Friday, 30 April 2021

BẢN TIN NGÀY 30/04/2021 (BTV Tiếng Dân)

 


BẢN TIN NGÀY 30-4-2021

BTV Tiếng Dân

30/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/30/ban-tin-ngay-30-4-2021/

 

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc lại thông báo tập trận thêm cả tháng ở vịnh Bắc bộ. Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông ra thông báo, TQ sẽ tổ chức tập trận ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu của TQ, tức khu vực phía Đông vịnh Bắc Bộ của VN, từ ngày 1 đến hết ngày 31/5. Cuộc tập trận sẽ diễn ra trong khu vực có phạm vi bán kính 7km từ tọa độ 21 độ 14,23 vĩ bắc/109 độ 32,80 kinh đông, TQ cấm các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực này.

 

Báo Thanh Niên thống kê, đây là đợt tập trận lần thứ 6 của quân đội TQ (PLA) ở vịnh Bắc Bộ tính từ đầu năm 2021 đến nay. Còn nếu tính trên toàn bộ khu vực Biển Đông, thì chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, TQ đã thực hiện hoặc lên kế hoạch thực hiện ít nhất 16 cuộc tập trận. 

 

Hồi cuối tháng 2/201, Trung Quốc thông báo tập trận suốt tháng 3 ở Biển Đông. Các hoạt động tập trận đã diễn ra ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, tức phía đông vịnh Bắc Bộ, vùng vịnh nằm sát thủ đô VN, kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 31/3. Thông tin về cuộc tập trận này được công bố sau khi có tin về hoạt động của một loạt máy bay trinh sát của Mỹ ở Biển Đông gần cuối tháng 2/2021.

 

Ngay sau khi kết thúc chuỗi tập suốt tháng 3/201 ở khu vực vịnh Bắc Bộ, TQ lại thông báo về hoạt động tập trận diễn ra suốt tháng 4/2021. TQ tuyên bố, hoạt động tập trận nhằm kỷ niệm 20 năm ngày 1/4/2001, vụ máy bay TQ va chạm với Mỹ, khiến phi công TQ thiệt mạng, còn phi hành đoàn của máy bay trinh sát P-3 Orion của Mỹ, gồm hơn 20 người, đã bị TQ tạm giữ 10 ngày rồi trao trả. 

 

Vừa kết thúc cuộc tập trận tháng 4/2021, TQ thông báo hoạt động tập trận dự kiến kéo dài hết tháng 5, cũng ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Nếu cuộc tập trận này cũng diễn ra suôn sẻ như 2 đợt trước, thì TQ tập trận 3 tháng liền ở Biển Đông, tại khu vực chỉ cách thủ đô VN khoảng 300-400 km. Phải chăng đây là tín hiệu để ép VN thuần phục Bắc Kinh, để TQ tiếp tục thu tóm Biển Đông?

 

Vụ tàu sân bay Sơn Đông và tàu sân bay trực thăng Hải Nam của TQ cùng xuống Biển Đông, báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc leo thang khiêu khích ở Biển Đông. Đây là lần thứ 2 trong tháng 4/2021, TQ điều tàu sân bay xuống Biển Đông. Đầu tháng 4, TQ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển từ biển Hoa Đông, qua eo biển giữa đảo chính của quần đảo Okinawa và đảo Miyako Jima của Nhật, rồi tập trận ở vùng biển gần Đài Loan, trước khi quay lại Biển Đông. 

 

TS Satoru Nagao ở Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ, nhận định: “Thứ nhất, Trung Quốc đang đưa ra tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông nên muốn chứng minh khả năng hiện diện ở vùng biển này… Thứ hai, Trung Quốc muốn thể hiện tiềm lực sức mạnh hải quân nước này. Thứ ba, tàu sân bay và tàu đổ bộ là vũ khí quan trọng để có thể tấn công Đài Loan và Bắc Kinh muốn thể hiện sức mạnh này với Đài Bắc cũng như các bên”.

 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Bộ Quốc phòng TQ chỉ trích Mỹ tăng cường hoạt động do thám. Ngô Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ, chỉ trích Quân đội Mỹ đã tăng cường hoạt động do thám tại các khu vực ở Biển Đông mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền. Họ Ngô nói về vụ tàu khu trục USS Mustin của Mỹ bám theo tàu sân bay Liêu Ninh của TQ: Cuộc chạm mặt đã “can thiệp nghiêm trọng vào hoạt động huấn luyện của Trung Quốc và đe dọa nghiêm trọng an toàn hàng hải và an toàn của nhân viên hai bên”. 

 

Bài thứ 3 trong loạt bài trên báo Thanh Niên về tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa, tháng 4.2021 – Kỳ 3: Tàu cá Trung Quốc từ bãi Ba Đầu né sang Huy Gơ. Theo đó, giữa tháng 4/2021, khi quốc tế phản ứng mạnh trước sự hiện diện của các tàu “dân quân biển” TQ ở Đá Ba Đầu, một số tàu đã dời “địa bàn” sang Đá Huy Gơ để tạm lánh dư luận.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img1-15-1024x683.jpg

Nhóm tàu cá của lực lượng “dân quân biển” TQ có gần 10 chiếc, túc trực tại bãi Ba Đầu, vào trưa ngày 12/4/2021. Ảnh: Mai Thanh Hải/TN

 

Nguồn tin từ hiện trường cho biết, giữa tháng 4/2021, ở khu vực đảo Sinh Tồn Đông, chỉ có khoảng 10 tàu dân binh TQ còn lưu lại khu vực Đá Ba Đầu. Điều đó không có nghĩa là TQ từ bỏ tham vọng ở Đá Ba Đầu, mà tạm thời chuyển áp lực sang chỗ khác. Lượng tàu TQ ở Đá Ba Đầu ít đi, thì số tàu TQ ở Đá Huy Gơ và các thực thể khác trong khu vực tăng lên.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img2-14-1024x683.jpg

Hai tàu TQ, khả năng là tàu chỉ huy và tác chiến điện tử của đội hình tàu dân binh TQ từ bãi Ba Đầu về neo đậu tạm thời tại Huy Gơ. Ảnh: Mai Thanh Hải/TN

 

Mời đọc thêm: Biển Đông: Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh cá Trung Quốc vừa loan báo (RFI). – Lập trường rõ ràng, nhất quán của Việt Nam về Biển Đông (ĐV). – Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines sẽ không ngừng các cuộc tuần tra trên Biển Đông (RFI). – Trung Quốc thông báo tập trận cả tháng 5 ở Vịnh Bắc Bộ (VTC).

 

– Trung Quốc tố Mỹ tăng cường hoạt động do thám ở vùng biển họ tuyên bố chủ quyền (VietTimes). – Trung Quốc nói Mỹ gia tăng hoạt động quân sự nhằm vào họ (TP). – Mỹ – Trung cùng gia tăng hoạt động quân sự, căng thẳng vẫn còn kéo dài (Infonet). – Trung Quốc công bố đợt tập trận mới ở Biển Đông sau 20 năm vụ va chạm máy bay quân sự với Mỹ (PT).

 

.

“Tháng Tư Đen”

 

Hôm nay, đúng 46 năm kể ngày kết thúc cuộc chiến ‘huynh đệ tương tàn’, RFA nhắc lại lời của cố Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông: “700 triệu dân Trung Quốc là hậu thuẫn mạnh của nhân dân Việt Nam!” Facebook của Tổng lãnh sự quán TQ tại TP HCM đăng tải một bức ảnh của họ Mao. Năm 1965, tại “đại hội quần chúng Bắc Kinh ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước”, họ Mao đã nói: “700 triệu dân Trung Quốc là hậu thuẫn mạnh của nhân dân Việt Nam, lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc là hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam”.

 

Status nói trên của Tổng lãnh sự quán TQ tại thành Hồ được đăng trưa nay. Đến giờ, đã có 188 lượt bình luận, 22 lượt chia sẻ. Phần lớn bình luận là của dư luận viên VN, nhưng có điều đặc biệt là sự chia rẽ trong nội dung các bình luận. Có dư luận viên thể hiện sự ủng hộ mối quan hệ VN – TQ và cảm ơn sự viện trợ của TQ trong Chiến tranh VN. Nhưng cũng có dư luận viên “nhắc khéo” vụ TQ mở cuộc tấn công quy mô lớn vào các tỉnh biên giới phía Bắc của VN, chưa đầy 4 năm sau khi VN “thống nhất”. 

 

Lời nói của Mao cũng tương tự như một “lời tự thú” của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Ta đánh  Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”. Điều đó có nghĩa là, cuộc chiến tương tàn 2 miền Nam – Bắc kéo dài hơn 20 năm không vì mục đích “giải phóng” cao đẹp gì, mà là cuộc chiến ủy nhiệm để đưa chủ nghĩa CS vào tràn ngập lãnh thổ VN, đồng thời đánh đuổi chủ nghĩa tư bản. Đó là cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, người VN chém giết lẫn nhau vì mâu thuẫn quốc tế giữa khối CS và khối tư bản. 

 

BBC có bài về ngày 30/4: ‘Đỏ’, ‘Vàng’ và sự phân cực giữa giới trẻ Việt Nam. Nhà văn Khải Đơn bình luận về sự chia rẽ ý thức hệ của người VN: “Mỗi phe đều có động cơ của mình: duy trì một câu chuyện thống nhất phù hợp với kỳ vọng đám đông đi theo bên nào. Khi tôi đến Mỹ, gặp một số người chưa về Việt Nam du lịch lần nào từ biến cố đó, họ hỏi tôi những câu như: ‘Ở Việt Nam mọi người đâu biết gì về thế giới đúng không con? Tụi nó muốn làm gì thì làm phải không?’ Nhiều câu hỏi như thế”.

 

Nhà báo tự do Linh Nguyễn cho biết: “Ngay cả những người của chế độ VNCH ngày xưa, hay còn bị cho là bên thua cuộc, thì thực ra họ vẫn đang tiếp tục truyền cho thế hệ sau lịch sử của chính mình. Thực tế đến bây giờ chúng ta vẫn thấy sự tranh cãi giữa đỏ và vàng, càng cho thấy lịch sử hoàn toàn không hề bị áp đảo bởi kẻ chiến thắng mà chính người thua cuộc vẫn không ngừng cất lên tiếng nói của họ”.

 

BBC có bài của tác giả Jeff Lê gửi đến từ Washington D.C. về ngày 30/04: ‘Người Mỹ gốc Việt cần thoát quá khứ để không bị bỏ lại’. Tác giả kể về lần cuối cùng thấy nước mắt của người cha: “Tôi hiểu hôm đó là kỷ niệm 20 năm ngày ba nước mất nhà tan. Khởi đầu cho một hành trình khắc nghiệt, sự xung đột của một bản sắc kép. Ba luôn là người Việt. Nhưng hộ chiếu của ba nói ba là người Mỹ. Ba luôn biết mình sẽ không bao giờ Mỹ đủ. Ba vẫn khao khát được sống lại khoảng thời gian chỉ tồn tại trong ký ức”.

 

VOA có bài: Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin trong ngày cuối cùng của Sài Gòn. Bài báo nói về Chiến dịch Gió Lốc do thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành trong thời khắc trước khi Sài Gòn thất thủ. Cựu phi công thủy quân lục chiến Gerry Berry kể, trong suốt 18 tiếng đồng hồ, ông đã cùng 70 phi công Thủy quân Lục chiến, Hải quân và Air America “bay liên tục từ tòa đại sứ tới các tàu hải quân neo ở ngoài khơi, vận chuyển tổng cộng 7000 nhân viên tòa đại sứ, công dân nước ngoài và công dân Nam Việt Nam tới nơi an toàn”. Ông Berry đã bay 14 chuyến và chiến dịch di tản chấm dứt khi Đại sứ Graham Martin của Mỹ rời Sài Gòn. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-136.jpg

Người dân miền Nam chuẩn bị lên tàu USS Midway cuối tháng 4/1975. Nguồn: USS Midway

 

Hạ Viện California thông qua NQ tưởng niệm Tháng Tư Đen của DB Janet Nguyễn, báo Người Việt đưa tin. Hạ Viện California thông qua Nghị Quyết ACR 4, tưởng niệm Tháng Tư Đen, do Dân Biểu Janet Nguyễn đệ trình. Bà Janet nói:

 

“Tháng Tư Đen là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt và cuộc sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng sau biến cố Sài Gòn sụp đổ… Cách đây 46 năm, gia đình tôi quyết định bỏ lại tất cả và vượt biển để tìm tự do. Ngày nay, là một dân cử người Mỹ gốc Việt cao cấp nhất tiểu bang California, Hoa Kỳ, tôi tự hào đại diện cho những câu chuyện, văn hóa, và lịch sử của cộng đồng tôi”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img7-2-1024x683.jpg

Dân Biểu Janet Nguyễn và một số cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Tượng Đài Việt-Mỹ, Westminster. Ảnh: Janetforassembly.com/NV

 

Bà Janet nói thêm: “Sau khi chúng ta mất Sài Gòn cách đây 46 năm, ngày 30 Tháng Tư, 1975 mãi mãi để lại một nỗi đau trong lòng hàng triệu người Việt tị nạn trên khắp thế giới, kể cả những người đang sống dưới chế độ Cộng Sản tại Việt Nam. Nghị Quyết ACR 4 đánh dấu ngày quan trọng này, để tưởng nhớ và biết ơn các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu tại Việt Nam, cũng hàng ngàn chiến sĩ và người dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến vì tự do, dân chủ và nhân quyền”.

 

Mời đọc thêm: Ngày 30/04: Nếu còn thiết tha hãy giúp một tay để lịch sử không bị đánh mất — Sài Gòn 30/4/1975: Những giờ phút cuối cùng ở ĐSQ Mỹ (BBC). – Miền Nam vẫn có 21 năm tuyệt vời giữa thời chiến tranh ly loạn (NV).

 

.

Tin nhân quyền

 

VOA đưa tin: Việt Nam nói báo cáo USCIRF 2021 ‘không công bằng, thiếu khách quan’. Uỷ ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF công bố Báo cáo năm 2021, phê phán tình hình đàn áp tự do tôn giáo ở VN, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Đoàn Khắc Việt nói:

 

“Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tại Việt Nam”.

 

Báo Người Việt có bài: CSVN không chấp nhận công đoàn độc lập vì sợ ‘bị chống phá’. Ngày mai là ngày quốc tế lao động, bộ máy tuyên truyền của chế độ lại tiếp tục công kích khái niệm “công đoàn độc lập”, cho rằng đây chỉ là thủ thuật “chống phá” mà không hề nghĩ đến quyền lợi của công nhân, lực lượng “nồng cốt” của đảng CSVN.

Mời đọc thêm: Việt Nam nói Mỹ ‘thiếu khách quan’ về đánh giá tự do tôn giáo (NV). – Hồng Kông: Hoàng Chi Phong nhận tham gia tưởng niệm Thiên An Môn (RFI). – Thị trưởng trẻ gốc Việt với tâm huyết vì quyền của phụ nữ và dịch vụ công (VOA). – Miến Điện: Một nửa dân cư sẽ lâm vào cảnh đói nghèo từ đây đến đầu 2022 (RFI).

.

Tin môi trường

 

Báo Dân Việt có bài: Cận cảnh tình trạng ô nhiễm khủng khiếp tại Hoài Đức, Hà Nội. Trong thập niên vừa qua, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức nổi tiếng với nghề sản xuất bánh kẹo, miến truyền thống ở Hà Nội, đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Nhưng cái giá phải trả là tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

 

Kết quả khảo sát của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khóa 14 xác nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường tại huyện Hoài Đức, nhất là khu vực làng nghề Dương Liễu, đang ở mức báo động. Làng nghề này hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… chế biến nông sản. Mỗi ngày, các nhà máy sản xuất bánh kẹo, các hộ làm miến xả thải trực tiếp ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img3-9-1024x682.jpg

Đường làng Dương Liễu, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội ngập trong rác thải. Ảnh: DV

 

Tình hình ở Hà Tĩnh: Người dân khốn khổ với cơ sở sản xuất bún xả thải gây ô nhiễm, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Các hộ dân ở thôn Đông Tiến, xã Thạch Trung cho biết, họ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nước thải từ một cơ sở sản xuất bún tư nhân trên địa bàn trong các năm qua.

 

Một người dân thôn Đông Tiến kể: “Việc xả nước thải gây ra nhiều phiền toái và nỗi lo bệnh tật cho người dân. Hằng ngày, chúng tôi hít phải không khí ô nhiễm nên không thể chịu nỗi”. Người dân đã báo chính quyền địa phương nhưng chưa giải quyết được. Mấy vụ bất đồng chính kiến thì chính quyền địa phương giải quyết rất nhanh, từ lúc bắt người đến lúc xét xử, nhưng mấy vụ xả thải gây ô nhiễm thì, dân mòn mỏi chờ đợi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img4-9.jpg

Con mương chứa nước thải từ cơ sở sản xuất bún tư nhân gây ô nhiễm môi trường thôn Đông Tiến, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh. Ảnh: TNMT

 

Báo Dân Trí đưa tin: Cận cảnh nước thải ô nhiễm xả ra đường làm ngập UBND phường và trường học. Mấy ngày qua, đoạn đường chính đi qua trụ sở UBND phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, luôn trong tình trạng ngập nước thải màu đen, vàng nâu. Lý do: Các miệng cống thoát nước vốn để ngăn lụt, thoát nước, nhưng gặp phải mưa lớn bất thường, giờ liên tục chảy ngược ra nước thải, tràn ngập mặt đường, có đoạn sâu nửa mét nước.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img5-7-1024x682.jpg

Dòng nước thải từ các doanh nghiệp giấy lẫn bùn đen, nồng mùi hôi thối chảy tràn từ hệ thống cống thoát, gây ngập tuyến đường. Ảnh: TNMT

 

Mời đọc thêm: Ô nhiễm biển do nước thải có nguồn gốc từ đất liền: Luật pháp quốc tế và pháp luật tại Việt Nam (TCCT). – Kiểm soát ô nhiễm vi nhựa: Thiếu hành lang pháp lý (CT). – Ám ảnh giết mổ gia cầm, ô nhiễm từ những khu chợ cóc Hà Nội (TN). – Ô nhiễm ở Phong Khê: Bị yêu cầu đóng cửa, Công ty Viphaco vẫn cố tình sản xuất, dọa đập máy ảnh của phóng viên (DV).

– Điểm mặt 6 doanh nghiệp sản xuất giấy đầu độc sông Cầu ở Bắc Ninh (VTC). – Quảng Ninh: Phạt 55 triệu công ty sản xuất bê tông gây ô nhiễm môi trường (VOV). – Nghệ An: Rác thải tràn lan, ô nhiễm cảng cá Lạch Vạn (LĐ). – Tiếp xúc với ô nhiễm không khí thời thơ ấu làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần (TNMT).

 

                                                  ***

 

Thêm một số tin: Việt Nam: Tiết lộ về ngoại ngữ của các ủy viên Bộ Chính trị (BBC). – Đại úy đồn phó biên phòng ở Sơn La dùng súng bắn chết cha mẹ vợ (NV). – Tham vọng của tổng thống Mỹ Biden: Chiến thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc — Bắc Kinh phản đối Mỹ áp đặt ‘‘mô hình dân chủ’’, nhưng khẳng định không muốn đối đầu với Hoa Kỳ — Tổng thống Biden: Nước Mỹ lại tiến bước — CH Séc: Hàng nghìn người biểu tình lên án tổng thống là « con rối » của Nga — Covid-19: Lò thiêu tử thi ở New Delhi bị quá tải (RFI).

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats