Apple
và Samsung di dời sản xuất qua Việt Nam, Trung Quốc sốt ruột
Mai
Văn -
RFI
Đăng
ngày: 30/11/2020 - 11:17
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201130-apple-v%C3%A0-samsung-....BB%99t
Làn sóng di dời sản xuất từ Trung Quốc qua Việt
Nam, một trong những hệ quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung và nỗi lo ngại bị Bắc
Kinh bắt chẹt lộ rõ qua đại dịch Covid-19 vừa có thêm một biểu tượng rõ
nét: Theo hãng tin Anh Reuters ngày 27/11/2020, một nguồn thạo tin đã tiết lộ rằng
tập đoàn Mỹ Apple đang đẩy mạnh việc dời cơ sở sản xuất qua Việt Nam, với sản
phẩm tiêu biểu là iPad lần đầu tiên được xản xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Sự kiện Apple chuyển sản
xuất qua Việt Nam nằm trong một loạt động thái theo cùng chiều hướng của nhiều
tập đoàn khác, đi đầu là đối thủ cạnh tranh số 1 của Apple là tập đoàn Hàn Quốc
Samsung, trong thời gian qua đã mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt
Nam để tiếp nhận các dây chuyền đến từ Trung Quốc.
Việc các đại
tập đoàn quốc tế tháo chạy khỏi Trung Quốc đã làm dấy lên phản ứng bất đồng
tình, và trạng mạng Hồng Kông Asia Times, ngày 27/11 đã ghi nhận sư kiện
nhiều địa phương tại Hoa Lục lên tiếng cầu cứu chính quyền trung ương tại Bắc
Kinh, đòi phải cấp tốc có chính sách mới nhằm giữ chân các doanh nghiệp nước
ngoài, tránh để cho nạn thất nghiệp thêm nghiêm trọng.
Việt Nam sẽ là nơi đầu tiên sản
xuất iPad ngoài Trung Quốc
Tập đoàn Apple dĩ nhiên rất
kín tiếng về các hoạt động di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng hãng
Reuters đã trích dẫn nguồn tin từ tập đoàn Đài Loan Foxconn, chuyên sản xuất
các sản phẩm cho Apple, cho biết là họ đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất
máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam
theo yêu cầu của Apple.
Theo nguồn tin trên,
Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook tại Bắc Giang, dự kiến
đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2021. Dây chuyền này cũng sẽ sản xuất một số mặt
hàng khác đang được làm ra ở Trung Quốc.
Hồi đầu tuần trước,
Foxconn đã loan báo khoản đầu tư mới 270 triệu đô la vào một chi nhánh mới được
cho là sẽ hỗ trợ việc phát triển hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam.
Theo phân tích của nhóm nghiên
cứu thị trường TrendForce, trụ sở tại Đài Loan, cho đến giờ, toàn bộ máy tính bảng
iPad của Apple đều được sản xuất tại Trung Quốc, do đó, việc Foxonn dời dây
chuyền qua Việt Nam đánh dấu bước đầu tiên mà sản phẩm đầy tính biểu tượng này
của Apple được làm ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Airpods gắn nhãn
“Lắp ráp tại Việt Nam”
Cũng chú ý đến việc Apple
di dời một phần sản xuất qua Việt Nam, trang thông tin Asia Times tại Hồng Kông
ngày 27/11 đã nhắc lại một số thông tin từ đầu năm cho biết là tập đoàn Mỹ bắt
đầu chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm nổi tiếng của họ sang Việt Nam.
Asia Times đã trích dẫn
báo kinh tế Nhật Bản Nikon Keizai, cho rằng Apple đã bắt đầu sản xuất loại
tai nghe nhét tai Bluetooth không dây AirPods ở Việt Nam, thông qua các nhà sản
xuất là Goertek và Luxshare trong quý 1/2020, với sản lượng hàng năm có thể lên
đến 15% số Airpods bán ra trên thế giới.
MacRumors, một trang web
công nghệ chuyên theo dõi các sản phẩm của Apple, tháng Năm vừa qua cho biết là
khách hàng tại phương Tây đã nhận được sản phẩm AirPods Pro có gắn nhãn “Lắp
ráp tại Việt Nam” trên bao bì bên ngoài. Năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPod dự
kiến cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Sắp tới sẽ là
iPhone?
Theo Asia Times, các
thông tin nói trên đã góp phần củng cố giả thuyết theo đó rất có thể là Apple
cũng sẽ cho sản xuất iPhone ở một nước châu Á khác ngoài Trung Quốc, và đó có
thể là Việt Nam. Một dấu hiệu: Sunny Optical, nhà cung cấp lớn linh kiện camera
cho Apple, trụ sở ở Chiết Giang, Trung Quốc, gần đây cũng đã mở nhà máy ở Việt
Nam.
