Monday, 26 April 2021

TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 26-4-2021 (BTV Tiếng Dân)

 



 

Tin Biển Đông ngày 26-4-2021

BTV Tiếng Dân

26/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/26/tin-bien-dong-ngay-26-4-2021/

 

Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Sáng 24/4, tàu hải cảnh TQ CCG 5304 đã thực hiện lần xâm nhập thứ 22 vào khu vực lô khai thác dầu khí 05.03 và các lô kế cận của VN. Còn tại cụm đảo Sinh Tồn thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, hai tàu cảnh sát biển (CSB) 8001 và 8002 của VN vẫn duy trì sự hiện diện ở đây. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img6-3-1024x609.jpg

Hải trình của tàu hải cảnh TQ CCG 5304 trong các lần xâm nhập và quấy phá lô khai thác dầu khí 05.03 của VN, từ ngày 26/3 đến 25/4/2021. Ảnh: FB Phạm Thắng Nam

 

Diễn biến leo thang căng thẳng mới ở Biển Đông: Trung Quốc tăng cường lực lượng Hải Quân bằng ba tàu chiến mới, RFI đưa tin. Trong dịp kỷ niệm 72 năm thành lập Hải quân TQ, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Hải Nam, chứng kiến quá trình đưa 3 tàu chiến mới vào hoạt động, trong đó có tàu đổ bộ và chở trực thăng cỡ lớn. Sự kiện này “sẽ gia tăng các mối đe dọa nhắm vào Mỹ cũng như các láng giềng châu Á của Trung Quốc”.

Nguồn tin từ nhật báo Pháp Les Echos cho biết, trong 3 tàu chiến mới của Hải quân TQ, đáng chú ý nhất là tàu đổ bộ tấn công Type 075, mang tên “Hải Nam”, có khả năng chở 30 trực thăng và hàng trăm binh sĩ. Bắc Kinh cũng chính thức đưa tàu khu trục “Đại Liên” Type 055 vào hoạt động, cùng với tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo “Trường Chinh 18” Type 094.

 

Viet Times có bài: Giải mã ý đồ của Trung Quốc khi cùng lúc đưa vào biên chế 3 chiến hạm hiện đại nhất. Các tàu chiến mới gia nhập hải quân TQ thuộc 3 loại tàu khác nhau: Tàu sân bay trực thăng, tàu khu trục mang tên lửa và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Cả 3 tàu chiến phục vụ mục đích khác nhau và đều được báo chí TQ gọi là “quốc chi trọng khí”, sở hữu công nghệ tiên tiến của nền công nghiệp quốc phòng TQ.

 

Giới quan sát cho rằng, sự kiện TQ lần đầu tiên đưa vào biên chế cùng lúc 3 tàu chiến hiện đại thuộc 3 lớp tàu khác nhau, là sự đáp trả áp lực từ phương Tây, nhất là trong vấn đề Đài Loan. Tàu sân bay trực thăng Hải Nam và tàu khu trục Đại Liên được cho là có thể giúp TQ gia tăng khả năng tấn công đổ bộ và chiếm đảo. Còn tàu ngầm Trường Chinh 18 giúp tăng quy mô hạm đội tàu ngầm hạt nhân chuyên về răn đe chiến lược.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img1-2.jpeg

Tập Cận Bình trao cờ cho hạm trưởng các tàu trong buổi lễ triển khai 3 tàu chiến mới. Ảnh: CCTV/ Viet Times

 

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tập trận ở Biển Đông sau động thái mới của ông Tập Cận Bình. Cục Hải sự TQ (MSA) thông báo, cuộc tập trận mới của nước này diễn ra ở Biển Đông từ 8h sáng đến 18h tối mỗi ngày, từ 25 đến 30/4. Phía TQ đơn phương cấm tàu thuyền vào khu vực tập trận có bán kính 3 hải lý ở gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam của TQ. Thông báo tập trận công bố đúng ngày ông Tập Cận Bình tham dự buổi lễ đưa vào biên chế 3 tàu chiến mới nói trên.

 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Trung Quốc có thể đưa tàu tấn công đổ bộ đến Biển Đông. Nhà bình luận quân sự Song Zhongping của TQ tiết lộ, tàu sân bay trực thăng Hải Nam đã được biên chế vào Hạm đội Nam Hải, trực thuộc Chiến khu Nam Bộ. “Điều này không có nghĩa là nó chỉ có nhiệm vụ tác chiến ở Biển Đông mà nó còn thực hiện nhiệm vụ ở xung quanh đài Loan và nhiệm vụ liên chiến khu”. Họ Song cho biết, tàu Hải Nam sẽ hoạt động trên Biển Đông là chính.

https://www.youtube.com/watch?v=sM1nlvpjhqA

 

 

Đài ANC 24/7 có clip về tàu sân bay trực thăng Hải Nam: TQ dự kiến triển khai tàu tấn công đổ bộ lớn nhất của nước này ở Biển Đông.

https://www.youtube.com/watch?v=sM1nlvpjhqA

 

Infonet đặt câu hỏi: Mục đích Trung Quốc liên tục điều máy bay quân sự vào vùng phòng không Đài Loan là gì? Giới quan sát nhận định, ngoài mục đích tăng cường huấn luyện cho các phi công TQ và gia tăng sức ép với Đài Loan, các đội máy bay quân sự TQ xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan còn có mục đích thu thập thông tin tình báo về quân đội các nước đang hoạt động ở Biển Đông. Dữ liệu của Đài Loan cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, có hơn 650 máy bay quân sự TQ tiến vào ADIZ phía tây nam Đài Loan trên hành trình tới eo biển Ba Sĩ.

 

Zing dẫn lại tuyên bố của Liên minh châu Âu – EU: Tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu ‘đe dọa hòa bình trên Biển Đông’. Đại diện của EU bình luận về đội tàu dân binh TQ ở Đá Ba Đầu: “Căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu cá lớn từ Trung Quốc tại đá Ba Đầu, đe dọa nền hòa bình và ổn định trong khu vực”. EU còn cáo buộc TQ có hành vi đe dọa hòa bình trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

 

Trong tuyên bố, EU cam kết ủng hộ tuyến đường hàng hải an toàn, tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ủng hộ sự tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). EU cũng phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

 

WION có clip về diễn biến mới ở Biển Đông: EU bác bỏ yêu sách chủ quyền của TQ.

https://www.youtube.com/watch?v=Q2zyJuS1Zwg&feature=emb_logo

 

Báo Người Lao Động đưa tin: Anh chuẩn bị đưa lực lượng hùng hậu tới biển Đông. Nguồn tin từ đài Sky News cho biết, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tiến hành sứ mệnh “phất cờ của nước Anh” vào tháng 5/2021. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo, mục đích của chuyến đi tới khu vực Thái Bình Dương, qua 40 nước, nhằm thể hiện, London đang đóng vai trò tích cực trên thế giới.

 

Nhóm hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dự kiến gồm 6 tàu hải quân Hoàng gia, một tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Tomahawk. Trong đó có 2 tàu khu trục HMS Defender và HMS Diamond, 2 tàu khu trục chống ngầm HMS Kent và HMS Richmond, 2 tàu RFA Fort Victoria và RFA Tidespring, cùng 4 trực thăng tấn công hàng hải Wildcat, 7 trực thăng chống ngầm Merlin Mk2 và 3 trực thăng Merlin Mk4.

 

Vụ Úc chấm dứt thỏa thuận “Vành đai và Con đường” với TQ, VOV đặt câu hỏi: Vì sao Australia từ chối “cành ô liu” của Trung Quốc? Một số lãnh đạo của Úc từng “mềm lòng” trước những lời dụ dỗ của TQ, nhưng bây giờ họ nhận ra rằng, thỏa thuận BRI của bang Victoria với TQ là một phần trong chiến lược nhằm qua mặt chính quyền liên bang và chia rẽ nước Úc. Thượng nghị sĩ Kimberley Kitching bình luận: “Chúng ta cần có chung 1 tiếng nói bởi nếu không làm vậy, chúng ta sẽ để cho một chính phủ nước ngoài phá hoại lợi ích quốc gia của mình”.

_____

 

Mời đọc thêm: Trung Quốc đưa 3 tàu chiến mới cỡ lớn vào hoạt động trong cùng một ngày (TG&VN). – Trung Quốc tính đưa tàu tấn công lưỡng cư tối tân nhất tới Biển Đông — Khám phá tàu tấn công đổ bộ Hải Nam được truyền thông Trung Quốc hết lời ca ngợi (VietTimes). – Trung Quốc đưa tàu chiến mới ra Biển Đông, lo ngại căng thẳng khu vực gia tăng (VTC). – Nhật đổ tiền cho đảo của Ấn Độ để giám sát tàu ngầm Trung Quốc (Zing). – Tạp chí Trung Quốc: Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân biển để thách thức Bắc Kinh (VOA).

 

– EU ra tuyên bố lên án Trung Quốc đe doạ hoà bình ở Biển Đông (TP). – EU lo ngại hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện gần đá Ba Đầu trên Biển Đông (GT). – EU: Tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực (VTC). – [ẢNH] Phi đội F-16 Mỹ mang tên lửa AIM-120 và AIM-9 tới Biển Đông hội quân (ANTĐ). – Công nghệ thế hệ tiếp theo giúp Mỹ ngăn chặn Trung Quốc tiến đánh Đài Loan như thế nào? (VietTimes). – Toàn bộ 53 thủy thủ tàu ngầm KRI Nanggala 402 thiệt mạng (TP).

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats