Thursday, 29 April 2021

30/4 DẤU MỐC KHÔNG THỂ QUÊN ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT BẤT CỨ NƠI NÀO TRÊN THẾ GIỚI (Hà Vũ)

 



30/4 dấu mốc không thể quên đối với người Việt bất cứ nơi nào trên thế giới

Hà Vũ

29/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BA%A5u-m%E1%BB%91c-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-qu%C3%AAn-%C4%91.....BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-/5870511.html

 

Mỗi năm, cứ đến cuối tháng Tư là người Việt Nam ở hải ngoại đều tưởng nhớ đến một cơn đại hồng thủy, một cơn lốc xoáy kinh hoàng làm thay đổi lịch sử mà dấu mốc chính là ngày 30/4/1975, khi Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Đại tướng Dương Văn Minh, lên tiếng đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt.

 

Cuộc chiến tranh Việt Nam có lẽ là cuộc chiến gây nhiều tranh cãi nhất với ý nghĩa lịch sử của nó.

 

“Đối với cộng sản Bắc Việt, dù được ngụy trang dưới tên gọi là giải phóng miền Nam, sự thật là xâm lược miền Nam theo chỉ thị và viện trợ dồi dào của Liên Xô, Trung cộng, nhằm bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở vùng Đông Nam Á. Đối với Việt Nam Cộng hòa, đây là cuộc chiến đầy chính nghĩa với nhiều hy sinh gian khổ của toàn thể quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nhằm bảo vệ lý tưởng tự do dân chủ cho miền Nam,” ông Lê Văn Quan, cựu Trưởng ty Hành chánh tỉnh Gò Công từng bị tù ‘cải tạo’ gần 6 năm và là một người tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, nói về ngày 30/4.

 

46 năm trôi qua, người Việt tị nạn sinh sống tại Mỹ vẫn truyền tay, truyền khẩu những câu chuyện về ngày 30/4, những câu chuyện từ người thật việc thật, từ trải nghiệm của các gia đình miền Nam phải bỏ nước ra đi, những mảnh ghép chân thực của lịch sử mà không sử sách nào có thể mô tả đầy đủ để thế hệ tiếp nối hiểu đúng về lịch sử và chiến tranh Việt Nam, về làn sóng người Việt lưu vong.

 

“Chỉ có cha mẹ mới nói để con cái hiểu rõ ra. Ngoài ra, cũng có số đã nhận thức được thực chất của cuộc chiến. Họ sẽ nói cho các bạn bè khác về thực chất cuộc chiến của chúng ta,” ông Quan nói.

 

Đối với ông Đặng Văn Âu, bút danh Bằng Phong, cựu Thiếu tá Không quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, thì truyền đạt cho con cháu về lịch sử nguồn cội còn là để khuyến khích thế hệ trẻ đóng góp cho một đất nước Việt Nam tự do-dân chủ thực thụ.

 

“Mình ươm trồng những mầm non cho con cái mình để cho nó không quên được các nghĩa vụ đối với non sông. Giống như người Do Thái, họ lưu lạc bao năm nhưng họ vẫn trở về bởi vì họ truyền thụ lại tất cả những tư tưởng trở về cố hương của những người đi trước,” ông Âu diễn giải.

 

Được hỏi về kỳ vọng đối với thế hệ hậu 75 tại Việt Nam, những người sinh trưởng và được đào tạo theo chủ nghĩa cộng sản, ông Quan chia sẻ:

 

“Đối với thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay, tôi không bi quan lắm vì chúng ta thấy rằng hiện nay những tâm lý bài xích Trung Cộng của người dân Việt Nam rất cao. Người dân Việt Nam vẫn chưa quên được mối hận ngàn năm Bắc thuộc. Và hiện nay trong xã hội cộng sản Việt Nam, dù đã dùng bạo lực để thống trị người dân, nhưng vẫn có những cá nhân, những đoàn thể xã hội mạnh mẽ lên tiếng chống đối lại chủ nghĩa cộng sản hiện nay của Việt Nam và sự chống đối này, tôi tin rằng đã được người dân đồng ý. Đối với tôi, tâm lý chống đối cộng sản Việt Nam của người dân rất cao. Tuy nhiên, đa số hãy còn bị nỗi sợ hãi ám ảnh nên họ vẫn lặng yên chưa có phát biểu một cách mạnh mẽ.”

 

Hòa hợp và hòa giải dân tộc là một vấn đề thường được nhà cầm quyền Việt Nam nhắc đến bằng chính sách này, nghị quyết kia, nhưng từ bao năm nay vẫn không tiến triển. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhận xét “Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”

 

Ông Bằng Phong-Đặng Văn Âu e rằng ông Kiệt chỉ là một cá nhân riêng rẽ.

 

“Ông Võ Văn Kiệt cũng có những động thái như là mời các trí thức ở hải ngoại về để mà bàn, thôi anh em mình hòa giải, nhưng đó là cá nhân ông Võ Văn Kiệt. Khi ông viết bản tường trình để gởi cho Quốc hội và cho Bộ chính trị thì ông bị Bộ chính trị khiền liền, là ông gặp khó khăn. Thậm chí ông Hà Sĩ Phu là người giữ bản báo cáo đó…ông Hà Sĩ Phu chỉ giữ trong cặp của mình bản báo cáo, bản đề nghị đó thì bị công an bắt và cáo buộc Hà Sĩ Phu là người lưu trữ tài liệu nguy hại đến an ninh quốc gia.”

 

Ngày 30/4 năm nay do đại dịch COVID nên việc kỷ niệm, tưởng niệm với những ý nghĩa khác nhau không được tổ chức rầm rộ cả trong lẫn ngoài nước. Dẫu vậy, đây vẫn là một ngày lịch sử không thể nào quên được đối với người Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

 

=====================================

.

.

Dù dịch bệnh, người Việt ở Mỹ vẫn trang trọng tưởng niệm ngày 30/4

VOA Tiếng Việt

28/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/du-dich-benh-nguoi-viet-o-my-van-trang-trong-tuong-niem-ngay-30-thang-4/5869103.html

 

Các cộng đồng người Việt khắp nước Mỹ đã và đang tổ chức các buổi lễ tưởng niệm biến cố ngày 30 tháng 4 trong một hoạt động thường niên gần như không thể thiếu dù quy mô bị hạn chế nhiều vì đại dịch COVID-19.

 

https://gdb.voanews.com/D6248838-3EFE-496A-BE26-BC234A20A508_w650_r1_s.png

Khách tham dự xếp hàng thắp nhang tại bàn thờ tử sĩ trong một buổi lễ tưởng niệm biến cố 30 tháng 4 do cộng đồng người Việt tổ chức ở Oklahoma City, bang Oklahoma, ngày 25 tháng 4, 2021. (Facebook Vietnamese American Community of Oklahoma)

 

Phần lớn người Việt đến Mỹ trong tư cách người tị nạn sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào ngày này năm 1975 và phe cộng sản lên nắm quyền, khép lại Chiến tranh Việt Nam. Nhiều người Việt hải ngoại tưởng niệm sự kiện này như ngày “quốc hận” để nhắc nhở bản thân và các thế hệ sau về nỗi đau mất nước.

 

Các buổi lễ tưởng niệm cũng là dịp để tri ân những cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến và để vinh danh những người lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa hy sinh cho cho một miền Nam không cộng sản.

 

Đại dịch COVID-19 đã gây gián đoạn nặng nề cho các sinh hoạt mang tính cộng đồng như vậy, song nhiều cộng đồng người Việt vẫn cố gắng duy trì hoạt động tưởng niệm vốn đã trở thành bản sắc của người Việt tị nạn tại Mỹ trong khi phải tuân thủ những quy định của nhà chức trách địa phương để giữ an toàn về y tế.

 

Ở một số nơi, các hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức từ cuối tuần qua để khách mời có thể tham dự được vào ngày nghỉ.

 

Ông Đỗ Minh, chủ tịch Cộng đồng Người Việt Oklahoma City và Vùng Phụ cận ở bang Oklahoma, cho biết dù buổi lễ diễn ra ngoài trời nhưng ông vẫn chủ động hạn chế số lượng người tham dự để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus.

 

“Năm nay vì COVID nên mình cũng hạn chế tối đa cho nên khách mời mình không mời đồng hương mà chủ yếu là các vị hội trưởng các binh chủng, những người lãnh đạo tinh thần, những người đại điện cho các tôn giáo,” ông nói.

 

“Cái mà năm nay mình không làm được nữa là mình không có thể làm được là những bài nhạc đấu tranh hoặc là hô khẩu hiệu, đứng hát chung với nhau rầm rộ như mọi năm.”

 

Tại khu Little Saigon ở miền nam bang California, nơi người Việt tập trung đông đảo nhất ở Mỹ, lễ tưởng niệm 30 tháng 4 luôn là một sự kiện nổi bật trong những sinh hoạt của cộng đồng suốt hàng chục năm qua. Buổi lễ năm nay sẽ được cử hành vào đúng ngày 30 tháng 4, thứ Sáu tuần này.

 

Tuy nhiên các hạn chế nghiêm ngặt về y tế buộc ban tổ chức phải dời địa điểm cử hành lễ hàng năm tại Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ trong một công viên ở thành phố Westminster, nơi mà các thành viên của cộng đồng tề tựu tham dự lễ tưởng niệm kể từ năm 2003, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Nam California Phát Bùi cho biết.

 

“Ngày hôm đó chúng tôi tổ chức [buổi lễ] trong không khí nghiêm trang nhưng mà nhỏ và yêu cầu tất cả mọi người đeo khẩu trang và giãn cách xã hội,” ông nói, và cho biết thêm buổi lễ sẽ diễn ra tại tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong một khu thương xá.

 

Trong khi đó Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ năm nay sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 30 tháng 4 lần thứ hai của mình qua hình thức trực tuyến. Lễ tưởng niệm online được tổ chức lần đầu vào năm ngoái giữa dịch bệnh bùng phát và “khá thành công” vì kết nối được nhiều cộng đồng cùng chung lý tưởng, theo ông Phan Thông Hưng, chủ tịch hội đồng chấp hành của hội và trưởng ban tổ chức.

 

“Chúng tôi thấy hình thức trực tuyến này cũng hay vì có những cộng đồng thành viên chưa bao giờ làm việc chung thì bây giờ có cơ hội làm việc chung cho ngày lễ này,” ông nói.

 

“Năm ngoái lần đầu tiên làm, có những cộng đồng mình chưa biết tới và chỉ kết hợp với họ trong buổi họp thôi, như Âu Châu, Úc Châu, Canada, Việt Nam cũng có. Càng ngày làm việc online thì sự kết hợp đó dễ dàng hơn, nhất là với những dự án sau này.”

 

Dù những nghi thức quan trọng của buổi lễ như chào cờ và phút mặc niệm được nhiều cộng đồng duy trì, song một số hoạt động mang tính giáo dục liên quan đến sự kiện 30 tháng 4 năm nay bị cắt giảm do những hạn chế về việc tụ tập.

 

Một số nhà lãnh đạo cộng đồng nói hoạt động tưởng niệm không chỉ là cơ hội cho các thế hệ trước nhớ lại quá khứ mà còn là dịp để cho những thế hệ trẻ hơn, đặc biệt là những người sinh trưởng ở Mỹ, hiểu được những trải nghiệm của các thế hệ trước ở Việt Nam và nhắc họ nhớ vì sao họ có mặt ở nước Mỹ này.

 

“Việc tưởng nhớ là là một việc rất cần thiết và nó là một bài học lịch sử mà người dân Việt Nam cần phải luôn luôn biết và nhớ đến để mà chúng ta tránh một cuộc chiến tương tàn giữa người dân trong nước đã gây ra sự thiệt mạng cho cả triệu người ở cả hai miền Nam và Bắc,” ông Phát Bùi, người cũng là nghị viên thành phố Garden Grove, nói.

 

Ông Đỗ Minh, người sinh trưởng sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, nói ông hiểu biết thêm về lịch sử nhờ học hỏi từ các thế hệ trước và trong tư cách chủ tịch cộng đồng, ông cũng muốn tạo điều kiện cho những thế hệ sau biết và hiểu được lịch sử của cha ông họ và chính họ.

 

“Mình không thể nào quên cái ngày mà chúng ta bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam,” ông chia sẻ.

 

26 COMMENTS  

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats