Tuesday, 10 November 2020

VIỆT - MỸ SẼ THÚC ĐẨY HỢP TÁC ĐA DIỆN, GIẢM ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC (Thu Hằng - RFI)

 


Việt - Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác đa diện, giảm ảnh hưởng của Trung Quốc

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2020 - 11:06

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20201109-hop-tac-viet-nam-my-trong-chinh-quyen-joe-biden

 

Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á từ thời cựu tổng thống Barack Obama. Tổng thống Donald Trump đã thắt chặt và mở rộng thêm quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ thứ 46 Joe Biden, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác chủ chốt trong chiến lược của Mỹ ở châu Á.

 

https://s.rfi.fr/media/display/62a830ea-21bc-11eb-a5ac-005056a98db9/w:1280/p:16x9/AP20304091339440.webp

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (P) tiếp đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo nhân chuyến công du Hà Nội của ông ngày 30/10/2020. AP - Bui Lam Khanh

 

Tuy nhiên, người dân Việt Nam sẽ cần thêm một chút thời gian để hiểu hơn về ông Joe Biden, trái ngược với ông Trump rất nổi tiếng ở Việt Nam. « Lập trường đối đầu trực diện với Trung Quốc từ hai năm nay (của ông Trump) dĩ nhiên đã giúp Hà Nội đối thoại với Bắc Kinh ở tầm mức mà họ chưa từng có thể nghĩ đến », theo nhận định với RFI Tiếng Việt của nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

 

Mối quan hệ Hà Nội - Washington sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Joe Biden ? RFI Tiếng Việt lần lượt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Pháp Benoît de Tréglodé và N. T., một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt - Mỹ (qua thư điện tử).

 

Tiếp tục chiến lược an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương

 

.

RFI : Thưa nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, với chính quyền mới của Hoa Kỳ, liệu sẽ có thay đổi trong chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á, cũng như với Việt Nam ?

 

Benoît de Tréglodé : Một chính quyền mới đứng đầu nước Mỹ sẽ dẫn đến việc các nhân tố ở châu Á, trước tiên là Trung Quốc, cũng như là Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, một cách nào đó xem xét lại đối thoại và quan hệ đối tác với những nhà lãnh đạo mới của Mỹ. Dĩ nhiên là trong những tháng tới, đối thoại sẽ được nối lại, không tập trung và dựa trên những căng thẳng như trong những tháng gần đây dưới thời tổng thống Trump.

 

Tôi không nghĩ là chính quyền mới sẽ xem xét lại toàn bộ những hồ sơ chiến lược được thông qua dưới thời tổng thống Trump, trong đó có chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây sẽ vẫn là đường lối trong chính sách quốc phòng của Mỹ ở châu Á, trong đó có Đông Nam Á, nhưng đúng là có thể sẽ có nhiều đối thoại hơn, để Trung Quốc và Mỹ cùng làm việc với nhau và hiểu nhau hơn. Do đó, nếu nhìn theo quan điểm này, căng thẳng chắc sẽ giảm bớt trong những tháng tới ở châu Á.

 

Về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, sẽ không có việc xem xét lại hoàn toàn những nguyên tắc lớn đang chi phối quan hệ song phương. Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vấn đề Việt Nam vẫn thường được nhìn nhận, chú ý và đôi khi, theo một số người vẫn nói, bị khai thác trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

 

Trong bối cảnh này, nếu Biden đi theo hướng giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, thì tất nhiên sẽ thấy được hệ quả trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng những bước tiến của Mỹ trong vấn đề bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế ở Biển Đông chẳng hạn, là những điều về cơ bản sẽ vẫn được theo đuổi, nhưng có thể với ngôn từ mang tính ngoại giao hơn một chút, hòa dịu hơn một chút. Chúng ta có thể trông đợi những thay đổi sâu sắc trong quan điểm của Mỹ về khu vực, trên thực tế không chắc rằng chính quyền mới sẽ có thể thay đổi bất cứ điều gì.

 

.

RFI : Có thể thấy là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ít được chú ý trong nhiệm kỳ tổng thống Trump để tránh cản trở những dự án hợp tác song phương, mà Trung Quốc là mục tiêu sâu xa. Vấn đề này sẽ được đề cập như nào trong chính quyền Joe Biden ?

 

Benoît de Tréglodé : Trong những năm gần đây, các nhà quan sát nhận thấy vấn đề nhân quyền không phải là một ưu tiên của chính quyền Trump. Những thách thức nằm ở chỗ khác. Chính những thách thức đó giúp Hoa Kỳ tập hợp quanh mình những quốc gia sẵn sàng ủng hộ chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương và hình thành mặt trận chung ở châu Á chống Trung Quốc. Chắc chắn vấn đề nhân quyền không phải là ưu tiên lớn, ngoài Đối thoại Nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà cuộc họp gần đây nhất là vào tháng 10/2020.

 

Với chính quyền mới ở Mỹ, thông thường đảng Dân Chủ vẫn được cho là có khuynh hướng thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trên thế giới, nhưng cần nhắc lại là ưu tiên trước mắt của chính quyền mới sẽ là chính trị trong nước và tiếp tục các hồ sơ quốc phòng lớn trên thế giới. Do đó, tôi không chắc là vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trở thành một ưu tiên rõ ràng trong chính sách của Mỹ.

 

.

Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực phi quân sự

 

RFI : N. T. là nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Việt được RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi qua thư điện tử. Ngoài vấn đề an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông, những lĩnh vực nào được Việt Nam quan tâm hợp tác với Mỹ ?

 

N. T. : Theo tôi, có hai lĩnh vực chính mà Việt Nam sẽ quan tâm hợp tác với Mỹ ngoài hợp tác an ninh hàng hải. Thứ nhất là quản lý nguồn nước ở sông Mêkông. Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình trạng thiếu nước từ đầu nguồn và nước biển xâm nhập, với nguyên nhân chính là các hoạt động xây đập do Trung Quốc đầu tư ở thượng nguồn và biến đối khí hậu. Đây là một vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam khi đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính, cung cấp sinh kế cho hàng chục triệu người.

 

Hợp tác trong lĩnh vực này có thể bao gồm hỗ trợ nông dân ứng phó với ngập mặn và thiếu nước từ thượng nguồn, chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững hơn, hỗ trợ nông dân tìm kiếm sinh kế mới… Ngoài ra, Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác yêu cầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ hơn thông tin về các hoạt động xây đập ở thượng nguồn và tác động của chúng đối với các quốc gia ở hạ nguồn như Việt Nam. Sáng kiến Quan hệ đối tác Mỹ-Mêkông đóng vai trò điều phối các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

 

Lĩnh vực thứ hai là cơ sở hạ tầng. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ, tạo sức ép rất lớn lên cơ sở hạ tầng vừa thiếu và vừa yếu. Nhu cầu này càng bức thiết trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Việt Nam cũng muốn đóng một vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Tuy Trung Quốc là nhà đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu trong khu vực, Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn với đầu tư trong lĩnh vực này của Trung Quốc, đặc biệt là các khoản đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nguyên nhân một phần vì lý do an ninh và một phần vì các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thường vướng nhiều vấn đề như tiến độ thi công chậm, đội vốn và chất lượng công trình kém. Do đó, nếu chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này, đây là điều có lợi cho cả Việt Nam lẫn khu vực. Sự hiện diện của Mỹ, cùng cộng tác với Nhật Bản, sẽ đem lại nhiều lựa chọn cho Việt Nam và các nước trong khu vực, tránh tình trạng phụ thuộc vào một nhà đầu tư duy nhất mà có thể dẫn đến các nguy cơ cả về kinh tế và an ninh.

 

Các thỏa thuận hợp tác mới ký kết gần đây giữa Mỹ và Việt Nam về cải thiện hệ thống thông tin lưới điện, phát triển điện từ khí hóa lỏng (LNG) và xây dựng kho cảng chứa LNG cho thấy cả hai bên đều đang chú trọng tới lĩnh vực này.

 

.

RFI : Liệu « Mạng lưới Điểm Xanh » (Blue Dot Network, BD

N) gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc là một lựa chọn giúp Việt Nam đa dạng hóa đối tác cơ sở hạ tầng ? Liệu BDN có « cạnh tranh » được với các tập đoàn Trung Quốc khi phía Trung Quốc không đặt nhiều điều kiện để cho vay vốn ?

 

N. T. : Theo quan điểm của tôi, Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network) không nhất thiết phải « cạnh tranh » với đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Trước hết đây là một sáng kiến đa phương nhằm chứng nhận các dự án cơ sở hạ tầng đảm bảo các điều kiện về minh bạch tài chính, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Việc triển khai sáng kiến này vẫn đang diễn ra, vẫn còn nhiều câu hỏi như tiêu chí chứng nhận, giám sát cũng như các quốc gia nào có thể tham gia. Có thể coi sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh là giúp đem lại cho Việt Nam, cũng như các quốc khác trong khu vực, một lựa chọn nữa cho đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài đầu tư của Nhật Bản và Trung Quốc.

 

Một điều cần quan tâm là gần đây, nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, nhất là các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích do không đáp ứng được các tiêu chuẩn minh bạch tài chính, phát triển bền vững và đem lại nhiều nguy cơ an ninh địa chính trị. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã hủy hoặc xem xét lại nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư. Ví dụ, Miến Điện đã cho tạm dừng dự án đập thủy điện Myitsone vào năm 2011 và Malaysia đã hủy 3 dự án thuộc BRI vào năm 2018.

 

Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam từ trước tới nay có cách tiếp cận khá thận trọng với đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc so với các nước khác trong khu vực. Do đó, tôi cho rằng Việt Nam sẽ duy trì cách tiếp cận này trong tương lai, nhất là với các dự án có tầm quan trọng về an ninh chiến lược.

 

.

RFI : Phải chăng Việt Nam muốn dần giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc khi mở rộng hợp tác với Mỹ ? Việt Nam sẽ phải cân nhắc rủi ro như nào với Trung Quốc khi tăng cường hợp tác với Mỹ ?

 

N. T. : Việc Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ không nhất thiết chỉ vì lý do tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Việt Nam luôn là duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Do đó, Việt Nam đã mở rộng và tăng cường hợp tác không chỉ với Mỹ, mà còn với các cường quốc khác trong khu vực như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và các nước khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

Về những rủi ro Việt Nam có thể phải đối mặt với Trung Quốc khi mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, điều này còn phụ thuộc vào bản chất của hoạt động hợp tác và tác động của nó tới lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Các rủi ro có thể bao gồm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và khả năng Trung Quốc đơn phương áp đặt một số biện pháp hạn chế trao đổi thương mại, như nước này đã làm đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Úc.

 

Tuy nhiên, ngoại trừ tình hình căng thẳng trên Biển Đông, Việt Nam chưa phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại của Trung Quốc. Lý do thứ nhất là vì Việt Nam đã khéo léo xử lý quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là vì hợp tác Mỹ-Việt chủ yếu tập trung vào trao đổi thương mại song phương và các lĩnh vực phi quân sự. Tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt trong giai đoạn gần đây cũng thiên về nâng cao năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam, như tăng cường nhận thức khu vực trên biển (maritime domain awareness) và thực thi pháp luật trên biển (maritime law enforcement). Đây là những lĩnh vực hợp tác ít gây tranh cãi và giúp hai bên từng bước xây dựng lòng tin và sự hiểu biết về quan điểm của mỗi bên.

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn hai nhà nghiên cứu N. T., chuyên về quan hệ Việt-Mỹ và Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats