Thời
khắc Sputnik của Mỹ với Trung Quốc đã đến
Huỳnh Minh Triết - Luật
Khoa
28/11/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/11/thoi-khac-sputnik-cua-my-voi-trung-quoc-da-den/
Khi Liên Xô phóng thành công
tên lửa Sputnik lên không gian, Mỹ phải vội vàng đổ tiền vào khoa học và công
nghệ, tạo nên cuộc chạy đua kỹ nghệ trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Ngày
nay, một cuộc chạy đua tương tự cũng đang hình thành. Lần này, đối thủ của Mỹ
làTrung Quốc.
Bài
viết của tác giả Robert Manning, đăng trên tờ Foreign Policy, sẽ
phân tích về làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Mỹ trong lĩnh vực cạnh
tranh khoa học công nghệ đối với Trung Quốc.
***
Khi nghiên
cứu về các phát kiến trên toàn cầu trong vòng bốn năm qua, càng tìm hiểu
sự thăng tiến đáng ngạc nhiên của Trung Quốc về sức mạnh công nghệ – trong khi
người Mỹ thì ngày càng lo lắng và tức giận – trong đầu tôi lại càng thường
xuyên bật ra một câu hỏi: Tại sao chưa thấy một “thời khắc Sputnik” của Mỹ với
Trung Quốc, như thời điểm Chiến tranh Lạnh vừa bắt đầu, khi Liên Xô phóng thành
công vệ tinh Sputnik lên không gian năm 1957? Khi đó, Tổng thống Mỹ Dwight D.
Eisenhower, nhận ra nguy cơ nước Mỹ tụt hậu, đã dồn lực đầu tư biến khoa học và
công nghệ thành sứ mệnh quốc gia. Ông cho thành lập NASA (Cơ quan Hàng không và
Vũ trụ Mỹ), đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển.
Đúng là không có một
thành tựu đơn lẻ nào của Trung Quốc khiến Mỹ phải giật mình như đối với Liên
Xô, ngoại trừ việc Bắc Kinh khống chế thành công đại dịch virus corona – một
thành quả bị lu mờ khi chính họ đã góp phần làm cho dịch bệnh bùng phát toàn thế
giới. Những lĩnh vực mà Trung Quốc tiến bộ hơn Mỹ, như mảng công nghệ tài
chính, phần lớn phục vụ đời sống hằng ngày, chứ không mang dáng dấp của một
thành tựu to lớn và độc nhất nào.
Tuy vậy, với tất cả những
sợ hãi đi cùng với khinh ghét Trung Quốc, việc dựng lên bộ giáp bảo hộ bằng thuế
quan, các lệnh cấm công nghệ và một mối quan hệ ngày càng “tách rời” Mỹ –
Trung, giới lãnh đạo Hoa Kỳ rên rỉ ca thán về Trung Quốc nhiều hơn là thực sự cạnh
tranh với họ. Gọi Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, chỉ trích các hành
vi ăn cắp tài sản trí tuệ, cấm các ứng dụng Trung Quốc, những phàn nàn của Mỹ
(phần lớn là chính đáng) đối với chính sách công nghiệp săn mồi của Trung Quốc
ngày càng chồng chất.
Thế nhưng ngoài chế tài
và đánh thuế, nước Mỹ chẳng cho thấy có bao nhiêu ý tưởng gì khác về cách thức
đối phó với thách thức mới này.
Mỹ và Trung Quốc cạnh
tranh sự thống trị trong mảng công nghệ. Ảnh: David Parkins/ The Economist
Thay đổi giờ đây đã xuất
hiện. Nỗi lo quá lớn về việc mất đi lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc đã bắt đầu
vượt lên chủ nghĩa chính trị đấu đá giữa các đảng phái, vốn là một đặc sản ở Mỹ.
Vì nó, người Mỹ cũng đang thay đổi quan điểm kinh tế tự hành truyền thống
(laissez-faire), thành một thứ chủ nghĩa dân tộc trọng kỹ thuật
(techno-nationalism) mà rốt cuộc có thể trông rất giống cách làm của Bắc Kinh
xưa nay. Hiện tại, phần lớn xu hướng thay đổi này mới chỉ ở mức tiềm năng,
nhưng nó đang trở thành một chuẩn mực mới.
Nỗi sợ Trung Quốc đã biến
nhiều quan chức Đảng Cộng hòa, vốn luôn bảo vệ nguyên tắc kinh tế tự do truyền
thống, trở thành những nhà vận động cho sự can thiệp vào thị trường. Thượng nghị
sĩ Marco Rubio là một trường hợp minh họa, khi ông kêu
gọi lập “chính sách công nghiệp ủng hộ người Mỹ”. Xu hướng này
cũng tràn
ngập trong các nghị định, đạo luật của Quốc hội Mỹ: 366 văn kiện tập
trung vào Trung Quốc được đưa ra cơ quan lập pháp chỉ trong hai năm 2019-2020.
Đa phần trong số đó là về thương mại, đầu tư, và công nghệ, mặc dù chỉ một số
ít có thể được thông qua để trở thành luật. Các đạo luật được sự hưởng ứng cao
nhất của lưỡng đảng cũng được phản ánh trong kế
hoạch phát triển sản xuất công nghiệp của ứng viên tổng thống Đảng Dân
chủ Joe Biden, bản thân nó lại rất giống với kế hoạch của tổng thống Donald
Trump.
Các đạo luật công nghệ được
cả hai đảng ủng hộ và đang chờ thông qua bao hàm các mục đích sau:
– Thúc đẩy ngành sản xuất
công nghiệp và năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) quốc gia trong các lĩnh
vực công nghệ quan trọng;
– Đa dạng hóa và mở rộng
các trung tâm công nghệ hiện đang tập trung tại Bờ Tây và Bờ Đông;
– Xây dựng một chiến lược
công nghệ quốc gia.
Trong số các đạo luật
này, nổi bất nhất là một dự luật có khả năng cao sắp được thông qua có tên “Đạo
luật Tạo Động lực Sản xuất thiết bị bán dẫn cho Mỹ” (viết tắt là Đạo
luật CHIPS vì nước Mỹ). Dự luật này nhằm trợ cấp cho ngành sản xuất thiết bị
bán dẫn của Hoa Kỳ. CHIPS đã được thông qua dưới hình thức là phần điều chỉnh
cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng và có thể trở thành luật trước cuối năm
nay.
Đây là một dự luật có tầm
quan trọng rất lớn. Vì sao? Bởi vì thiết bị bán dẫn (semiconductors), một ngành
công nghiệp có giá trị 470
tỷ USD toàn cầu, là động cơ cốt yếu của mọi thiết bị số, là nền tảng và
dòng máu nuôi sống toàn bộ nền kinh tế tri thức. Trung Quốc, nơi vẫn phải phụ
thuộc vào các chip xử lý nhập khẩu (chủ yếu là từ Đài Loan), nhiều năm qua đã nỗ
lực nội địa hóa việc sản xuất chip bán dẫn của riêng mình. Tuy thất bại trong mục
tiêu nội địa hóa 40% trong năm nay, nhưng Trung Quốc đã tăng gấp đôi tham vọng
nhằm đạt tỷ lệ nội địa hóa chip tới 70% vào năm 2025.
Tại Mỹ, dự luật trên đóng
vai trò thúc đẩy ngành bán dẫn và đưa ngành này trở về đất Mỹ với hứa hẹn hấp dẫn
như sau:
– Miễn thuế 40% với các
khoản đầu tư vào thiết bị hoặc cơ sở sản xuất bán dẫn cho tới năm 2024;
– Lập một quỹ tương đáp
(matching fund) 10 tỷ USD cho các bang, các thành phố để thúc đẩy đầu tư trong
ngành sản xuất thiết bị bán dẫn tiên tiến;
– Củng cố phát triển lực
lượng lao động các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học);
– Phân bổ 12 tỷ USD vào
R&D cho Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên Tiến Quốc phòng, Bộ Năng lượng, Bộ
Thương mại và Tổ chức Khoa học Quốc gia;
– Thiết lập một viện sản
xuất cấp cao.
Dự luật cũng yêu cầu
chính phủ Mỹ phải xây dựng một chiến lược R&D cho ngành bán dẫn và lập một
trung tâm công nghệ bán dẫn quốc gia, kết hợp cả sức mạnh nhà nước và tư
nhân.
Dự luật CHIPS cũng có một
điều khoản nằm ngoài phạm vi của chủ nghĩa dân tộc – kỹ nghệ, nhắm tới xây dựng
sự hợp tác đa phương giữa các nền dân chủ để đảm bảo vấn đề an ninh trong chuỗi
cung ứng. Theo đó, 750 triệu USD quỹ tín thác sẽ được trích ra khi đạt thỏa thuận
với chính phủ nước ngoài để lập một khối liên minh nhằm điều hòa các chính sách
liên quan đến ngành vi điện tử, sự minh bạch trong ngành vi điện tử và điều chỉnh
chính sách của các nước cho phù hợp hơn khi đối phó với các nền kinh tế phi thị
trường.
Ngoài đạo luật CHIPS, Mỹ
còn đang có một loạt các dự luật khác được thiết kế cho các mục tiêu:
– Đẩy mạnh sức cạnh tranh
của công nghệ Mỹ;
– Tăng cường R&D
trong các ngành công nghệ cao và khuyến khích đầu tư ở lĩnh vực tư nhân;
– Đa dạng hóa vị trí địa
lý của các trung tâm sáng tạo – thay vì như hiện tại, khi 80% vốn đầu tư mạo hiểm
và 90% nhân lực công nghệ tập
trung tại các trung tâm công nghệ lớn.
Chẳng hạn, một số dự luật
đề xuất đổi tên Tổ chức Khoa Học Quốc gia thành Tổ chức Khoa học và Công nghệ
Quốc gia; tạo ra một trung tâm công nghệ và phân bổ 100 tỷ USD tiền nghiên cứu
phát triển để hỗ trợ các công trình trong ngành trí thông minh nhân tạo, tăng
cường ngành bán dẫn; khuyến khích đa dạng hóa địa phương với việc chi 80 tỷ USD
để các thành phố cạnh tranh nhau trong việc xây dựng các trung tâm phát kiến
công nghệ.
Đạo luật “CHIPS vì
nước Mỹ” được đề xuất để thúc đẩy ngành sản xuất thiết bị bán dẫn của Hoa Kỳ. Ảnh:
ITPro
Loạt dự luật và các tuyên
bố từ cả hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden trong quá trình
tranh cử đã cho thấy rõ mức độ lo sợ của người Mỹ trước nguy cơ bị Trung Quốc
thống trị công nghệ. Nỗi sợ đó đang tạo ra một tâm thế háo hức ở cả hai đảng,
khiến tất cả vào cuộc để tìm cách vực dậy lợi thế sáng tạo đang bị rỉ sét của
nước Mỹ. Trong khi kết quả các chính sách phát triển sản xuất công nghiệp vẫn
còn khiêm tốn, hy vọng vào một cú hích lớn cho năng lực phát triển công nghệ của
Mỹ là rất rõ ràng, khi nhìn vào quy mô và chiều rộng của các nguồn lực mới,
cũng như sự hợp tác giữa chính quyền và ngành tư nhân.
Một câu hỏi khác được đặt
ra: những “tác dụng phụ” của tất cả các khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực của
chủ nghĩa dân tộc – kỹ nghệ mới đang bùng lên này ở Mỹ là gì?
Ở kịch bản tốt đẹp nhất,
kết quả của hệ tư tưởng thời đại mới này của Mỹ có thể nâng cao vị thế của
Washington. Nó có thể huy động và liên kết các đối tác dân chủ cùng đối phó với
Trung Quốc, gây áp lực buộc Trung Quốc trở lại thực hiện cải tổ kinh tế như đã
cam kết, chẳng hạn xóa bỏ các dạng trợ cấp kinh tế cho giai cấp tư bản đỏ.
Trường hợp tệ nhất, nó có
thể chia cắt nền kinh tế thế giới thành hai nửa với các quy định, chuẩn mực và
tiêu chuẩn trái ngược nhau. Một điều đáng lo là nạn nhân của xu hướng chủ nghĩa
dân tộc – kỹ nghệ này có thể chính là các phát kiến toàn cầu vốn nở rộ nhờ môi
trường cởi mở và minh bạch.
Thế giới đang trong những
giai đoạn đầu của cái mà người ta hay gọi là Cách mạng Công nghiệp thứ Tư. Các
công nghệ mới đều hội tụ với nhau: AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn),
robot, công nghệ sinh học, kỹ thuật nano, vật liệu mới, Internet of Things (mạng
lưới kết nối vạn vật), in 3D. Chúng xóa đi ranh giới giữa thế giới vật lý và thế
giới số, và sẽ là động lực của phát triển kinh tế và định hình tình hình địa
chính trị trong nhiều thập niên tới.
Đáng lẽ giới quan chức Mỹ
đã phải nhìn thấy rõ ràng từ lâu rằng sáng tạo công nghệ là bản lề của tương
lai, nhưng hầu hết họ chỉ nói đãi bôi. Mãi đến khi cảm thấy được nỗi sợ mang
tính tồn vong trước viễn cảnh bị Trung Quốc lấn át, giới chức quan liêu ở
Washington mới có đủ động lực nhấc mông khỏi ghế và tạo ra thay đổi. Cái giá phải
trả cho sự chậm trễ này có thể là việc hoạt động đổi mới công nghệ bị kìm kẹp
trong cái vòng của chủ nghĩa dân tộc. Nhưng thời khắc Sputnik thứ hai, khi mà Mỹ
mở mắt trước nguy cơ tụt hậu trước Trung Quốc, cuối cùng cũng xuất hiện.
No comments:
Post a Comment