Sunday, 29 November 2020

TỰ DO NGÔN LUẬN : CUBA PHẢN ĐỐI CAN THIỆP "THÔ BẠO" CỦA ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO MỸ (RFI)

 


Tự do ngôn luận: Cuba phản đối can thiệp « thô bạo » của đại diện ngoại giao Mỹ

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 29/11/2020 - 14:19

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201129-t%E1%BB....BB%B9

 

Hôm qua, 28/11/2020, bộ Ngoại Giao Cuba đã triệu đại diện ngoại giao Mỹ tại đảo quốc, để phản đối các can thiệp « thô bạo và có tính khiêu khích », trong vụ phong trào San Isidro, của các nghệ sĩ đòi tự do ngôn luận, tự do sáng tác. Một mặt lên án can thiệp Mỹ, mặt khác, chính quyền Cuba khẳng định tiếp tục đối thoại với giới nghệ sĩ đòi tự do.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7ac3b908-3245-11eb-9979-005056a964fe/w:980/p:16x9/AP20333179698321.webp

Các nghệ sĩ Cuba biểu tình đòi tự do ngôn luận trước Bộ Văn Hóa, La Habana ngày 27/11/2020. AP - Ismael Francisco

 

Theo AFP, ông Carlos Fernandez de Cossio, phụ trách vụ Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao Cuba, đã triệu đại diện ngoại giao Mỹ Timothy Zuñiga-Brown để thông báo La Habana « không cho phép Hoa Kỳ cũng như bất cứ quốc gia nào can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ». Bộ Ngoại Giao Cuba ra thông cáo cho biết như trên.

 

Bộ Ngoại Giao Cuba cáo buộc đại diện ngoại giao Mỹ đã nhiều lần tiếp xúc với phong trào San Isidro, đã vận chuyển cũng như hỗ trợ nhiều thành viên phong trào, « vi phạm các quy định về phòng chống dịch ». Vẫn theo giới chức bộ Ngoại Giao, các hành động của đại diện ngoại giao Mỹ « vi phạm nghiêm trọng » các quy tắc ngoại giao.

 

Ngày thứ Năm 26/11, cảnh sát Cuba đã trục xuất 14 thành viên phong trào San Isiro, tuyệt thực tại một địa điểm nằm ở trung tâm thủ đô La Habana, để phản đối việc chính quyền bắt giữ và kết án 8 tháng tù đối với nghệ sĩ nhạc rap Denis Solis, với tội danh « xúc phạm » chính quyền. Việc trục xuất diễn ra với lý do nguy cơ lan truyền dịch Covid-19, sau khi một phóng viên, nhà văn Cuba, Carlos Manuel Alvarez, cộng tác viên của các báo Mỹ Washington Post và New York Times, đến tham gia cuộc phản kháng. Người phóng viên này bị tố cáo là đã bất chấp các quy tắc phòng dịch.

 

Môi trường đối thoại « mang tính xây dựng » đã hình thành

 

Vụ trục xuất đã châm ngòi phản kháng, ngày thứ Sáu, 27/11, hơn 200 văn nghệ sĩ, trí thức trẻ đã biểu tình phản đối trước trụ sở bộ Văn Hóa. Cuộc biểu tình đã có sự tham gia của tài tử điện ảnh, đạo diễn Jorge Perrugoria, được coi là đạo diễn số một của Cuba hiện nay. 21 giờ tối, bộ Văn Hóa Cuba chấp nhận đối thoại với đoàn đại diện phong trào đòi tự do ngôn luận. Cuộc đối thoại diễn ra hơn 4 giờ. Theo nhiều nhà quan sát, đây là một bước tiến lịch sử trong nỗ lực đối thoại giữa chính quyền với giới văn nghệ sĩ, trí thức đòi tự do ngôn luận.

 

Rojas, người đối thoại với phái đoàn các văn nghệ sĩ, khẳng định một môi trường đối thoại « mang tính xây dựng » đã hình thành. Thứ trưởng bộ Văn Hóa cho biết thêm là : bộ Văn Hóa đã nhận được nhiều chỉ trích, và quá trình đối thoại đã diễn ra trong không khí căng thẳng. Tuần tới, dự kiến giới văn nghệ sĩ độc lập sẽ gặp bộ trưởng Văn Hóa Cuba Alpidio Alonso.

 

Phong trào San Isidro, vốn không được công chúng biết đến, đột ngột trở thành chủ đề thời sự tại Cuba, sau nhiều tháng căng thẳng giữa giới nghệ sĩ độc lập và chính quyền. Tiêu điểm của mâu thuẫn là nghị định 349, bắt buộc các nghệ sĩ phải đăng ký hoạt động với một cơ quan công quyền. Đòi hỏi chính của giới nghệ sĩ độc lập là chính quyền cần tổ chức thảo luận công khai về nghị định 349.

 

                                                         ***

Các nội dung liên quan

Tự do ngôn luận: Chính quyền Cuba đối thoại với giới văn nghệ sĩ độc lập

 

Cuba: Vừa được trả tự do, một nhà báo độc lập đã tố cáo ngay chế độ nhà tù

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats