Friday, 30 April 2021

USCIRF ĐỀ NGHỊ ĐƯA VIỆT NAM TRỞ LẠI "CÁC QUỐC GIA CẦN QUAN TÂM ĐẶC BIỆT" VỀ TÔN GIÁO (Minh Luật)

 


USCIRF đề nghị tái trừng phạt Việt Nam trở lại “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tôn giáo vào năm 2021

Minh Luật

Thứ Sáu, 04/30/2021 - 14:12 — minh-luat

https://www.rfavietnam.com/node/6783

 

Hôm 21/4/2021, Ủy Hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo Thường niên năm 2021 về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Trong Báo cáo này, USCIRF đề xuất Việt Nam là một trong 14 quốc gia lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để chỉ định là “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) vì chính phủ tham gia hoặc dung túng cho các vi phạm tôn giáo có hệ thống, đang tiếp diễn và rất nghiêm trọng.

 

Báo cáo cho biết, trong năm 2020, các điều kiện tự do tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung có xu hướng giống như năm 2019. Chính phủ tích cực thi hành Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, được thực hiện như được viết ra, đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, không chỉ là các nhóm tôn giáo độc lập mà còn có cả nhóm được chính phủ công nhận.

 

Báo cáo ghi nhận: “Nhà cầm quyền tiếp tục tích cực đàn áp các cộng đồng thiểu số tôn giáo độc lập, bao gồm cả người Hmong theo đạo Tin lành và Người Thượng theo đạo Thiên chúa, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Thống nhất, Tín đồ Cao Đài, Công giáo, và các học viên Pháp Luân Công. Các cộng đồng sắc tộc thiểu số phải đối mặt với cuộc đàn áp đặc biệt nghiêm trọng vì thực hành ôn hòa đức tin của họ, bao gồm hành hung thể xác, trục xuất, giam giữ, bỏ tù và buộc từ bỏ.”

 

Báo cáo cũng nêu lên các vụ việc tra tấn và ngược đãi các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người ủng hộ tự do tôn giáo trong năm 2020, tiêu biểu như trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển - một người ủng hộ Phật giáo Hòa Hảo bị kết án 11 năm tù, trong tình trạng sức khỏe kém và tuyệt thực để phản đối điều kiện nhà tù, cũng như Ban quản lý trại giam tỉnh Nam Hà tiếp tục từ chối cung cấp Kinh thánh cho nhà hoạt động môi trường Công giáo Lê Đình Lượng.

 

Ngoài ra, “Hội Cờ đỏ” cũng được bêu tên trong báo cáo là một tổ chức được nhà nước hậu thuẫn, tham gia với các tổ chức chính phủ trong việc phổ biến tuyên truyền trực tuyến thúc đẩy phân biệt đối xử và không khoan dung chống lại các nhóm tôn giáo. Theo báo cáo: “Hội Cờ đỏ đã được hoạt động từ năm 2017 và đã tham gia vào các vụ bạo lực tấn công Cộng đồng Công giáo. Mặc dù được thông báo là đã giải thể vào năm 2018, nhưng Hội này đã chuyển hoạt động sang các nền tảng trực tuyến. Trong một ví dụ, Hội Cờ đỏ đã tấn công ba thành viên của Cộng đồng Công giáo với ngôn ngữ xúc phạm trên trang web của mình, gọi họ là ‘những kẻ khủng bố và ‘những kẻ bại não’."

 

Báo cáo cũng chỉ ra Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có thể được sử dụng cùng với việc triển khai các sắc lệnh và quyết định trừng phạt và đàn áp các nhóm tôn giáo và các cá nhân. Báo cáo nhận định "Luật Bí mật Nhà nước, một số tài liệu liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng- như biên bản cuộc họp giữa các nhóm tôn giáo và chính phủ - có thể được phân loại là bí mật nhà nước, trong khi người sở hữu hoặc phổ biến "trái phép" những thông tin đó có thể là bị truy tố hình sự hoặc xử phạt hành chính."

 

Cơ quan đệ trình báo cáo, USCIRF là một cơ quan độc lập và lưỡng đảng của chính phủ Hoa Kỳ, được thành lập theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, nhằm ưu tiên tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. USCIRF có nhiệm vụ xác định rõ ràng các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo trên toàn thế giới và lập ra các phương cách yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ có hành động chống lại các quốc gia vi phạm các tiêu chuẩn tự do tôn giáo quốc tế. Hàng năm, thông qua các báo cáo thường niên, USCIRF đề xuất lên Bộ Ngoại giao chỉ định các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống và nghiêm trọng vào danh sách CPC.

 

Việt Nam được chỉ định vào CPC vào các năm 2004 và 2005, sau đó được đưa ra khỏi danh sách này vào năm 2006. Năm nay, USCIRF đề xuất tái trừng phạt Việt Nam trở lại CPC.

 

Trong báo cáo lần này, USCIRF đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam cần sữa đổi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó việc đăng ký tôn giáo không phải là một yêu cầu bắt buộc và không sử dụng việc đăng ký như là một công cụ để kiểm soát tôn giáo.

 

Phản ứng trước báo cáo của USCIRF, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều ngày 29/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói: “Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tại Việt Nam. Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật.”

 

-----

Bạn đọc quan tâm có thể đọc chi tiết báo cáo (phần Việt Nam bắt đầu từ trang 52).

 

minh-luat's blog

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats