Thứ Bảy, 11/28/2020 -
03:52 — tuongnangtien
https://www.rfavietnam.com/node/6594
Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng niềm tin
Thứ rẻ nhất lại là lời hứa
Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì mà không phản bội nhau?
*
Bà chị đi lấy chồng
vào đúng lúc tôi chia tay với cá, chim, dế, diều, bông vụ, nút phéng,
giây thung, ná cao su, bong bóng … Giã từ tuổi thơ (adieu,
những đứa bạn của thưở ấu thời) cùng những buổi chiều sôi nổi: tạt
lon, dích hình, bắn bi, rượt bắt cứu tù, rồng rắn lên mây, và những
đêm chơi năm mười bịt mắt mãi trốn tìm.
Tôi chợt dậy thì và
xà ngay vào cái tủ sách mà người chị vừa rời nhà để lại. Đó là
một “kho tàng chữ nghĩa” tạp nham với đủ loại tiểu thuyết (phiêu lưu,
tình cảm, dã sử, đường rừng, trinh thám, kiếm hiệp) thơ văn, truyện
ngắn, truyện dài cùng đủ nguyệt san, bán nguyệt san, tuần báo …
vô cùng hỗn độn. Không được sắp xếp theo thể loại hay thứ tự
ngày tháng, thời gian gì ráo trọi.
Tôi đọc tuốt. Không
sót một trang, dù hiểu rất lơ mơ, và nhớ cũng lờ mờ – trừ mỗi một
câu văn dịch từ tiếng nước ngoài (không rõ của ai) vẫn còn ghi đậm
trong tâm trí cho mãi đến hôm nay: “Chúng ta đang sống trong một đất
nước mà mọi người đều ăn khoai với hy vọng là con cháu mình sẽ được
ăn thịt cá.”
Xứ sở nào mà kỳ cục
vậy cà?
Sau tháng 4 năm 1975
thì mới biết (hoá ra) đó là đất nước của chính mình!
Ngồi nhai trệu trạo
những đủ loại bo bo, mì sợi, khoai củ hay những lát mì cõng cơm và
nghe người đứng đầu quốc gia – TBT Lê
Duẩn – hứa hẹn về một tương lai xán lạn (ăn ngon, mặc đẹp,
tủ lạnh, TV, đuổi kịp Nhật Bản, đi trên thảm vàng …) mà không khỏi
trạnh lòng nhớ lại chuyện xưa với chút cảm giác nghẹn ngào, và
nghẹn họng!
Lê Duẩn không phải là
người đầu tiên (hay cuối cùng) hứa bừa, hay hứa lèo, như thế. Trước
ông, chủ tịch nước Hồ
Chí Minh cũng đã từng vẽ ra một viễn tượng rất huy hoàng (“thắng
thằng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười người nay”) làm loá mắt mọi
người. Sau ông, tổng bí thư Nông
Đức Mạnh còn bạo miệng hơn nhiều: “Năm 2020 Việt Nam trở thành
nước công nghiệp hiện đại.”
Bây giờ là cuối năm
2020. Thời điểm mà giới lãnh đạo hiện hành đang “gia hạn” mọi hứa
hẹn bằng những lời hứa mới, cụ thể và hấp dẫn hơn xưa:
·
Nguyễn
Phú Trọng: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, VN trở
thành nước phát triển thu nhập cao.”
·
Nguyễn
Xuân Phúc: “Đưa rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ
trụ.”
·
Nguyễn
Mạnh Hùng: “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0.”
·
Vương
Đình Huệ: “Mười năm tới, thu nhập người dân Hà Nội đạt 14.000 USD người/năm.”
·
Nguyễn
Thiện Nhân: “Đến 2045, TP phải là trung tâm kinh tế tài chính của
Châu Á. Bình quân thu nhập đầu người là 40.000 USD/năm, là địa điểm
hấp dẫn hoàn cầu.”
Dư luận, xem chừng,
không được lạc quan và không ít những lời tiếng bất bình:
·
FB Đỗ
Luật: “Con người sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống
- Man is born to live, not to prepare for life. Câu nói đơn giản mà chuyên
chở một ý tưởng sâu xa của nhà văn Nga Boris Pasternak … đã khẳng
định tính nhân bản của con người trong một xã hội nhân bản, con người
đến cuộc đời này để sống cuộc đời của mình, con người không cần ai
chuẩn bị hay dạy cho nó cách sống như thế nào dưới một chế độ
chính trị nào… Và có lẽ nào người dân Việt Nam hiện nay sẽ mãi mãi
không được sống như một con người thật sự, mà chỉ được phép sống như
những sinh vật làm mẫu trong một phòng thí nghiệm hay sao ?”
·
FB Thanh
Thúy Nguyen: “Dân tộc Việt Nam đang bị làm vật thí nghiệm cho
chủ nghĩa cộng sản không tưởng độc ác, vô nhân đạo đã hơn nửa thế
kỷ.”
·
Blogger Bùi
Văn Thuận gọi đây là một cách “thí nghiệm phận người.”
·
T.S Mạc
Văn Trang cũng thế, cũng rất bi quan cho lắm về những lời hứa hẹn
trời/biển (thượng dẫn) nên ông đặt ra hàng chục “thiết thực” hơn:
1. Bao giờ thì tinh giản bộ máy chồng chéo,“cường quốc
Bộ, Thứ trưởng, cường quốc tướng tá” như hiện nay, theo nước Nhật chẳng hạn? Được
vậy, Dân mừng lắm vì đỡ “tốn cơm gạo” nuôi một bầy quan chức thừa ra chừng 70%
vô tích sự.
2. Bao giờ tinh giản biên chế để tăng lương cho công
chức, viên chức (nhất là giáo viên, bác sĩ) để họ nuôi được bản thân và gia
đình, không cần “ăn bẩn” vẫn sống được?
3. Bao giờ miễn học phí hoàn toàn cho học sinh mầm
non và phổ thông theo Luật Giáo dục bắt buộc/ Phổ cập giáo dục? Bao giờ học
sinh không phải mua sách giáo khoa, mà nhà trường mua (tiền nhà nước) sẵn trong
Thư viện và cho học sinh mượn sách để học, như ở Pháp và nhiều nước văn minh?
4. Bao giờ bệnh nhân vào bệnh viện được nằm 1 người
1 giường và người nhà không phải thay phiên túc trực chăm sóc bệnh nhân? Bao giờ
có “Nhà thương làm phúc” như thời Tây cai trị, để người nghèo vào đó được chữa
trị miễn phí?
5. Bao giờ có những nhà máy xử lý rác như các nước
văn minh, không để rác ùn đọng và xử lý thủ công gây ô nhiễm môi trường?
6. Bao giờ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Sài Gòn hết ở
mức nguy hiểm như hiện nay?
7. Bao giờ xử lý được nạn ách tắc giao thông ở Hà Nội
và Sài Gòn như hiện nay?
8. Bao giờ xử lý được nạn úng nước, ngập lụt như ở
Hà Nội, Sài Gòn hiện nay?
9. Bao giờ Dân được tự do cư trú, tự do lập hội, tự
do ngôn luận, có luật Biểu tình như Hiến Pháp quy định?
10. Bao giờ hết cái trò “Đảng cử Dân bầu”, diễn đi
diễn lại mãi? Bao giờ có tự do ứng cử, bầu cử vào Quốc hội, HĐND các cấp và các
chức vụ ngoài Đảng CS?
Mong Nghị quyết Đại hội Đảng, các ngài tạm trả lời
cho Dân 10 câu hỏi thiết thực đó, chứ các ngài cứ máy mồm, hứa hươu, hứa vượn
chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chứ chả ai tin đâu.
Dù “chả ai tin” nhưng
“việc của họ phải là như vậy,” theo nhận xét của G.S Nguyễn
Văn Tuấn:
“Từ Donald Trump bên Mĩ,
Morrison bên Úc, đến các nhà cầm quyền bên Việt Nam, ai cũng hứa và ai cũng có
nhiều hoài bảo. Hứa hẹn là nghề của các chánh trị gia, bởi vì nhiệm vụ chánh của
họ là bán hi vọng…
Giới lãnh đạo chánh trị
nói chung là những người bán hi vọng. Nghề và nhiệm vụ của họ phải bán hi vọng.
Cái truyền thống này có từ lâu rồi và nó phổ quát từ Tây sang Đông. Do đó,
chúng ta không nên nhạo báng họ, bởi vì việc của họ phải là như vậy.”
Thì ra vậy!
Tuy vậy, vẫn có chút
dị biệt cần phải nói thêm (cho hết lẽ) là dù gì thì Donald Trump và
Scott Morrison cũng đều là những nhân vật lãnh đạo có tầm vóc. Những
lời hứa hẹn của họ, tuy không hoàn toàn khả tín, vẫn có “trọng
lượng” ít nhiều. Chớ còn với những người như 'Mạnh Mượt, Trọng Lú,
Phúc Niễng, Ngân Đù, Nhạ Ngọng, Bình Ruồi, Huệ Đom Đóm, Nhân Búp Bê,
Thể Cá Tra … ' (biệt danh do người dân gọi) mà lên tiếng “phủ dụ” thiên
hạ thì quả là chuyện lố bịch!
-------------------------------------
BÀI CŨ
No comments:
Post a Comment