Ninh Nam Sơn, chuyên gia
phân tích thuộc Viện Chiến Lược và Phát Triển Quốc Gia, Đại Học Nhân Dân Trung
Quốc, cho rằng Việt Nam đã đạt đến trình độ có thể sản xuất hàng loạt các sản
phẩm phức tạp, và đây là điều đã được giới lãnh đạo Apple công nhận.
Trả lời Asia Times,
chuyên gia này nhắc lại: “Vào tháng 12 năm 2017, giám đốc của Apple Tim Cook từng
nói rằng Apple sẽ không dời sản xuất qua Đông Nam Á chỉ vì chi phí thấp ở đó”.
Lý do là vì Apple luôn muốn bảo đảm chuẩn mực kỹ thuật nghiêm ngặt, kiểm soát
chặt chẽ chất lượng sản phẩm và đảm bảo được chuỗi cung ứng.
Thế nhưng, theo
chuyên gia Trung Quốc: “Ba năm sau, các đối tác của Apple đã bắt đầu sản xuất một
số mặt hàng tại Việt Nam và điều đó cho thấy rõ bước tiến đang đạt được ở đó.”
Samsung đóng cửa
hai nhà máy tại Trung Quốc
Không chỉ có Apple là đã
chọn Việt Nam làm nơi đến cho các sản phẩm trước đây được làm ra tại Trung Quốc.
Đối thủ cạnh tranh của Apple là tập đoàn Hàn Quốc Samsung đã đi trước tập đoàn
Mỹ từ lâu.
Theo ghi nhận của Asia
Times, Samsung đã lần lượt đóng cửa hai nhà máy lắp ráp điện thoại lớn nhất của
họ ở Thiên Tân và Huệ Châu, thuộc tỉnh tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, từ
cuối năm 2018 và 2019.
Việc Samsung đóng cửa dây
chuyền sản xuất ở Huệ Châu vào tháng 9 năm ngoái, sau 27 năm sản xuất, đã khiến
khoảng 6.000 công nhân Trung Quốc bị mất việc. Cộng thêm với việc bỏ sản xuất ở
Thiên Tân, quyết định của tập đoàn Hàn Quốc đã kéo theo việc đóng cửa một loạt
nhà máy ở nơi khác từng cung cấp linh kiện cho Samsung, thậm chí cả các quán ăn
giá rẻ và siêu thị phục vụ công nhân.
Theo báo mạng Hồng Kông,
giờ đây, hơn một nửa số thiết bị cầm tay hàng đầu mới nhất của Samsung, bao gồm
cả loại điện thoại có thể gập lại, đã được lắp ráp tại các thị trấn nhỏ ở các tỉnh
Bắc Ninh và Thái Nguyên của Việt Nam. Đó là chưa kể đến các loại màn hình phẳng
và màn hình khác của Samsung.
Nhiều địa phương
Trung Quốc cầu cứu chính quyền trung ương
Hiện tượng di dời sản xuất
ra khỏi Trung Quốc bắt đầu khiến các chính quyền địa phương quan ngại, đặc
biệt là tại các tỉnh mà thu nhập lệ thuộc vào xuất khẩu. Một số nơi đã cố gắng
giữ chân các nhà sản xuất, đồng thời kêu gọi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh
hành động.
Theo Asia Times, sở
Thương mại tỉnh Chiết Giang chẳng hạn đã yêu cầu bộ Thương Mại Trung Quốc đưa
ra các biện pháp mới để đối phó với tình trạng “đầu tư trực tiếp nước ngoài và
ngành xuất khẩu đang bị rút ruột”.
Một nguồn tin cho biết bộ
Thương mại Trung Quốc trong tháng 11 đã đệ trình một báo cáo về tình hình các
nhà sản xuất bỏ đi tại một số tỉnh. Trong số các khuyến nghị chủ yếu, có việc
trao thêm nhiều quyền hơn cho các địa phương để giữ chân các doanh nghiệp, đồng
thời nâng mức trợ cấp thôi việc để giới chủ ngần ngại khi sa thải hàng loạt.
Theo báo chi địa phương,
thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, chẳng hạn, được mệnh danh là “thành
phố iPhone” vì là nơi có cơ sở sản xuất lớn nhất của Foxconn tại Trung Quốc, vừa
ký với tập đoàn Đài Loan một thỏa thuận mới về việc giảm thuế cho tập đoàn này.
Thỏa thuận ký vào tháng
9, trước khi Apple ra mắt các mẫu mới nhất của mình và được coi là nhằm chiêu dụ
Foxconn, trước đó đã bắn tin về khả năng chuyển một số sản xuất ra khỏi Trung
Quốc.
No comments:
Post a Comment