Việt
Nam trước Đại hội Đảng: Yếu tố Trung Quốc và lá bài Hoa Kỳ
Thu
Hằng -
RFI
Đăng
ngày: 30/11/2020 - 09:48
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng Cộng
Sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 01/2021. Khoảng 1.600 đại biểu toàn quốc
sẽ bầu ra Ban chấp hành Trung ương đảng mới gồm 180 ủy viên. Ngoài khó khăn
trong việc bầu ra “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2021-2025, “yếu tố
Trung Quốc” vẫn hiện hữu trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam
cho những năm tới.
Thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Xuân Phúc (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân
dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/04/2019. AP - Kenzaburo Fukuhara
Bắc Kinh khăng khăng đòi
chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bất chấp phản đối của một số nước ASEAN, đặc biệt là các nước
ven Biển Đông và nhiều nước trên thế giới. Hoa Kỳ lên án lập trường của Trung Quốc, gia tăng các chiến dịch
vì tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông và yêu cầu tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Những điểm này được nêu
trong Dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần
thứ XIII : “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra
căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an
toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn
nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định,
thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn”.
Trung Quốc là đối tác
thương mại lớn nhất của Việt Nam, có ảnh hưởng lớn đến đường lối lãnh đạo của đảng
Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ nhiều năm gần đây, Hà Nội điều chỉnh chính
sách để tránh quá phụ thuộc vào nước láng giềng phương bắc, mở rộng và cải thiện
quan hệ ngoại giao, thương mại với các đối tác phương Tây và các nước dân
chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ có chính quyền mới vào tháng 01/2021 được
Hà Nội hết sức chú ý. Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức một hội nghị trực tuyến
ngày 12/11 để cập nhật cho các báo cáo viên, cũng như dự báo về chính sách đối
ngoại của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ mới và những tác động đối với tình hình quốc tế
và khu vực.
“Yếu
tố Trung Quốc” tác động như nào đối với việc hoạch định
chính sách đối ngoại của Việt Nam cho những năm tới, trong bối cảnh thay đổi
chính quyền ở Mỹ ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi
với nhà nghiên cứu
Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông,
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
*****
RFI : Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần
thứ XIII diễn ra vào tháng 01/2021. Liệu đây có phải là thời điểm tế nhị cho Hà
Nội trong bối cảnh chưa rõ chính sách cụ thể của chính quyền mới của Hoa Kỳ đối
với Biển Đông, cũng như trong khu vực ?
Benoît de Tréglodé : Trước hết là không nên chờ những thay đổi
sâu sắc. Tuần trước, ông Joe Biden đã chỉ định ngoại trưởng tương lai trong
chính quyền của ông. Đó là một nhân vật rất nổi tiếng, tại vì ông Antony Blinken là cựu trợ
lý cố vấn an ninh dưới thời tổng thống Clinton. Ông cũng từng là trợ lý ngoại
trưởng trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Obama. Thật sự đây là một nhân vật trọng
tâm của hệ thống. Chính ông Blinken là người chuẩn bị cho chính sách
« xoay trục sang châu Á » nổi tiếng, vì thế, chính sách của ông đối với
Trung Quốc, đối với châu Á, được biết đến từ lâu. Cho nên, có rất ít khả năng
là dưới thời Biden có những thay đổi sâu sắc so với những điểm trọng tâm trong
chính sách của Mỹ về châu Á.
Vấn đề đối với ông Joe
Biden, với mẫu ngoại trưởng như vậy, lẽ dĩ nhiên sẽ là đưa Hoa Kỳ trở lại với
việc hợp tác giữa các quốc gia, cũng như duy trì đường lối cứng rắn đối với Bắc
Kinh, tại vì từ giờ Trung Quốc là vấn đề trung tâm trong việc xây dựng bản sắc
Mỹ trên trường quốc tế. Đó là đối thủ cạnh tranh nhiều nhất với tham vọng của Mỹ
trên thế giới. Vì thế, theo tôi, sẽ vẫn có một chính sách, một đường lối cứng rắn
đối với Bắc Kinh. Nhưng lần này sẽ rất khác so với thời tổng thống Donald
Trump, vì chính sách mới trước hết sẽ luôn được phối hợp với các đồng minh của
Mỹ trên toàn cầu.
Tôi biết là rất nhiều người
Việt Nam có tình cảm đặc biệt với chính quyền Donald Trump và với con người của
tổng thống Mỹ thứ 45. Thứ nhất là vì ông Trump biết Việt Nam và đã hai lần đến
Việt Nam. Thứ hai, Donald Trump là người khích lệ thêm cho người Việt Nam nói
to hơn, dõng dạc hơn những gì mà họ không thể tự nói với tư cách là nước đối
tác, nước láng giềng của Trung Quốc.
Chắc chắn là với chính
quyền Biden, giọng điệu và phong cách sẽ thay đổi, ngôn từ cũng sẽ thay đổi.
Chính sách thời Donald Trump đối với Bắc Kinh đậm tính tư tưởng, xoay quanh những
nguyên tắc gần như kế thừa từ thời Chiến tranh lạnh giữa hai đế chế thiện và
ác, thì kể từ giờ với ông Joe Biden và Blinken, với tư cách ngoại trưởng, sự thống
trị của nền ngoại giao phức hợp, chủ nghĩa đa phương, cơ chế trọng tài, tìm kiếm
cân bằng, sẽ trở lại là trọng tâm trong cuộc đối đầu của Mỹ với Trung Quốc. Đây
là điều chắc chắn !
Vì thế, việc Hoa Kỳ trở lại
với chính sách ngoại giao phức hợp hơn, với những mối quan hệ quốc tế, đúng là
đôi khi có thể gây phức tạp hơn cho Việt Nam. Họ không trực tiếp còn một nhân vật
khuấy động như ông Donald Trump để có thể nấp đằng sau và đạt được thành quả
trong vấn đề quan hệ với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nhưng một lần nữa, chúng
ta đừng quên là quan điểm của Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn không thay đổi. Bà Hillary Clinton,
khi còn là ngoại trưởng Mỹ, đã đến Hà Nội năm 2010. Chính bà là người đã ủng hộ
lập trường của Việt Nam và cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ là một đồng minh có ích của
Hà Nội để bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải, mở lối vào khu vực biển chung
của châu Á và thúc đẩy việc tôn trọng luật lệ quốc tế ở Biển Đông. Đó là đường
lối mà chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi.
.
RFI : Việt Nam thể hiện lập trường cứng
rắn về Biển Đông trong những năm gần đây. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của
chính quyền tổng thống Donald Trump có tác động như thế nào đến thái độ cứng rắn
này của Hà Nội trước những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông ?
Benoît de Tréglodé : Dưới thời tổng thống Trump, quả thực Hoa Kỳ đã
thực sự biến chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương thành giấc mơ vĩ đại
của họ ở châu Á và trở lại trong khu vực đang bị cạnh tranh sâu sắc vì những bước
tiến của Trung Quốc. Cần phải biết là chủ tịch Tập Cận Bình không sẵn sàng thỏa
hiệp và ông Tập đã có những bước tiến vô cùng lớn ở châu Á trong những năm gần
đây.
Tuy nhiên, chúng ta đừng
quên là chính sách của Việt Nam trước hết là một chính sách tìm kiếm sự cân bằng
lâu dài giữa các cường quốc thế giới và được ấn định theo quan điểm từ chính
sách an ninh, cụ thể là Sách Trắng Quốc Phòng. Được công bố vào cuối năm 2019,
phiên bản mới nhất của Sách Trắng Quốc Phòng nêu lên nguyên tắc bốn
« Không » trong chính sách đối ngoại và an ninh của Việt Nam. Những
nguyên tắc này không cho phép, hay đúng hơn là không muốn đẩy Việt Nam vào việc
chọn hoặc tham gia một liên minh quân sự để chống lại một nước thứ ba, hoặc
tham gia vào các cuộc tập trận nhắm trực tiếp đến một nước thứ ba, cụ thể là
Trung Quốc.
Vì thế,
nguyên tắc trụ cột trong đường lối ngoại giao của Việt Nam là vừa tìm được
và duy trì sự độc lập, tự chủ giữa những cơn cuồng nộ của hai cường quốc và tiếp
tục có được quan hệ đối tác vững chắc với Trung Quốc về mặt kinh tế, thương mại,
kể cả vấn đề chính trị nhưng vẫn phải có lập trường cứng rắn trong những vấn đề
chiến lược và an ninh ở Biển Đông. Đây thực sự là điểm trọng tâm trong mọi
chính sách đối ngoại của Việt Nam. Và trước kỳ Đại hội Đảng sắp tới với dàn
lãnh đạo tương lai sẽ điều hành đất nước từ tháng 01 hoặc tháng 02/2021, tôi
nghĩ sẽ không có thay đổi sâu sắc về điểm này.
.
RFI : Giả sử chính phủ Việt Nam tiếp tục
đường lối cứng rắn này, Hà Nội sẽ phải triển khai chiến lược nào trong những
năm tới ? Và sẽ phải xoay chuyển như nào trong trường hợp chính quyền ông
Joe Biden tỏ ra hòa hoãn hơn với Bắc Kinh ?
Benoît de Tréglodé : Điều đầu tiên cần nghĩ đến là những bó
buộc hay chính sách đối ngoại của Việt Nam được xây dựng dựa trên một sự kết hợp
nhiều yếu tố, một thỏa hiệp lâu dài giữa thực tế kinh tế, ảnh hưởng về địa lý
và những tính toán ngoại giao thay đổi theo những lần đổi chính phủ ở các nước
lớn.
Có một sự kiện vô cùng
quan trọng cần được nêu lên, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực
(RCEP) đã được ký ngày 15/11/2020 trong khuôn khổ hội
nghị cấp cao ASEAN do Hà Nội tổ chức. Chính Trung Quốc là nước khởi xướng và đứng
đầu thỏa thuận thương mại đa phương mới này. Đừng quên là 6 trong số 10 nhà đầu
tư hàng đầu vào Việt Nam từ giờ là thành viên của thỏa thuận RCEP, như Nhật Bản,
Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tôi đơn cử trường hợp Hàn Quốc, một
trong những nước đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 70 tỉ đô la đầu tư, nhiều hơn
gần gấp 10 lần so với tổng đầu tư hơn 7 tỉ đô la của toàn bộ các nước Liên Hiệp
Châu Âu vào Việt Nam.
Quá trình hội nhập này của
Việt Nam không phải là mới, mà đã có từ hơn 10 năm nay. Kinh tế Việt Nam từng
bước hội nhập tại châu Á, trước tiên là ở Đông Nam Á, và kể từ giờ là Đông Á.
Đây là một yếu tố quan trọng để hiểu được tiến triển, khả năng và phạm vi hành
động mà chính quyền Việt Nam có thể có trong tương lai trong mối quan hệ với
các cường quốc.
.
RFI : Đảng Cộng Sản Trung Quốc có ảnh
hưởng đến đảng Cộng Sản Việt Nam, trong khi người dân Việt Nam lại tỏ ra nghi kị
Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản phải dung hòa hai mâu thuẫn này
thế nào ?
Benoît de Tréglodé : Một kinh nghiệm chính trị lớn và lâu dài cho
người Việt Nam mỗi khi gần đến kỳ Đại hội đảng Cộng Sản, điều vẫn thường xảy ra
trong suốt nhiều thập niên qua và thực sự cấu thành đời sống chính trị Việt
Nam, đó là đảng Cộng Sản Việt Nam, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã
luôn phải phối hợp : vừa lựa theo Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ, đồng thời
là đối tác tư tưởng, kinh tế, vừa sử dụng những lá bài có lợi, qua việc tìm
cách cân bằng nhờ ảnh hưởng ngày càng lớn của Hoa Kỳ. Washington cũng tìm cách
lập một liên minh chính trị, và trong tương lai, tại sao không, cả về lĩnh vực
quân sự với các thỏa thuận liên minh ở khu vực Nam Á.
Vấn đề được đặt ra cho cả
Việt Nam, cũng như Trung Quốc và Hoa Kỳ, là làm thế nào, trong 4 năm, chính
sách về châu Á của tổng thống Trump vốn cực kỳ tập trung vào ý thức hệ, mà cuối
cùng lại nhường chỗ cho Trung Quốc. Chính quyền Trump tập trung giải quyết song
phương với từng đối tác châu Á một loạt hồ sơ khác, cụ thể hơn và thường nhật
hơn rất nhiều, mà Hoa Kỳ từng gác sang một bên.
Có thể nói là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong 4 năm nhiệm kỳ tổng
thống Trump thực ra đã gây thiệt hại cho lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực và củng
cố rõ nét hơn ảnh hưởng của Trung Quốc trong đối thoại với các nước châu Á. Việt Nam phải tính tới và cân nhắc yếu tố mới
này. Dĩ nhiên Hà Nội sẽ thử tiếp lá bài Hoa Kỳ. Ông Joe Biden với đội ngũ lãnh
đạo mới sẽ có phát biểu vừa cứng rắn, nhưng cũng lắng nghe hơn lập trường của
toàn bộ các nước trong vùng. Và
bối cảnh trong khu vực hiện ít thuận lợi hơn cho lợi ích của Mỹ.
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc
khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường
Quân sự Pháp (IRSEM).
No comments:
Post a Comment