Hậu
bầu cử năm 2020: Nghịch lý Trumpism và Bidenism
Nguyễn
Quang Dy
16/11/2020
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_HauBauCu2020.html
Bốn năm trước, Donald
Trump đã bất ngờ thắng cử, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45, sau khi lần lượt
đánh bại các chính khách lão luyện của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ. Đó là một
nghịch lý. Lúc đầu, hầu như chẳng có ai (kể cả Trump) tin rằng ông sẽ thắng cử.
Nhưng bốn năm sau, Tổng thống đương nhiệm Trump lại bất ngờ thua khi tin rằng
mình sẽ thắng Joe Biden mà ông coi thường. Đó cũng là một nghịch lý cần phải lý
giải.
Tại sao Trump thua
năm 2020
Bốn năm trước, Trump đã
thắng cử vì cưỡi trên ngọn sóng Trumpism, một phong trào không phải
do ông kiến tạo, nhưng đã nắm bắt được cơ hội với trực giác nhạy bén của một
doanh nhân, để đầu tư vào như một dự án lớn có lời. Trump đã trở thành thủ lĩnh
của Trumpism với các khẩu hiệu dân túy và thực dụng có hiệu quả. Trumpism đại
diện cho khối cử tri gồm tầng lớp lao động thiếu bằng cấp, bị thiệt thòi và bất
bình do hệ quả của toàn cầu hóa.
Bốn năm sau, Trumpism không
chỉ tồn tại mà còn mạnh hơn, với 71 triệu cử tri bầu cho Trump, và hệ quả đại dịch
Corona làm kinh tế Mỹ suy thoái và đời sống khó khăn hơn. Nếu Trump xử lý tốt đại
dịch, chắc ông đã thắng lớn (landslide). Nhưng mấy năm qua, Trump bộc lộ các điểm
yếu gây tranh cãi về nhập cư và chống dịch làm lu mờ bức tranh kinh tế, và gây
bất hòa với các đồng minh làm hạn chế tầm nhìn Ấn Độ dương-Thái Bình
Dương.
Tuy bức tranh kinh tế khả
quan và lập trường cứng rắn chống Trung Quốc là điểm sáng tạo ra “đồng thuận quốc
gia mới” (new national consensus), nhưng Trump đã điều hành quá dở cuộc chiến
chống đại dịch Corona, làm hơn 11 triệu người Mỹ bị lây nhiễm và hơn 250 ngàn
người chết (tính đến giữa tháng 11), và nay đang tăng lên chóng mặt. Đây là một
biến số (game changer) làm Trump mất uy tín và mất điểm trong năm tranh cử
2020.
Theo Cục An ninh Mạng và Hạ tầng (Cybersecurity and Infrastructure
Security Agency) của Bộ An ninh Nội địa (the Department of Homeland
Security), không có chứng cớ bất thường nào về gian lận trong bầu cử, và cuộc bầu
cử vừa qua là “an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ” (the most secure in American
history). Sau khi đếm hết phiếu tại các bang Arizona và
Pennsylvania, Joe Biden được 306 phiếu và Donald Trump được 232 phiếu (cử tri
đoàn).
Tuy kết quả bầu cử năm
2020 gần giống kết quả bầu cử năm 2016, nhưng người thắng cử năm nay là Joe
Biden. Dù Trump có muốn thừa nhận thất bại hay không, kết quả đã rõ và không thể
đảo ngược. Trong bối cảnh nước Mỹ bị phân cực và chia rẽ sâu sắc, dư luận trong
nước Mỹ và quốc tế muốn Trump và Biden hòa giải và đặt lợi ích quốc gia lên
trên hết, để cùng nhau đối phó với các hiểm họa chung như đại dịch Corona và biến
đổi khí hậu.
Theo các tổ chức thăm dò
dư luận (pollsters), đại dịch Corona làm nhiều người ủng hộ đảng Dân Chủ không
dám đi bầu vào ngày bầu cử (3/11), mà họ hưởng ứng lời kêu gọi của đảng Dân Chủ
là bầu bằng thư qua đường bưu điện. Trong khi các cử tri của đảng Dân Chủ tự
cách ly tại gia làm cho họ buồn chán, thì họ đã bị kích động bởi các phát biểu
gây sốc của Trump, và kết quả thăm dò dư luận làm số cử tri bỏ phiếu năm nay
tăng lên mức kỷ lục.
Không ai tin rằng sẽ
không cần thăm dò dư luận, vì điều đó rất quan trọng cho nền dân chủ. Nó giúp
các chính khách hoạch định chiến lược tranh cử và lựa chọn chính sách. Tuy thăm
dò dư luận không chính xác, nhưng chưa có phương pháp nào tốt hơn để phân tích
bầu cử. Tuy bốn năm qua, thăm dò dư luận đã giúp người Mỹ hiểu bức tranh chính
trị, nhưng không nên quá tin vào nó, mà phải thừa nhận thăm dò dư luận có thể
nhầm. (What Went Wrong With Polling? Some Early Theories, Nate Cohn, New
York Times, November 10, 2020).
Trumpism và Bidenism
Theo Richard Haass (Chủ tịch
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại), không phải Trump sai về mọi mặt. Ông đã đúng khi
“trừng phạt Trung quốc về thương mại, cung cấp vũ khí cho Ukraine, đàm phán lại
hiệp định thương mại với Canada và Mexico, giúp bình thường hóa quan hệ giữa
Israel và một số nước Arab”. Nhưng Robin Niblett (Giám đốc Chatham House) nói
“Hầu hết các nước thấy thoải mái với Biden hơn là với Trump”. Tính cách thất
thường khó đoán của Trump dựa vào quan hệ song phương để dễ bắt nạt, làm nhiều
người phản ứng.
Cách thức chính quyền
Trump đối phó với đại dịch Corona, biến đổi khí hậu, và nhập cư, đã gây nhiều
tranh cãi. Trump không cải thiện được hình ảnh nước Mỹ, mà còn làm cho nó
tồi tệ hơn. Theo Pew Research tại 13 quốc gia, chỉ có 15% số người được hỏi
cho rằng Mỹ đã phản ứng phù hợp với đại dịch Corona. Chỉ 6 tháng sau khi nhậm
chức, Trump đã khiến giới khoa học thất vọng khi rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về
chống biến đổi khí hậu.
Năm 2019, số người nhập
cư bị bắt ở biên giới Mỹ-Mexico đã đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm qua,
trong khi số người tị nạn được Mỹ tiếp nhận giảm mạnh trong 4 năm dưới thời
Trump. Nếu năm 2016 có 85.000 người tị nạn được Mỹ tiếp nhận cho tái định cư,
thì đến năm 2017 chỉ có 54.000 người. Năm 2021, Mỹ dự kiến sẽ chỉ tiếp nhận
15.000 người tị nạn. Đây là mức thấp nhất kể từ khi chương trình này được khởi
động vào năm 1980.
Kurt Campbell (cựu trợ lý
ngoại trưởng và chủ tịch Asia Group) nói, “Tại các hành lang quyền lực và trong
các cuộc họp của lãnh đạo trên thế giới, câu chuyện mà người ta lặng lẽ trao đổi
là có phải nước Mỹ đang đánh mất vai trò trên chính trường quốc tế”. Theo đô đốc
về hưu James Stavridis (cựu tư lệnh tối cao của NATO), “Nếu Trump
tiếp tục cách chức giám đốc CIA và giám đốc FBI, thì không biết chuyện gì sẽ xảy
ra cho an ninh quốc gia”.
Theo tạp chí Foreign
Policy (20/11/2020) hơn 70 cựu quan chức an ninh và thành viên quốc hội Mỹ
trong các chính quyền trước đây của đảng Cộng Hòa, đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu
Trump làm tổng thống thêm nhiệm kỳ hai sẽ là tai họa cho nước Mỹ và Châu Á vì
ông thiếu nhân cách và năng lực để lãnh đạo đất nước. Họ khuyến nghị nên bầu
cho Joe Biden làm Tổng thống Mỹ tiếp theo. (Why We Joined Over 70 Former
Republican National Security Officials to Support Biden, Michael
Green, Victo Cha, Foreign Policy, August 20,
2020).
Theo các chuyên gia,
chính sách đối ngoại của Biden dựa trên 7 trụ cột. Một là củng cố liên minh Tây
Âu (27 nước EU). Hai là hàn gắn quan hệ với NATO để đối phó với
các đe dọa chung. Ba là trở lại với các cơ chế và hiệp ước quốc tế. Bốn là quan
tâm đến nhân quyền. Năm là cứng rắn với các chế độ độc tài. Sáu là tôn trọng
các nước nhỏ yếu thiếu tài nguyên. Bảy là quan điểm toàn cầu để đối phó với đại
dịch, phục hồi kinh tế, chống khủng bố. (The Seven Pillars of Bidens
Foreign Policy, Robin Wright, New Yorker, November 11, 2020).
Tại sao người Việt thích
Trump? Một là lập trường cứng rắn chống Trung Quốc của Trump hợp với tâm trạng
bất bình chống Trung Quốc của họ. Hai là truyền thống Nho giáo ở Việt Nam đã hằn
sâu vào tư duy của người Việt, làm họ dễ bị mê hoặc bởi các nhân vật có quyền lực
như Trump. Ba là tâm lý hoài nghi chính trị trong xã hội Việt Nam như một thói
quen, làm họ dễ ngộ nhận coi hành động khó lường của Trump là anh hùng. Bốn là
vai trò thông dụng của Facebook (có 45 triệu người dùng ở Việt Nam) là mạng xã
hội làm hàng vạn người Việt cả tin vào khẩu hiệu dân túy của Trump hay
các tin đồn thất thiệt và thuyết âm mưu.
Thay lời kết
Dù ai thắng cử thì Mỹ vẫn
phải xây dựng lòng tin với các đồng minh và đối tác khu vực. Vấn đề không chỉ
do tính cách thất thường của Trump mà còn do tâm trạng bất an của các nước khu
vực mỗi khi Mỹ điều chỉnh ưu tiên chiến lược. Nếu Trump muốn đạt “một thỏa thuận
thế kỷ” (về thương mại) với Trung Quốc, liệu ông có coi Bắc Kinh quan trọng hơn
các đồng minh và đối tác khu vực? Nếu Biden muốn giành được sự ủng hộ của Trung
Quốc cho “một thỏa thuận thế kỷ” (về biến đổi khí hậu), liệu ông có coi Bắc
Kinh quan trọng hơn?
Bầu cử Mỹ năm 2020 là chủ
đề nóng làm phân hóa không chỉ người Mỹ mà cả người Việt ở Mỹ cũng như Việt
Nam, làm lu mờ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị Cấp cao Đông Á 15 (Hà Nội,12-15/11/2020).
Lần thứ ba, Tổng thống/phó Tổng thống Mỹ lại vắng mặt, làm các nước khu vực thất
vọng. Trong khi 10 nước ASEAN và 5 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,
Tân Tây Lan) ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thì Mỹ đứng
ngoài cơ chế hợp tác khu vực (China-Led Trade Pact Is Signed, in Challenge
to U.S., Keith Bradsher and Ana Swanson, New York Times,
November 15, 2020).
Các chuyên gia về an ninh
khu vực lo ngại nếu Mỹ đứng ngoài cơ chế hợp tác kinh tế hay an ninh khu vực
(regional economic or security architecture) thì RCEP “lợi bất cập hại” vì
Trung Quốc là “ngư ông đắc lợi”. RCEP (và BRI) sẽ cho Trung Quốc
“cái thòng lọng để thắt cổ” các nước láng giềng. Trong khi Mỹ muốn “đối đầu”
(rivalry) và “ly hôn” (decoupling) Trung Quốc, thì các cuộc tập trận tại Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương không đủ răn đe và ngăn chặn Trung Quốc thao túng Đông
Nam Á và kiểm soát Biển Đông như cái ao của họ.
NQD. 16/11/2020
No comments:
Post a Comment