Tuesday, 17 November 2020

CÂU CHUYỆN SÁNG THỨ TƯ (Pham Terry The)

 


 

CÂU CHUYỆN SÁNG THỨ TƯ 

Pham Terry The

10/11/2020 lúc 23:22  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2773819206223042&id=100007849697044

 

Người Việt Nam có hai bản tính rất đáng yêu, dễ cười và hay chóng quên.

 

Ngược dòng thời gian chưa xa, đúng tròn 20 năm trước, ngày 17/11/2000 tổng thống Mỹ Bill Clinton của đảng dân chủ có chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Việt Nam kể từ sau khi cuộc chiến tranh Việt Mỹ kết thúc .

 

Chuyến thăm của ông Clinton đã được cả chính phủ và người dân Việt Nam chờ đợi và nồng nhiệt chào đón trên khắp nước Việt Nam, đặc biệt ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn nơi ông Clinton đặt chân đến.

 

Còn nhớ, hàng ngàn người dân lao tràn ra đường phố Hà Nội nơi ông đến để hy vọng được nhìn thấy và chạm vào tay ông. Vào Sài Gòn gặp gỡ và nói chuyện với các doanh nhân Việt, ông đi ăn phở 2000, sau đổi thành phở Clinton. Vợ con ông, bà Hillary và ái nữ Chelsea đội nón ra phố cổ chụp ảnh làm mê mẩn thần dân thủ đô Hà Nội với hình ảnh bình dân và gần gũi của họ.

 

Trong bài phát biểu trước các sinh viên đại học quốc gia Hà Nội, ông Clinton mượn hai câu thơ để kết thúc bài diễn văn diễm lệ của mình, hai câu thơ ông đọc trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du đã làm say đắm lòng người Việt bao năm hằng khát khao mong muốn xoá bỏ hận thù quá khứ hướng tới tương lai, thơ rằng:

 

Sen tàn Cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang Xuân.

 

Bốn năm sau, ngày 25/5/2016, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, Barack Obama (cũng của đảng dân chủ Mỹ), tới thăm Việt Nam. Trong bài phát biểu trước giới trí thức Việt ông Obama đã trích dẫn những ca từ của cố nhạc sĩ Văn Cao rằng: “từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người”, để nói về hành trình hàn gắn vết thương bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia cựu thù.

 

Cựu tổng thống Obama cũng nhắc tới những ca từ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong hành trình “nối vòng tay lớn” để nói về sự gắn kết Việt Mỹ, giữa con người với con người giữa hai quốc gia, nói về khát vọng cho tương lai Việt Nam. Kết thúc bài nói chuyện, cựu tổng thống Obama cũng lảy hai câu Kiều:

 

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi.

 

Hai câu Kiều được ông Obama lựa chọn ngay sau khi tuyên bố chính thức xoá hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam. TT Obama cũng mượn lời tiền nhân vĩ đại Lý Thường Kiệt của nước Nam để ám chỉ răn đe người láng giềng phương Bắc rằng: Sông núi nước Nam vua Nam ở, rành rành định phận ở sách trời.

 

Cả Hà Nội tự hào khoe khắp trên mặt báo hình ảnh giản dị và bình dân ông tổng thống Mỹ ngồi ghế nhựa ăn bún chả và uống bia Trúc Bạch. Giờ này Hà Nội chắc chưa đến nỗi ghét bỏ ông tổng thống “thổ tả dân chủ” mà đổi tên món bún chả Obama?

 

Ngày 25/07/2013, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối Tác Toàn Diện Việt Mỹ. Cũng từ sau đó mà kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đột biến, hàng hoá sản xuất Made in Việt Nam từ nông sản, may mặc đến thủy sản được mở đường tràn vào thị trường Mỹ. Cũng từ mốc sự kiện đó mà GDP của Việt Nam đều đặn gia tăng mỗi năm. Cũng từ sau hiệp ước đó mà hàng chục ngàn những sinh viên Việt Nam đã được mở cửa sang theo học trong các trường đại học danh tiếng Mỹ, trong số đó rất có thể có cả những con em những người đang điên cuồng chửi đảng dân chủ Mỹ hôm nay.

 

Tháng 7/2015, trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Phó tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu tiếp lời tại nhà trắng cũng đã mượn 2 câu Kiều để nói về chặng đường thăng trầm của quan hệ Việt - Mỹ:

 

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

 

Ngày 26/12/2019, sau khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, tổng thống Donal Trump đáp không lực số 1 sang Hà Nội dự thượng đỉnh lần thứ hai Mỹ-Bắc Triều với chủ tịch Kim Jong il. Đệ nhất phu nhân Melania từ Tokyo không thèm theo chồng ghé sang thăm Việt Nam mà một mình bà bỏ trở về Mỹ.

 

Hà Nội báo chí chạy trang nhất hân hạnh tự hào tuyên bố Việt Nam là trung tâm hoà giải thế giới, Hà Nội là sứ giả hoà bình. Hai ngày sau, cả Trump và Kim phủi đít đứng dậy ngay trong phòng hội đàm, không cả họp báo, cả hai đùng đùng bỏ ra ngoài, cùng đồng thanh hô: trả dép bố về. Bữa tiệc chiều thịnh soạn trong khách sạn Sofitel Metropol ở thủ đô ngàn năm văn hiến bỏ dở trên bàn phải cho các nhân viên ngồi vào mà ăn cho khỏi phí. Thậm chí khi chiếc Airforce One cất cánh rời khỏi bầu trời Nội Bài, nhiều người dân Việt quan tâm theo dõi sự kiện vẫn còn bàng hoàng ngơ ngác bảo nhau không khác gì một trò diễn hề rẻ tiền.

 

Viết đến đây, tôi bỗng dưng muốn dừng lại để hỏi các người anh em trong nước, những người rất có thể họ cũng có mặt năm xưa để nồng nhiệt chào đón trong chuyến viếng thăm Việt Nam của cả hai cựu tổng thống Bill Clinton và Barack Obama rằng đảng dân chủ Mỹ có “thổ tả” và “xã hội chủ nghĩa” như họ điên cuồng a dua nhau vu cáo như những ngày này không?

 

Xin lỗi, và để kết thúc bài viết cũng đã dài, xin mượn nhái hai câu thơ của cụ Tản Đà:

 

Dân 90 triệu ai người lớn

Nước 4000 năm vẫn trẻ con.

 

45 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats