tiền nhiệm Obama.

 

Ba ngày sau khi nhậm chức, Donald Trump, tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một hiệp định mà chính quyền Obama đã bỏ nhiều công sức gầy dựng trong việc xoay trục sang châu Á. TPP là cách chính quyền Obama muốn cùng các đối tác của Mỹ bao vây Trung Quốc bằng kinh tế.

 

Chương trình chăm sóc sức khỏe Affordable Care Act (ACA), thường được gọi là Obamacare, cũng là ‘cái gai’ trong mắt của Donald Trump. Ông đã nhiều lần tìm cách xóa bỏ chương trình bảo hiểm này, bất chấp Obamacare giúp bảo hiểm y tế thích hợp cho hàng chục triệu người có thu nhập thấp.

 

Trên bình diện thế giới, Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, do chính quyền Obama ký kết. Trong nước, Tổng thống thứ 45 của Mỹ có những quyết định đảo ngược vị tiền nhiệm làm giảm nhẹ những tác động lên tự nhiên, đưa ra nghi ngờ trái ngược với khoa học về biến đổi khí hậu.

 

Tháng 5/2018, Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một thỏa thuận mà chính quyền Obama và năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc cùng với Đức và Iran phải rất khó khăn mới đạt được.

 

Khi Joe Biden được đảng Dân Chủ chính thức đề cử tranh chức Tổng thống, Donald Trump thể hiện sự căm ghét rõ ràng. Điều này xuất phát từ việc ông Biden là Phó Tổng thống thời Obama. Do đó, Trump thường xuyên đưa ra những lời cáo buộc không có căn cứ nhắm vào Biden, xem thường đối thủ.

 

Donald Trump thất bại còn vì cay cú với những di sản của người tiền nhiệm.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats