Chung quanh chuyện bầu bán ở hội
nhà văn
Thứ Năm, 11/26/2020 -
04:23 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/6590
Tôi vốn không quan tâm mấy
đến cái gọi là Hội nhà văn Việt Nam này, chắc chắn là vậy. Bạn tôi, anh em cầm
bút, chiến hữu tôi, cũng có nhiều người trong hội đó, có người còn chọn cách
trèo cao, luồn sâu để mong thay đổi được một thứ gì đó trong hội, đặc biệt,
nhân vật tân Chủ tịch hội bây giờ cũng là bạn tôi, khá cởi mở trong quan niệm
viết và theo như anh nói thì đã nhiều lần lên tiếng, khuyên nên có tự do báo
chí. Không biết khi lên đến chỗ ghế này rồi, anh có còn giữ quan điểm này hay
không, e khó nói, mà cũng khó đoán! Vấn đề tôi muốn nói ở đây là nói về một cái
chợ, chứ không phải cái hội.
Nói nghiêm túc, Hội nhà
văn Việt Nam trong gần hai mươi năm nay, nó giống cái chợ hơn cái hội. Bởi
trong một cái hội, đặc biệt là hội nhà nước, nó không thể có những động thái và
hành trạng của cái chợ, ngược lại, trong một cái chợ, không khí của nó không thể
là không khí của một cái hội. Rất tiếc, không khí của hội nhà văn Việt Nam lại
mang mọi sắc thái của cái chợ. Từ việc trình tác phẩm, cơ chế xin – cho phép ấn
loát, ăn chặn tiền in ấn, xin xỏ tiền trợ cấp nhà nước cho đến ăn tiền của hội
viên mới, nghĩa là muốn được giới thiệu vào hội, ngoài các tác phẩm, phải có tiền
lót đường để vào hội. Vào một cái hội giống như cái chợ như vậy, sao lại có nhiều
người cầm bút muốn vào?
Xin thưa, bởi nhiều người
cầm bút này, họ cũng thích không khí kẻ chợ, viết chỉ là cái cớ để thăng tiến,
với tiêu chuẩn được in bao nhiêu tác phẩm, có hội viên cũ giới thiệu thì được kết
nạp… Những kiểu tiêu chuẩn này thì bất kì ông già về hưu nào cũng có thể vào được,
nếu không có khả năng viết thì thuê người viết, thuê người giới thiệu, ngày xưa
có Vũ Khiêu, chuyên viết và giới thiệu, sau này thì có nhiều hơn nhưng không
oanh tạc kiểu như Vũ Khiêu. Và sở dĩ người ta ham hố, muốn vào cái chợ ấy bởi
nó có quá nhiều quyền lợi cho họ, nghe thì đơn giản, thậm chí có gì đó hèn hẹ,
thê thảm, nhưng người ta vẫn muốn vào.
Như một nhà thơ, hiện là
giám đốc một nhà xuất bản ở miền Trung, chia sẻ: “Vào hội thì mình được rất nhiều
quyền lợi, ví dụ như tiền trợ cấp sáng tác hằng năm, rồi mình có đi chơi tỉnh
khác, mình chỉ cần tới cơ quan Hội của tỉnh đó, trình thẻ hội viên nhà văn Việt
Nam thì mình được cấp cho phòng ngủ ngon lành, được quan chức họ mời đi ăn, thậm
chí phải bưng bê mình một chút để mình viết bài về tỉnh họ. Nói chung là nhiều
quyền lợi lắm! Do vậy mà người ta mới cố gắng vào phân hội của tỉnh, được khá
nhiều quyền lợi ở cấp này, sau đó, vào thẳng hội trung ương thì được thêm lần
có ăn nữa!”. Đương nhiên không phải ai vào hội cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống,
chuyện đi lại đỡ tốn tiền như ông bạn nhà thơ này. Bạn tôi cũng không thiếu người
là hội viên trung ương, họ cũng có lòng tự trọng, cũng tự bỏ tiền túi mà mời bạn
bè, anh em, thuê khách sạn… Và họ cũng ước mơ làm nên một thứ gì đó làm thay đổi
bộ mặt văn học Việt Nam. Nhưng có vẻ như họ bất lực, bó tay!
Họ bất lực bởi khi bước
vào chợ thì phải sống theo cách của người kẻ chợ, phải biết kì kèo bớt một thêm
hai, phải biết xài tiền lẻ và cất cái gọi là lương tri hay lòng tự trọng vào một
chỗ nào đó thật kín đáo. Bởi vào chợ chẳng ai dại mà mang vàng ra mua rau, việc
cất lương tri và lòng tự trọng, tính trung thực của một người cầm bút vào chỗ
thật kín đáo cũng giống như biết giấu vàng khi vào chợ. Hầu hết khi bước vào hội,
họ là những người cầm bút, chắc chắn vậy rồi! Nhưng họ phải biết là mình đang
bước vào một cái chợ, mà ở đó, mọi qui luật về mua bán đều không tùy thuộc vào
tài năng, tác phẩm hay nỗi thao thức vì văn chương, mà ở đó, tính giảo hoạt, sự
vâng phục trước đảng cầm quyền, nhất nhất biến mình thành kẻ “ăn cơm chúa múa tối
ngày” (chúa ở đây chính là trung ương đảng, kẻ ban bố cho họ thức ăn, quyền được
viết và chỉ đạo cho họ nên viết, được viết cái gì, viết cho ai…).
Với một tâm thế như vậy,
trong một sinh quyển hoạt động như vậy, chắc chắn rằng các hội viên sẽ không
bao giờ thoát khỏi tư thế luồn cúi trước quyền lực. Mà hình như trước khi bước
vào đây, họ buộc lòng hoặc rất muốn chọn tâm thế này rồi.
Và câu chuyện trở nên sôi
nổi trong bầu bán chức vị ở hội nhà văn mấy ngày nay, thực ra là nó vốn vậy mấy
chục năm nay rồi. Nhưng năm nay, dường như mọi sự trở nên khác thường bởi vì mọi
thứ được rò rỉ ra mạng xã hội nhiều hơn, và người quan tâm đến hội này cũng nhiều
hơn. Xin nói rõ là người ta không quan tâm vì nó cho ra lò nhiều tác phẩm, góp
phần vào sự nghiệp làm đẹp tâm hồn con người mà người ta quan tâm bởi mức độ
bôi bẩn tâm hồn con người ngày càng trầm trọng và đặc biệt là nó làm ảnh hưởng
đến tiền thuế của nhân dân quá cao.
Mỗi năm, số tiền rót cho
hội nhà văn Việt Nam hoạt động lên đến hàng ngàn tỉ đồng, trong đó có các hạng
mục xây dựng cơ quan, đầu tư sáng tác, tài trợ ấn loát, tổ chức trại sáng tác,
tổ chức giải… Đó là chưa nói đến các tỉnh phải tốn kém quĩ đất để xây dựng cơ
quan phân hội, chưa xây xong đã đập xây lại… Toàn những hành trạng rửa tiền. Tốn
thì nhiều nhưng tác phẩm, may mắn lắm mới có thể nói được rằng “chẳng có bao
nhiêu”. Trong suốt hơn ba chục năm nay, số lượng tác phẩm đọc được từ hội nhà
văn, tôi dám khẳng định là đếm không tới mười đầu ngón tay! Còn lại thì in,
mang đi cho, tặng, ký gửi… Nhưng ngày cả người nhận cũng thấy mệt vì phải nhận
mấy cuốn sách viết lằng chằng chẳng đâu vào đâu này! Như vậy, nói cho cùng, sở
dĩ cái hội này tồn tại được, lý do tồn tại của nó vẫn là cơ quan tuyên truyền số
một của đảng Cộng sản Việt Nam. Nó sinh ra nhằm qui tụ các cây bút về một chỗ để
“ăn cơm chúa múa tối ngày”.
Chính vì những mục tiêu
và mục đích tồn tại rất chợ búa của Hội nhà văn Việt Nam mà cái hội này được dư
luận quan tâm nhiều nhất. Đến bây giờ, khi tân Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều
lên nắm quyền (chuyện này hội viên chờ cả chục năm nay rồi!), không biết nó có
khá hơn không? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cái chợ luôn có mặt trong cái
hội này, và mọi li kì từ nó, là li kì của một cái chợ gồm những người cầm bút
mua bán, trả chắc và léo hánh nhau!
No comments:
Post a Comment