Tuesday, 27 April 2021

BA SAO CHI MỘ (Phạm Thanh Nghiên)

 


BA SAO CHI MỘ   

Phạm Thanh Nghiên

01:22  27/04/2021    

https://www.facebook.com/thanh.nghien.1/posts/1816769818484473

 

Phần 2: Tấm bia thờ 626 người tù chính trị

 

“Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở Miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một ngôi Am thờ (3) những người tù này được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu Giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé!”.

 

Một người anh, cũng là cựu tù chính trị hiện sinh sống tại Pháp đã nhắn tôi như thế. Tôi chưa bao giờ trải qua cảm xúc đặc biệt và đầy ám ảnh như lần này. Chuyện thật khó tin: Một trùm cai tù dựng một tấm bia và Am thờ những người tù thuộc bên kia chiến tuyến.

 

Câu dặn dò “em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé” làm tôi xót xa. Hình như tôi sắp làm một công việc rất khó khăn và cũng rất thiêng liêng. Hai chữ “các anh” không còn là cách xưng hô nữa mà là tiếng gọi gần gũi, thân thương của những người chung khát vọng. Chứ theo tuổi tác, họ là bậc cha chú của tôi- đứa nhóc Bắc kỳ sinh sau biến cố 1975.

 

Mãn án tù nhà (4), tôi lên đường.

 

Địa chỉ ngôi Chùa không chính xác nên tôi phải đi tìm hơn hai ngày mới đến nơi. Đó là một ngôi Chùa nhỏ, nằm khiêm tốn bên một con phố khá đông đúc. Sư trụ trì đi vắng, tôi lang thang cho hết thời gian rồi trở lại vào buổi chiều.

 

- Thưa thầy, con được người quen giới thiệu đến đây. Nghe nói nhà Chùa có đặt một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà?

 

Nghe tôi nhắc đến tấm bia, nét mặt thầy tái đi, không giấu được vẻ bối rối.

 

- Bác Thanh giới thiệu con đến đây.

 

Nhận ra người quen, sư thầy trở nên cởi mở hẳn.

 

Sư thầy kể rằng vài năm trước, cô Thu Hương (một Phật tử) đưa viên cựu Giám thị đến gặp sư thầy. Viên Giám thị trao cho sư thầy một danh sách gồm 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ năm 1975 đến 1988. Vị này ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong nhà Chùa để thờ cúng các hương linh. Đây không phải ngôi Chùa đầu tiên họ gõ cửa. Những ngôi Chùa trước đều từ chối vì sợ. Các vị sư trụ trì không muốn giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thờ người tù ngay trong Chùa.

 

- Có cách nào liên lạc với hai người ấy không thưa thầy?

 

- Khó lắm. Người Giám thị sau khi làm xong tấm bia thì không trở lại đây nữa. Chỉ có cô Thu Hương thời gian đầu vẫn hay tới Chùa tụng kinh và thắp hương cho 626 vị ấy. Nhưng kể từ khi đứa con trai 15 tuổi của Thu Hương bị tai nạn giao thông chết hai năm trước, cô ấy không tiếp xúc với ai nữa.

 

- Thầy có nghe nói đến ngôi Am thờ 626 vị này không?

 

Tôi hỏi, không giấu nổi vẻ hồi hộp khi chờ câu trả lời.

 

- Đúng là có cái Am thờ. Nhưng tôi chưa tới thăm bao giờ. Nghe nói nằm trong vùng đất của trại giam thì phải.

 

- Vậy ai có thể đưa con tới đó?

 

- Chỉ có người Giám thị và cô Thu Hương thôi. Nhưng Thu Hương thì như tôi vừa nói đấy, cô ấy buồn chán, tuyệt vọng từ ngày mất con nên không còn thiết chuyện gì. Còn người Giám thị thì từ đó không thấy trở lại nữa. Số điện thoại cũng đổi rồi.

 

Tôi bắt đầu nhìn thấy sự mịt mù phía trước.

 

Người giữ sổ sách đi vắng. Sư thầy hẹn tôi dịp khác trở lại, sẽ cho tôi xem danh sách 626 người tù. Thầy dẫn tôi xuống nhà linh, nơi đặt tấm bia.

 

Tôi cảm thấy rợn rợn khi bước chân vào Nhà linh, nơi đặt di ảnh của những người quá cố. Có mấy người đội khăn tang đang ngồi tụng kinh cho người thân mới qua đời.

 

Tìm mãi không thấy tấm bia đâu. Tôi bắt đầu lo. Sư thầy quả quyết rằng tấm bia đặt ở phòng này nhưng lâu ngày không nhìn lại nên ngài không nhớ chính xác vị trí nào.

 

- Ôi đây rồi! Sư thầy reo lên.

 

Tôi sững người lại. Vừa nhìn thấy tấm bia, nước mắt tôi ứa ra.

 

Tôi không xác định được cảm xúc của mình lúc đó. Vui vì đã “tìm thấy các anh”, như lời người anh đồng tù nhắn nhủ, hay buồn vì tôi lại chứng kiến thêm một nỗi đau đớn của quê hương?

 

Tôi lập cập lục tìm trong túi xách chiếc máy ảnh. Tôi hay bị lúng túng mỗi khi cảm xúc bị “quá độ”. Sư thầy dặn chỉ chụp tấm bia thôi, đừng để những di ảnh xung quanh lọt vào ống kính. Cảm giác tủi thân và xót xa khiến tôi không nói nổi tiếng “vâng” một cách rõ ràng.

 

Trước khi về, tôi gửi một ít tiền để sư thầy giúp việc nhang khói cho “các anh”. Tôi cầm theo nải chuối, mấy quả cam thầy vừa cho, chậm rãi cuốc bộ trên con phố. Tôi không khóc, nhưng cổ họng nghèn nghẹn và bước chân nặng nề.

 

Một tuần sau tôi trở lại Chùa. Sư thầy đi vắng. Vừa nghe tiếng tôi trong điện thoại, sư thầy nhận ra ngay:

 

- Chị Nghiên hả? Tiếc quá! Thầy đã hỏi người trông coi sổ sách của nhà Chùa rồi. Nhưng chị ấy nói là danh sách đã được hóa (4) đi từ hôm Rằm tháng bảy.

 

Tôi chết đứng người. Cố gắng lắm tôi mới thốt lên được một câu nghe như không phải giọng của mình.

 

- Sao lại đốt hả thầy, sao thế được?

 

- Thì nhà Chùa nghĩ là không cần dùng đến danh sách ấy nữa nên tiện dịp lễ Vu Lan thì hóa luôn cùng với áo mũ, vàng mã chị ạ.

 

- Thầy ơi! Thầy làm ơn kiểm tra lại giúp con với. Cái danh sách ấy... 626 người tù... thầy ơi, thầy làm ơn!

 

Tôi cố gắng trấn tĩnh để van lơn.

 

- Thầy không thể làm gì hơn chị Nghiên ạ. Chúng tôi sẽ hương khói đầy đủ cho các vị ấy.

Nói xong, sư thầy cúp máy.

 

Một cảm giác còn tệ hơn sự tuyệt vọng. Tôi ôm mặt ngồi thụp xuống giữa đường. Một đứa bé từ đâu chạy lại, trân trân nhìn tôi. Hình như bộ dạng tôi làm đứa bé sợ. Nó co chân chạy, không ngoái lại nhìn.

 

Bấy giờ tôi nhận thấy, có một thứ cảm xúc rất giống với nỗi buồn, rất giống với niềm tuyệt vọng. Nhưng không hoàn toàn như thế. Thứ cảm xúc thật khó gọi tên.

 

Tôi về nhà, lầm lỳ đến vài hôm.

 

Không thể dễ dàng bỏ cuộc được, tôi quyết định đi Nam Hà để tìm đến ngôi Am thờ.

 

Người anh đồng tù buồn rầu bảo:

- Không có cô Thu Hương hay vị Giám thị dẫn đường, em không tìm được đâu.

 

Lần này thì tôi thật sự tuyệt vọng. Tấm bia, danh sách và Am thờ, tôi chỉ hoàn thành một phần ba công việc.

 

Tôi nghĩ đến người Giám thị.

 

Không biết vì lý do gì viên Giám thị lại làm một việc cấm kỵ và mạo hiểm như thế. Hơn ai hết, người này phải ý thức được mức độ nguy hiểm của việc mình làm, nhất là nếu thông tin bị lộ ra ngoài. Chắc chắn phải có một lý do sâu xa và rất đặc biệt để người này làm thế. Vì lợi nhuận ư? Không ai dại dột vì chút giá trị vật chất mà đánh đổi cuộc sống bình yên của mình. Vả lại, bản thân nghề cai tù đã là một cơ hội để làm giàu một cách rất an toàn.

 

Người anh đồng tù và bác Thanh lý giải rằng, niềm tin tâm linh đã thúc đẩy người Giám thị và cô Thu Hương làm như thế. Có thể người Giám thị sợ bị vong hồn của những người tù tìm đến hỏi tội chăng? Lý giải này không hẳn là vô lý. Tôi đã từng nghe và được biết những chuyện tương tự như thế khi còn trong nhà tù Thanh Hóa. Đã là cai tù, không ít thì nhiều, không chủ ý thì cũng bắt buộc phải dính vào tội ác. Song dù với lý do gì, thì hy vọng cũng có phần trăm nào đó của sự ăn năn, của chút lương tâm bị hối thúc.

 

Tôi vốn không mê tín, không tin chuyện dị đoan nhưng tin rằng luôn có một thế giới tâm linh đang nhìn ngó thế giới con người. Ước gì một ngày nào đó, duyên cớ run rủi để chúng ta được biết trọn vẹn câu chuyện về 626 người tù chính trị Ba Sao, Nam Hà. Chúng ta cần được biết về số phận của những người từng bị cộng sản bách hại để hiểu về một giai đoạn lịch sử đã tạo nên thân phận đau thương của dân tộc này.

 

---------------

Chú thích:

 

(3): Am: Trong tín ngưỡng tôn giáo là nơi thờ cúng thần linh hoặc vong linh. Am có phạm vi, diện tích nhỏ hơn Miếu.

 

(4): Mãn hạn tù nhà: Với tôi, án quản chế là một hình thức tù tại nhà. Tôi hết án quản chế vào tháng 9/2015.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1816769531817835&set=a.1815937725234349

BIA THỜ 626 LINH HỒN TỬ VONG TẠI TRẠI BA SAO  (1975-1988)

 

8 BÌNH LUẬN

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats