Chiến
tranh thương mại và công nghệ Mỹ-Trung thời Biden
Thanh
Hà -
RFI
Đăng
ngày: 10/11/2020 - 16:04
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20201...biden
« Tạm dừng leo thang về thương mại, nhưng trên
mặt trận công nghệ, dưới thời tổng thống Biden giao tranh sẽ có phần quyết liệt
hơn », mà đấy chỉ là « một phần trong cuộc đọ sức dài hơi » giữa
Washington và Bắc Kinh. Trên đây là nhận định của hai chuyên gia Jean-François
Dufour, cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse và Jean-François Huchet, giám đốc
INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương trong cuộc trả lời phỏng
vấn dành cho RFI tiếng Việt.
Ảnh tư liệu: Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay phó tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 04/12/2013 tại
Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. AP - Lintao Zhang
Một tuần lễ sau ngày bầu
cử đẩy chính trường Mỹ vào nhiều biến động, tiến trình chuyển giao quyền lực
đang gặp nhiều trắc trở. Nhưng điều đó không ngăn cản tổng thống tương lai của
Hoa Kỳ bắt tay vào việc chuẩn bị điều hành đất nước.
Về đối ngoại, tất mọi chú
ý tập trung vào quan hệ trong bốn năm sắp tới giữa hai siêu cường kinh tế của
toàn cầu. Tất cả các nhà quan sát quốc tế đều đưa ra một nhận định chung :
« Nhà Trắng có thể đổi chủ, Mỹ vẫn sẽ cứng rắn với Trung Quốc », do từ
trọng lượng kinh tế đến ưu thế công nghệ và những tham vọng trên biển của Bắc
Kinh đều đe dọa đến những lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ.
Trong cuộc vận động tranh
cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ứng viên Donald Trump đã khai thác lá bài
« Biden là người của Trung Quốc » và trong trường hợp đối thủ của ông
bên đảng Dân Chủ thắng cuộc, thì « Trung Quốc sẽ làm chủ nước Mỹ ».
.
« Khác lọ,
cùng một nước »
Đó là khẩu hiệu tranh cử
của ông Trump : tấn công vào mối quan hệ cá nhân khá tốt giữa ông Joe
Biden với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn có từ khi ông Biden còn là phó
tổng thống Hoa Kỳ dưới chính quyền Obama. Lập luận tranh cử của ứng viên đảng Cộng
Hòa này quên mất rằng, chỉ riêng về công nghệ cao, ngay từ năm 2012, Hoa Vi đã
bị Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Còn tại Bắc Kinh, giới
lãnh đạo ý thức được rằng Washington sẽ không có một sự thay đổi « 180 độ »
trong chính sách về Trung Quốc, bởi « trước Donald Trump, Obama đã cứng giọng
với Bắc Kinh ».
Có nhiều dấu hiệu báo trước
đường lối cứng rắn của chính phủ Mỹ sắp tới với đối thủ thương mại quan trọng
này. Tuy nhiên phương pháp của của Joe Biden sẽ có nhiều khác biệt so với người
tiền nhiệm.
Trả lời đài RFI Việt Ngữ,
giám đốc INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương, giáo sư
chuyên về Trung Quốc Jean-
François Huchet phân tích về bang giao giữa hai siêu cường kinh tế của
thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống Biden :
Jean-François
Huchet : « Trong đối thoại Mỹ-Trung,
sợi dây đang căng sẽ được chùng xuống, ít ra là về hình thức. Khó lường trước
phản ứng của ông Donald Trump. Còn ông Joe Biden lịch sự hơn, đối thoại sẽ suôn
sẻ hơn, và điều quan trọng đối với Bắc Kinh là họ trông thấy ở Biden một đối
tác đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, về thực chất, tôi cho rằng sẽ có một sự tiếp nối
trong chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Mỹ
đều có cùng quan điểm : Bắc Kinh là một đối thủ của Mỹ, Trung Quốc là một
siêu cường và là một mối đe dọa về mặt chiến lược. Nói cách khác, quan hệ Mỹ
-Trung sẽ tiếp tục căng thẳng, không chỉ về thương mại hay trên vế công
nghệ ».
Riêng trên hai hồ sơ
thương mại và công nghệ, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse Jean-François Dufour nhận
xét như sau về hai hồ sơ đang được rất quan tâm này :
Jean-François
Dufour : « Thường rất khó và tế nhị khi đưa ra các
dự phóng, tuy nhiên theo tôi có hai khuynh hướng tương đối hiển nhiên liên quan
đến hai khía cạnh trong quan hệ Mỹ- Trung. Trước hết, về chiến tranh thương mại,
chúng ta có thể chờ đợi căng thẳng sẽ giảm cường độ. Có nghĩa là đôi bên sẽ ngừng
ban hành thêm các biện pháp áp thuế nhập khẩu và có thể là Washington, cũng như
Bắc Kinh, sẽ xóa bỏ bớt một số các hàng rào quan thuế đã được dựng lên trong
hai năm vừa qua.
Quyết định này là tất nhiên thôi, bởi vì chính sách
áp thuế và các biện pháp bảo hộ chính quyền Trump ban hành đã không đem lại kết
quả mong muốn : các tập đoàn Mỹ không ồ ạt trở về nguyên quán ;
hàng Trung Quốc thì vẫn tiếp tục đổ vào thị trường Mỹ, cán cân thương mại của
Hoa Kỳ vẫn bị thâm hụt. Trong những điều kiện đó, gần như chắc chắn là đôi bên
phải tính tới giải pháp bình thường hóa quan hệ.
Nhưng song song với hồ sơ này, cạnh tranh về mặt
công nghệ - mà thật ra thì đây mới là vế quan trọng hơn cả về mặt chiến lược
- một cách cơ bản, không có dấu hiệu giảm căng thẳng. Bởi vì sao ? Mỹ
và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đối đầu công nghệ từ trước khi Trump xuất hiện
trên chính trường. Đành rằng tổng thống Trump vỗ ngực tự nhận là đã khơi mào cuộc
chiến công nghệ với Trung Quốc, nhưng điều đó không đúng với sự thật. Những biện
pháp đầu tiên cấm Hoa Vi đầu tư vào Mỹ đã được ban hành từ nhiệm kỳ đầu
2008-2012. Cuộc chạy đua về công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trận
đấu dài hơi. Tôi không nghĩ là chính quyền Biden tới đây sẽ thay đổi chính sách
này. Trên mặt trận công nghệ tình hình vẫn sẽ căng thẳng ».
Jean-François
Dufour, cơ quan tư vấn DCA
Chine Analyse, giải thích có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm đình chiến
trên mặt trận thương mại, ngưng các biện pháp áp thuế trừng phạt lẫn nhau.
Nhưng liệu công luận Mỹ vốn đã quen với các lập trường bảo hộ của chính quyền
Trump có dễ chấp nhận chủ trương hòa hoãn hơn của tân chủ nhân Nhà Trắng về mặt
thương mại ?
Jean-Franois
Dufour : « Đó chính là một trong những
điểm nút khó tháo gỡ trong hồ sơ này. Cái khó ở đây là chính quyền Biden phải
giải thích với công luận vì sao chọn giải pháp giảm căng thẳng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, như vừa nói, điểm chính là các biện pháp bảo hộ không hiệu quả. Tăng
thuế nhập khẩu bất lợi cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ. Còn các doanh nghiệp Mỹ
thì càng lúc càng lo ngại khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, viễn
cảnh kinh tế phải phục hồi sau giai đại dịch Covid-19 lại càng khiến chính quyền
Biden tính đến khả năng xoa dịu căng thẳng thương mại với Trung Quốc ».
.
Xung khắc Mỹ
-Trung : Vấn đề cốt lõi vẫn nguyên vẹn
Tuy nhiên, ngay cả trên vế
mậu dịch, lĩnh vực được cho là có triển vọng giảm căng thẳng hơn cả, cũng còn
nhiều mâu thuẫn mà không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Giáo sư Jean-François Huchet, giám đốc
viện INALCO đi xa hơn khi cho rằng Donald Trump đã vĩnh viễn thay đổi quan
điểm của Mỹ về Trung Quốc :
Jean-François
Huchet : « Về sự can thiệp của nhà nước vào guồng
máy kinh tế, trên vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Joe Biden rất cứng rắn
trên tất cả những điểm này và thái độ cứng rắn đó sẽ tiếp tục là kim chỉ nam
trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Nói cách khác, Nhà Trắng đổi chủ, nhưng
chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trên các lĩnh vực này thì không. Cho tới
nay giới quan sát luôn ghi nhận có một khác biệt rõ rệt giữa một bên là các khẩu
hiệu tranh cử và bên kia là chính sách được thực hiện một khi ứng cử viên tổng
thống Mỹ bước vào Nhà Trắng.
Nhưng với Donald Trump thì không. Đó là một sự thay
đổi lớn. Ông này đã làm đúng những gì đã cam kết. Do vậy khó có thể hình dung
là quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ hữu hảo trở lại như dưới thời
các tổng thống Clinton, Bush hay Obama. Bởi cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều
có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Thêm vào đó chúng ta biết đảng Dân Chủ và
cá nhân ông Biden chú trọng nhiều vào vế nhân quyền, hơn hẳn với chủ trương của
chính quyền Trump trong bốn năm vừa qua. Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp
đặt với Hồng Kông, chính sách hù dọa Đài Loan của Hoa Lục hay các biện pháp đàn
áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cường : Tất cả những yếu tố này không cho phép
chúng ta nghĩ rằng Bắc Kinh và Washington dễ dàng và nhanh chóng sưởi ấm quan hệ.
Dù vậy đôi bên có thể đối thoại trên nhiều lĩnh vực
khác như chống biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân …
hay tìm được đồng thuận về các định chế đa quốc gia như Tổ Chức Thương Mại Thế
Giới, Tổ Chức Y Tế Thế Giới . Nhưng chắc chắc là mối bang giao sẽ không được
thuận thảo như đời các đời tổng thống trước Donald Trump »
Hãng tin Anh Reuters
trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo mô tả dưới chính quyền Biden, đối thoại giữa
Bắc Kinh và Washington tựa như một « bàn tay sắt trong chiếc găng
nhung » : Biden không có những tuyên bố ồn ào như ông Trump, nhưng
trong cuộc vận động lần này, ê kíp của ông Biden đã hứa hẹn « huy động cộng đồng quốc tế
để gây sức ép, cô lập và trừng phạt Trung Quốc ». Trong bài tham luận
đăng hồi tháng 3/2020 vào lúc virus corona bắt đầu hoành hành trên lãnh thổ Hoa
Kỳ, ứng viên Biden chủ trương « Mỹ cần cứng
rắn với Trung Quốc » và « phương pháp hiệu quả nhất để vượt
qua thách thức này là thành lập một mặt trận với các đồng minh và đối tác để
đương đầu với những hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ».
.
Liên minh chống
Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, chính
quyền Trump có khuynh hướng đơn phương tung đòn tấn công trước, rồi mới vận động
các đồng minh của Hoa Kỳ đứng về phía mình. Ngược lại, Joe Biden tham khảo ý kiến
đồng minh trước để khẳng định vai trò đầu tầu của Mỹ trước khi tung đòn. Một cố
vấn của ông Biden được hãng tin Anh Reuters trích dẫn cho biết, một khi bước
vào Nhà Trắng, Joe Biden sẽ thảo luận với các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ,
trước khi quyết định về chính sách áp thuế nhắm vào hàng Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Mỹ đặc trách
về các hồ sơ thương mại, Wendy Cutler, tin rằng « chính sách
của Biden về Trung Quốc sẽ dễ đoán hơn và mang tầm cỡ chiến lược hơn ».
Về phần cựu trợ lý
ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á dưới chính quyền Obama, Kurt Campbell, vài
ngày trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ông nay phân tich : cần phải đoàn kết
hơn bao giờ hết để xua tan suy nghĩ của Trung Quốc về một nước Mỹ đang
« nhanh chóng suy đồi ».
Tổng thống Donald Trump
đã vĩnh viễn khép lại hai thập niên quan hệ hữu hảo Mỹ- Trung khi trực tiếp xem
Bắc Kinh là một đối thủ chiến lược. Gần như chắc chắn người kế nhiệm ông tiếp tục
đi theo con đường đã vạch ra.
Cuộc đọ sức giữa hai siêu cường kinh tế của toàn cầu
sẽ còn dài và bắt buộc từ các đại tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ
của Mỹ và cả thế giới phải xét lại chiến lược phát triển với Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment