Monday 9 November 2020

BẦU CỬ MỸ : TỔNG THỐNG TÂN CỬ JOE BIDEN KHỞI ĐỘNG TIẾN TRÌNH CHUYỂN TIẾP (RFI)

 


 

NỘI DUNG :

Bầu cử Mỹ : Tổng thống tân cử Biden khởi động tiến trình chuyển tiếp

Thu Hằng  -  RFI

.

Phục hồi kinh tế, khôi phục uy tín của Mỹ: Hai ưu tiên của ông Biden

Thanh Hà  -  RFI

.

Mỹ : Joe Biden và thách thức « đoàn kết » quốc gia

Thu Hằng  -  RFI

.

Bầu cử Mỹ 2020: Nước Mỹ sẽ vĩ đại với Biden và Harris ?

Tú Anh  -  RFI

.

Bầu cử Mỹ 2020 : Biden đắc cử, nhiều nước châu Á không hồ hởi

Minh Anh  -  RFI

.

Giới ủng hộ Trump dự trù chiến dịch nhắn tin về cáo buộc bầu cử gian lận

Trọng Nghĩa  -  RFI

 

==================================================

.

.

Bầu cử Mỹ : Tổng thống tân cử Biden khởi động tiến trình chuyển tiếp

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2020 - 12:38

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201109-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%...AAn

 

Không chờ tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump chấp nhận thất cử theo thông lệ ở Mỹ, ngày 08/11/2020, êkíp của tổng thống tân cử Joe Biden đã thông báo tiến trình chuyển tiếp quyền lực. Tuy nhiên, công việc bước đầu sẽ gặp khó khăn nếu không được ông Donald Trump bật đèn xanh.

 

.

Thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình từ New York :

« Trên tài khoản Twitter của Donald Trump trong những giờ vừa qua vẫn là hàng loạt tin nhắn lên án gian lận. Tổng thống sắp mãn nhiệm viết : « Điều quan trọng là họ đã đánh cắp những gì họ cần đánh cắp », « Từ khi nào mà những cơ quan mạo danh truyền thông quyết định ai là tổng thống ! ». Đây là những dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận thất cử, dường như bỏ ngoài tai lời khuyên của nhiều người thân cận với ông ở Nhà Trắng.

 

Trong khi đó, ông Joe Biden quyết định bỏ qua những tuyên bố của đối thủ để bắt tay vào việc. Hôm qua (08/11), êkíp của ông đã lập một trang web mới, nêu chi tiết chương trình của tổng thống tân cử trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/01/2021. Trong đó có 4 ưu tiên chính : chống đại dịch Covid-19, giải quyết khủng hoảng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và chủng tộc và chống biến đổi khí hậu.

 

Ngoài ra, hôm nay 09/11, ông Joe Biden còn lập một đơn vị xử lý khủng hoảng mới, được ông thông báo trong bài diễn văn chiến thắng hôm 07/11. Nhóm chuyên gia này phụ trách lập một kế hoạch xử lý đại dịch, sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 20/01/2021.

 

Theo truyền thông Hoa Kỳ, tổng thống tân cử có lẽ sẽ còn đảo ngược nhiều quyết định được tổng thống Donald Trump đưa ra. Việc này có lẽ được bắt đầu ngày từ ngày đầu tiên ông Joe Biden nhậm chức, trong đó có ý định ký các sắc lệnh để đưa Hoa Kỳ trở lại Thỏa thuận Khí hậu Paris và Tổ Chức Y Tế Thế Giới ».

 

Tuy nhiên, theo trang France 24, phạm vi hoạt động cho đến ngày 20/01/2021 của tổng thống tân cử Joe Biden sẽ phụ thuộc vào thái độ của tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong những ngày tới. Giai đoạn này được cho là đầy trắc trở, vì tổng thống Donald Trump không công nhận thất bại và khởi động cuộc chiến pháp lý từ ngày 09/11. Như vậy, đội ngũ của ông Joe Biden khó có thể có được tham khảo những hồ sơ quan trọng hoặc được tóm lược về các vấn đề an ninh quốc phòng.

 

----------------------------------------------

.

.

Phục hồi kinh tế, khôi phục uy tín của Mỹ: Hai ưu tiên của ông Biden

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2020 - 11:45

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201109-ph%E1%BB%A5c-h%E1%BB%93i-kinh-t%E1%BA%BF...ng-biden

 

Từ thành phố Wilmington, bang Delaware, tối 07/11/2020, trong bài phát biểu đầu tiên ở cương vị tổng thống tân cử, ông Joe Biden gửi đến công luận Mỹ và quốc tế hai thông điệp mạnh. Về đối nội, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế là hai ưu tiên trong những ngày đầu của nhiệm kỳ. Với toàn thế giới, Mỹ khẳng định tái lập niềm tin với các đồng minh và bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc trước những tham vọng bá quyền của các nước lớn.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a3137e4a-2276-11eb-93e8-005056a98db9/w:1280/p:16x9/2020-11-08T032614Z_1156029847_HP1EGB809JQNF_RTRMADP_3_USA-ELECTION-BIDEN.webp

Ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden phát biểu sau khi báo chí thông báo ông đã đắc cử tổng thống Mỹ. Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ, ngày 07/11/2020. REUTERS - JIM BOURG

 

Trả lời RFI tiếng Việt, trước hết nhà báo Phạm Trần từ thủ đô Washington nhấn mạnh đến 3 điểm then chốt tổng thống đắc cử Joe Biden gửi đến toàn thể dân Mỹ :

 

« Thứ nhất ông kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết để cùng nhau hợp tác và hàn gắn những đổ vỡ trong xã hội, để tiến tới việc xây dựng một nước Mỹ phồn thịnh (…) Thứ nhì là ông Biden kêu gọi cử tri đã bỏ phiếu cho Donald Trump cần cho nhau một cơ hội : chúng ta không phải là kẻ thù, mà tất cả đều là người Mỹ (…) Điều thứ ba là Hoa Kỳ phải trở thành một cường quốc được kính trọng trên thế giới  (…).

 

Về những công việc mà êkíp của tổng thống tân cử Biden phải bắt tay ngay vào việc, ngay từ ngày Thứ Hai 09/11/2020 ông sẽ thành lập một ủy ban chống dịch Covid-19, gồm các nhà khoa học và chuyên gia, để đưa ra một kế hoạch đối phó với đại dịch (…). Phục hồi kinh tế là điều đầu tiên cần làm, nhưng để đạt được mục tiêu đó thì phải làm chủ được tình hình dịch bệnh (…)

 

Nhìn đến chính sách đối ngoại, chính quyền Biden sắp tới đây mong muốn củng cố lại quan hệ với các đồng minh của Hoa Kỳ (…) chính quyền Biden cũng sẽ chú trọng đến các vấn đề nhân quyền, điều mà trong bốn năm qua chính quyền Trump đã sao nhãng (…).

 

Riêng đối với Trung Quốc và Nga, cương lĩnh hành động của ứng cử viên Joe Biden có nói rõ:

Đối với Trung Quốc, sẽ có những quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh như trước đây, đồng thời gắn liền vấn đề nhân quyền với kinh tế giữa hai quốc gia. Ông Biden biết là Trung Quốc đã có kế hoạch và muốn tạo ảnh hưởng đối với toàn cầu cả về mặt chính trị lẫn kinh tế, để có thể kiểm soát thế giới. Nhưng Hoa Kỳ không để những chuyện đó xảy ra, như chính ông Biden đã nhấn mạnh (…).

 

Đối với Nga, phát biểu của ông Biden về chính sách ngoại giao không thấy nhắc đến riêng nước Nga. Nhưng ứng viên Biden khi đó đã lưu ý : Nước Mỹ tương lai sẽ không để cho những quốc gia muốn đô hộ nước khác có tham vọng chính trị và vi phạm quyền tự quyết của các dân tộc, vi phạm nền độc lập, quyền tự chủ của các quốc gia trên thế giới »

 

------------------------------------------------

.

.

Mỹ : Joe Biden và thách thức « đoàn kết » quốc gia

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2020 - 15:18

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201109-m%E1%BB%B9-joe-biden-v%C3%A0-th%C3%A1ch-th%E1%...gia

 

Sau thời gian vui mừng với kết quả thu được 290 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden, người sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đã kêu gọi « đoàn kết, ngừng xem đối thủ là kẻ thù » trong bài diễn văn tối 07/11. Tuy nhiên, « đoàn kết » quốc gia sẽ là thách thức lớn nhất trong thời gian tới đối với ông Joe Biden.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c263764e-228d-11eb-8edc-005056a98db9/w:1280/p:16x9/000_8UT6DC.webp

Tổng thống tân cử Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ, ngày 07/11/2020 sau khi được báo chí tuyên bố là người chiến thắng. AFP - ANGELA WEISS

 

Trang LCI của Pháp ngày 08/11 nhận định ông Joe Biden kế thừa nhiệm vụ khó khăn nhất : hòa giải hai nước Mỹ không còn chịu đựng được nhau nữa. Tổng thống mới đắc cử hứa hàn gắn và tập hợp đất nước vì « không có các bang mầu đỏ (Cộng Hòa) hay mầu xanh (Dân Chủ) » mà « chỉ có một nước Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, thuyết phục gần 71 triệu cử tri ủng hộ tổng thống đương nhiệm Donald Trump gần như là nhiệm vụ bất khả thi trong thời gian trước mắt.

 

Ưu tiên đầu tiên của ông Joe Biden là xử lý đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, với việc thành lập một đơn vị để nghiên cứu « kế hoạch chỉ đạo » sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 20/01/2021. Kế hoạch « được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học », trái với những phát biểu và hành động của ông Donald Trump xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19.

 

Vấn đề ở chỗ là những người ủng hộ ông Donald Trump vẫn tin vào những lập luận của chủ nhân Nhà Trắng về ưu tiên cho hoạt động kinh tế, việc làm. Nếu tân chính quyền Mỹ đưa ra một số biện pháp bắt buộc để chống dịch, như đeo khẩu trang, liệu người ủng hộ ông Donald Trump có tôn trọng những biện pháp này ?

 

Thứ hai, ông Donald Trump, luôn lên án gian lận bầu cử bằng những lời lẽ gay gắt mà không đưa ra bằng chứng, bắt đầu một cuộc chiến pháp lý từ ngày 09/11. Những phát biểu của ông Trump không được thượng nghị sĩ Cộng Hòa Mitt Romney ủng hộ. Trong chương trình « Meet the Press » của đài NBC, được trang AP trích dẫn ngày 08/11, thượng nghị sĩ bang Utah cho rằng tổng thống Trump « cần thận trọng trong việc chọn từ ngữ » vì theo ông, những phát biểu như « cuộc bầu cử bị lũng đoạn, bị đánh cắp hay gian lận » là « ngôn từ của các nhà độc tài trên thế giới » và điều này ảnh hưởng đến niềm tin vào tiến trình dân chủ Mỹ.

 

Ông Donald Trump vẫn khẳng định chiến thắng, cho dù dường như nhiều người thân cận của ông khuyên ông chấp nhận thất cử. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trump tỏ ý hợp tác trong tiến trình chuyển giao quyền lực. Chủ nhân Nhà Trắng còn kiên quyết, thì những người ủng hộ ông vẫn sôi sục « đòi tìm công lý ». Chia rẽ giữa hai phe sẽ còn sâu sắc và khó hàn gắn.

 

Một nỗ lực khác nhằm « đoàn kết » đất nước, theo AP, sẽ được thể hiện qua thành phần tân nội các của tổng thống thứ 46. Ông Joe Biden đã thành công trong việc tập hợp toàn đảng Dân Chủ, từ phe cấp tiến đến cánh trung trong đảng, để đánh bại tổng thống-ứng viên Donald Trump. Ông Biden dự định tham khảo các nhà lãnh đạo lập pháp và thống đốc của cả hai đảng để lập chính quyền mới trong những ngày tới, theo phát biểu của Ted Kaufman, cố vấn chính của ông Biden.

 

Dựa vào tuyên bố của Biden rằng ông sẽ là tổng thống của « tất cả người dân Mỹ », có thể dự đoán là chính quyền mới sẽ bao gồm nhiều nhiều nhân vật thuộc đảng Cộng Hòa ở những vị trí cấp cao, vẫn theo AP. Thực vậy, nhiều cựu quan chức Cộng Hòa đã cắt đứt với tổng thống Trump và ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Biden. Việc bổ nhiệm họ vào chính phủ mới có thể sẽ làm giảm căng thẳng với phe Cộng Hòa ở Thượng Viện, trong bối cảnh đảng này có nhiều khả năng tiếp tục giữ đa số ở Thượng Viện. Tuy nhiên, những nỗ lực hòa giải lưỡng đảng của ông Biden có thể thất bại, nếu ông Trump vẫn từ chối nhượng bộ trong cuộc đua tổng thống.

 

Ngoài ra, tỏ ra quá thân thiện với đảng Cộng Hòa cũng có thể làm phật lòng phe cấp tiến cực tả trong đảng Dân Chủ. Một số người đã bắt đầu lo ngại các thượng nghị sĩ Cộng Hòa không hợp tác có thể sẽ buộc ông Biden giảm bớt những cam kết đầy tham vọng trong chiến dịch tranh cử của ông, như về y tế, đầu tư của liên bang vào công nghệ xanh trong tiến trình khôi phục kinh tế hậu Covid-19, tạo việc làm để chống biến đổi khí hậu…

 

Tóm lại, đối với đội ngũ của tổng thống tân cử, khó khăn trước mắt cản trở « đoàn kết » chính là tổng thống mãn nhiệm. Hai bên phải hợp tác mới có thể tránh được tình trạng chính quyền bị tê liệt hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại tổng thống Trump « sẽ chiến đấu đến cùng », vẫn theo thượng nghị sĩ Mitt Romney, nhưng ông « cũng chắc rằng một khi đã hết mọi biện pháp, ông ấy (Donald Trump) sẽ chấp nhận điều không tránh được ».

 

------------------------------------

.

.

Bầu cử Mỹ 2020: Nước Mỹ sẽ vĩ đại với Biden và Harris ?

Tú Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2020 - 15:40

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201109-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%A...harris

 

Chiến thắng vinh quang trong vất vả của Joe Biden và Kamala Harris là chủ đề chính của báo chí Pháp ngày 09/11/2020. Le Figaro cho biết thêm Putin rất ngại Joe Biden, còn Trung Quốc của Tập Cận Bình cũng không ảo vọng. Thời sự châu Á cũng không thiếu với tình hình chính trị tại Thái Lan, Miến Điện và nhân quyền tại Trung Quốc.

 

« Một nước Mỹ mới »; « Một bàn cờ mới »; «  Biden và Harris làm nước Mỹ vĩ đại trở lại » đó là những tựa trên trang nhất của  Les Echos, La Croix và Libération, sáu ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cho dù Donald Trump vẫn chưa chịu thua.

 

Làm cách nào Joe Biden « chữa trị » nước Mỹ ? Từ một chính trị gia già nua chuyển mình thành cứu tinh. « Chiến binh Kamala bước vào lịch sử», cùng với các tựa này, Le Figaro cho biết thêm vì sao Putin và Tập Cận Bình ngại Joe Biden.

 

Joe Biden tuyên bố sẽ làm cho « nước  Mỹ phục hồi và vĩ đại trở lại ». Nước Mỹ đang chờ Joe Biden với những thách thức nào ? Báo chí Pháp phác họa.

 

Sứ mệnh an dân của Joe Biden

Thắng Donald Trump, Joe Biden phải đối phó với hai vấn đề lớn của nước Mỹ là đại dịch Covid và hệ quả kinh tế. Sau những ngày phấn chấn của phe Dân Chủ, thực tế đang chờ trước mặt, Les Echos nhận định.

 

Nhật báo kinh tế không quên dành cho Kamala Harris một bài giới thiệu phó tổng thống với nhiều cái đầu tiên: Phụ nữ đầu tiên, phụ nữ da màu có dòng máu Á châu đầu tiên lên đến chức vụ lãnh đạo này, báo hiệu một trang sử mới, « một nước Mỹ tôn trọng nữ quyền và đa sắc tộc ».

 

Nhưng khi Joe Biden tuyên bố « sẽ đoàn kết và chữa trị nước Mỹ » phải chăng là nền dân chủ  Mỹ « bị đe dọa hay  bệnh hoạn » ? Được La Croix đặt câu hỏi, nhà nghiên cứu chính trị Denis Lacorne thẩm định là « chờ ngày bàn giao » mới rõ.

 

Còn Didier Combeau, chuyên gia Pháp về chính trị Mỹ trên La Croix, dứt khoát cho rằng nền dân chủ Mỹ rất « vững chắc » nhưng  « ốm đau ». Ốm đau vì tuân thủ vào những mẫu mực cố định « bầu qua đại cử tri ». Donald Trump phủ nhận kết quả  và chỉ trích hệ thống bầu cử là điều thật đáng ngại, nhưng ông sẽ không dám « đảo chính ». Muốn đảo chính phải có sự đồng tình của truyền thông và quân đội. Thế nhưng, cả hai định chế này đều không ủng hộ Trump.

 

Một khi vào Nhà Trắng, Joe Biden sẽ đối đầu với một Thượng Viện không hữu hảo, ông đã biết như vậy, theo Les Echos. Ông sẽ phải bổ nhiệm những bộ trưởng ôn hòa để không bị Thượng Viện, một bên là Cộng Hòa, một bên là phe tả của Dân Chủ, gây khó dễ.

 

Vấn nạn của một người ôn hòa

Ưu điểm của Joe Biden là một người biết dung hòa, nhưng để hoạch định một chính sách cải cách, nhà lãnh đạo phải dứt khoát chọn lựa một con đường. Le Figaro phân tích vấn nạn của tổng thống Mỹ tương lai.

 

Chương trình « phục hồi » nước Mỹ với 7000 tỷ đôla, kể cả đầu tư khổng lồ vào đừơng xá, cầu cống, tăng lương tối thiểu, hỗ trợ y tế, tăng thuế đánh vào nhà giàu cần có sự đồng thuận của Hạ Viện, nhưng có thể bị Thượng Viện cản trở.

 

Vấn nạn đầu tiên của Joe Biden là Donald Trump và phe bảo thủ vẫn đứng vững, theo nhận định của Le Figaro. Trong thất bại, người ta sẽ thấy rõ bản chất của « chủ thuyết Trump », một phong trào dân chủ, chấp nhận thắng thua trong chính trị, hay chỉ là một lực lượng với mục tiêu duy nhất là tiêu diệt đối thủ.

 

Ý thức hiểm nguy này và thấy cần phải nhanh chóng hòa giải dân tộc đang bị chia rẽ nghiêm trọng, Joe Biden chìa bàn tay mời gọi phe Donald Trump « đoàn kết để hồi phục tâm hồn nước Mỹ ». Ông cũng biết là cũng cần phải chứng minh với  phe mình qua những biện pháp thay đổi sâu sắc. Nhóm cộng sự của Joe Biden đã chuẩn bị tái lập các biện pháp của Barack Obama, mà Donald Trump, qua sắc luật, đã hủy bỏ. Cụ thể là trở lại Hiệp định khí hậu Paris, tái lập hàng chục quy định liên quan đến môi trường và bảo hiểm y tế.

 

Hòa giải hay cải cách ? Joe Biden buộc phải nhanh chóng chọn một trong hai, nhật báo thiên hữu kết luận .

 

Matxcơva và Bắc Kinh đều chưa có phản ứng

Một câu hỏi khác là Joe Biden có tiếng là « bạn » của Tập Cận Bình sẽ cứng rắn hay sẽ mềm mỏng với Bắc Kinh ? Vì sao Putin « buồn bã ». Le Figaro phân tích :

 

Phản ứng chậm chạp của Điện Kremlin chưa chúc mừng Joe Biden phản ánh tâm trạng bối rối của tổng thống Putin, nếu không nói là người trúng cử không phải là ứng cử viên mình ưa thích. Theo giới phân tích được Le Figaro trích dẫn, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ gia tăng trong nhiệm kỳ của Joe Biden theo hướng « đau đớn hơn và chọn lựa mục tiêu chính xác hơn », lá bài chống Nga đã được khai thác sẽ tiếp tục được khai thác trong bốn năm tới. Tuy nhiên, cũng có khả năng hai bên sẽ hợp tác trên hồ sơ Iran và hiệp định giải trừ vũ khí New Start.

 

Trung Quốc của Tập Cận Bình cũng không hy vọng gì với nước Mỹ của Joe Biden. Theo Le Figaro, cho dù giữa Biden và Tập có mối liên hệ cá nhân hữu hảo từ thời Biden làm phó cho Obama, nhưng Joe Biden, qua những cuộc gặp gỡ, dạ tiệc với chủ tịch tương lai Trung Quốc chỉ nhằm mục đích tìm hiểu, đo lường bản lĩnh của ngôi sao đang lên trong đảng Cộng Sản Hoa Lục hầu tránh chiến tranh. Tập luôn đáp trả bằng nụ cười thân thiện, nhưng từ năm 2013, khi lên cầm quyền ông đã tỏ ra không khoan nhượng. Nội tình thì thẳng tay trấn áp, đối ngoại thì diễu võ dương oai, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông mà Joe Biden thì mù tịt.

 

Một thập niên sau, Joe Biden thay đổi hẳn. Trong chiến dịch tranh cử, ông liên tục lên án « Tập Cận Bình du côn ». Theo một nhà phân tích Trung Quốc (Trần Kỳ), hầu hết giới quan sát Trung Quốc không tin là quan hệ hai bên sẽ được cải thiện. Washington và Bắc Kinh huy động sức mạnh chuẩn bị một cuộc chiến tranh tiêu hao. Cho đến hôm nay, Bắc Kinh cũng chưa chúc mừng tổng thống đắc cử.

 

Các nhà chiến lược Trung Quốc hy vọng Joe Biden sẽ giúp Bắc Kinh một thời gian bớt căng thẳng sau bốn năm sóng gió với Donald Trump. Tuy nhiên, họ cũng e rằng các nước Châu Á, và Châu Âu sẽ tiếp tục theo đà cùng với Mỹ bao vây Trung Quốc. Trước mắt, Bắc Kinh còn lo ngại chính quyền Trump mãn nhiệm sẽ đốt những chiếc cầu nối cuối cùng với Trung Quốc để phát động một loạt phương án đối nghịch mới, từ Đài Loan cho đến lãnh vực công nghệ.

 

Trump và hậu duệ

Nếu mọi việc tốt đẹp, Joe Biden sẽ vào Nhà Trắng vào ngày 20/01/2021. Còn Donald Trump? Thúc thủ hay có những lá bài trong tay áo ?

 

Với hai bài phóng sự dài, Le Figaro cho biết, Donald Trump sẽ đi tới cùng với thủ tục pháp lý để làm sáng tỏ điều mà ông gọi là « bị đánh cắp chiến thắng ».Tuy nhiên, không ít người trong đảng Cộng Hòa muốn tìm một lối ra trong vinh dự, bàn giao quyền lực một cách ôn hòa .

 

Trump sẽ rời Nhà Trắng, nhưng « triều đại Trump » đã tôi luyện được một thế hệ hậu duệ tiếp tục tranh đấu trên sân khấu chính trị Mỹ. Đó là nội dung bài phóng sự cùng tên bên cạnh tấm ảnh toàn gia đình ba thế hệ của tổng thống mãn nhiệm.

 

-----------------------------------------------

.

.

Bầu cử Mỹ 2020 : Biden đắc cử, nhiều nước châu Á không hồ hởi

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2020 - 12:34

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201109-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-2020-biden...BB%9Fi

 

Thông báo ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ngày 07/11/2020 khiến nhiều nước châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Ngược lại, tại châu Á, nhiều thủ đô lớn trong khu vực lại tràn ngập một cảm giác tiếc nuối Donald Trump, người đã có những phát biểu cứng rắn trước Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3abb8348-227a-11eb-bce1-005056a98db9/w:1280/p:16x9/2020-11-05T112538Z_1045903867_RC2ZWJ904PLK_RTRMADP_3_USA-ELECTION-TRUMP-VIETNAM.webp

Ảnh Donald Trump tại một cửa hàng quà lưu niệm ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 05/11/2020. . © REUTERS – KHAM

 

Nhật báo Kinh tế Les Echos của Pháp số ra ngày 09/11/2020 trích dẫn một thông tin khá thú vị : Thăm dò do báo mạng VnExpress thực hiện tại Việt Nam hồi đầu tháng 11/2020 cho thấy 79% trong số 49.000 người được hỏi khẳng định thích ông Donald Trump tái đắc cử.

 

Mong mỏi này hiện hữu ở nhiều nước. Theo quan điểm của ông Toshihiro Nakayama, một giáo sư về chính sách đối ngoại trường đại học Keio, có lẽ « Đài Loan, rất có thể là Israel, sẽ là một trong số các nước trên hành tinh tiếc nuối Donald Trump nhiều nhất ».

 

Đối với nhiều tác nhân trong khu vực, « Biden đắc cử làm sống lại ký ức thời Obama, một thời kỳ quá thụ động đối với Bắc Kinh », một nhà phân tích tại Singapore nhận định. Nhiều nước hay vùng lãnh thổ tại châu Á như Đài Loan, Nhật Bản cảm thấy được an toàn hơn với tổng thống Donald Trump. Tất cả những cảm giác này giải thích vì sao nhiều nước tại châu Á phần nào dè dặt, trong đó có Việt Nam, không vội lên tiếng chúc mừng tổng thống tân cử Joe Biden.

 

Trung Quốc biện minh vì sao chưa chúc mừng Biden

Bắc Kinh ngày 09/11/2020 thông qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc giải thích rằng Trung Quốc chưa thể chúc mừng Joe Biden là do vẫn chưa có kết quả bỏ phiếu chung cuộc.

 

Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), trong buổi họp báo cho biết Bắc Kinh « ghi nhận ông Biden đã tuyên bố thắng cử. Nhưng kết quả cuộc bầu cử sẽ do các luật lệ và các quy trình có hiệu lực tại Mỹ quyết định ».

 

AFP lưu ý, Trung Quốc không phải là nước duy nhất chưa gởi thông điệp chúc mừng. Nga, Mêhicô hay Brazil cho đến hôm nay vẫn tỏ ra kín tiếng.

 

Về phần các nước Hồi giáo Ả Rập, chiều tối ngày Chủ Nhật 08/11/2020, quốc vương Salmane và hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmane, rất gần gũi với Donald Trump, cũng đã gởi thông điệp chúc mừng liên danh Joe Biden và Kamala Harris đắc cử, mong muốn « mối quan hệ lịch sử giữa hai nước và hai dân tộc thân hữu ngày càng được thắt chặt ».

 

Thắng lợi của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử cũng đã kích thích thị trường tài chính châu Âu. Theo AFP, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn tại châu Âu như Paris, Luân Đôn, Frankfurt trong phiên giao dịch đầu tiên hôm nay, 09/11/2020 đều tăng điểm, theo chân các thị trường chứng khoán của Mỹ hôm qua.

 

----------------------------------------------------

.

.

Giới ủng hộ Trump dự trù chiến dịch nhắn tin về cáo buộc bầu cử gian lận

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2020 - 14:37

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201109-gi%E1%BB%9Bi-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%9...ADn

 

Ban vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch về một chiến dịch "thần tốc" tung tin nhắn để bảo vệ các cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu tổng thống vừa qua. Thông tin này đã được ba nguồn biết rõ vấn đề tiết lộ với kênh truyền hình Mỹ CNN hôm qua, 08/11/2020.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d0043322-2285-11eb-a746-005056a98db9/w:1280/p:16x9/2020-11-09T011151Z_327156383_RC2DZJ9GU7ZU_RTRMADP_3_USA-ELECTION.webp

Người ủng hộ tổng thống Mỹ Donald Trump giơ cao tấm biển "Chỉ phiếu hợp lệ mà thôi" tại Philadelphia, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 08/11/2020. REUTERS - MARK MAKELA

 

Theo ghi nhận của CNN, giới thân cận của tổng thống Trump khẳng định rằng chiến thắng của ứng viên của họ đã bị phe Dân Chủ “đánh cắp” bằng cách kiểm phiếu gian trá tại những bang then chốt, nhưng cho đến nay không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

 

Theo hai nguồn tin, một trong những cách mà ban vận động tranh cử của ông Trump dự trù thực hiện là công bố cáo phó của những người mà họ khẳng định là đã có bỏ phiếu trong cuộc bầu cử.

 

Song song với việc công bố cáo phó là kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình rộng lớn, như đã làm trong thời gian vận động tranh cử vừa qua, để khuếch đại các cáo buộc gian lận.

Mục tiêu của chiến dịch tung tin nhắn chớp nhoáng là làm dấy lên mối nghi ngờ về kết quả bầu cử để gây sức ép, buộc chính quyền các bang có liên quan mở các cuộc điều tra hoặc tự mình kêu gọi kiểm phiếu lại. Hệ quả sẽ là kéo dài tiến trình kiểm phiếu, để ban vận động tranh cử của ông Trump có thêm thời gian để thúc đẩy các vụ kiện trước tòa.

 

Cho đến nay, các vụ kiện mà phía tổng thống Trump đưa ra vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho các cáo buộc gian lận trên diện rộng. Và các lập luận mà ban vận động bầu cử của ông Trump đưa ra vẫn không làm thay đổi kết quả ở bất kỳ bang nào.

 

Cho đến giờ này, tổng thống Trump vẫn kiên quyết không chịu công nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden. Theo đài CNN, hai nguồn thạo tin đã tiết lộ rằng một số thân nhân của ông Trump, trong đó có con rể Jared Kushner và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã thảo luận về khả năng ông Trump công nhận thất cử.

 

Tuy nhiên, sau đó lại có tin là ông Jared Kushner, luật sư Rudy Giuliani của tổng thống Trump và cố vấn chiến dịch tranh cử Jason Miller là những người đã thúc giục tổ chức các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ để đòi kiểm phiếu lại.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats