Tuesday, 10 November 2020

BIDEN ĐẮC CỬ : NƯỚC MỸ THẬT SỤ TRỞ LẠI VỚI CHỦ NGHĨA ĐA PHƯƠNG? (Minh Anh - RFI)

 


Biden đắc cử : Nước Mỹ thật sự trở lại với chủ nghĩa đa phương ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 10/11/2020 - 14:09

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201110-biden-%C4%91%E1%BA%AFc-c%E1%BB%AD...A1ng

 

Nước Mỹ ngày 07/11/2020 đã bầu chọn ông Joe Biden làm tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Tổng thống tân cử cam kết « nối lại với chủ nghĩa đa phương » và « quyền lực mềm của nước Mỹ », chấm dứt bốn năm « chủ nghĩa đơn phương » của tổng thống Donald Trump, đã gây tổn hại nhiều đến hình ảnh nước Mỹ trên thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, về mặt cơ bản, chính sách đối ngoại của Biden sẽ không có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm.

 

https://s.rfi.fr/media/display/892eac7a-2352-11eb-ae11-005056bff430/w:1280/p:16x9/2020-11-10T100028Z_788921221_RC2A0K9UI3RM_RTRMADP_3_USA-ELECTION-FED.webp

Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Joe Biden họp báo về phòng chống dịch Covid-19 tại Wilmington, Delaware, Mỹ, gnafy 09/11/2020. REUTERS - JONATHAN ERNST

 

« America is back ! » Đây chính là thông điệp mà Joe Biden đã đưa ra trong suốt cuộc vận động tranh cử. Cựu phó tổng thống Mỹ thời Barack Obama chưa bao giờ che giấu những ý đồ của mình trên phương diện chính sách đối ngoại khi đề ra các ưu tiên một khi ông đắc cử : Tái hội nhập thỏa thuận Paris về Khí hậu ; Trở lại với các thỏa thuận quốc tế, như hạt nhân Iran, Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay tham gia lại các định chế quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới WHO, UNESCO, UNRWA …, mà Hoa Kỳ đã rút ra khỏi dưới thời ông Donald Trump.

 

Hơn bao giờ hết, thế giới cần có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong nhiều cuộc khủng hoảng lớn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung, cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đe dọa vị thế siêu cường hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ.

 

Nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ, bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc cơ quan tư vấn German Marshall Fund of the United States, trên đài France Culture cho rằng việc nối lại hợp tác với các đồng minh châu Âu và châu Á sẽ là điều đầu tiên ông Joe Biden phải làm, nhằm « tạo ra một mặt trận chung làm đối trọng với các hoạt động của Trung Quốc tại châu Á, cũng như trong lòng các định chế đa phương ».

 

Chỉ có điều « America is back » của Joe Biden diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt : Lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua (có thể là từ thời Jimmy Carter năm 1976), một tổng thống đắc cử trong một nước Mỹ bị phân hóa sâu sắc, bị chia rẽ đến mức ở bên bờ đoạn tuyệt. Tổng thống Trump trong suốt nhiệm kỳ chỉ kích động sự thù hận, người Mỹ xâu xé lẫn nhau, vấn đề chủng tộc bùng nổ và dịch bệnh Covid-19 làm điêu đứng nền kinh tế.

 

Do vậy, theo giới quan sát tại Pháp, ưu tiên hàng đầu của Joe Biden vẫn là bình ổn trong nước. Ông ý thức được rằng dành nhiều thời gian và nói nhiều về quốc tế có lẽ sẽ là một mối nguy hiểm. Nhưng với 47 năm kinh nghiệm của một nhà ngoại giao kỳ cựu, Joe Biden cũng hiểu được « sức mạnh làm gương của Mỹ », một thứ quyền lực mềm được xây dựng dựa trên ý tưởng gọi là « chủ nghĩa ngoại lệ » của Mỹ , vốn dĩ đã bị ông Trump phá hủy trong bốn năm qua.

 

Joe Biden cũng rút ra được bài học kinh nghiệm từ Donald Trump, khi thấy rõ mối quan hệ nhập nhằng giữa chính sách đối nội với chính sách đối ngoại. Chính vì điều này mà ông mệnh danh chính sách đối ngoại của ông là một « chính sách vì một tầng lớp trung lưu Mỹ ».

 

Từ những điều nói trên, giới quan sát tại Pháp đều cùng cho rằng khẩu hiệu « America First » của Donald Trump, đề cao các lợi ích cốt lõi của nước Mỹ, vẫn sẽ luôn mang tính thời sự. Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược tại Pháp, lưu ý : « Cho dù có đưa một chút chủ nghĩa đa phương vào trong chính sách đối ngoại của mình, Biden sẽ không là một tổng thống đa phương, bởi vì chưa có một đời tổng thống Mỹ nào thật sự là đa phương cả. »

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats