Trung Quốc
biến các khoản vay thành công cụ bành trướng quyền lực
Nguyễn Quốc Vinh
2021-04-12
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-turns-loans-into-power-expansion-04122021135757.html
“Bẫy nợ” sau
các hợp đồng vay
Trung Quốc hiện là “chủ nợ” chính thức lớn nhất
thế giới, với các khoản tín dụng trực tiếp và thương mại cấp cho hơn 150 quốc
gia mà theo một số ước tính đã lên đến 1.500 tỷ USD. Trung Quốc gần đây cũng
luôn bị cáo buộc là đã giăng “bẫy nợ” để bắt chẹt các nước nghèo. Đây là
thông tin được công bố trong một báo cáo nghiên cứu mang tựa đề “How China
Lends” (tạm dịch “Trung Quốc cho vay như thế nào”) được thực hiện bởi 4
trung tâm nghiên cứu gồm 3 cơ sở tại Mỹ là AidData - một cơ quan nghiên cứu của
Đại học William&Mary, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung tâm Phát triển
Toàn cầu và Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức. (1)
Hình minh hoạ.
Trụ sở Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh . Reuters
Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay
vì vậy các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và phân tích dữ liệu từ 100 hợp đồng cho
vay ký kết giữa Trung Quốc với chính phủ 24 quốc gia có thu nhập thấp trong
giai đoạn từ năm 2000-2020, với tổng trị giá là 36,6 tỷ USD. Trong số này có 76
khoản vay đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và 8 khoản vay từ Ngân
hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), phần còn lại đến từ các ngân hàng thương mại
quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước và trung ương. Các khoản vay đã đến với 47 đối
tượng tại châu Phi, 27 đối tượng tại Mỹ Latinh hoặc Caribe, 11 tại Đông Âu, 10 ở
châu Á và 5 ở châu Đại Dương. Các nhà nghiên cứu sau đó so sánh các hợp đồng
Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký với các chủ nợ lớn khác
để rút ra những chi tiết cụ thể về điều kiện cho vay, có thể nói là mang tính bắt
chẹt, mà các định chế của Trung Quốc áp đặt đối với các con nợ.
Các tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Các
hợp đồng không bao gồm những hứa hẹn công khai về các cảng biển hoặc trữ lượng
khoáng sản trong trường hợp vỡ nợ. Nhưng chúng phản ánh hình ảnh một quốc gia
hiếu chiến với các điều khoản đặt ra, một quốc gia luôn tìm cách đặt mình ở vị
trí vượt trội so với các bên cho vay khác”.
Nghiên cứu cũng nêu bật một số điều kiện “không
mấy chính đáng” mà Trung Quốc áp dụng. Trước hết là các điều kiện bảo mật khắt
khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy của các quốc gia chủ nợ khác, hoặc
các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều
kiện vay, mà còn cấm tiết lộ cả số tiền vay. Điều kiện này đặt ra những vấn đề
nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu kín với cả
người dân của họ về số tiền mà đất nước phải hoàn trả sớm hay muộn. Tính chất
thiếu minh bạch đó cũng khiến các thủ tục tái cơ cấu nợ phức tạp thêm, bởi chủ
nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ khó có thể đánh giá mức độ đáng tin hoặc khả
năng trả nợ của nước đi vay nếu thiếu một số thông tin.
Trung Quốc còn yêu cầu bên vay tạo các tài khoản
ký quỹ hoặc tài khoản đặc biệt với các yêu cầu về số dư tiền mặt mà Trung Quốc
có thể thu giữ trong trường hợp vỡ nợ, và còn đưa ra nhiều điều kiện bất thường
khác, nổi bật nhất là điều khoản cấm con nợ tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu
Lạc Bộ Paris thực hiện. Theo công trình nghiên cứu kể trên, khoảng 3/4 các hợp
đồng Trung Quốc bao gồm điều kiện này. Câu lạc bộ Paris là một cơ chế tập hợp
22 quốc gia có nền kinh tế lớn và mức độ tín nhiệm cao cùng tiềm lực tài chính,
chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay nợ để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc
giãn nợ, xóa nợ cho các nước khó khăn các quốc gia chủ nợ lớn, đã phát triển một
bộ quy tắc để phối hợp các kế hoạch tái cơ cấu hoặc xóa nợ theo hướng công bằng,
không tạo thuận lợi cho bất kỳ một chủ nợ nào. Khi cấm con nợ của mình tham gia
cơ chế của Câu lạc bộ Paris, Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc công bằng này, để
buộc các con nợ ưu tiên trả nợ cho họ khi có vấn đề.
Một nửa trong số các thỏa thuận do CDB ký kết đều
quy định mọi hành động gây bất lợi cho một “thực thể của Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa” tại quốc gia con nợ đều có thể kích hoạt yêu cầu trả nợ trước thời hạn.
Hình minh hoạ.
Trụ sở Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc ở Bắc Kinh. Reuters
Ngoài ra, các thỏa thuận còn có một điều khoản
quy định rằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với vỡ nợ. Khoảng 90%
các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu thấy được đều có điều khoản cho phép chủ nợ
Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong trường hợp có những thay đổi chính trị
hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia con nợ.
Như vậy, rõ ràng Bắc Kinh đã biến tiền cho vay
thành một công cụ bành trướng quyền lực. Brad Parks, Giám đốc điều hành của AidData,
người đứng đầu nhóm nghiên cứu bình luận: “Những nhà cho vay Trung Quốc
hành xử rất giống những chủ nợ thương mại: dùng cơ bắp, hiểu biết về thương mại,
những người muốn nợ được trả đúng hạn và có lãi suất”.
Giáo sư Anna Gelpern, làm việc tại Trung tâm Luật
Đại học Georgetown, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết vẫn chưa rõ
cách các hợp đồng này được thực thi hoặc cách các tài khoản đặc biệt hoạt động
trong thực tế. Tuy nhiên, theo bà Gelpern, các đòi hỏi và quyền lợi khác nhau
mà Trung Quốc đưa ra trong hợp đồng mang lại cho họ đòn bẩy cho dù họ có chọn
thực thi chúng hay không. Theo các tác giả của nghiên cứu, về mặt chính sách, cần
phải có một lời kêu gọi nhằm cải thiện tính minh bạch - không chỉ đối với Trung
Quốc, mà đối với tất cả các bên cho vay, hầu hết trong số này thường không công
khai hợp đồng. Thách thức về tính minh bạch cũng có thể được giải quyết từ phía
bên đi vay và các quốc gia có thể được khuyến khích thông qua luật công khai hợp
đồng. Các quốc gia nên đưa việc công bố thông tin vào khuôn khổ ủy quyền nợ
trong nước vì mục đích hợp pháp và trách nhiệm giải trình trong nước.
Theo bà Gelpern, điều đáng lo ngại là nguy cơ
các chủ nợ khác có thể noi gương Trung Quốc nếu biết được các hợp đồng này và
yêu cầu thêm tài sản thế chấp hoặc các yêu cầu khác khi cho vay. Nếu điều đó xảy
ra, các nước thu nhập thấp đang phải vật lộn với gánh nặng nợ không bền vững sẽ
là những nạn nhân phải gánh chịu.
Một ví dụ cụ thể là Argentina gần đây đã là một
minh chứng cho cái gọi là “bẫy nợ” của Trung Quốc. Khi chính phủ mới lên nắm
quyền tại Buenos Aires vào năm 2016, họ đã có ý định hủy bỏ 2 dự án xây đập vì
lý do môi trường. Tuy nhiên, CDB, một trong ba định chế Trung Quốc cấp vốn cho
các dự án, đe dọa sẽ hủy dự án đường sắt vận chuyển nông sản Argentina đến các
cảng của Chile bên bờ Thái Bình Dương, nếu các dự án đập này bị hủy bỏ. CDB viện
dẫn một điều khoản trong hợp đồng vay nợ, cho phép họ dừng các khoản cho vay
trong một dự án nếu bên vay bị vỡ nợ hoặc hủy bỏ một dự án khác của Trung Quốc.
Cuối cùng, Argentina đã phải tiếp tục dự án xây dựng các con đập này.
Câu chuyện Việt
Nam
Việc Trung Quốc để mắt đến các dự án cơ sở hạ tầng
lớn của Việt Nam, đang khiến các chuyên gia lo ngại rằng Việt Nam có thể rơi
vào bẫy nợ và phải trả giá cho những thiếu sót trong mô hình phát triển của
Trung Quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam gần đây đã
lưu ý rằng các khoản vay của Trung Quốc có lãi suất hàng năm là 3% so với từ 0
đến 2% đối với các khoản vay từ Hàn Quốc. Các khoản cho vay từ Ấn Độ có lãi suất
là 1,7%.
Theo một số chuyên gia, tuy Việt Nam “vẫn
chưa đến tình trạng này (tức là bẫy nợ). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt
với nhiều rủi ro từ các dự án đầu tư của Trung Quốc”.
Hình minh hoạ. Đường sắt Cát Linh Hà Đông do
Trung Quốc đầu tư ở Hà Nội bị kéo dài 10 năm và đội vốn hàng trăm triệu đô la.
AFP
Một báo cáo của Bộ Kế hoạch lưu ý rằng các dự
án sử dụng vốn vay của Trung Quốc, sử dụng thiết bị và công nhân Trung Quốc, tiến
độ chậm mà không đảm bảo chất lượng, đẩy chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Vì lý
do này, các công ty Việt Nam thường được các công ty Trung Quốc kêu gọi hoàn
thành công việc đã bắt đầu. (2)
Do Luật Đấu thầu của Việt Nam ưu tiên cho những
người bỏ thầu thấp, nhà thầu Trung Quốc thường bỏ thầu với giá rất thấp nên
trúng thầu luôn, sau khi trúng thầu thì kéo dài thời gian thi công. Tất nhiên,
những công trình này hoặc công trình sẽ tăng giá và đội giá lên gấp nhiều lần
so với giá gốc.
Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng vẫn là cho đến
nay số nợ của Việt Nam với Trung Quốc là bao nhiêu? Khó ai có thông tin chính
xác về vấn đề này. Có lẽ Việt Nam đã chịu chấp nhận các “điều khoản ép buộc” từ
Trung Quốc nên đã không bao giờ công khai thông tin các khoản nợ vay từ Trung
Quốc.
Trong một bài viết, Tiến sĩ Vũ Quang Việt -
Chuyên gia thống kê của LHQ cho biết: "có thể ước nợ Trung Quốc vào năm
2018 đã trên 6 tỉ đô la. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam
là 86,9 tỉ đô la vào cuối năm 2016. Số nợ Trung Quốc thật sự có thể
lớn hơn số trên, vì từ sau năm 2010, Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ
công tức là nợ của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh, theo
định nghĩa của Việt Nam. Từ 2011, bộ đã chấm dứt công bố nợ nước ngoài bao gồm
cả nợ của doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản hướng dẫn
về nội dung quản lý nhà nước đối với vay và trả nợ của doanh nghiệp
(03/VBHN-NHNN, 12-7-2017). Như thế về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước nắm được
thông tin nhưng không công bố.”
--------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
*
Tin, bài liên quan
·
Trung
Quốc lớn mạnh, nền dân chủ ở Đông Nam Á đang chết dần
·
Hoa
Kỳ chỉ trích Trung Quốc đe dọa sự ổn định ở Thái Bình Dương
·
Việt
Nam đã vướng vào "bẫy nợ" của Trung Quốc như thế nào?
·
Quan
hệ Việt Trung bên bờ vực căng thẳng
No comments:
Post a Comment