Wednesday, 28 April 2021

TIN CHÍNH PHỦ BIDEN & QUỐC HỘI HOA KỲ 29-04...  (Van Pham)

 



TIN CHÍNH PHỦ BIDEN & QUỐC HỘI HOA KỲ 29-04... 

Van Pham

22:52  28/04/2021   

https://www.facebook.com/vanhenrypham/posts/10225794732362119

 

- Bài diễn văn của Tổng Thống Biden trước Quốc Hội nói gì?

 

- Tổng Thống Biden sẵn sàng đàm phán về đề nghị tăng thuế doanh nghiệp

 

- Tổng Thống Biden ra lệnh thành lập hội đồng lưỡng đảng để xem xét việc tăng thêm ghế tại Tối Cao Pháp Viện

 

- Hai phụ nữ lần đầu dẫn dắt quốc hội Mỹ

 

                                                       ********

 

Bài diễn văn của Tổng Thống Biden trước Quốc Hội nói gì?

 

TT Biden ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 là thành tựu hậu cần vĩ đại nhất của Mỹ khi lần đầu phát biểu trước lưỡng viện quốc hội.

 

"Hỡi những người dân Mỹ của tôi, trong khung cảnh rất quen thuộc đêm nay, cuộc tụ họp này chỉ khác một chút. Một lời nhắc nhở về những thời điểm khác thường mà chúng ta đang trải qua", Tổng thống Mỹ Joe Biden mở đầu bài phát biểu trong phiên họp chung lưỡng viện tại tòa nhà quốc hội tối 28/4 (sáng 29/4 giờ Hà Nội).

 

"Trong suốt lịch sử của chúng ta, các tổng thống đã đến phòng này để phát biểu trước quốc hội, quốc gia và thế giới, tuyên chiến, kỷ niệm hòa bình, công bố các kế hoạch và khả năng mới. Tối nay, tôi đến để nói về khủng hoảng và cơ hội", Biden nói thêm.

 

Phó tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trở thành hai người phụ nữ đầu tiên chủ trì cuộc họp quốc hội khi một tổng thống đương nhiệm phát biểu trước quốc hội. Biden đã cảm ơn hai người vì "thời khắc lịch sử" này.

 

Biden ca ngợi phản ứng của chính quyền ông với đại dịch Covid-19 và cảm ơn sự hỗ trợ của các nghị sĩ. "Cảm ơn sự giúp đỡ của tất cả các ngài", Biden nói với các nghị sĩ. "Chúng tôi đang kiểm soát tình hình và mọi nguồn lực liên bang với sự giúp đỡ của các ngài".

 

Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn, Tổng thống Mỹ nói rằng ông kế thừa một quốc gia đang gặp khủng hoảng nhưng trong vòng chưa đầy 100 ngày, chính quyền của ông đã bắt đầu xoay chuyển tình thế.

 

"Đã 100 ngày kể từ khi tôi tuyên thệ nhậm chức, rời tay khỏi cuốn Kinh thánh của gia đình và kế thừa một quốc gia. Tất cả những gì chúng tôi có là một cuộc khủng hoảng, đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ, khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái và cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ của chúng ta kể từ sau Nội chiến", Biden nói.

 

"Bây giờ, chỉ sau 100 ngày, tôi có thể báo cáo với quốc gia, nước Mỹ đang trên đà phát triển trở lại. Biến nguy cơ thành khả năng, khủng hoảng thành cơ hội, thất bại thành sức mạnh". Ông gọi kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD là "gói giải cứu hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ".

 

"Tôi hứa sẽ tiêm 100 triệu mũi vaccine Covid-19 cho người dân trong 100 ngày và thực tế chúng tôi đã cung cấp hơn 220 triệu mũi trong 100 ngày đó", Biden cho hay. "Chúng tôi sắp xếp mọi nguồn lực của liên bang. Chúng tôi đã phân phối vaccine cho gần 40.000 nhà thuốc và hơn 700 trung tâm y tế cộng đồng, nơi những người nghèo nhất cũng có thể được tiêm".

 

Ông cũng kêu gọi người Mỹ đi tiêm phòng "ngay lập tức" bởi tất cả người trên 1 tuổi đều đã đủ điều kiện để tiêm.

 

Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhấn mạnh nỗ lực quốc gia hiện phải được tập trung vào tái thiết nền kinh tế và chống bất bình đẳng với "kế hoạch việc làm lớn nhất kể từ Thế chiến II". "Kế hoạch Việc làm của Mỹ sẽ tạo ra hàng triệu công việc được trả lương cao, những công việc để người Mỹ có thể nuôi sống gia đình họ", Tổng thống Mỹ cam kết.

 

Trong câu nói tương tự người tiền nhiệm đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa dân túy Donald Trump, Biden nói rằng tầng lớp lao động Mỹ đã bị lãng quên và kế hoạch của ông sẽ mang đến cơ hội cho họ. Ông cũng liên tục lặp lại câu nói thường ngày "Nước Mỹ đã trở lại".

 

Khi đề cập kế hoạch tăng thuế đối với những người Mỹ giàu nhất, Biden cho biết ông muốn những người Mỹ giàu có nhất phải chia sẻ "phần công bằng của họ".

 

"Tôi sẽ không tăng thuế đối với những người thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Việc tăng thuế sẽ áp dụng cho các công ty Mỹ và 1% nhóm người giàu nhất nước Mỹ để họ bắt đầu chia sẻ phần công bằng của họ. Chỉ cần chia sẻ công bằng của họ", Biden phát biểu.

 

Biden gọi nhập cư là "cần thiết đối với nước Mỹ", đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp hành động thay mặt cho vô số người đang mong muốn trở thành công dân Mỹ.

 

"Hãy chấm dứt cuộc chiến mệt mỏi của chúng ta về vấn đề nhập cư", Biden phát biểu. "Hơn 30 năm qua, các chính trị gia đã nói về cải cách nhập cư nhưng không làm gì. Đã đến lúc phải sửa chữa".

 

Theo hồ sơ pháp lý gần đây của Bộ Ngoại giao, Mỹ còn tồn đọng gần 2,6 triệu đơn xin thị thực, trong đó gần nửa triệu ứng viên "đủ tiêu chuẩn về giấy tờ" và sẵn sàng cho các cuộc phỏng vấn.

 

Đề cập tới chính sách đối ngoại, Biden nhắc tới cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, cho rằng đây không phải là một sứ mệnh đa thế hệ nhằm tái thiết quốc gia này. "Mỹ đã đưa Osama bin Laden ra trước công lý và đã giảm bớt mối đe dọa khủng bố từ tổ chức al Qaeda ở Afghanistan. Giờ đây, sau hai thập niên, đã đến lúc đưa các binh sĩ của chúng ta về nhà", ông nói.

 

Ông nhắc tới Tổng thống Nga Vladimir Putin với lời lẽ cứng rắn. "Tôi biết một số trong các bạn lo ngại về Nga, nhưng tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng dù Mỹ không tìm cách leo thang, họ sẽ phải chịu hậu quả nếu những hành vi đó của họ là có thật, và chúng sẽ đúng là sự thật", Biden nói, đề cập cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và tấn công mạng nước này.

 

Với Trung Quốc, Biden khẳng định Washington sẽ "đối mặt" với Bắc Kinh, nhưng không tìm cách gây chiến với nước này. Ông cho hay đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ "hoan nghênh cạnh tranh, nhưng không tìm kiếm xung đột".

 

Trước khi kết thúc bài phát biểu dài một giờ 5 phút, Biden kêu gọi quốc hội cải cách kiểm soát súng đạn.

 

"Tôi không cần phải nói với ai điều này, nhưng bạo lực súng đạn đã trở thành dịch bệnh ở Mỹ", Biden cho hay. "Tôi không muốn đối đầu thêm. Chúng ta cần nhiều nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện tham gia cùng đa số đảng Dân chủ và bịt các kẽ hở trong kiểm tra lý lịch mua súng. Chúng tôi cần lệnh cấm vũ khí tấn công và hộp đạn cỡ lớn. Những loại cải cách hợp lý này nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân, gồm nhiều chủ sở hữu súng. Nếu một quốc gia ủng hộ cải cách thì quốc hội nên hành động. Đây không phải vấn đề đỏ hay xanh".

 

Bối cảnh bài phát biểu đầu tiên của Biden trước quốc hội phản ánh thời kỳ khủng hoảng khi ông nhậm chức. An ninh được đặt ở mức cao nhất xung quanh tòa nhà quốc hội kể từ cuộc bạo động ngày 6/1.

 

Chiến dịch tiêm phòng của Mỹ đạt thành tựu đáng kể, song phiên họp cũng bị giới hạn người tham dự. Thay vì phòng họp Hạ viện với khoảng 1.600 chính trị gia và khách như thường lệ, Biden chỉ phát biểu trước một nhóm được chọn lọc gồm khoảng 200 người. Trong số 9 thành viên của Tòa án Tối cao, chỉ có Chánh án John Roberts tham dự.

 

Chỉ có ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng tham dự, đồng nghĩa truyền thống đề cử "người sống sót được chỉ định", tức người có thể tiếp quản đất nước nếu toàn bộ chính phủ gặp nạn trong tòa nhà quốc hội, là không cần thiết.

 

Hình :

- Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước quốc hội lưỡng viện hôm 28/4. Ảnh: AFP.

- Phó tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Kamala Harris (trái) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vỗ tay khi Tổng thống Biden phát biểu. Ảnh: AFP.

https://www.usatoday.com/.../biden-speech.../7385467002/

https://www.nytimes.com/.../04/28/us/biden-speech-congress

 

                                               *********

 

Tổng Thống Biden sẵn sàng đàm phán về đề nghị tăng thuế doanh nghiệp

 

Vào thứ tư (ngày 7 tháng 4), Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẵn sàng đàm phán về đề nghị tăng thuế doanh nghiệp trong kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ mỹ kim. Khi được hỏi liệu ông có có cân nhắc giảm mức thuế 28% hiện tại trong kế hoạch hay không, Tổng thống cho biết ông sẵn sàng lắng nghe và đàm phán về vấn đề này. Nhận xét của tổng thống về thuế doanh nghiệp được đưa ra sau khi ông bảo vệ quy mô và phạm vi của cuộc đại tu cơ sở hạ tầng do chính ông đề nghị.

 

Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chỉ trích kế hoạch tài trợ quá nhiều dự án mà theo quan điểm của họ là nằm ngoài định nghĩa của cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã gọi kế hoạch là một “Con ngựa thành Troy” cho các chính sách tự do, và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa khác đã tuyên bố rằng chỉ một phần nhỏ của dự luật khổng lồ hướng tới “cơ sở hạ tầng thực sự.” Nhưng Tổng thống Biden lập luận vào chiều thứ Tư rằng ý tưởng về cơ sở hạ tầng luôn phát triển để đáp ứng nguyện vọng của người dân Hoa Kỳ và nhu cầu của họ, và “một lần nữa định nghĩa này đang phát triển.”

 

Tổng thống cho biết ông hoan nghênh cuộc tranh luận về các chi tiết cụ thể của dự luật, và cho biết “bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào muốn hoàn thành thỏa thuận” đều được mời đến Tòa Bạch Ốc. Nhưng ông lưu ý rằng quan điểm của ông là cải cách cơ sở hạ tầng nên được xây dựng với tâm trí tương lai, thay vì tập trung vào việc sửa chữa các cấu trúc hiện có.

 

Kế hoạch của Tổng thống Biden bao gồm khoảng 2 nghìn tỷ mỹ kim chi tiêu trong 8 năm. Tòa Bạch Ốc đã đưa ra lộ trình 15 năm để tài trợ cho kế hoạch, một phần bằng cách tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28%. Đảng Cộng hòa đã giảm mức thuế từ 35% xuống 21% như một phần của luật thuế năm 2017 của cựu Tổng thống Donald Trump.

 

                                                    ********

 

Tổng Thống Biden ra lệnh thành lập hội đồng lưỡng đảng để xem xét việc tăng thêm ghế tại Tối Cao Pháp Viện

 

Tin Washington DC – Tổng Thống Joe Biden vào thứ Sáu, 9 tháng 4, đã ra lệnh thành lập một hội đồng lưỡng đảng, để đánh giá các vấn đề chính trị liên quan đến việc tăng thêm ghế tại Tối Cao Pháp Viện và giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán. Trong giai đoạn tranh cử, Tổng Thống Biden từng hứa hẹn với các nhà hoạt động cấp tiến rằng ông sẽ sắp xếp lại Tối Cao Pháp Viện, sau khi số lượng thẩm phán phe bảo thủ chiếm thế đa số áp đảo dưới thời cựu Tổng Thống Donald Trump.

 

Trong nhiệm kỳ 4 năm, cựu Tổng Thống Trump đã có cơ hội bổ nhiệm 3 thẩm phán phe bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện. Theo lệnh mới của Tổng Thống Biden, hội đồng lưỡng đảng với 36 thành viên, chủ yếu là các học giả, sẽ có 6 tháng để đánh giá ảnh hưởng chính trị của việc mở rộng Tối Cao Pháp Viện.

 

Ủy ban sẽ được lãnh đạo bởi ông Bob Bauer, cố vấn Tòa Bạch Ốc dưới thời cựu Tổng Thống Barack Obama, và bà Cristina Rodriguez, giáo sư luật tại đại học Yale, người từng làm việc trong Văn phòng cố vấn pháp lý của cựu Tổng Thống Obama.

 

Tối Cao Pháp Viện hiện có 9 thành viên, và con số này được thiết lập từ sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Mọi nỗ lực nhằm thay đổi tòa án sẽ là một vấn đề gây tranh cãi lớn, đặc biệt là trong tình huống Quốc Hội gần như được chia đôi một cách cân bằng như hiện nay. Việc mở rộng Tối Cao Pháp Viện sẽ cần phải được Quốc Hội phê chuẩn.

 

Vào đầu tuần này, Thẩm Phán phe tự do Stephen Breyer, thành viên lớn tuổi nhất của Tối Cao Pháp Viện, đã tỏ ra không ủng hộ việc mở rộng tòa án, nói rằng các thay đổi mang động cơ chính trị sẽ khiến người Mỹ mất niềm tin vào tòa án cao nhất Hoa Kỳ. (BBT)

 

                                                   ********

 

Hai phụ nữ lần đầu dẫn dắt Quốc Hội Mỹ

 

Harris và Pelosi trở thành hai phụ nữ đầu tiên cùng lãnh đạo quốc hội khi Tổng thống Biden đọc thông điệp đầu tiên trước các nghị sĩ.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/4 có bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội Mỹ đánh dấu 100 ngày đầu tiên nắm quyền. Bên cạnh những tuyên bố quan trọng của ông chủ Nhà Trắng, các chuyên gia nhận định đây cũng là khoảnh khắc lịch sử của nước Mỹ khi lần đầu tiên hai lãnh đạo cơ quan lập pháp ngồi sau Tổng thống đều là nữ giới, bao gồm Phó tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

 

Khi được hỏi về khoảnh khắc lịch sử này, Chủ tịch Pelosi cho biết: "Đã đến lúc rồi".

 

"Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sẽ có hai phụ nữ ngồi sau lưng Tổng thống trong bài phát biểu, gồm một nữ Phó tổng thống và một nữ Chủ tịch Hạ viện. Các tổng thống bắt đầu phát biểu trước quốc hội từ thời George Washington, song phải đến 14 năm trước, sau lưng ông chủ Nhà Trắng mới xuất hiện một lãnh đạo nữ", Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết.

 

Klain nói thêm trong bài phát biểu của Tổng thống Biden trước quốc hội hôm 28/4, việc hai lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện đứng sau lưng ông đều là nữ giới sẽ là một dấu mốc quan trọng của nước Mỹ.

 

Hai quan chức ngồi sau lưng tổng thống Mỹ luôn nổi bất nhất vì dễ nhìn thấy cũng như dễ đưa ra phản ứng nhanh chóng với các phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng.

 

Chủ tịch Hạ viện Pelosi năm 2020 khi ngồi sau cựu tổng thống Donald Trump đã gây chú ý với hành động xé bản sao thông điệp liên bang ngay sau bài phát biểu của ông. Cùng trong bài phát biểu đó, Trump dường như cũng ngó lơ đề nghị bắt tay của Pelosi.

 

Tuy nhiên, bài phát biểu của Tổng thống Biden hôm 28/4 sẽ thể hiện rõ sự khác biệt với thời Trump nắm quyền khi đảng Dân chủ đã kiểm soát lưỡng viện Mỹ. Hình ảnh Harris và Pelosi đứng sau ủng hộ ông chủ Nhà Trắng không chỉ thể hiện tình đoàn kết mà còn nâng cao vai trò của nữ giới trong chính trường Mỹ.

 

Hình : https://www.facebook.com/vanhenrypham/posts/10225794732362119

- Phó tổng thống Kamala Harris (trái) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chạm khuỷu tay trước khi Tổng thống Joe Biden phát biểu trước quốc hội Mỹ hôm 28/4. Ảnh: AP.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats